GIÁ TRỊ NHÂN VĂN VÌ SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA
Thứ nhất, xóa bỏ giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội.
Ngày 7/11/1917, lần đầu tiên, công nhân, nông dân, quần chúng lao động bị áp bức bóc lột, dưới sự lãnh đạo của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã đứng lên đập tan ách thống trị của bọn địa chủ và tư bản, Cách mạng Tháng Mười thực hiện sứ mệnh giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi chế độ áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ của xã hội.
Với Cách mạng Tháng Mười, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền tự quyết của các dân tộc đã được thực hiện ở một quốc gia. Cuộc cách mạng nàyđem lại nhà máy cho công nhân, ruộng đất cho nông dân, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc, bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho mọi người.Nhận định về vấn đề này, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, cách mạng Tháng Mười Nga:“Là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Bônsêvích lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười Nga đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”(1).Đó là giá trị nhân quyền lớn nhất, đích thực của cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Thứ hai, xây dựng chính quyền mới tất cả vì dân.Là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Cách mạng Tháng Mười đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm, nghị lực cách mạng phi thường, tài năng sáng tạo của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cũng như trong xây dựng xã hội mới.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết, mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Cách mạng Tháng Mười Nga thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, nâng họ lên hàng những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới. Sức sáng tạo của hàng triệu triệu quần chúng cách mạng là cội nguồn sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại thế kỷ XX. V.I.Lênin khẳng định: Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô Viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đã xóa bỏ nước Nga Sa hoàng và dựng lên một nước Nga mới - Nước Nga Xôviết, đưa giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân Nga lên nắm chính quyền; biến ước mơ, nguyện vọng hàng ngàn năm của quần chúng lao động về một chế độ xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công và nhân dân làm chủ trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, một thời đại mới mở ra - Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại. Nhận định vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(2).
Thứ ba, cách mạng Tháng Mười Nga - một cuộc cách mạng hòa bình vì nhân dân, dân tộc các nước. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã gửi và thực thi một thông điệp hòa bình tới nhân dân thế giới. Ngay trong giờ phút quyết định của cuộc khởi nghĩa với cuộc tấn công cung điện Mùa Đông, Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ hai đã khai mạc trong Điện Xmônnưi (ngày 25-10 theo lịch Nga), thông qua “Sắc lệnh hòa bình”, coi chiến tranh là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại”, đòi các nước đế quốc nhanh chóng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất và tuyên bố với chính phủ các nước sẵn sàng ký ngay một bản hòa ước với những điều kiện công bằng cho tất cả các dân tộc, một hòa ước không có thôn tính và không có bồi thường. Những đề nghị hòa bình của Chính phủ Xôviết đã giành được sự cảm tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới.
Thứ tư, cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã cổ vũ cho phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giành tự do của giai cấp vô sản và nhân dân lao động thế giới. Do hệ quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, lại được cổ vũ và chỉ lối của Cách mạng Tháng Mười, từ năm 1918 đến 1923, ở châu Âu đã bùng lên một phong trào đấu tranh mới, làm rung động nền thống trị của giai cấp tư sản ở nhiều nước.Cách mạng Tháng Mười không chỉ cổ vũ cho phong trào công nhân ở các nước tư bản mà nó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng tại Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Cách mạng Tháng Mười không những đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng và triệt để của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Mười, một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc, đó làxu hướng đi theo ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin với nhận thức mới: Phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, tính tất yếu của sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.
Tác động, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười không chỉ bó hẹp trong phong trào cách mạng thuộc địa theo khuynh hướng vô sản, mà nó bao trùm cả con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản. Nhà cách mạng theo khuynh hướng tư sản nổi tiếng của Indonexia Sukarno đã khẳng định rằng: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười chỉ ra cho nhân dân châu Á sự cổ vũ mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh giành độc lập”(3). Chính nhờ vậy, hàng loạt các nước giành thắng lợi, giải phóng dân tộc như: “Ba Lan, Bungari, Cộng hoà Dân chủ Đức, Hunggari, Rumani, Tiệp Khắc, Anbani, Mông Cổ, Triều Tiên, Cuba và Việt Nam”(4).
Như vậy, có thể nói cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu sắc, khác với nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, cách mạng Tháng Mười không chỉ làm thay đổi nước Nga và có ý nghĩa đối với nhân dân Liên Xô, mà nó còn mang tầm quốc tế sâu sắc. Đối với Việt Nam, giá trị của cách mạng Tháng Mười Nga nói chung, giá nhân văn vì sự nghiệp giải phóng con người có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI, XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về học thuyết con người nói chung và giá trị nhân văn vì sự nghiệp giải phóng con người của cách mạng Tháng Mười Nga nói riêng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công; khỏi nghèo nàn, lạc hậu có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; để con người được giải phóng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì điều tiên quyết, đất nước phải được độc lập, con người phải được tự do.
Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc là điều kiện đầu tiên và quyết định sự nghiệp giải phóng con người; đưa con người từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ, giải phóng con người khỏi áp bức dân tộc. Bước tiếp theo có phần khó khăn, phức tạp và lâu dài hơn là xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, giải phóng con người khỏi áp bức giai cấp, khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”(5). Khi trả lời câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Hồ Chí Minh khẳng định: “Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”(6), “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”(7). “Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(8).
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” chỉ ra phương hướng lớn của chính sách xã hội là: “Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”(9). Tiếp đó, Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”(10); thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”(11).
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. |
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, các thành tựu xây dựng con người của nước ta có xu hướng tăng đều và khá ổn định, cả về giá trị tuyệt đối cũng như thứ hạng. “Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704. Với kết quả này Việt Nam đã lọt vào danh sách các nước phát triển con người cao và được xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ”(12). Tỉ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 năm 1993 xuống còn 16,7 năm 2020 (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,4 năm 2019, cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới. Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm 32% lực lượng lao động).
Những thành tựu về xây dựng con người là minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta đang xây dựng. Đồng thời, phản ánh sự vận dụng, sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về con người và những giá trị nhân văn vì sự nghiệp giải phóng con người của cách mạng Tháng Mười Nga; đó không chỉ là một bước tiến quan trọng của Đảng ta khi nhận thức đúng về yêu cầu tất yếu phải phát triển con người mà còn biến thành nhiệm vụ, thành hoạt động thực tiễn phải được thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ quan trọng khác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay./.
Đại tá, TS. Trịnh Anh Tuấn
Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự
Theo tuyengiao.vn
---------------
(1) (2) (4) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15,tr.387,388,389.
(3) Sukarno: The October Revolution and the Awakening of the Asean peoples, Jakarta, 1961, tr.2.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,t.8,tr.265.
(6) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,t.12, tr.604.
(7) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,t.10, tr.593.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,t.8, tr.518.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam:Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, H, 1991, tr.13.
(10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hộiđại biểutoàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, t.I, tr. 231,232,233.
(12) https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/chi-so-phat-trien-con-nguoi-cua-viet-nam-tang-vuot-bac-629395/.