Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954: Không để các thế lực phản động xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử

Thứ hai - 20/05/2024 06:03 56 0
Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954 là chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc ta, có giá trị to lớn về lịch sử và thời đại đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và đời sống quốc tế, đặc biệt là đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng của dân tộc ta ở thế kỷ XX mà chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho đất nước hôm nay, để Nhân dân Việt Nam ngẩng cao đầu, vững bước đi tới tương lai. Tuy nhiên, trong khi cả nước ta đang triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), thế nhưng vẫn có những người do đối lập về lập trường chính trị, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc, phủ định những giá trị lịch sử của chiến thắng vĩ đại này.
 
20 5 buctuong
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên cứ điểm đồi D1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Ảnh sưu tầm.

70 năm đã trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2017) là một chiến dịch điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Sự kiện này đã lùi vào lịch sử, dấu tích chiến tranh ngày càng lùi xa, nhưng giá trị và ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này vẫn vẹn nguyên, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại

Năm 1954, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. 55.000 quân đã tham gia lực lượng chiến đấu, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động. Hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm mở đường ra mặt trận. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công. Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công, nâng cao được uy lực, chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, dũng mãnh, ngoan cường, khoét núi, ngủ hầm, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt mọi khó khăn, thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược đầu tiên của quân đội ta kể từ ngày thành lập (ngày 22/12/1944), kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Genève (ngày 21/7/1954).

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” [1.tr 315]. “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” [2.tr 271].

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc thời đại, đó là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là sự lãnh đạo, tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu, là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện thế giới, khẳng định sức mạnh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, của Nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập trên thế giới và đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý đó đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được coi như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, mà còn là tiền đề cho những chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đại thắng mùa Xuân năm 1975, để đất nước hòa bình, thống nhất.

Không để các thế lực phản động xuyên tạc, bóp méo lịch sử chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hân hoan chào đón các sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước, các ngày lễ lớn của dân tộc thì cũng là lúc các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, chống đối lại điên cuồng chống phá. Lần này cũng không ngoại lệ, trên một số trang báo, trang mạng xã hội, như: Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel… chúng tiếp tục đưa ra các thông tin, luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thật về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954)… Không chỉ tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử, nguy hiểm hơn, chúng cố tình nhập nhằng, đánh lận bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của Nhân dân ta với cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của thực dân Pháp, cho rằng trận Điện Biên Phủ “chỉ là cuộc đụng độ giữa 2 thế lực hiếu chiến”. Họ còn tráo trở rằng: hành động chiến tranh của quân đội Pháp ở Việt Nam và ở chiến trường Điện Biên Phủ “là cần thiết, mang ý nghĩa cao cả”. Thậm chí, có những người còn đưa ra luận điệu mơ hồ, thiếu suy nghĩ rằng: “làm gì phải phát động chiến tranh, chỉ cần đợi đến lúc nào đó thực dân, đế quốc rồi cũng phải trả lại chủ quyền đất nước”,… Đây là những luận điệu không mới về thủ đoạn, nhưng hết sức thâm độc với mục đích gieo rắc sự hoài nghi, nhằm làm giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, không để các thế lực phản động xuyên tạc, bóp méo lịch sử chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thứ nhất, không thể xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử mang tầm thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vì đây là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc thời đại. Không những buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn buộc chúng phải công nhận độc lập của nhân dân Lào và Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Đây là một chân lý lớn của thời đại: các dân tộc bị áp bức, xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do, thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Điều đó đã được Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định và chứng minh sinh động trong thực tiễn bằng chính tinh thần và ý chí chiến đấu, hy sinh của quân và dân ta.

Thứ hai, việc đánh tráo, đảo lộn bản chất, tính chất của cuộc kháng chiến là rất nguy hiểm. Nó vừa làm cho một số người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về lịch sử, trình độ thấp (nhất là chưa học đến môn lịch sử) dễ mất cảnh giác, không nhận thức đúng bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ của Nhân dân ta và hành động chiến tranh xâm lược thực dân Pháp. Đây là cuộc đọ sức trong suốt chín năm kháng chiến và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức giữa Nhân dân của một dân tộc có lòng yêu nước thiết tha, đầy khát vọng giải phóng, quyết tâm giành cho được độc lập dân tộc, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”[3.tr 543] với thực dân Pháp xâm lược có vũ khí tối tân, hiện đại hơn gấp mấy lần. Tính chất chính nghĩa, phi nghĩa của các bên trong cuộc đọ sức lịch sử này đã rõ như ban ngày, không thể nói bừa đó là “cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến”. Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân ta chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự hội tụ đến đỉnh điểm quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân ta, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính nghĩa ấy. Trong cuộc đọ sức ấy, Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có chính nghĩa, có “những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn” địch, chúng ta “nhất định thắng lợi”.

Thứ ba, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bài học phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân”. Là Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm, chủ trương, giải pháp tạo ra những nhân tố, những điều kiện để quy tụ, khơi dậy lòng yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp Nhân dân và toàn thể dân tộc chiến đấu vì lợi ích của Tổ quốc, tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là:

- Đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã khơi dậy và phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”; hưởng ứng lời kêu gọi đó, Nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. Đây là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Một nhân tố trung tâm, cốt lõi có ý nghĩa cực kỳ to lớn trở thành động lực để phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là việc thiết lập chế độ xã hội mới, chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính thông qua đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân và đem lại quyền lợi thiết thực cho Nhân dân, nên đã động viên được sức mạnh của cả nước tham gia kháng chiến. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân và phát huy sức mạnh của chính quyền đó trong ban hành, thực thi các chính sách phát huy dân chủ trên lĩnh vực chính trị  - kinh tế - xã hội. Cùng với việc tích cực chuẩn bị cho chiến trường, ở hậu phương vùng mới giải phóng, Đảng ta thực hiện chủ trương đem lại ruộng đất cho dân cày, thực hiện chế độ bầu cử, xóa nợ, hoãn nợ cho nông dân… Việc làm đó đã động viên được các tầng lớp Nhân dân ở vùng tự do, mới giải phóng và sau lưng địch, thậm chí cả cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành khối đại đoàn kết, tập trung sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng có giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đó là chiến thắng của độc lập dân tộc trước thế lực thực dân xâm lược; chiến thắng của chính nghĩa, nhân đạo trước phi nghĩa, bạo tàn và là chiến thắng của ý chí giải phóng của Nhân dân, dân tộc Việt Nam và là khát vọng hòa bình của nhân loại, các dân tộc bị áp bức trên thế giới trước thế lực đế quốc, thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: “Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”[4. tr 220]. Bài học, giá trị và tinh thần Điện Biên Phủ đã tiếp nối và nhân lên sức mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Kế thừa tinh thần đó, chúng ta bước vào cuộc chiến đấu mới, đấu tranh loại bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, tiến lên thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
                                                                             Phạm Văn Dữ
-----------------------------------
-------------------
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 315
2. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 271
3. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 22
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây