Đồng chí Phạm Hùng - Người lãnh đạo kiên trung, tài năng của cách mạng Việt Nam

Thứ bảy - 04/06/2022 11:33 267 0
Đồng chí Phạm Hùng sinh ngày 11/6/1912 tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), trong một gia đình trung nông. Với lòng yêu nước sâu sắc và sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Phạm Hùng tham gia yêu nước từ rất sớm, nhanh chóng giác ngộ cách mạng, dấn thân vào con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản do Nguyễn Ái Quốc truyền về Việt Nam.
Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13/5/1975. (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13/5/1975. (Ảnh: TTXVN)

1. KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT TRONG LAO TÙ ĐẾ QUỐC

Đồng chí Phạm Hùng thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Hoạt động sôi nổi trong phong trào thanh niên, học sinh từ sớm, đến năm 18 tuổi, khi đang học năm thứ tư ở Trường Trung học Mỹ Tho, đồng chí Phạm Hùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ trường học. 19 tuổi, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 6/1931, đồng chí bị địch bắt giam ba năm (1931-1933) ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Trong lao tù, dù bị tra tấn bằng cực hình, sau đó bị biệt giam vào xà lim, nhưng đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân. Ngày 20/9/1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình xét xử “những người chống lại an ninh công cộng”, đồng chí Phạm Hùng bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn.

Án tử hình không thể làm nhụt ý chí đấu tranh của người Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi, lúc đó mới 20 tuổi. Tinh thần nghĩa hiệp, thái độ ung dung trước cái chết của đồng chí đã cảm hóa một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử, thức tỉnh lương tri và truyền niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản cho các bạn tử tù.

Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí được giảm từ án tử hình xuống án chung thân khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo từ tháng 1/1934. Gần 12 năm trong địa ngục trần gian Côn Đảo, trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, đối diện sự tàn bạo, phi nhân tính của chủ nghĩa thực dân đã tỏa sáng nghị lực phi thường của người chiến sĩ cộng sản “dạ sắt, gan đồng”. Phải tồn tại trong “cảnh xô bồ mà mạng sống con người có khi đo bằng một chỗ ngả lưng hay một chén cơm gạo mục”(1), Phạm Hùng tỏ rõ khí phách của “con người thép” kiên cường trước kẻ thù, nhiều lần dũng cảm xả thân chịu đòn thay cho đồng chí của mình và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Ðảo, sau đó được cử làm Bí thư Ðảo ủy, đồng chí cùng Chi bộ tù nhân cộng sản lãnh đạo cuộc cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí tổ chức học tập lý luận về chủ nghĩa cộng sản, các buổi sinh hoạt văn nghệ phong phú, tuyên truyền giác ngộ tù nhân, binh lính, cai tù, giám thị, các đảng viên của Quốc dân đảng. Cách mạng tháng Tám nổ ra, đồng chí đã lãnh đạo anh em tù nhân chớp thời cơ giải phóng nhà tù Côn Đảo.

2. NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG, CÓ UY TÍN LỚN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Ngày 23/9/1945, Phạm Hùng trở về đất liền đúng ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai ở Nam Bộ. Chỉ kịp gặp người mẹ trong giây lát, đồng chí lập tức lên Sài Gòn nhận nhiệm vụ tham gia Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Đến đầu năm 1946, khi đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh của Trung ương Đảng, xây dựng thực lực của cách mạng và giải quyết hàng loạt vấn đề ở Nam Bộ do lịch sử để lại như các tổ chức vũ trang xuất thân từ các thành phần khác nhau, xóa bỏ thành kiến giữa “Việt Minh cũ - Việt Minh mới”. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất các lực lượng kháng chiến; kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy. Bởi vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, cuộc kháng chiến của quân và dân Nam bộ lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Nam bộ Thành Đồng”.

Trên cương vị Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí đã lãnh đạo xây dựng lực lượng công an tuyệt đối trung thành, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân và đấu tranh loại trừ các phần tử mật thám, phản động trà trộn hoạt động phá hoại, gây nhiều tổn thất cho cách mạng. Từ Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí Phạm Hùng tổ chức thành lập bộ phận công an cách mạng, sau này là Nha Công an Nam Bộ. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (1/1950), dự thảo Đề án Công an nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng trình bày, được thông qua đã trở thành cơ sở khoa học lý luận cho việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Phạm Hùng (thứ ba từ trái sang), Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1/1950).

Tại Đại hội II, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và sau đó được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam, là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ (từ tháng 3/1952).

Đảm nhiệm trọng trách mới, đồng chí đã cùng với Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam bộ như: tiến hành phân chia lại ruộng đất; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng… góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ và cả nước đi đến thắng lợi. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến tại Nam Bộ và năm 1955 làm Trưởng Phái đoàn liên lạc của quân đội ta với Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau. Tháng 9/1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được Đảng phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Năm 1957, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, sau đó là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cho đến cuối năm 1967.

Là Trưởng ban Thống nhất Trung ương, đồng chí Phạm Hùng đã tổ chức biên soạn đề án về Hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam. Trên cơ sở đề án, đồng chí chỉ đạo hoàn thành Dự thảo đề án, góp phần quan trọng vào sự ra đời Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (năm 1959), tạo ra bước ngoặt và sức mạnh mới cho cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh giữ gìn lực lượng sang thế chủ động tiến công, giành thắng lợi.

Trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, đồng chí tập trung điều hành thúc đẩy sản xuất công - nông nghiệp, thương nghiệp; động viên sản xuất, đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế như giải quyết vấn đề lương thực, tiến hành cuộc vận động 3 xây, 3 chống; cải tiến quản lý hợp tác xã… Đồng chí đã chỉ đạo soạn thảo Đề án về thương nghiệp và giá cả thời chiến và xây dựng Nghị quyết Trung ương 10 khóa III, nhằm động viên mọi nguồn lực xây dựng miền Bắc, tăng cường chi viện cho miền Nam. Những năm 1961-1965, nền kinh tế miền Bắc nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể: Sản xuất công - nông nghiệp đạt tỷ lệ phát triển hằng năm trên 10%, bắt đầu xây dựng những công trình lớn như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Thủy điện Thác Bà và nhiều công trình quan trọng khác.

Tháng 7/1967, đồng chí Phạm Hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cử vào chiến trường miền Nam thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định. Từ lãnh đạo tổ chức sản xuất là chính sang đảm trách nhiệm vụ tổ chức chỉ huy chiến đấu, đồng chí rất nhạy bén trong việc nắm tình tình và chỉ đạo đấu tranh. Ngay sau khi vào chiến trường, đồng chí Phạm Hùng đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam, nhất là ở Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta.

Sau đòn tấn công chiến lược Tết Mậu thân, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Cục đã chỉ đạo sát sao, kịp thời và sáng tạo việc tổ chức Đại hội quốc dân toàn miền Nam (họp tại chiến khu D tháng 6/1969), bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - đại diện chính thức cho nhân dân miền Nam ở cuộc đàm phán tại Pari.

Khi Mỹ tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, bám sát diễn biến tình hình, đồng chí Phạm Hùng cùng Trung ương Cục chỉ đạo quân và dân Nam Bộ đánh bại từng bước chiến lược mới của Mỹ, đặc biệt là đã phá tan âm mưu bình định lấn chiếm của địch trên địa bàn Tây Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trước thắng lợi to lớn và toàn diện của ta, tháng 1/1973, Mỹ buộc phải chấp nhận ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Sau Hiệp định Pari, đồng chí Phạm Hùng đã triệu tập Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 12 quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị phân tích tình hình, nêu rõ âm mưu tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ. Từ đó, đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là tiếp tục đấu tranh toàn diện trên các mặt trận, buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí được phân công đảm nhận trọng trách Chính uỷ Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Cùng với các đồng chí trong Bộ Chỉ huy, đồng chí Phạm Hùng nắm bắt nhanh nhạy diễn biến trên chiến trường, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên những hướng chủ yếu, từ đó chỉ đạo chính xác, kịp thời, tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta chớp thời cơ hành động. Sáng 30/4/1975, khi nghe tin Tổng thống Sài Gòn đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Phạm Hùng đã ký và cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi các đơn vị trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!”(2). 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước hòa bình, thống nhất.

Đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng lại tiếp tục những nhiệm vụ mới của công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trưởng Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, góp phần tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (tháng 4/1976) và xây dựng bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước thống nhất trong cả nước.

Trong các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, từ Đại hội IV (năm 1976), Đại hội V (năm 1982) đến Đại hội VI (năm 1986), đồng chí Phạm Hùng được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được phân công đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, năm 1980 kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Phụ trách ngành an ninh của nhà nước cách mạng, trong bối cảnh khó khăn của tình hình trong nước và tác động bất lợi từ tình hình thế giới, đồng chí Phạm Hùng đã lựa chọn khâu chủ chốt để từng bước giải quyết tình hình, giữ gìn an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng chí chỉ đạo xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phối hợp các ngành các cấp, đặc biệt giữa công an với quân đội, giữa các ngành trong khối nội chính; xây dựng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, giỏi nghiệp vụ, chuyên môn, chú trọng xây dựng đạo đức người Công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng Công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy. Đồng chí đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 92CT/TW ngày 25/6/1980 về mở Cuộc vận động xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; chuẩn bị cho Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/12/1980 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới… tạo sự chuyển biến tích cực trong ngành công an. Nhờ vậy, lực lượng công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, phá nhiều vụ án chính trị quan trọng của các thế lực thù địch (chống FULRO, đập tan “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” và cuộc hành quân Đông tiến; ngăn chặn kế hoạch Z mang tên “Mật kế chiến lược đối với ba nước Đông Dương…); giữ gìn sự bình yên cho đất nước.

 

Đồng chí Phạm Hùng và bà con phường 9, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/1987. (Nguồn: sggp.org.vn)

Với bề dày kinh nghiệm và tầm nhìn của một nhà chiến lược, đồng chí Phạm Hùng đã nhận thức sâu sắc tác hại của những sự suy thoái trong Đảng và là một trong những nhà lãnh đạo đi đầu trong chống các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong Đảng, trong xã hội. Được giao trọng trách Trưởng ban chỉ đạo đấu tranh chống ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng (gọi tắt là Ban chỉ đạo 79), đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ những biện pháp phù hợp, tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và phân công cụ thể, rõ ràng cho các lực lượng tham gia. Đồng chí phê phán nhận thức sai lầm, phiến diện: “Chúng ta chưa thấy hết vị trí quan trọng có tầm chiến lược trước mắt và lâu dài về công tác chống tiêu cực… Chúng ta chưa thấy hết được sự bức thiết này (chống tiêu cực), tức là chưa thấy hết tính chất nguy hiểm của vấn đề”(3) và chỉ rõ “Đấu tranh chống tiêu cực là một cuộc vận động chính trị sâu rộng, một cuộc đấu tranh cách mạng, có tầm chiến lược, là một cuộc vận động chính trị trong Đảng, trong chính quyền, trong các cơ sở tập thể và ngoài xã hội. Đó là một cuộc phát động quần chúng long trời, lở đất để vùng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ và xây dựng chế độ, cải thiện đời sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân”(4). Với nhãn quan về văn hóa sâu sắc, đồng chí khẳng định: Chống tiêu cực là xây dựng nền văn hoá mới, con người mới. Điều quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực là phải xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; phải dựa vào quần chúng và phát động quần chúng thực hiện quyền làm chủ của mình; xét xử phải nghiêm minh, kịp thời và đúng mức. Chống tiêu cực phải có kế hoạch, chương trình, có trọng tâm, trọng điểm dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ và phải trở thành một nội dung trong sinh hoạt chi bộ. Không thể có bất cứ lý do nào mà một cấp uỷ nào đó có thể thoái thác sự lãnh đạo đối với việc chống tiêu cực. Đây là bài học, gợi mở rất có giá trị với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) thông qua đường lối đổi mới toàn diện, mở đầu giai đoạn lịch sử mới của đất nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17/6/1987), đồng chí Phạm Hùng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT).

Thời gian đảm đương trọng trách đứng đầu Chính phủ tuy ngắn (từ tháng 6/1987 đến 3/1988), nhưng đã tỏ rõ bản lĩnh và tài năng của nhà cách mạng lớn Phạm Hùng. Những năm đầu đổi mới, do hậu quả chiến tranh và cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp kéo dài cộng với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, nước ta đang ở đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế - xã hội, lạm phát phi mã (trên 700%), đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Giải quyết vấn đề nan giải đã kéo dài cả thập kỷ đó, người đứng đầu Chính phủ đã tích cực, sáng tạo, khẩn trương tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối đổi mới của Đại hội Đảng VI đi vào thực tiễn cuộc sống: đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn; chuyển các đơn vị kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh, chỉ đạo đột phá vào phân phối lưu thông; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; tăng cường đoàn kết và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với bạn bè quốc tế... Một loạt các chính sách, chủ trương của Chính phủ được thực hiện: Tổng kết “khoán 100”, ban hành chủ trương “khoán 10”; đổi mới chính sách về thương nghiệp và chuyển hoạt động nội thương sang hạch toán kinh doanh XHCN (Nghị quyết 113 ngày 15/7/1987 của HĐBT); chuyển hoạt động của ngành lương thực sang hạch toán kinh doanh XHCN (Quyết định số 209 ngày 3/10/1987 của HĐBT); QĐ/218-CT ngày 3/7/1987 của Chủ tịch HĐBT cho làm thử việc chuyển hoạt động của hệ thống ngân hàng sang kinh doanh; các Quyết định 27, 28, 29 của HĐBT về ban hành chính sách đối với kinh tế cá thể, tư doanh, tập thể, kinh tế gia đình trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải… đã tạo ra tiền đề cho sự thay đổi mạnh mẽ từ chế độ kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang hạch toán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng cùng Hội đồng Bộ trưởng trong năm đầu của thời kỳ đổi mới đã bước đầu đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Ngày 10/3/1988, đồng chí đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở các tỉnh Nam bộ. Trong suốt 60 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi, giữ nhiều trọng trách và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí Phạm Hùng luôn tận tâm tận lực vì công việc, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, dù trong lao tù đế quốc, trên những chiến trường ác liệt hay khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, đồng chí cũng luôn tỏ rõ khí chất của người cộng sản kiên cường, tỏa sáng nhân cách văn hóa và bản lĩnh, trí tuệ của nhà lãnh đạo chủ chốt, có uy tín, được nhân dân kính trọng. “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”, đó là phương châm sống cao đẹp của đồng chí, cũng là lời căn dặn chí tình, chí nghĩa trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong việc kế tục, phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo tiền bối đã dày công xây dựng./.

TS. Lê Thị Hằng

Theo tuyengiao.vn

____________________

(1) (2) (3) (4) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Phạm Hùng tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr.364, 270, 307, 308.

Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay26,757
  • Tháng hiện tại571,792
  • Tổng lượt truy cập5,600,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây