Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Thứ ba - 27/09/2022 12:29
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và 4 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được nâng lên rõ rệt. Số lượng, chất lượng các công trình và ấn phẩm xuất bản không ngừng tăng, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa thành phố Cần Thơ, luôn xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy Đảng.
27 9 hs
Học sinh Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy) trải nghiệm Khu di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Vườn Mận. Ảnh: Phúc Khang.

Một số kết quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Trong nhiều năm qua, từ thành phố đến cơ sở đã chủ động tích cực biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương và tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Cấp thành phố biên soạn và xuất bản 12 quyển sách gồm: Lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ, 4 tập (1929 - 2010); Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ từ Đại hội I đến Đại hội XIII; Những viên ngọc quý tập 1 và 2; Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Vành đai lửa; Hồi ký “Lộ Vòng Cung Cần Thơ thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước”; Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng Cần Thơ và trong vùng…

Các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ. Kết quả, 10 năm (2012 - 2022) đã xuất bản 8 quyển sách lịch sử của ban, ngành, đoàn thể; 3 quyển sách lịch sử Đảng bộ quận, huyện; 56 quyển sách lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn. Riêng 27 xã, phường, thị trấn do mới chia tách nên chưa đủ điều kiện nghiên cứu, biên soạn. Tính đến năm 2022, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã, phường giai đoạn 1930 - 1975 và lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn 1975 - 2020. Đây là một thành tích đáng ghi nhận trong quá trình triển khai và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư.

Các sách lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương được đưa vào giảng dạy tại Trường Chính trị thành phố, nhất là các lớp tạo nguồn và các Trung tâm Chính trị quận, huyện, tiêu biểu như:

Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng giáo trình giảng dạy Lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ (dùng giảng dạy lý luận chính trị) và lịch sử của thành phố. Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố đã biên soạn Chương trình lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học (lớp 4 và lớp 5); Ban Tuyên giáo Quận ủy Ninh Kiều đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ giai doạn 1929 – 1975; lịch sử Đảng bộ quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ giai đoạn 1975- 2015; đồng thời, Ban Tuyên giáo Quận ủy phối hợp với Trung tâm Chính trị quận biên soạn tài liệu giảng dạy Lịch sử Đảng bộ quận Ninh Kiều cho các lớp bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Đây là đơn vị đầu tiên cấp huyện thực hiện biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương. Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Thủy tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020).  Hội Cựu chiến binh thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết nghĩa với các trường học trên địa bàn thành phố để tuyên truyền, giáo dục về lịch sử truyền thống dân tộc, lịch sử Đảng bằng các hình thức như: giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, kể chuyện… cho học sinh vào tiết chào cờ đầu tuần; cụ thể, Hội Cựu chiến binh thành phố và các xã, phường, thị trấn kết nghĩa với 77 trường học (01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, 14 trường trung học phổ thông, 61 trường trung học cơ sở và 01 trường tiểu học). Trong sinh hoạt lệ chi bộ hàng tháng đều đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ vào nội dung cuộc họp.

Ngoài ra, 100% các địa phương, đơn vị đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: trên mạng Internet, các fanpage, facebook nhóm và cá nhân. Xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên để tham gia chia sẻ bài viết về các di tích lịch sử và văn hóa của thành phố Cần Thơ. Khai thác các tiện ích của mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thông qua các hoạt động: Xây dựng và phát triển các trang, nhóm trang mạng xã hội đăng tải những thông tin chính thống về lịch sử địa phương như: phim tư liệu, phóng sự, video clip, hình ảnh, bài viết, thông tin tư liệu… để tuyên truyền, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đến các tầng lớp Nhân dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời, tăng cường viết bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương để giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo ra sức đề kháng chống sự tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng địa phương được nâng lên rõ rệt.
 
27 9 denhung
Tháng 4 năm 2022, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ chính thức hoạt động đã góp thêm điểm giáo dục lịch sử truyền thống cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ảnh: Lê Phú.

Đồng thời, các địa phương quan tâm xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, như: Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Cờ Đỏ - Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Đền thờ Vua Hùng Cần Thơ, Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng, Đền thờ Châu Văn Liêm, Bia căm thù Vàm Bi, Chùa Hội Linh, Mộ cụ cử nhân Phan Văn Trị, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Chiến thắng Ông Hào, di tích Lịch sử Địa điểm Căn cứ Huyện ủy Ô Môn (1971 - 1975)... Ngoài ra, đơn vị, địa phương tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, họp mặt, về nguồn tại các khu Di tích lịch sử - văn hóa nhằm ôn lại lịch sử truyền thống của địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhất là thanh niên, sinh viên và học sinh.

Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một vài hạn chế cần khắc phục: công tác giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đôi khi có nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường phổ thông chưa sinh động và hiệu quả, nên việc phát huy tối đa tác dụng giáo dục của các quyển lịch sử chưa như mong muốn. Để công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

Hai là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời, đẩy mạnh viết bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương.  

Ba là, hàng năm các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đặc biệt là phối hợp với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để thực hiện công tác tuyên truyền.

Bốn là, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nội dung các công trình lịch sử của Đảng bộ địa phương gắn với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng.

Năm là, đồng thời nghiên cứu đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy, tuyên truyền tại Trung tâm Chính trị quận, huyện, các trường học trên địa bàn và sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị dưới nhiều hình thức phù hợp.

Sáu là, tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân chưa được, đề ra các giải pháp tuyên truyền trong thời gian tới; đồng thời nhân rộng cách làm hay và đề nghị khen thưởng kịp thời.
 
27 9 cvl
Đền thờ đồng chí Châu Văn Liêm tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc giáo dục lịch sử - là nơi sinh hoạt truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Phong Dinh.
Lê Văn Thảo
---------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
2. Báo cáo số 121-BC/BTGTU ngày 31/5/2022 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ “Báo cáo kết quả 10 năm (2012 - 2022) thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn