Cần Thơ triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Chủ nhật - 18/06/2023 21:26 948 0
Ngày 16/6/2023, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 205-KH/TU về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ thực hành sửa chữa xe ô tô. Ảnh: Đăng Khoa.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW, tập trung tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp như sau: 

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức quán triệt, thực hiện và tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân,  nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Ưu tiên việc đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và đối tượng yếu thế trong xã hội bằng các hình thức hỗ trợ phù hợp. Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia.

Thứ tư, rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập tjheo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của  Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII). Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.  Nâng cấp chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; quan tâm đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho ngành, nghề trọng điểm.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư, huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Thứ tám, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, mở rộng mô hình đào tạo nghề chất lượng cao thông qua hệ thống đào tạo của các nước tiên tiến; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và quốc tế.
Thái Hàn
File đính kèm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây