Nâng cao phong cách khoa học và hiệu quả trong tham mưu chiến lược, thực thi công tác khoa giáo

Thứ năm - 14/12/2023 20:09 154 0
Để hiện thực hóa được những khát vọng mang tính thời đại, đồng thời không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trong nhiều nhiệm vụ phải làm, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao phong cách khoa học và hiệu quả trong tham mưu chiến lược và thực thi công tác khoa giáo.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

NÂNG CAO VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VỚI CÔNG TÁC KHOA GIÁO, XÂY DỰNG KHOA GIÁO ĐẢNG

Thứ nhất, tiếp tục củng cố vị thế và xây dựng công tác khoa giáo đảng.

Khoa giáo đảng là một khái niệm chưa phổ biến, nhưng có thể hiểu khoa giáo đảng có nhiệm vụ đưa ra những chính kiến của đảng cầm quyền trong đường lối phát triển và áp dụng các vấn đề liên quan đến khoa giáo. Khoa giáo đảng khác với khoa giáo của chính quyền và các ngành chức năng ở chỗ: nhiệm vụ khoa giáo đảng tập trung vào xây dựng chiến lược (bao gồm đường lối, quan điểm, mục tiêu của đảng cầm quyền) và hướng dẫn để bảo đảm việc thực hiện đúng theo các chiến lược đó. Trong khi khoa giáo của chính quyền và các ngành chức năng có nhiệm vụ chính là thực thi các chính sách, kế hoạch cụ thể về khoa giáo đã được xây dựng dựa trên chiến lược của đảng cầm quyền. Ngoài ra, khoa giáo đảng còn có nhiệm vụ kiểm tra và theo dõi việc thực hiện của chính quyền và các ngành chức năng có đúng với chiến lược của đảng cầm quyền hay không.

Nếu không đặt xây dựng khoa giáo đảng trong một tầm cao mới thì việc phát triển các ngành khoa giáo trong bối cảnh mới sẽ nảy sinh những vấn đề không nhất quán giữa đường lối chính trị của đảng cầm quyền với giải pháp phát triển khoa học công nghệ (KHCN) cụ thể, thậm chí sẽ xa rời mục tiêu và đường lối chính trị của đảng cầm quyền. Các ngành khoa giáo đều là những ngành mang tính kỹ thuật chuyên sâu, phần đông những người làm việc trong các lĩnh vực này là trí thức, họ dễ có xu hướng rơi vào tư tưởng khoa học thuần tuý, ít gắn bó với những vấn đề chính trị - xã hội. Bởi vậy, xét cho kỹ, xây dựng khoa giáo đảng và nâng tầm khoa giáo đảng trong tình hình mới còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Nước ta đi lên từ một nền khoa học kỹ thuật lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày nay chúng ta có thể tự hào khi thấy Việt Nam có một nền KHCN có thể so sánh với nhiều nước có nền KHCN tiên tiến. Song nhìn vào thực tế, nhiều ngành khoa giáo trong đó có giáo dục, KHCN, chăm sóc sức khoẻ… vẫn thua kém nhiều nước. Để giữ vững vị thế lãnh đạo của Đảng, nhất là trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta không thể không nói tới việc củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực khoa giáo.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ những người tham mưu khoa giáo đảng.

Đây là những người có khả năng tham mưu cho đảng cầm quyền những tư tưởng chiến lược về đường lối, quan điểm và cả phương pháp để thực hiện các lĩnh vực khoa giáo. Vì vậy, họ phải đạt hai tiêu chí cơ bản: 1) Phải vững vàng về phẩm chất chính trị, nói một cách cụ thể là phải nhất trí và trung thành với đường lối của đảng cầm quyền; phải coi đây là tiêu chí chủ yếu để xây dựng tư duy và phương pháp làm việc của họ. 2) Phải có một trình độ nhất định về KHCN; tuy không hiểu sâu và chi tiết về KHCN cụ thể như các chuyên gia, nhưng phải biết những nguyên tắc chung của KHCN và phải có tư duy, năng lực quản lý và tốt hơn nếu đã kinh qua công tác quản lý trong một lĩnh vực khoa giáo cụ thể. Hai tiêu chí cơ bản này gắn chặt chẽ và ảnh hưởng tới nhau trong quá trình thực hành công việc của họ. Trước sự phát triển như vũ bão của KHCN hiện nay, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến một tiêu chí thì người được đào tạo chưa thể thực hiện được nhiệm vụ tham mưu công tác khoa giáo đảng. Thực tế, chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ này và việc đào tạo, chăm lo xây dựng chưa được bài bản. Khi bàn cụ thể đến phương pháp đào tạo, thường có ý kiến cho rằng, có hai cách: 1) Lấy cán bộ có bản lĩnh và trình độ chính trị để đào tạo thêm về KHCN và/hoặc 2) Lấy cán bộ có trình độ KHCN đào tạo thêm về chính trị. Những cách làm này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu khi chúng ta chưa có cán bộ khoa giáo đảng. Về lâu dài, cách đào tạo đó vẫn mang tính chắp vá, ít hiệu quả. Do đó, cần bàn kỹ về cách đào tạo cán bộ khoa giáo đảng.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thống nhất hệ thống tổ chức khoa giáo đảng từ cấp Trung ương đến địa phương. Hệ thống này hiện đang thiếu tính thống nhất về chức năng và tổ chức trong phạm vi toàn quốc, điều này ảnh hưởng không ít đến kết quả công tác.

Tọa đàm

Tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế" (2022) do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức

CỤ THỂ HÓA HƠN NHỮNG VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG, QUAN ĐIỂM VÀ HƯỚNG DẪN NHẬN THỨC BIỆN CHỨNG

Có thể thấy, một hạn chế trong công tác khoa giáo đảng vừa qua là việc cơ quan khoa giáo đảng mới chỉ dừng chủ yếu ở mức độ đưa ra đường lối và quan điểm chung nhất của Đảng về các lĩnh vực khoa giáo, mà chưa quan tâm sâu sắc đến vấn đề hướng dẫn dư luận, nhận thức và định hướng tư tưởng, đề ra giải pháp cho một số khía cạnh cụ thể, nổi cộm xuất hiện trong đời sống xã hội liên quan đến thực thi các lĩnh vực khoa giáo. Tuy chức năng chính là tham mưu Trung ương đưa ra các chiến lược phát triển lĩnh vực khoa giáo, nhưng khoa giáo đảng cũng không nên xem nhẹ vấn đề nhận thức và định hướng tư tưởng cũng như giải pháp thực thi các quan điểm của Đảng đối với các vấn đề cụ thể và nổi cộm trong đời sống xã hội. Nếu không làm tốt điều này, bản thân những người thực thi các lĩnh vực khoa giáo (các nhà khoa học, giáo viên, thầy thuốc…) sẽ gắn với Đảng một cách hời hợt, ít sâu sắc. Trí thức sẽ gắn chặt với Đảng hơn nếu họ luôn nhận thức được rằng, công việc hằng ngày của họ phải gắn chặt và thường xuyên với thực thi các quan điểm, đường lối của Đảng. Điều này lại càng cần thiết khi năng lực quản lý của các cơ quan trong lĩnh vực khoa giáo (cả Đảng và chính quyền) hiện nay ở nước ta còn nhiều bất cập đã dẫn đến sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong thực thi đường lối của Đảng về khoa giáo.

Có thể nêu lên một số vấn đề nổi cộm trong nhiều vấn đề mà hệ thống khoa giáo đảng cần quan tâm:

Một là, phải xây dựng và hướng dẫn cách nhìn biện chứng, khách quan khi đánh giá các thành tựu KHCN cao.

Trước hết, cần xây dựng cách nhìn biện chứng để xem xét và đánh giá đồng thời cả hai mặt tác động tích cực và tiêu cực (hay hạn chế) của từng công nghệ. Nếu không có nhãn quan toàn diện sẽ rất dễ bị “choáng ngợp” với cái mới và chỉ thấy cái mới, cái tích cực của công nghệ mà bỏ qua những khía cạnh hạn chế hay tiêu cực. Việc phát hiện và đánh giá mặt tiêu cực hay hạn chế của công nghệ có khi đòi hỏi phải có nhiều thời gian và kinh qua thực tế kiểm nghiệm.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý và ngay cả đội ngũ cán bộ chuyên môn hiện nay của chúng ta chưa có nhiều người có trình độ chuyên sâu về công nghệ; hành lang pháp lý về thị trường công nghệ đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Vì vậy, việc đánh giá các tiến bộ và hạn chế của các công nghệ cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp chưa trúng đã dẫn đến đầu tư chưa hiệu quả; chưa nói tới những mánh khoé trong chào mời, quảng cáo của những nhà môi giới công nghệ đã làm chúng ta mất cảnh giác với những tiêu cực hoặc hạn chế của bản thân công nghệ hay kỹ thuật. Nếu không quan tâm đến điều này thì dễ dẫn đến tình trạng nước ta trở thành “bãi thải” của các công nghệ.

Tiếp đến, cần xem xét đồng thời tác động tích cực và tiêu cực của một công nghệ mới hoặc một thành tựu khoa học mới không chỉ về mặt tiến độ khoa học - kỹ thuật mà cả mặt tiến bộ xã hội. Mọi phát minh KHCN hay kỹ thuật có giá trị chỉ khi chúng có mục đích phục vụ cuộc sống của con người, làm cho xã hội con người phát triển, giàu có và hạnh phúc hơn. Khi áp dụng công nghệ vào thực tế cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít người dễ bị “loá mắt” và chỉ nhìn thấy mặt tiến bộ về khoa học mà quên đi thậm chí “phớt lờ” mặt hạn chế hay tiêu cực đối với xã hội. Những tiêu cực hoặc hạn chế đối với xã hội rất đa dạng, có cái thấy ngay trước mắt, nhưng có cái phải qua kiểm chứng lâu dài.

Các nhà khoa học phát minh và ứng dụng cần có quan điểm “kỹ thuật vị nhân sinh”, tránh rơi vào nhân sinh quan “kỹ thuật vị kỹ thuật” hoặc “kỹ thuật vị lợi nhuận” thuần túy. Điều này phải trở thành một phương châm hành động trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Nếu không, khi đứng trước tình trạng các nhà lập luận mang tính khoa học thuần tuý - nhất là trong khoa học chuyên sâu - có ý muốn thổi phồng một cách cực đoan mặt lợi ích khoa học, thì chúng ta sẽ bị lu mờ trước những thách thức hay hạn chế cả về mặt khoa học và mặt xã hội. Khi đó, hệ lụy của việc áp dụng phát minh mới hay công nghệ mới sẽ rất khôn lường. Chính vì thế, đòi hỏi trước hết ở người làm tham mưu về khoa giáo đảng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng thời có trình độ tư duy khoa học kỹ thuật nhất định.

Hai là, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều quan trọng nhất với nhà khoa học và người lao động chất lượng cao là phương pháp tư duy khoa học. Trong cơ cấu nhân lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nhiều loại hình nhân lực cần được đào tạo, từ nhà phát minh cho đến công nhân lành nghề...

Ở nước ta, một loại hình quan trọng cần được ưu tiên là những nhà quản lý về KHCN, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Đây là những người trực tiếp tham mưu cấp chiến lược cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để đưa ra các quyết sách phát triển (nói cách khác là làm chính sách, trong đó có cả chính sách đào tạo). Đây là sứ mệnh quan trọng hàng đầu của các nhà quản lý; ngoài ra, họ còn là người hướng dẫn thực hiện chính sách và kiểm tra thực hiện chính sách. Công việc này đòi hỏi họ phải được đào tạo để có những kiến thức quản lý nói chung và kiến thức quản lý KHCN nói riêng.

Không nên cho rằng, ai cũng làm được cán bộ quản lý. Lâu nay chúng ta chưa coi trọng việc tuyển chọn và đào tạo người làm quản lý. Thậm chí có suy nghĩ rằng, cán bộ có chuyên môn kỹ thuật giỏi đương nhiên sẽ làm công tác quản lý giỏi, đó là chưa nói đến tình trạng có những cán bộ không làm được việc thì đưa sang làm quản lý hay hành chính. Cần hiểu rằng, không phải ai cũng làm được công tác quản lý và một chuyên gia giỏi chưa chắc đã làm giám đốc hay bộ trưởng, thứ trưởng giỏi. Nói sứ mệnh quan trọng nhất của họ là làm chính sách là vì chính sách đúng thì mới có môi trường khoa học trong lành, mới tạo ra được một đội ngũ nghiên cứu khao khát và toàn tâm với khoa học nước nhà, mới tạo ra những động lực cả về tinh thần lẫn vật chất để khuyến khích KHCN phát triển. Bởi vậy, cần coi trọng hơn việc đào tạo những nhà quản lý KHCN kể cả tầm chiến lược lẫn chiến thuật trước khi nói đến đào tạo những loại nhân lực cao khác trong các chuyên ngành.

Tọa đàm

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết số 27 - NQ/TW, ngày 06/8/2008 về "xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"

Ba là, khoảng cách giữa nghị quyết mang tính chiến lược và việc giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến lĩnh vực khoa giáo.

Có một thực tế đáng lo ngại trước sự phát triển của y tế nước ta gần đây, đó là khi ngày càng thực hiện nhiều giải pháp của cơ chế thị trường vào quản lý y tế, xu thế phát triển y học dự phòng có phần giảm nhẹ hơn so với xu thế phát triển y học điều trị, nhất là điều trị bằng các kỹ thuật cao. Trong giai đoạn trước đây, nền y tế của nước ta tuy gặp rất nhiều khó khăn, KHCN chưa phát triển, nhưng ngành y tế đã đạt được nhiều thành tích. Bài học lớn nhất là công tác tuyên truyền kết hợp với các phong trào vận động quần chúng làm cho mọi người dân hiểu phòng bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Những kinh nghiệm trong chuyên môn như phát hiện, chẩn đoán sớm và chính xác, kết hợp với điều trị kịp thời là các giải pháp rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học, tự túc sản xuất vaccine; kết hợp với y học cổ truyền trong phòng và chữa bệnh là những bài học quý giá.

Tuy nhiên, hiện nay y học dự phòng dường như đang bị xem nhẹ. Trong y tế, đầu tư vào y học điều trị có nhiều cơ hội phát triển hơn là đầu tư vào y học dự phòng. Đó là nguyên nhân vì sao công nghệ cao ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong điều trị. Trước tình hình đó, cộng với tính phức tạp trong lây truyền các bệnh truyền nhiễm có tính toàn cầu (như COVID-19), cần tiếp tục nâng cao vị thế của y học dự phòng, đồng thời tiếp tục đi sâu tìm giải pháp kết hợp y học dự phòng với y học điều trị.

Trên đây là ví dụ minh chứng cho sự tồn tại của khoảng cách giữa nghị quyết mang tính chiến lược và việc giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến lĩnh vực khoa giáo xuất hiện trong đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi cần có sự tham gia của các cấp khoa giáo đảng. Tuy nghị quyết và quan điểm đã nêu rất rõ nhưng tại sao nhiều vấn đề vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Phải chăng là cơ quan khoa giáo đảng còn dừng ở nghị quyết mà chưa đi vào những vấn đề cụ thể hơn để cùng các ban, bộ, ngành, chính quyền chủ động tháo gỡ cho phù hợp với nghị quyết.

THIẾT LẬP MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC THEO QUY CHẾ RÕ RÀNG

Để nâng cao phong cách khoa học và hiệu quả trong tham mưu chiến lược và thực thi công tác khoa giáo, cần quan tâm hơn nữa đến việc thiết lập mối quan hệ làm việc theo quy chế rõ ràng giữa cơ quan khoa giáo đảng cấp Trung ương với các bộ, ngành; giữa các cơ quan khoa giáo đảng cấp tỉnh và huyện với chính quyền cùng cấp.

Đầu tiên phải giải quyết một luận điểm cho rằng, Đảng lãnh đạo nhưng chủ yếu là bằng đường lối, nghị quyết và Đảng làm công tác giám sát việc thực hiện đường lối; như vậy thì các cơ quan Đảng không nên đi vào những việc cụ thể mang tính chiến thuật của các lĩnh vực khoa giáo. Trong quá trình thực hiện này, một thực tế cho thấy, nhiều khi chúng ta đã tách rời việc hoạch định đường lối chiến lược với việc thực hiện đường lối. Nếu hai việc này được kết hợp nhuần nhuyễn thì đường lối vẫn được giữ vững và thực thi sẽ luôn tuân theo đường lối.

Để khắc phục tình trạng này, cần bàn kỹ về sự phối hợp giữa cơ quan khoa giáo đảng với các cơ quan khoa giáo chính quyền và đưa ra một quy chế làm việc phù hợp, hiệu quả. Cụ thể như sau:

Một là, cần bổ sung chức năng của các cơ quan khoa giáo đảng. Ngoài chức năng tham mưu để lãnh đạo đưa ra đường lối, nghị quyết mang tính chiến lược, hướng dẫn tinh thần và nội dung nghị quyết, kiểm tra việc thực thi đường lối thì nên tăng cường chức năng phát hiện và đề xuất những vấn đề bất cập và nổi cộm trong quá trình thực thi đường lối để phối hợp với các cơ quan thực thi tham mưu cách giải quyết sao cho phù hợp với nghị quyết và đường lối.

Hai là, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan khoa giáo đảng và các cơ quan thực thi để tham mưu cho Trung ương chỉ đạo một cách thống nhất và tập trung những bất cập trong thực thi nghị quyết và đường lối một cách kịp thời. Việc xây dựng quy chế này rất quan trọng vì nó tránh việc lặp lại các “vết xe” của quá khứ: lúc thì Đảng can thiệp quá sâu, nhưng cũng nhiều lúc có cơ quan thực thi tùy tiện mà không bám sát nghị quyết và đường lối.

Bước vào giai đoạn mới, thực tế đời sống kinh tế - xã hội của con người sẽ diễn biến với tốc độ nhanh chóng và những thử thách khó lường. Nếu muốn thực hiện được những khát vọng mang tính thời đại thì chúng ta cần bàn và tháo gỡ cách làm việc để thật sự khoa học, hiệu quả, xét cho cùng thực chất là chống quan liêu trong cách làm việc và tạo cơ chế thích hợp để đường lối và nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn./.

Để nâng cao phong cách khoa học và hiệu quả trong tham mưu chiến lược và thực thi công tác khoa giáo, cần quan tâm hơn nữa đến việc thiết lập mối quan hệ làm việc theo quy chế rõ ràng giữa cơ quan khoa giáo đảng cấp Trung ương với các bộ, ngành; giữa các cơ quan khoa giáo đảng cấp tỉnh và huyện với chính quyền cùng cấp.

 

GS. TSKH. PHẠM MẠNH HÙNG
Nguyên Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế 
Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây