Những điểm mới và lưu ý quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 trên đại bàn thành phố Cần Thơ

Thứ năm - 08/05/2025 23:01 9 0
Để nắm vững các thay đổi quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025; đồng thời, nhằm tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao, các đơn vị và thí sinh cần đặc biệt lưu ý những điểm mới trong Quy chế thi, các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan cần đặc biệt chú trọng những nội dung sau đây:
59 4
Cán bộ coi thi đọc số báo danh của thí sinh trước khi vào phòng thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: Phúc Khang.

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025

1. Đăng ký dự thi


- Học sinh đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ theo quy định vẫn có quyền đăng ký miễn thi. Tuy nhiên, kết quả miễn thi này không được quy đổi về thang điểm 10 khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Mục đích của quy định này là đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh trong quá trình xét tốt nghiệp.

- Trường hợp học sinh vẫn muốn dự thi môn Ngoại ngữ, kết quả thi môn này sẽ được sử dụng để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.

2. Tổ chức thi

Một là, lịch thi rút gọn: Kỳ thi sẽ được tổ chức trong 03 buổi (giảm 01 buổi so với quy chế cũ).

Hai là, số lượng môn thi giảm: Thí sinh sẽ thi 04 môn, bao gồm: 02 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán. 02 môn tự chọn: Thí sinh tự chọn 02 môn trong số các môn học đã được học ở lớp 12 (Quy chế cũ quy định 06 môn thi).

Ba là, hình thức thi có sự thay đổi quan trọng: Môn Ngữ văn: Thi theo hình thức tự luận. Các môn học còn lại: Thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng hình thức trắc nghiệm đã có sự điều chỉnh, không chỉ đơn thuần là chọn và tô đáp án A, B, C, D. Đề thi trắc nghiệm mới sẽ bao gồm 03 phần: Câu hỏi nhiều lựa chọn; câu hỏi đúng/sai; câu trả lời ngắn.

Bốn là, thời gian làm bài thi: Môn Ngữ văn: 120 phút. Môn Toán: 90 phút. Các môn còn lại: 50 phút. Lưu ý đặc biệt đối với môn Địa lí: Thí sinh không được phép sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam trong phòng thi.

Năm là, quy trình đánh số báo danh mới: Thực hiện bốc thăm cách đánh số báo danh cho từng phòng thi với tối thiểu 05 phương án khác nhau cho mỗi buổi thi.

Sáu là, phương án phát đề thi thống nhất: Chỉ áp dụng 01 phương án phát đề thi (quy chế cũ có 02 phương án).

3. Xét công nhận tốt nghiệp đã có nhiều điểm mới

Thay đổi tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp: Điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ được tính dựa trên sự kết hợp của: (1) Điểm trung bình 03 năm học THPT: Chiếm tỷ lệ 50%. (2) Điểm thi tốt nghiệp THPT: Chiếm tỷ lệ 50%. (3) Bãi bỏ điểm khuyến khích cho giáo dục thường xuyên: Các loại chứng chỉ khuyến khích như chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng nhận nghề phổ thông không còn được cộng điểm khuyến khích khi xét công nhận tốt nghiệp đối với thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên.

CÁC VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VÀ TỔ CHỨC THI

1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố

- Tăng cường công tác truyền thông: Thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến đầy đủ và sâu rộng Quy chế thi, đặc biệt là những điểm mới đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục để nắm vững và triển khai thực hiện hiệu quả.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục: Yêu cầu các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc triển khai đầy đủ những điểm mới của Quy chế thi đến phụ huynh, học sinh, học viên khối 12 năm học 2024-2025 để các em nắm rõ và thực hiện đúng quy định.

- Đảm bảo chất lượng dạy và học: Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, ôn tập, đánh giá xếp loại học sinh, học viên đảm bảo tiến độ, thời gian năm học và đúng quy định. Đặc biệt, cần tập trung hướng dẫn học sinh, học viên làm quen và nắm vững phương pháp làm bài thi trắc nghiệm theo hình thức mới.

- Hướng dẫn đăng ký dự thi: Chỉ đạo việc hướng dẫn học sinh, học viên đăng ký dự thi đúng thời gian quy định.

- Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi bao gồm các công việc cần triển khai cụ thể sau: (1) Tuyển chọn và tập huấn cán bộ coi thi, giám sát, trong đó chú ý đến tiêu chí tuyển chọn, ưu tiên cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ tổ chức thi và các quy định liên quan và tổ chức tập huấn nghiệp vụ: Phổ biến quy chế thi mới nhất, hướng dẫn chi tiết quy trình coi thi, giám sát, xử lý tình huống bất thường, nhận diện các hành vi gian lận và biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới của kỳ thi năm 2025; (2) Phân công nhiệm vụ: Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ, giáo viên trong các khâu của kỳ thi (coi thi, giám sát hành lang, thư ký hội đồng thi,...); (3) Bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ tham gia kỳ thi: Thực hiện đầy đủ các chế độ phụ cấp, bồi dưỡng theo quy định hiện hành đối với cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi và quan tâm, tạo điều kiện về ăn ở, đi lại cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là những người công tác ở xa điểm thi; (4) Công tác phối hợp giữa các lực lượng: Tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các sở, ban, ngành liên quan (công an, y tế, điện lực, giao thông vận tải,...) để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế và các điều kiện vật chất khác phục vụ kỳ thi và xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất: Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ kỳ thi, bao gồm công tác coi thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025 theo đúng quy định của Quy chế thi. Đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo các điều kiện nhân sự và cơ sở vật chất để chuẩn bị đầy đủ số lượng đề thi, in sao đề thi chính xác, bảo mật và đúng quy trình.

- Phối hợp liên ngành: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố trong xây dựng phương án bố trí các điểm thi hợp lý (ưu tiên địa điểm thuận tiện, tránh để thí sinh di chuyển quá xa), phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế… Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh trong những ngày thi (ví dụ: tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ suất ăn trưa cho thí sinh ở xa điểm thi nếu có điều kiện).

2. Đối với chính quyền địa phương

- Hỗ trợ công tác truyền thông: Chỉ đạo Đài truyền thanh địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi, đặc biệt nhấn mạnh vào những điểm mới của Quy chế thi.

- Phối hợp chuẩn bị: Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp điện ổn định tại các điểm thi.

- Hỗ trợ các điểm thi: Chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho các Điểm thi được đặt tại địa phương, như: Bố trí địa điểm nghỉ ngơi cho cán bộ coi thi; huy động lực lượng tình nguyện hỗ trợ đưa đón thí sinh; hỗ trợ các suất ăn trưa cho thí sinh có nhà ở xa điểm thi…
Ngọc Quy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây