Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022): Mấy cảm nhận sâu sắc về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với báo chí, tuyên truyền

Thứ ba - 22/11/2022 11:04 180 0
Những câu chuyện sâu sắc về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với báo chí, tuyên truyền được PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân ghi lại, như một nén tâm tâm nhang tưởng nhớ và thành kính tri ân đối với Ông.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng hát bài “Nối vòng tay lớn” với một số nhà báo, văn nghệ sĩ TP.HCM bên bờ sông Sài Gòn, 1999. Ảnh: TL

1. Đầu giờ sáng cuối thu 1996, tôi nhận điện thoại của anh Vũ Đức Đam (lúc đó là Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) báo tin: “Nếu Tổng biên tập không bận họp thì Thủ tướng mời anh Hồng Vinh lên làm việc”. Tôi hỏi: “Thời gian làm việc bao lâu?”, anh Đam trả lời: “Thủ tướng không nói rõ, nhưng theo em, chắc khoảng 10-15 phút vì lịch làm việc trong tuần của Thủ tướng dày kín.

15 phút sau tôi có mặt, đã thấy Thủ tướng ngồi chờ. Rót nước mời tôi, anh Sáu Dân nói thong thả:

- Nay đột xuất mời Hồng Vinh lên đây vì có mấy việc muốn trao đổi với Tổng Biên tập chung quanh tuyên truyền trên báo Đảng. Chắc Vinh biết rõ, một Hội nghị đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII bàn chuyên đề về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ lại có Thông báo về quyết định của Bộ Chính trị cho phép báo Nhân Dân tăng từ 4 trang lên 8 trang và thay măng sét mới; theo đó cho phép ra thêm một số ấn phẩm, trong đó có báo điện tử tiếng Việt rồi tiếng Anh… Với quyết định đó, mình rất vui mừng thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ. Vấn đề này còn lại là các cậu tổ chức thực hiện như thế nào để Báo đạt được mục tiêu đó”. Tôi báo cáo tóm tắt với ông về những nét cơ bản trong Đề án “Cải tiến, đổi mới báo Nhân Dân trong giai đoạn mới, đặc biệt là các giải pháp cùng những đề xuất, kiến nghị. Ông chăm chú nghe và ghi vào cuốn sổ tay; rồi chia sẻ cởi mở: “Nhìn chung Đề án là tốt; nếu làm được những vấn đề đã nêu, mình tin báo Đảng sẽ nâng lên vị thế mới, xứng đáng là ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí nước ta – như đã ghi trong các văn bản của Đảng, Nhà nước từ trước tới nay.

Ông nhắc tôi “uống nước đi, trà ngon đó”, rồi nói tiếp: Riêng phần kiến nghị về tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật cho Báo, mình sẽ nhắc ngay các vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ báo cáo”. Tôi định cảm ơn Thủ tướng để ra về vì nhìn đồng hồ đã quá một giờ rưỡi, biết ý tôi, ông cười: Khoan đã, mình chủ yếu dành hết sáng nay cho chủ đề phát triển báo Đảng xứng tầm. Tôi rất mừng khi ông hỏi: về xây dựng đội ngũ cây viết chủ lực của Báo, trong Đề án chưa nói rõ lắm. Bất ngờ, ông hỏi tôi: câu Nguyễn Kiến Phước dạo này ra sao?” Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói rành rọt: Cậu này con liệt sỹ quê ở huyện Gò Công, Mỹ Tho, có năng khiếu làm báo đó. Phước được đào tạo ở Nga nên có khả năng phiên dịch, đồng thời có khiếu viết bình luận quốc tế và viết tốt cả thể loại phóng sự điều tra. Hồi báo Nhân Dân cử Phước làm phóng viên thường trú ở Hậu Giang, mình có đọc một số bài thấy có tính phát hiện và tính định hướng. Vẫn biết báo Nhân Dân có đội ngũ bình luận viên sắc sảo như Quang Đạm, Trần Kiện, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chinh…, nhưng số nối tiếp sẽ thế nào. Chung quy một tờ báo có tầm cần có nhiều cây bút có uy quyền về các lĩnh vực. Bây giờ cậu làm Tổng Biên tập cần hết sức chú ý vấn đề này…”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn của phóng viên Phúc Tiến (giữa) và Ngọc Trân (trái) năm 1992. Ảnh của phóng viên Duy Anh.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn của phóng viên Phúc Tiến (giữa) và Ngọc Trân (trái) năm 1992. Ảnh của phóng viên Duy Anh.

Nhìn đồng hồ đang nhích dần con số 11 tôi vội thưa: “Rất cảm ơn Thủ tướng đã dành hơn 2 giờ để gợi mở các vấn đề lớn của báo Đảng, em xin tiếp thu đầy đủ và bàn luận trong Ban Biên tập ạ!: Ông xiết chặt tay và nói cởi mở: “Sau này nếu có mắc mớ gì lớn, cứ mạnh dạn báo cáo mình nhé”.

Sau buổi làm việc đó, trong đầu óc tôi sống lại những kỷ niệm sau ngày 30/4/1975, tôi được Phó Tổng biên tập Thép Mới cử vào Sài Gòn hợp lực cùng với Nguyễn Kiến Phước, Băng Châu, Hương Liên, Thế Gia, Thiên Anh…, vừa từng bước xây dựng Cơ quan thường trực báo Nhân Dân tại Sài Gòn, vừa thực hiện ngay công việc của một phóng viên thường trú. Chính những năm tháng đó, tôi và Kiến Phước được nhiều lần tháp tùng anh Thép Mới làm việc với anh Sáu Dân (lúc đó là Bí thư Thành ủy). Có được biệt thự ở đường Tú Xương làm Cơ quan thường trực và một chiếc xe Jeep để chuyển báo và công văn – đó là quyết định đầu tiên của anh Sáu. Riêng lĩnh vực tuyên truyền trên báo trong thời kỳ Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, anh Sáu Dân đã gợi mở cho Cơ quan thường trực nhiều đề tài “nóng” mà báo Đảng phải đi tiên phong…

2. Tháng 11/1996, nhân cuộc họp ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân, mà tôi được tham dự lúc giải lao, ông hỏi: “Thế nào, công việc của Báo tiến triển đến đâu?”, tôi thưa: “Tháng trước Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải cùng lãnh đạo mấy vụ chức năng đã xuống thăm và làm việc. Nghe tỉ mỉ Đề án, anh Sáu Khải góp thêm một số ý kiến; đồng thời chấp nhận hầu hết các kiến nghị của Báo trong phạm vi chức năng, quyền hạn của Chính phủ. Tuần trước, anh Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông đến tặng báo 10 bộ máy vi tính đồng thời giao cho Trung tâm thông tin của Bộ mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, phóng viên báo điện tử kỹ thuật tác nghiệp…”. Nghe xong, ông cười rất tươi và nói: “Vậy là Báo đi đúng hướng rồi đó, cần tiếp tục tranh thủ sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ ngành giúp Báo”.

Đúng thời điểm đó, có một sự việc làm cả Ban Biên tập đau đầu và mất thời gian. Đó là việc thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai quy hoạch lại cảnh quan Hồ Gươm để tôn vinh vẻ đẹp Thủ đô và thu hút khách du lịch. Theo phương án quy hoạch, Hà Nội sẽ nối thẳng con đường phố Nhà Thờ với Hồ Gươm với lý do: Cây đa ở khuôn viên báo Nhân Dân là cây cổ nhất, đẹp nhất ở Hà Nội, cần được trở thành tài sản chung cho khách trong nước và quốc tế tham quan. Như vậy nếu phương án này được thực hiện thì báo Nhân Dân sẽ mất nửa diện tích làm việc. Biết tin này, cả anh Đỗ Mười và anh Võ Văn Kiệt đều nhắc Hà Nội không được làm tùy tiện đối với một cơ quan Trung ương của Đảng, đã và đang là bộ mặt quốc gia.

Nhưng việc chưa dừng lại ở đó. Triển khai Đề án tăng cường các điều kiện làm việc cho cán bộ, phóng viên, Ban Biên tập xin phép xây ngôi nhà 3 tầng cho báo Nhân Dân cuối tuần và Nhân Dân hằng tháng làm việc. Chủ trương đó lúc đầu không được Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội tán đồng vì “phá vỡ cảnh quan Hồ Gươm”(!); 28 cuộc họp đã diễn ra giữa Ban Biên tập báo Đảng với các cơ quan chức năng của Hà Nội và Trung ương; đồng thời có ý kiến của Tổng Bí thư và Thủ tướng, ngôi nhà đó đã được xây dựng song song với đường Lý Thái Tổ và tồn tại cho đến hôm nay.

Qua mấy sự kiện nêu trên, tôi càng thấy rõ cái tầm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta; trong đó có vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từng là đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, tôi khâm phục chủ trương chống lũ của Thủ tướng trong bối cảnh có rất nhiều phương án, như đắp đê ngăn lũ rất tốn kém tiền của và khó có thể thành hiện thực. Lúc đó anh Sáu Dân sau quá trình khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng đã đưa ra khẩu hiệu: “sống chung với lũ”! Thời gian đã kiểm chứng tính đúng đắn của chủ trương mang tầm chiến lược đó. Có thể dẫn ra nhiều việc làm tương tự dưới thời ông chỉ đạo điều hành, như xây hệ thống đường điện cao thế Bắc – Nam 500KV trong lúc có không ít ý kiến không tán đồng vì không bảo đảm tính hiện thực về tính hiệu quả. Nhưng mấy thập niên qua, trước tình hình có lúc miền Bắc thiếu điện trầm trọng, nhờ hệ thống đường điện cao thế này, chúng ta đã duy trì nhịp độ sản xuất và tiêu dùng trong cả nước.

3. Tôi thấm thía mấy câu chuyên mà ông đã tận tình, gợi mở công tác tuyên truyền trên báo chí khi Ông đã về hưu.

CHUYỆN THỨ NHẤT

Một lần, tôi có may mắn gặp ông trong buổi ăn sáng ở trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai. Đặt ly cà phê xuống bàn, ông cởi mở: “Vinh à, có điều này mình cần nhắc lại với nhà báo; sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã tuyên bố trước toàn dân và cả thế giới rằng, chiến thắng này là chiến thắng của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta càng phát huy sức mạnh toàn dân tộc, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai. Trong cuộc chiến tranh vừa rồi, không ít gia đình có nỗi đau riêng, không ít người Việt bỏ Tổ quốc đến các nước đoàn tụ gia đình hoặc làm ăn sinh sống. Trên thực tế có bộ phận nhỏ người Việt vẫn nuôi ý đồ chống cộng, kích động những phần tử cực đoan đi ngược lại lợi ích dân tộc và Tổ quốc. Nhưng số đông vẫn có lòng yêu nước và tìm cách trở về đóng góp xây dựng quê hương. Điều đó là kết quả của chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, đã và đang thu phục các tầng lớp nhân dân. Nhưng mình thấy, chủ trương này chưa được báo chí tuyên truyền sinh động và đúng đắn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500KV Bắc-Nam. Ảnh: Minh Đạo

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500KV Bắc-Nam. Ảnh: Minh Đạo

CHUYỆN THỨ HAI

Ông tiếp tục nói say sưa: về nghỉ, mình có điều kiện đi thăm nhiều xóm, thôn, khóm, ấp ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Có thể khẳng định chủ trương phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư” là đúng đắn và đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ các chuyến đi thăm, mình phát hiện một điểm yếu của phong trào này là bệnh hình thức, bệnh phô trương. Mình đã trò chuyện lâu với các cán bộ nhân dân ở một số nơi được công nhận là “phường văn hóa”, “ấp văn hóa”, nhưng khi hỏi cán bộ nội hàm của văn hóa là gì; ưu điểm và khuyết điểm cụ thể, hoặc các mắc mớ hiện nay là gì trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, thì họ nói lúng túng lắm. Hỏi cụ thể một số hộ dân, họ trả lời thẳng: các ông nên hỏi lãnh đạo! Chính vì vậy mà những đơn vị đạt “danh hiệu văn hóa” vẫn còn hiện tượng cờ bạc, rượu chè, thậm chí là ma túy nữa… Mong ngành tuyên giáo cùng ngành văn hóa tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh và hướng dẫn cách làm đúng. Trong thiếu sót này, báo chí có phần trách nhiệm, đúng không?

Tôi thưa: “Dạ, đúng ạ!”. Ông cười sảng khoái: “Đã nhận thưa đúng thì cần khắc phục ngay nhé!”

CHUYỆN THỨ BA

Ông trầm ngâm khi đề cập chủ đề đạo đức xã hội hiện tại đang xuống cấp đáng lo ngại. Theo ông, dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn; có ý chí đoàn kết chống thiên tai, địch họa, có tinh thần thương yêu “tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhưng khi bước vào xây dựng đất nước với cơ sở hạ tầng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì hình như cái vế thứ 2 của định hướng phát triển đất nước bị mờ nhạt. Ngoài những vụ các băng nhóm “đâm thuê chém mướn” gây rúng động xã hội thì những vụ con giết cha, vợ giết chồng, anh chém em chỉ vì tranh nhau một căn nhà, một lối đi đang diễn ra gây bức xúc trong dân. Đặc biệt, hiện tượng “bạo lực học đường” đang có chiều hướng gia tăng, trong đó đáng chú ý các cháu nữ sinh ở độ tuổi 14-15 câu kết, “đánh hội đồng” một bạn gái vì không chịu làm theo “mệnh lệnh” của nhóm. Điều đau lòng là cảnh đó diễn ra ngay trước cổng trường, trên đường phố, nhiều người chứng kiến nhưng tất cả đứng im hoặc “bỏ mặc cho qua”!

Đành rằng những hiện tượng nêu trên có tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhưng nếu coi đó là nguyên nhân tất cả, thì là một sai lầm nguy hại. Nghị quyết của Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: cần làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống tinh thần xã hội, nhưng nghiêm túc xem xét, thì quan điểm nêu trên thể hiện trong công tác giáo dục tư tưởng bị coi nhẹ. Báo chí mới dừng ở việc thông tin vụ nọ, vụ kia, chứ chưa coi trọng phân tích thấu đáo nguyên nhân và kiến nghị giải pháp. Các cơ quan chức năng, trước hết là các ngành tuyên giáo, văn hóa chưa thật sự “vào cuộc” có hệ thống, chưa làm tốt chức năng giáo dục, định hướng; trên cơ sở đó, phối hợp, xử lý tận gốc: có một điều làm nhiều người rất băn khoăn – đó là hiện tượng một vụ án “giật gân, câu khách”, gây bức xúc xã hội, thậm chí làm dư luận lo lắng, hoang mang. Mình đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng ở góc độ tham gia vun đắp đạo đức xã hội, ủng hộ cái thiện; lấy cái đẹp dẹp cái xấu thì mặt cơ bản này phải huy động sức mạnh của báo chí, của đội ngũ tuyên truyền miệng để triển khai mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn…

Chia tay ông, tôi thầm cảm ơn những lời chỉ bảo chân tình của một vị lãnh đạo có tâm và có tầm, đến khi về hưu vẫn tâm huyết, trách nhiệm với đất nước và nhân dân. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, tôi ghi lại một số câu chuyện trên đây, coi đó là nén tâm nhang tưởng nhớ và tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt!

Hà Nội, tháng 9/2022

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng
nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Theo tuyengiao.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây