Cần Thơ triển khai thực hiện có hiệu quả quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học

Thứ ba - 29/11/2022 05:03 1.190 0
Việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân cho các em học sinh. Văn hóa học đường được biểu hiện ở các khía cạnh như giao tiếp, ứng xử văn hóa thông qua công tác giảng dạy, học tập, hoạt động tập thể, vui chơi... các ngành các cấp ở địa phương đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, học sinh nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục.

Do vậy, đi sâu đánh giá các kết quả đã thực hiện được những quy tắc ứng xử này trong học sinh ở thành phố Cần Thơ là hết sức quan trọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng chất hoạt động thực hiện quy tắc ứng xử trong các trường học, góp phần xây dựng người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, gắn với tiêu chí xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” nhằm góp phần phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong học sinh ở thành phố Cần Thơ hiện nay.
image003
image001
Trường Trung học cơ sở Hưng Phú, quận Cái Răng tóm tắt các quy tắc ứng xử áp dụng cho giáo viên và học sinh, treo tại những nơi dễ thấy trong khuôn viên nhà trường. Ảnh: Ng.Quy.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG HỌC SINH Ở CẦN THƠ

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.


Với việc tuyên truyền lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử. Đồng thời, các địa phương, đơn vị đã kết hợp với việc triên khai thực hiện các tiêu chí xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”. Thành phố đã cụ thể hóa hình thức tuyên truyền về văn hóa ứng xử một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như: trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin của địa phương, website nhà trường, trên các bảng tin, bảng thông báo, các phòng làm việc ở các trường học; tuyên truyền thông qua các cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, phát hành tờ rơi, tờ gấp về ứng xử văn hóa trong trường học cho giáo viên và học sinh tham gia; tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học thông qua các hoạt động giao lưu giới thiệu sách, kể chuyện, các buổi sinh hoạt tập thể (sinh hoạt dưới cờ) hàng tuần đến toàn thể cán bộ quản  lý, nhân viên, giáo viên, học sinh theo kế hoạch giáo dục nhà trường đã xây dựng từ đầu năm học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền.

Qua đó, việc thực hiện, chấp hành các quy tắc ứng xử của học sinh có nhiều tiến bộ, tình trạng học sinh vi phạm đạo đức giảm hẳn, không xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật. Trong giao tiếp, học sinh luôn kính trọng, lễ phép, tôn trọng với thầy cô giáo và người lớn tuổi. Trong giao tiếp, xưng hô chuẩn xác hơn, văn hóa hơn, đã bước đầu làm hài lòng thầy cô giáo, bố mẹ và xã hội… từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, hành vi, lối sống có văn hóa trong các nhà trường, ở gia đình và ngoài xã hội. Qua đó: 100% cơ sở giáo dục tuyên truyền văn hóa ứng xử  đến toàn thể cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, phụ huynh và học sinh; 100% tổ chức Đoàn, Đội của trường tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, có tính giáo dục học sinh với việc duy trì các hoạt động của 296 Đội tuyên truyền măng non, Phát thanh măng non, 396 câu lạc bộ “Quyền trẻ em”, 494 Đội cờ đỏ, Đội sao đỏ là các đội nhóm nòng cốt, là kênh tuyên truyền của Đội về các hoạt động trong công tác Đội, tuyên truyền quyền trẻ em và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và chấp hành trật tự an toàn giao thông.

Xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học.

Trước hết, thành phố xác định vị trí và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong nhà trường đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành công văn yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử... Đảm bảo các yêu cầu sau: (1) Các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh, và cha mẹ học sinh). (2) Bộ Quy tắc quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử; đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi, các cấp học và văn hóa đặc trưng của địa phương. (3) Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh và phụ huynh học sinh biết và thực hiện. (4) Bộ Quy được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, website nhà trường, trong phòng học, phòng làm việc và những nơi cần thiết khác của nhà trường; gửi đến từng thành viên nhà trường qua hệ thống email, hệ thống liên lạc điện tử. (5) Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, Công đoàn nhà trường thường xuyên phổ biến, quán triệt nội dung Bộ Quy tắc trong các tiết học chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. (6) Phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động và học sinh; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học.

Kết quả, đã có 100% trường học đã xây dựng kế hoạch, triển khai và thực hiện Quy tắc ứng xử của học sinh[1], cơ bản như sau: (1) Nắm vững Pháp luật. (2)  Chấp hành nghiêm chỉnh Pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, kỷ cương, quy chế. (3) Tác phong chỉnh tề phù hợp với môi trường sư phạm, trang phục phải gọn gang đúng quy định. (4) Khi giao tiếp phải khiêm nhường, từ tốn, thể hiện sự văn minh, lịch thiệp, vui vẻ, bình tĩnh trong mọi tình huống. (5) Tôn trọng, lắng nghe tiếp thu ý kiến đóng góp. (6) Trung thực, thẳng thắn. Nhìn chung, qua thực hiện đã thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

Ðể công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường thật sự có hiệu quả, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới phương pháp dạy học các môn học khoa học xã hội và nhân văn như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch Sử,.., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong ngành giáo dục, phát động cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đặc biệt, coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của học sinh; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Bên cạnh đó, các trường đã đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại..., phát huy vai trò ứng xử văn hóa của các học sinh khóa trước, đội ngũ cán bộ lớp, chi đoàn để nêu gương giáo dục và hướng dẫn cho các học sinh của những năm học mới tiếp theo.

Kết quả, 100% giáo viên tích hợp, đổi mới nội dung triển khai lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong các chương trình giáo dục ngoại khóa, các mô hình dạy học phù hợp; 100% học sinh các cấp được tham gia học tập, thực hành trải nghiệm và được nâng cao các kỹ năng sống, thường xuyên, phù hợp với thực tiễn cuộc sống; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường, tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp cho học sinh thông qua hoạt động hát Quốc ca, Lễ chào cờ và các hoạt động tập thể; hoạt động tuyên truyền măng non; hoạt động chia sẻ khó khăn; hoạt động đối thoại giữa học sinh với giáo viên nhà trường… Kết quả, tổ chức được 391 diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” các cấp, với hơn 98.489 lượt tham gia; 660 buổi sinh hoạt chuyên đề “Em là mầm non của Đảng”; 424 hoạt động chống xâm hại, với hơn 110.280 thiếu nhi tham dự; 1.005 các Liên đội tổ chức và duy trì tốt lịch phát thanh liên đội và tuyên truyền măng non hàng tuần với những gương người tốt, việc tốt, kể chuyện Bác Hồ, phương pháp phòng tránh dịch bệnh và những câu chuyện hấp dẫn được các em yêu thích và nhắc nhở các lớp thực hiện nội quy trường lớp; phát triển và duy trì tốt hoạt động của 413 Câu lạc bộ, đội, nhóm văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong và ngoài nhà trường với hơn 16.260 thiếu nhi tham gia thường xuyên.

Ngoài ra, cùng với việc cụ thể hóa các quy chuẩn xây dựng Người Việt Nam nói chung, các tiêu chuẩn Người Cần Thơ nói riêng, các trường học đã bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học; giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử đối với giáo viên và học sinh, như: (1) Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Bổ sung, hoàn  thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm  sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non, trong các chuyên đề, hoạt động giáo dục[2], từ đó hình thành và phát triển ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi của trẻ[3]. (2) Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh[4]; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, bao dung của học sinh; xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căn-tin, trực nhật).

Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử.

Để nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã tăng cường giáo dục và thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường, phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học; tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử văn hóa của đơn vị là mục tiêu hàng đầu nhằm giáo dục tính nêu gương trong trường học.

Thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Internet, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Zalo của học sinh để kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội, phối hợp với gia đình quản lý tốt việc truy cập và sử dụng Internet tại nhà của học sinh. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, giúp học sinh tự tin và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai thực hiện.

Trên địa bàn thành phố, có 100% trường ở 9/9 quận, huyện đều đã xây dựng được các mô hình, phong trào, cách làm hay như: xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, văn minh, góp phần thực hiện tốt giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phòng, chống và ngăn ngừa hiệu quả việc bạo lực học đường; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đối với thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường luôn cưởi mở khi trao đổi giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên, luôn tươi cười khi giao tiếp với phụ huynh, khách đến trường; đối học sinh biết nhận lỗi khi thực hiện các hành động không chuẩn mực trước bạn bè, thầy cô, lễ phép với cha mẹ, ông bà và người lớn tuổi; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các nội dung văn hóa ứng xử trong trường học; đồng thời, tuyên dương khen thưởng các gương điển hình tốt dưới cờ, sinh hoạt lớp, trong các đợt tổng kết mô hình, cách làm hay.

Ngoài ra, thành phố còn thực hiện mô hình “Hộp thư Điều em muốn nói”; mô hình “Sân khấu học đường” tại 06 điểm trường; tiến hành ghi hình, phát sóng 24 kỳ chương trình “Tài từ sông nước”, 02 tập phim về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; triển khai thực hiện Chương trình phổi hợp số 624/CTr-SVHTTDL-SGDĐT ngày 13/02/2018 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo về phát triển văn hóa đọc trong nhà trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020; thực hiện triển lãm sách về biển, đảo tại các trường học và địa bàn quận, huyện… Nhìn chung các mô hình, phong trào, cách làm này đã và đang phát huy hiệu quả; nhiều trường duy trì và nâng chất các mô hình, phong trào, cách làm hay.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Nhằm phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong học sinh, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một là, các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy tắc văn hóa ứng xử  trong  trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trong trường học.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp và đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

Ba là, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; chú trọng công  tác quản lý về xuất bản, báo chí, Internet và thông tin trên mạng, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến học sinh.

Bốn là, tích cực tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong thực hiện văn hóa ứng xử nhằm nâng cao nhận thưc về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn thành phố.

Năm là, phát huy tối đa hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác triển khai thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học. Đặc biệt, cần “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở […] tự điều chỉnh hành vi ứng xử[5]” gắn với việc xây dựng Người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, cũng với việc quán triệt các nội dung Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”, đi đôi với việc thực hiện các phong trào như “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các tiêu chuẩn Người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” trong học sinh trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong trường học ở các địa phương, đơn vị.

Bảy là, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy ban hành đảng văn nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030. Đồng thời, đề xuất Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức hội nghị sơ kết công tác xây dựng và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử trong trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị có dịp chia sẻ, học hỏi các kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả và tiến hành khen thưởng, động viên các mô hình hay, hiệu quả, có sức lan tỏa ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy
----------------------------

[1] Theo báo cáo của một số quận ủy, huyện ủy, như: Ninh Kiều, có 74/74 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử; Thốt Nốt, có 52/52 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử; Cờ Đỏ, có 48/48 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử; Cái Răng, có 40/40 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử; Vĩnh Thạnh, có 49/49 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử; Ô Môn, có 39/39 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử; Phong Điền, có 35/35 trường xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử.

[2] Quận Ninh Kiều, có các hoạt động: phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, chăm ngoan, lễ phép, thực hiện tốt 05 Điều Bác Hồ dạy, mạnh dạn, tự tin, tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ, thực hiện quy tắc, quy định trong sinh hoạt ở trường, lớp mầm non, gia đình và nơi công cộng, quan tâm đến bảo vệ môi trường…

[3] Biết chào hỏi, biết cảm ơn, biết xin lỗi, lễ phép, kính  trọng, yêu  thương  thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp…

[4] Quận Thốt Nốt, định kỳ hàng tháng các trường THCS, THPT trên địa bàn quận đều tổ chức sinh hoạt liên quan đến văn hóa ứng xử giữa học sinh với học sinh trong nhà trường và giao tiếp ứng xử ngoài xã hội với những câu chuyện ý nghĩa, những vấn đề mang tính thời sự, chủ đề giáo dục truyền thống.

[5] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.237.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây