Lời ca dâng Bác

Thứ năm - 18/05/2023 21:20 861 0
Sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài bất tận trong văn học - nghệ thuật. Tiếp nối truyền thống văn học - nghệ thuật cách mạng, nhiều nhạc sĩ, tác giả hiện nay vẫn luôn tâm huyết với nhiều sáng tác hay viết về Bác Hồ. Đó là những lời ca dâng Bác đầy ý nghĩa, là những giai điệu tự hào.
19 5 Bac

Sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài bất tận trong văn học - nghệ thuật. Trong ảnh: Một tiết mục nghệ thuật ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Cần Thơ.

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca sĩ Huyền Trang (Quán quân Sao Mai 2019) ra mắt MV “Nghĩ về Bác”. Đây là sáng tác mới của nhạc sĩ Lê Hà, một người con của quê hương Nghệ An. Ca khúc có ca từ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, chất chứa nhiều cảm xúc, qua tiếng hát ngọt ngào của Huyền Trang, mang đến cho người nghe những giai điệu ý nghĩa. Một ca khúc có sự pha trộn giữa màu sắc dân ca ví, giặm và âm nhạc bán cổ điển.

Nhạc sĩ Lê Hà trưởng thành trong môi trường quân đội và anh rất tâm huyết sáng tác ca khúc chủ đề ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Lê Hà đề tài này tạo được dấu ấn, đơn cử như “Hành quân theo chân Bác” (Giải thưởng của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2019), “Con về thăm lán Nà Nưa” (phỏng thơ Thu Khánh, Giải B do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng năm 2020)... Ca sĩ Huyền Trang cũng là người con xứ Nghệ, khi đọc lời ca khúc đã rất xúc động và bắt tay cùng nhạc sĩ Lê Hà thực hiện MV. Cô chia sẻ rằng, khi hát “Nghĩ về Bác”, cô dành tất cả tình cảm từ trái tim mình, hướng về Bác Hồ kính yêu. MV được quay tại Nghệ An, quê hương của Bác Hồ.

“Chúng con ở miền Nam về đây thăm Bác, mang cả giọng hò, mang cả tình người chất phác đất phương Nam. Bầu trời Thủ đô, ôi, Ba Đình nắng! Phút giây thiêng liêng, đâu đây như có lời Người!”, đó là những ca từ xúc động trong ca khúc “Về đây nghe tiếng Bác” của tác giả Quang Thanh Giang - Hồ Công Quang. Nhạc sĩ Quang Thanh Giang hiện sinh sống tại TP Cần Thơ còn Hồ Công Quang là Thượng úy, đang công tác tại Công an tỉnh Hậu Giang. Thượng úy Hồ Công Quang cũng là người thể hiện ca khúc này. “Về đây nghe tiếng Bác” là sáng tác mới, được cả hai nghệ sĩ miền Hậu Giang viết nên bằng tâm tư, tình cảm kính yêu với Bác Hồ. Giai điệu phảng phất âm nhạc truyền thống phương Nam kết hợp màu sắc hiện đại, ca từ gần gũi, tình cảm, đó là những điểm thu hút ở ca khúc này.

Ở lĩnh vực sân khấu, âm nhạc truyền thống, sáng tác về Bác Hồ cũng là đề tài nhiều nghệ sĩ tâm huyết. Vở diễn “Nợ nước non” của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, do Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn, từng lưu diễn nhiều địa phương trong cả nước như một bản hùng ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn thuở thiếu thời đến lúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Ngoài ra, nhiều bài ca cổ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời những năm gần đây, phát sóng trên các đài truyền hình cũng bổ sung vào danh sách rất dài các tác phẩm về Người.

Tại TP Cần Thơ, từ năm 2013 đến nay Hội Sân khấu thành phố tổ chức Cuộc thi sáng tác cổ nhạc (bài bản tài tử hoặc chập cải lương hoặc bài vọng cổ) đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, nhiều tác phẩm viết về Bác, về việc học tập và làm theo gương Bác đã ra đời, đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cho biết: Cuộc thi ngày càng có sức lan tỏa và đang được phát động mùa giải năm 2023. Ở những lần tổ chức trước, các tác phẩm dự thi đã đi sâu vào những tấm gương, mô hình cụ thể trong học tập và làm theo gương Bác Hồ và đặc biệt là có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ rất hay.

Bài, ảnh: Đặng Vĩnh Lộc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây