Đại biểu tham dự hội thảo.
Thực hiện tiến độ đề tài: “Nghiên cứu và biên soạn Địa chí Cần Thơ: Địa lý và Lịch sử Cần Thơ”, Ban Chủ nhiệm quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ ba với chủ đề “Sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ”. Qua đó, nhằm thu thập thêm thông tin, tư liệu cũng như tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung các chương, mục của bản sơ thảo lần 1 quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ theo thể lệ biên soạn.
Đồng chí Phan Văn Thép – Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy báo cáo đề dẫn tại hội thảo.
Bản sơ thảo được biên soạn theo thể lệ biên soạn Địa chí Cần Thơ và thể lệ biên soạn quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ. Về cấu trúc Bản sơ thảo ngoài phần mở đầu, phần giải thích từ ngữ/thuật ngữ và tài liệu tham khảo, có 7 chương gồm: Chương 1: Địa lý hành chính; Chương 2: Địa lý tự nhiên; Chương 3: Địa lý dân cư; Chương 4: Sự kiện lịch sử; Chương 5: Nhân vật chí; Chương 6: Di tích, di vật; Chương 7: Danh thắng. Nhìn chung, việc tập hợp tư liệu về địa lý, lịch sử, di tích và danh thắng từ những công trình nghiên cứu có liên quan đã được công bố, nguồn gốc rõ ràng và có thể kiểm chứng; đây được xem là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu và biên soạn nội dung các mục trong các chương của bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ.
TS. Đoàn Hồng Nguyên – Thành viên Ban Chủ nhiệm quyển Địa lý và Lịch sử phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Đến thời điểm này, Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 10 báo cáo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, thành viên Ban Chủ nhiệm và trên cơ sở tập hợp, tổng hợp tư liệu, nghiên cứu và biên soạn các chương, mục thể hiện trong bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ, tiếp cận biên mục, sự kiện theo cách nghiên cứu, ghi chép, mô tả, cung cấp thông tin từng chủ đề của 7 Chương nêu trên khách quan, chân thật, thuận lợi cho việc tra cứu có hệ thống và kết nối vấn đề, chủ đề. Tư liệu nghiên cứu và biên soạn bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ được tập hợp từ nhiều nguồn; có kế thừa tư liệu Địa chí Cần Thơ (2002); thực hiện rà soát, cập nhật, thẩm định tư liệu từ năm 2000 đến năm 2024 đúng quy định về tư liệu và sử dụng tư liệu theo thể lệ biên soạn quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ.
Đại biểu tham dự phát biểu đóng góp ý kiến về “Bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ” tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự hội thảo có nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá, phân tích, đề xuất liên quan đến các nội dung về Sự kiện và nhân vật lịch sử Cần Thơ. Trong đó, các ý kiến tập trung các vấn đề như: Vận dụng thể lệ biên soạn quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ để biên soạn bản sơ thảo; giải thích từ ngữ/thuật ngữ sử dụng biên soạn quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; chất lượng tư liệu dùng biên soạn bản thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; chất lượng bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ: một số nội dung cần quan tâm… Qua đó, cho thấy, các tác giả đã có quá trình nghiên cứu sâu, toàn diện về các nguồn tài liệu đã công bố, những báo cáo khoa học đã đề cập khá toàn diện liên quan thể lệ và đề cương chi tiết bản thảo Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; đồng thời, đề xuất thêm nhiều ý kiến quan trọng có tính khoa học, thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn chỉnh bản sơ thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ đáp ứng theo thể lệ biên soạn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Chủ nhiệm quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ phát biểu tổng kết hội thảo.
Phát biểu Tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Chủ nhiệm quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ ghi nhận những thông tin đóng góp phần của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là nguồn tài liệu giá trị bổ sung, hoàn chỉnh nội dung các chương, mục của bản sơ thảo lần 1 quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ theo thể lệ biên soạn quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ. Việc nghiên cứu, tổng hợp các nội dung của bản sơ thảo tuân thủ quy trình, cách thức ghi nhận các chương, mục theo thể lệ biên soạn; đồng thời, đề xuất 2 nội dung cần quan tâm:
Thứ nhất, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các mục của các chương cho tương thích với chương, nhất là tên mục, số lượng mục đã được xác định trong Đề cương Bản thảo quyển Địa chí và Lịch sử Cần Thơ.
Thứ hai, tuỳ theo nguồn tư liệu tập hợp có thể linh động điều chỉnh tên mục, số lượng mục mà không làm thay đổi mục tiêu, tiêu chí của từng chương, nhằm thực hiện đạt kết quả theo thể lệ biên soạn Địa chí Cần Thơ quy định.
Qua hội thảo, đồng chí cũng nhận định với sự quyết tâm của thành viên Ban Chủ nhiệm quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ, sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan sẽ là điều kiện thuận lợi tốt nhất để hoàn thành bản thảo quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ đạt yêu cầu và đúng tiến độ đề ra.