Trang thông tin điện tử Tuyên giáo Cần Thơ

http://bantuyengiao.cantho.gov.vn


Ký ức nhà giàn

Thức trắng đêm canh chừng sóng gió, gọt gốc rau dền thái nhỏ nấu canh, quây quần bên nhau nghe tin thời sự, quặn thắt tim nghe tin đồng đội hy sinh... đó là ký ức không bao giờ quên trong tôi - người chiến binh nhà giàn DK1.

Tháng 10-1994, tôi được Quân chủng Hải quân điều ra nhà giàn DK1 nhận nhiệm vụ với chức danh phó chỉ huy trưởng về chính trị. Lúc đó tôi mới 23 tuổi, đeo hàm trung úy, là một trong những sĩ quan trẻ nhất được điều động tăng cường cho nhà giàn DK1.

Ra tuyến đầu Tổ quốc

Sau hơn 3 tháng huấn luyện "khung bờ", đầu tháng 4 năm ấy, tôi "cầm quân" 9 cán bộ, chiến sĩ theo tàu HQ - 624 của Hải đội 812 đi DK1. Nhà giàn đầu tiên tôi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ là DK1/6 - lúc đó chưa được gọi theo tên DK1 mà có tên dân sự là Phúc Nguyên 2A.

Trước ngày xuống tàu, đại tá Hoàng Kim Nông, lúc đó là Phó Lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 171, căn dặn: "Ra nhà giàn là ra tuyến đầu Tổ quốc. Đảng, nhà nước, nhân dân tin tưởng và giao trọng trách cho các đồng chí. Ngoài đó sóng to gió lớn, khó khăn gian khổ nhưng càng khó khăn gian khổ các đồng chí càng vững niềm tin nhé!".

Các nhà giàn DK1 vững chãi ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc

Ngày đó, đi nhà giàn DK1 đồng nghĩa với ra trận tuyến chiến đấu. Biển xa sóng gió biết điều gì có thể lường trước được. Chúng tôi bước chân xuống tàu mang theo niềm nhớ đất liền. Hình bóng mẹ già, ruộng vườn, đầu ngõ hiện lên trong tâm trí.

Tàu HQ - 624 hú ba hồi còi rồi rẽ sóng ra khơi. Những con sóng lừng lững như quả núi ập vào thân tàu. Sau 2 đêm 3 ngày hải trình không nghỉ, chiến sĩ tín hiệu tàu hô to "đến nhà giàn rồi anh em ơi". Tôi nhoài người qua ô cửa kính tàu quan sát. Nhà giàn đây ư? Nhà của chúng tôi sẽ sống và chiến đấu trên đó ư? Nghĩ về câu chuyện sóng gió, bão tố đánh sập nhà giàn Phúc Tần 3 vào năm 1990 và Tư Chính 1A (năm 1991) khiến các đồng đội hy sinh, tôi trào nước mắt.

Tàu không thể hạ xuồng vì sóng to. Chúng tôi nhảy xuống biển lần theo dây mồi bơi vào nhà giàn. Lương thực, thực phẩm được gói kỹ trong bao bảo quản thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên.

Những năm 1994-1999, hệ thống nhà giàn chưa được xây dựng mới như bây giờ. Tất cả 15/15 nhà giàn đều thuộc "thế hệ nhà giàn một thân" do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng. Sóng to gió lớn, nhà giàn xuống cấp. Hệ thống áo phao cá nhân, phao cứu sinh cũ kỹ. Ban ngày nắng như đổ lửa, chúng tôi lên trần nhà tập ngắm bắn các mục tiêu trên biển và mục tiêu đối không. Cả nhà giàn chỉ có 1 téc đựng nước chừng 40 khối nên việc tắm giặt rất chi li. Chỉ huy trưởng nhà giàn quy định "tuần tắm một lần vào cuối tuần, nước đánh răng rửa mặt dùng để tưới rau". "Chất xơ" trong các bữa ăn là giá đỗ tự ủ, hoặc rau muống khô từ đất liền gửi theo tàu ra. Những lúc biển động không câu được cá, chúng tôi nhổ gốc rau dền tước vỏ thái nhỏ nấu canh. Cũng có đợt bão tố cả nửa tháng, cả nhà giàn ăn cơm với cá kìm khô và nước mắm tự làm.

Ngày ấy cũng chưa có internet như bây giờ. Thông tin từ đất liền chủ yếu là nghe qua radio lúc được lúc mất do sóng chập chờn. Tối lại, anh em quây quần ngồi dưới sàn nhà xem video ca nhạc - loại băng từ bản to như cuốn sách. Nhà giàn lúc đó cũng đã có chảo thu vệ tinh TVRO nhưng bị sóng đánh "lệch múi giờ" nên không xem được. Mỗi lần muốn nghe tiếng nói vợ con, bố mẹ, người thân từ đất liền, phương tiện duy nhất là đăng ký qua đài radio Vũng Tàu duyên hải. Nếu chiến sĩ nào có bố mẹ mất, không thể về chịu tang, phải chờ đến chuyến tàu sau, thậm chí phải chờ cả năm mới vào được đất liền.

Ở nơi đồng đội nằm xuống

Ngày 12-12-1998, cơn bão có tên Fathes tràn quà vùng biển nước ta. Vùng biển DK1 là trung tâm mắt bão, trong đó DK1/6 trúng "vệt bão cày qua". Lúc đó, tôi vừa trở về đất liền sau cả năm "sống với biển, vui buồn với biển".

Tuy về đất liền nhưng đêm ấy, tôi cùng tiểu đội báo vụ thuộc Đại đội Thông tin, Lữ đoàn 171 thức suốt đêm để trực đài canh, nối thông tin liên lạc giữa DK1/6 với Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân, Sở Chỉ huy Lữ đoàn 171 (Thông tin Lữ đoàn 171).

Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn đã anh dũng hy sinh trên biển

Thông tin cho thấy gió mỗi lúc một lớn, biển động dữ dội khiến nhà giàn DK1/6 chao đảo. Những con sóng to như quả núi đổ ập vào làm nhà giàn nghiêng 15 độ. Để không bị nhấn chìm, lệnh từ Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân: tất cả tàu trực ở vùng biển DK1 đều vào đất liền tránh bão hoặc tìm nơi trú tránh. Lúc đó, trên nhà giàn DK1/6 có 9 cán bộ, chiến sĩ: Đại úy - chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, thượng úy - chỉ huy phó quân sự Dương Văn Hoan, chuẩn úy - nhân viên radar Lê Đức Hồng, chiến sĩ pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, chiến sĩ tín hiệu Nguyễn Văn Thuật, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn An, chiến sĩ quân y Nguyễn Hữu Tôn và chiến sĩ Hoàng Văn Thủy.

Trước ngày tôi đi nhà giàn, vợ mang thai con trai. 12 tháng sau về đất liền, con đã chập chững đi. Bế con trên tay, nó nhìn trân trân, không nhận ra bố, trong lòng không kìm được nước mắt. Đời lính biển là như thế, phải đi biền biệt, vì nhiệm vụ phải gác chuyện gia đình.

23 giờ đêm, sóng lớn trùm qua nhà giàn. Hệ thống dây thông tin bị sóng chặt đứt, máy nổ tắt ngấm, hệ thống điện bị cháy. Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy miệng cắn đèn pin bò qua cầu thang lên trần nhà nối lại dây ăng-ten. Từ máy I-Com sóng cực ngắn, tôi nghe rõ giọng chiến sĩ Thủy nói với nhân viên đài canh Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân: "Chị Vân ơi, em là Hoàng Văn Thủy ở nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Em biết nhà giàn sẽ không chịu được sóng gió. Sẽ sập đổ. Nếu em chết đi, chị viết thư báo cho bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh ở xóm 9 Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An chị nhé".

Chúng tôi ôm nhau khóc, chết lặng người nghe từng câu, từng lời các chiến sĩ cầu cứu nhưng không làm sao được.

Rạng sáng hôm sau, 3 giờ ngày 13-12-1998, nhà giàn DK1/6 sập đổ hoàn toàn, cuốn theo 9 cán bộ chiến sĩ. Sau hơn 2 ngày đêm tìm kiếm, tàu HQ-608 tìm cứu được 6 người, 3 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại biển xanh.

Các chiến sĩ nhà giàn câu cá, trồng rau, nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Trước lúc hy sinh, đại úy Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc vào lòng rồi để sóng cuốn đi. Chuẩn úy Lê Đức Hồng vẫn nguyên vẹn đời trai, còn thiếu úy Nguyễn Văn An để lại quê hương (xã Kim Mật, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) người vợ trẻ và đứa con thơ chưa một lần nhìn mặt.

Sau sự cố nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng đánh sập, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã cho gia cố vững chắc các nhà giàn hai thân như ngày nay. Trong 6 cán bộ chiến sĩ sống sót từ nhà giàn Phúc Nguyên 2A ngày ấy, một số người đã ra quân, chuyển ngành.

Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy, nhân chứng sống trở về thuở ấy đang sống ở Vũng Tàu. Thủy rưng rưng nước mắt khi tôi hỏi chuyện về những năm tháng ở DK1. Thủy khẳng khái: "Đó là những ngày đẹp đẽ nhất của đời lính biển tôi không bao giờ quên".

Còn tôi, mỗi lần kể chuyện DK1, ký ức hùng tráng những ngày sống ngoài nhà giàn lại ùa về. 

Bài và ảnh: HOÀNG LONG

Theo Báo Người Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây