Ðổi mới dạy và học môn Lịch sử

Chủ nhật - 25/09/2022 22:48 559 0
Những năm gần đây, ngành Giáo dục đã đổi mới trong giảng dạy môn Lịch sử. Giờ học môn Lịch sử hiện nay ở các trường phổ thông tại Cần Thơ vì vậy khá thú vị với nhiều hình thức dạy và học đa dạng, phong phú.
26 9 co

Học sinh Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy) trải nghiệm Khu di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Vườn Mận. 

26 9 hs


Để giúp học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử, toàn ngành Giáo dục cùng các trường học ở TP Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tạo môi trường trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử… Tại Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng), giáo viên tạo cho học sinh hứng thú, đam mê môn Lịch sử bằng cách thay vì dạy lý thuyết suông thì tăng sự tương tác giữa thầy - trò. Các giáo viên cho học sinh tìm hiểu thêm các kiến thức lịch sử từ sách, báo, internet; đặt ra một số tình huống thu hút học sinh tham gia thảo luận.

Cô Lê Thị Kim Duyên, Tổ phó Bộ môn Sử, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, cho biết: “Ðể học sinh thích học môn Lịch sử, giáo viên phải là người truyền cảm hứng cho các em. Bản thân giáo viên cần phải đầu tư chỉnh chu về kiến thức, phương pháp giảng dạy phát huy tính tích cực của học sinh. Trong mỗi tiết dạy, khơi dậy cho học sinh hứng thú học tập bộ môn này”. Năm học 2021-2022, cô Duyên phụ trách dạy môn Lịch sử 4 lớp 12, có 19 em đạt trên 9 điểm, trong đó 8 em đạt 9,75 điểm và 1 học sinh 10 điểm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (ở kỳ thi này Cần Thơ có 20 học sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử - cao nhất từ trước đến nay). Ðể truyền cảm hứng cho học sinh, cô Duyên đã kể câu chuyện lịch sử, sưu tầm nhiều hình ảnh, tạo không gian học tập kết nối để tất cả học sinh tham gia khám phá kiến thức. Em Ðinh Thị Lan Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, chia sẻ: “Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, cô còn liên hệ kiến thức bên ngoài như kể câu chuyện liên quan đến bài học, ứng dụng công nghệ thông tin (video clip), trắc nghiệm kiến thức online…”. 

Trước đây, môn Lịch sử được dạy theo từng bài, thì hiện nay phần lớn giáo viên ở các trường đã đổi mới phương pháp. Những bài chung một giai đoạn hay các kiến thức tương đồng được xây dựng thành chủ đề để học sinh học một cách có hệ thống, khắc sâu kiến thức. Ðồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Theo thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, trên cơ sở chỉ đạo chung của ngành Giáo dục, thầy cô đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... để nâng cao hiệu quả dạy môn Lịch sử. “Ðể phát triển năng lực học của học sinh, giáo viên chú trọng đến tích hợp lồng ghép, đưa các nội dung giáo dục địa phương, thực hiện trải nghiệm, nâng cao sự yêu thích môn Lịch sử; tổ chức đa dạng hình thức dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy”, thầy Bảo chia sẻ.

Cùng với những đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử tại các trường phổ thông; việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới hiện nay góp phần tạo cho học sinh thêm yêu thích môn học này. Vì trong chương trình mới, học sinh được học môn học mới là giáo dục địa phương. Nội dung là những vấn đề văn hóa, lịch sử, kinh tế… Tài liệu giáo dục địa phương TP Cần Thơ mang đậm phong vị quê hương, con người và vùng đất Cần Thơ, như: nhân vật lịch sử - văn hóa qua bài học Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; nghệ thuật, làng nghề truyền thống qua bài học Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ; đặc sản địa phương qua bài học Bánh tét lá cẩm; chủ đề di tích lịch sử - văn hóa qua bài học Khu di tích đình Bình Thủy và một số địa điểm, địa danh của TP Cần Thơ (chợ nổi Cái Răng, cầu Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy…).

Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi trường có cách thức tổ chức phù hợp cho học sinh tham quan trải nghiệm các di tích lịch sử. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tổ chức cho học sinh viếng Ðền thờ Vua Hùng; Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy) cho học sinh thăm Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hay Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy) tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm Khu di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Vườn Mận dịp lễ 30-4… Từ những chuyến đi thực tế này, bài học lịch sử của các em thêm sinh động, dễ hiểu và thú vị hơn.

Sự đổi mới trong phương pháp giáo dục đã giúp học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn học này.

Bài, ảnh: Phúc Khang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây