Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ (10/11/1929-10/11/2023): Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng

Thứ năm - 09/11/2023 11:30 3.597 0
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), nền kinh tế của nước Pháp lâm vào khủng khoảng trầm trọng. Để bù đắp sự sa sút đó, thực dân Pháp tăng cường khai thác Đông Dương lần thứ hai một cách toàn diện với quy mô lớn hơn trước, đồng thời ra sức bóc lột, vơ vét tận cùng dân bản xứ. Các đồn điền của người Pháp phát triển mạnh, ruộng đất của nông dân Cần Thơ lần lượt rơi vào tay đồn điền Pháp và địa chủ.
9 11 chibo
Ngày nay nơi thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ và Nhân dân. Trong ảnh: Đảng ủy Khối Doanh Nghiệp TP Cần Thơ tổ chức kết nạp đảng viên mới – hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 – 01/01/2024). Ảnh: An An.

Đến năm 1929, ở Cần Thơ có 3 đồn điền với diện tích lớn nhất là Albert - Gressier (Bảy Ngàn), Paul Eméry (Cờ Đỏ) và Labasthe (Phụng Hiệp - Kế Sách). Chúng chiếm 23.000 ha trên tổng số 196.200 ha (1930) đất trồng trọt ở Cần Thơ lúc bấy giờ là “đất thuộc” từ tay nông dân. Đó là chưa kể 38 tên người Pháp có đất trên 1.000 ha và những đồn điền như Đông Pháp ở Trường Long, Nhơn Ái (Châu Thành) và đồn điền Bahambăng... Chúng chiếm 3/10 ruộng đất ở Cần Thơ (lúc này, toàn tỉnh có gần 200.000 ha). Ngoài ra, còn một số trung, tiểu địa chủ, phú nông cũng chiếm cứ một khoảng diện tích khá lớn1. Nông dân mất đất trở thành tá điền, cố nông, ở đợ cho địa chủ và đồn điền Tây, trở thành người làm thuê. Đặc biệt, với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp mang tên gọi là “khai hóa văn minh” đã đẩy người nông dân không còn mảnh đất trong tay, bần cùng, dốt nát, làm phá sản một số trung nông, địa chủ nhỏ, tạo sự phân hóa sâu sắc, hình thành các giai cấp mới trong xã hội ở Nam Bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng trong những năm 1901 - 1933.

Đến những năm 20 của thế kỷ XX, dưới sự tác động và ảnh hưởng của các phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước. Nhiều tổ chức, cơ sở yêu nước ở Cần Thơ nhanh chóng ra đời và phát triển mạnh mẽ để lãnh đạo Nhân dân Cần Thơ đấu tranh chống lại sự đàn áp, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến. Các cuộc đấu tranh của Nhân dân ta bước đầu giành được những thắng lợi cơ bản, đánh dấu sự trưởng thành của các phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh.

Ngày 07/6/1926, tại Chùa Nam Nhã (Bình Thủy), tổ chức yêu nước đầu tiên được thành lập, lấy tên là “Việt Nam Phục Quốc Đảng” do các anh, em yêu nước ở hai tỉnh Cần Thơ và Long Xuyên tham gia. Tổ chức này chủ trương gấp rút tìm người ra nước ngoài học tập để trở về hoạt động cách mạng.

Tháng 02/1928, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Cần Thơ được thành lập gồm 04 đồng chí, do đồng chí Trần Ngọc Quế làm Bí thư kiêm phụ trách thanh niên, học sinh, trí thức; đồng chí Ung Văn Khiêm và đồng chí Bùi Văn Sính phụ trách công nhân; đồng chí Lê Văn Sô phụ trách nông dân (trụ sở bí mật của Tỉnh bộ đặt gần Cầu Tham Tướng và tiệm giày Hồng Đức ở nội ô thị xã Cần Thơ). Đến tháng 5/1929, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Cần Thơ đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng trong tỉnh cùng với phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, dân sinh chống áp bức bóc lột của thực dân Pháp, bọn địa chủ tay sai; đưa những sách báo tiến bộ, tài liệu cách mạng truyền bá trong Nhân dân...

Sau Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (từ ngày 01 đến ngày 09/5/1929), đồng chí Châu Văn Liêm2 về nước và quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng vào ngày 07/8/19293. Trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của các phong trào cách mạng, ở Cần Thơ cần có một chi bộ Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Chính vì vậy, tổ chức An Nam Cộng sản Đảng đã tiến hành triển khai công tác xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng.

 Đầu tháng 9/1929, đồng chí Châu Văn Liêm về Cần Thơ liên hệ với một số cơ sở An Nam Cộng sản Đảng, chuẩn bị hình thành tổ chức Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng toàn vùng Hậu Giang. Đồng chí Trần Thị Thơ (còn gọi là Quyền) được giao nhiệm vụ tìm thuê một “căn phố” trong khu vực Chợ Bình Thủy để làm nơi ở và hoạt động của các đồng chí lãnh đạo.
Trung tuần tháng 9/1929, tại căn nhà trệt ở Chợ Bình Thủy (nay là số 34/7, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) diễn ra sự kiện quan trọng đối với Đảng bộ vùng Hậu Giang. Đó là, Hội nghị thành lập “Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang” do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì. Ban Chấp hành Đặc ủy đầu tiên gồm các đồng chí: Ung Văn Kiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn), Lê Văn Sô, Nguyễn Văn Trí..., do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư. Chủ trương của Đặc ủy là khẩn trương chọn các đồng chí vững vàng trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để kết nạp vào Đảng và xác lập các chi bộ Đảng Cộng sản ở các xí nghiệp, trường học, đường phố và các xã ở nông thôn. Thực hiện chủ trương trên, các đồng chí được phân công đi các tỉnh để xây dựng cơ sở, thành lập các tổ chức Chi bộ Đảng.

Đêm ngày 10/11/1929, tại đồn điền Cờ Đỏ thuộc làng Thới Đông, quận Ô Môn (nay là huyện Cờ Đỏ), Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ được thành lập do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở đồn điền Cờ Đỏ, nơi tập trung đông nông dân lao động, tá điền và phu khuân vác, trong lòng họ luôn luôn chất chứa nỗi uất hận thực dân, phong kiến. Để tìm hiểu tâm tư của bà con, các đồng chí thay nhau đi vào nông thôn, hòa mình với nông dân, làm cả các công việc nặng nhọc như đóng cừ, xây lẫm lúa cho đồn điền, khuân vác cây, đá để làm chợ Cờ Đỏ... Qua đó, các đồng chí hiểu thêm tình cảm của nông dân và công dân ở đây, tuyên truyền gợi khổ, nhen nhúm trong lòng quần chúng ngọn lửa căm thù bọn địa chủ, điền “Tây” bóc lột cùng kiệt sức lao động của dân nghèo, chỉ ra cho họ con đường đấu tranh giải thoát cảnh áp bức bất công, đói nghèo.

Cuối tháng 11/1929, tại vàm Bù Hút, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Phong Hòa được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Hanh làm Bí thư. Làng Vĩnh Xuân (quận Cầu Kè) là nơi sớm thành lập chi bộ trong tỉnh (cuối năm 1929) do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư. Từ Chi bộ Vĩnh Xuân, các đồng chí đi tuyên truyền, tổ chức cơ sở cách mạng ở các vùng trong quận như: Trà Côn, Tam Ngãi,... Ở Ô Môn, Chi bộ làng Thới An được thành lập năm 1930, do đồng chí Mao Văn Gương làm Bí thư. Ở thị xã Cần Thơ lập Chi bộ Nhà đèn và Sở Vệ sinh (ghép), Chi bộ Trường Collège de Can Tho thành lập vào khoảng tháng 01/1930, Xưởng sửa chữa ô tô Năm Tàu (Tham Tướng), Garage Tư Quờn, xóm Chài, các làng An Bình, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái đều có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Nhìn chung, các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cần Thơ ra đời đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh, đồng thời tỏ rõ năng lực hoạt động và uy tín của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng. Hầu hết, các tổ chức Đảng ở cơ sở phát triển khá nhanh và lực lượng quần chúng tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng đông.

Có thể nói, sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ (10/11/1929) - Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ không chỉ thúc đẩy phong trào cách mạng ở Cần Thơ phát triển mà còn tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương trong vùng như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long... Từ Chi bộ đầu tiên, trong tỉnh có thêm nhiều chi bộ khác được thành lập. Các tổ chức quần chúng của Đảng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ phản đế cũng được tổ chức ở nhiều nơi, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đã tập hợp đông đảo Nhân dân, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng. Những Chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng được xây dựng là nhân tố quan trọng đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên những bước mới.
Nghĩa Trần
---------------------------------------
1 - Đại địa chủ: 44 hộ, mỗi hộ có trên 500ha, chiếm 54.724 ha.
- Trung địa chủ: 485 hộ, mỗi hộ có 100-500ha, chiếm 58.465 ha.
- Tiểu địa chủ: 419 hộ, mỗi hộ có 50-100ha, chiếm 21.653 ha.
- Phú nông: 3.462 hộ, mỗi hộ có 10-50ha, chiếm 39.764 ha.
- Trung nông lớp trên: 2.161 hộ, mỗi hộ có 5-10ha, chiếm 11.023 ha.
- Trung nông lớp dưới: 13.224 hộ, mỗi hộ có 1-5ha, chiếm 11.220 ha.
- Còn lại là: 51.450 hộ không có ruộng đất trong tổng số 71.245 hộ.
(Theo thống kê ruộng đất của Pháp ở Cần Thơ năm 1930 do đồng chí Trần Văn Khéo thực hiện).
2 Đồng chí Châu Văn Liêm lúc bấy giờ với cương vị là đại biểu của Kỳ ủy Nam Kỳ đi dự Đại hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và là thành viên trong Ban trù bị thành lập Đảng.
3 Cuộc họp thành lập An Nam Cộng sản Đảng được tổ chức tại “Phong cảnh khách lầu”, Sài Gòn - Gia Định.
4 Ở  Nam kỳ: An Nam Cộng sản Đảng, Trung kỳ: Đông Dương Cộng sản liên đoàn, Bắc kỳ: Đông Dương Cộng sản Đảng.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1- Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006.
2- Thành ủy Cần Thơ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng”, xuất bản 2019.
3- Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ, tập I (1929 - 1945), xuất bản 2020.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây