Đó là câu tôi nghe sau mỗi lần hai Bố con ngồi nói chuyện. Bố bảo: Phim ảnh, sách vở mới chỉ phản ánh được một phần nhỏ sự khốc liệt của chiến tranh! Là dân học chuyên ngành lịch sử, từng được nghe, tiếp cận nhiều sử liệu chưa được công bố trong sách phổ thông, nhưng vẫn chưa bao giờ hết bị lôi cuốn khi nghe Bố kể chuyện thời chiến. Từ việc buộc dây võng trong rừng khi trời mưa ra sao để nước không chảy vào lòng võng, công dụng đa chức năng của chiếc “mũ cối Việt Nam” cho đến nỗ lực học ngoại ngữ thế nào để có phát âm chuẩn Anh - Anh (tôi đã viết trong bài “Học ngoại ngữ thời chiến”), cảm giác lần đầu và duy nhất trong đời đặt chân lên đất Pháp phục vụ Hội nghị Paris, rồi sinh hoạt trong Trại Davis ra sao, khi ngồi trên máy bay trao trả tù binh do chính phi công Mỹ lái ruột muốn lộn ra ngoài thế nào...
Chứng minh thư cấp cho cá nhân trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên dù bản gốc đã quyên tặng cho bảo tàng nhưng bản chụp lại vẫn được Bố trân trọng treo trong phòng khách gia đình.
|
Giờ này không còn đủ sức khỏe để tham gia họp mặt truyền thống Ban liên lạc Trại Davis cũng như vào thành phố Hồ Chí Minh để hòa vào không khí kỷ niệm 50 năm chiến thắng. Nhưng chắc hẳn qua những thước phim tư liệu, tin tức trên vô tuyến... con tin Bố đang thực sự “sống” trong không khí của thời khắc lịch sử Sài Gòn đó với nguyên vẹn cảm xúc, niềm vui sướng, tự hào về “Cánh quân thứ 6” trong cuộc tổng tiến công mùa xuân lịch sử ấy.
Bố Trần Đức Trù (sinh năm 1942) ở xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Một thầy giáo làng đúng nghĩa xếp bút nghiêng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Rồi đang chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại quân khu Trung và Hạ Lào, Bố được điều động ra Hà Nội để học ngoại ngữ chuẩn bị cho “nhiệm vụ đặc biệt” - cái việc mà nếu được lựa chọn với ra trận thì phần đông chọn cầm súng đi đánh giặc. Sau khi học xong Bố được phân công công tác tại Cục địch vận (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu, quản lý giặc lái, nhờ đó Bố được tham gia đoàn công tác mang tài liệu của chính tù binh sang Pháp – bằng chứng đanh thép chống trả lại luận điệu địch cho rằng phía ta hành hạ tù binh.
Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trước yêu cầu về số lượng thông dịch viên tiếng Anh để hỗ trợ triển khai thi hành Hiệp định, Bố có mặt trên chuyến bay từ Hà Nội đưa đại biểu quân sự ta hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (do Chính phủ Việt Nam cộng hòa quản lý) tham gia đội quân phiên dịch trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên, rồi 2 bên phục vụ hai Đoàn đại biểu quân sự của ta đóng tại Trại Davis và các Ban Liên hợp quân sự ở 07 khu vực từ Huế đến Cần Thơ, trong đó Bố được giao phục vụ khu vực Phan Thiết, thực hiện nhiệm vụ trao trả giặc lái. Nhờ đó, giống như các anh em phiên dịch khác, bố được đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều đối tượng của các bên (ta và địch), rồi thành viên Ủy ban quốc tế... dù rất ít kinh nghiệm nhưng với tinh thần Tổ quốc trên hết và kỷ luật sắt của người lính Cụ Hồ, Bố và các đồng đội đã không ngừng rèn dũa kỹ năng xử lý tình huống, bản lĩnh và trình độ để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bố tôi cùng đồng đội trong Trại Davis. Ảnh tư liệu.
823 ngày đêm sống, chiến đấu giữa vòng vây của kẻ thù, Bố đã cùng đồng đội (khoảng 300 người được điều động từ nhiều đơn vị khác nhau) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trêm mặt trận ngoại giao quân sự, buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Paris, góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc mà như tướng Trần Văn Trà 02 ngày sau ngày giải phóng gặp anh em trong phái đoàn đã nói “Các đồng chí là những người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao trong chiến dịch”. Bố kể rằng trong các chuyến trao trả, 04 lần máy bay bị bắn, có khi đạn trúng nhân viên Ủy ban quốc tế ngồi kế bên, thậm chí có lần bị tai nạn ngoại lực (tông phải vịt trời) xuýt rơi, nhưng may mắn sao vẫn sống sót đến giờ giải phóng và tham gia vào đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập đấu tranh ngoại giao buộc tướng Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sau này được biết, khi thoát thân, trên bàn làm việc Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên còn để lại kế hoạch chỉ thị cấp dưới hủy diệt Trại Davis bằng pháo cối, ném bom, chất độc hóa học... Bố nói vui: Lại thêm một lần thoát chết!
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bố gắn liền với ngoại ngữ (tiếng Anh và một ít tiếng Pháp). Ngay sau giải phóng, Bố tham gia Ủy Ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, rồi nhân viên đối ngoại Quân ủy Miền. Đến cuối năm 1975, Bố được điều động ra Bắc tiếp tục học ngoại ngữ tại D85 Cục nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu, rồi trợ lý nghiên cứu thuộc Tổng cục 2. Khi nghỉ hưu về quê, bố lại trở về nghề dạy học, chỉ khác là dạy tiếng Anh! Những học trò thời kỳ đầu áp dụng chương trình ngoại ngữ trong hệ Trung học phổ thông vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Bố - thầy giáo tiếng Anh tâm huyết, cái danh hiệu được thế hệ sau giải phóng nhớ nhiều hơn là một sĩ quan phiên dịch.
Kỷ niệm Bố luôn tự hào (và như bác Trưởng Ban Liên lạc Trại Davis nói trong một lần phỏng vấn: Các sĩ quan phiên dịch có quyền tự hào) là đóng góp được một phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng chung của dân tộc, được gặp, phục vụ các đồng chí lãnh đạo cấp cao thời bấy giờ mà nhờ làm phiên dịch mới có được. Đặc biệt, Bố luôn được các bác Lê Duẩn, Trần Văn Trà... và đồng đội gọi vui là “cụ Lênin” vì cái cằm nhọn, gương mặt góc cạnh. Và con cũng vậy, con tự hào về Bố!
Trần Lộc