Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo đã có 07 tham luận được trình bày trong tổng số hơn 30 bài tham luận gửi về Ban tổ chức, cùng nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường. Những ý kiến và các bài tham luận rất đa dạng, từ nhiều cách nhìn của những người trong cuộc, đến các vấn đề nghiên cứu của các nhà khoa học đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay xoay quanh các vấn đề mang tính lý luận gắn với thực trạng chuyển đổi số ở Cần Thơ nói chung và trong nông nghiệp nói riêng, cùng với các kiến nghị, giải pháp liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Ngọc Hè, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá cao ý nghĩa và các kết quả Hội thảo đem lại, đồng thời đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo về nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ; đồng thời, trên cơ sở các bài tham luận Ban Tổ chức dự kiến lựa chọn và in thành sách Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Cần Thơ hiện nay.
Tổng kết hội thảo, bà Trần Hồng Thắm, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy tóm lược một số nội dung quan trọng Hội thảo đạt được: Một là, cơ sở lý luận về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy chuyển đổi số. Hai là, nhiều tham luận đã cụ thể hóa hiện trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Cần Thơ; các nghiên cứu, ứng dụng lai tạo giống lúa; các công nghệ tiên tiến được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sản xuất nông nghiệp chính xác,… Ba là, nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở Cần Thơ, như thu thập và quản lý dữ liệu trong sản xuất nông nghiệp; phát huy vai trò các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành; đào tạo và chuyển giao công nghệ đến nông dân. Cụ thể hơn, có tác giả đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xu hướng chuyển đổi số vào sản xuất lúa tại Cần Thơ.
Cũng tại Hội thảo, nhiều tham luận đề cập đến những khó khăn, thách thức liên quan đến việc ứng dụng chuyển đổi số, nhất là các hạn chế liên quan trực tiếp đến chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Cần Thơ như: Thiếu hụt về số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này chưa phù hợp, gây ra những khó khăn trong việc hiểu biết về ứng dụng công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu, chuỗi giá trị liên kết sản xuất.Nhận thức và tâm lý còn e ngại của người dân trong tiếp thu sử dụng công nghệ, mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống vẫn còn phổ biến đặc biệt là ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Doanh nghiệp và nông dân chưa có nhiều hiểu biết về kinh doanh thương mại điện tử. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún, phân tán cùng với chi phí ban đầu cao cho nông nghiệp thông minh. Các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư, chưa thu hút được vốn FDI. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và quá trình chuyển đổi số còn hạn chế. Doanh nghiệp và nông dân khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng trong nước do chính sách tín dụng còn nhiều quy định thủ tục rườm rà. Hệ thống IoT phục vụ nông nghiệp chưa hoàn chỉnh. Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ về tác động của các yếu tố thời tiết, dinh dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh đến sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng; thông tin về thị trường cung cầu của ngành hàng, biến động giá cả; các loại công nghệ đang được cung cấp trên thị trường, nhà cung cấp, dịch vụ bảo hành. Giữa các sở ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số.
Trước những thời cơ, vận hội mới, thành phố cần “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số”, với những kinh nghiệm, thực tiễn phát triển nông nghiệp số ở Cần Thơ nêu trên và việc đồng bộ quan điểm “Tăng cường phối hợp, phát triển các hệ thống dữ liệu lớn phục vụ sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; dự báo, cảnh báo về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số” mà Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy Cần Thơ “Về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đưa ra trong phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng chuyển đổi số sẽ góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp Cần Thơ.
Tin, ảnh: Phòng Khoa giáo