Phát huy vai trò đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững

Thứ hai - 28/08/2023 03:16 443 0
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra về yêu cầu phát triển đất nước, phải tập trung tăng cường xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam theo hướng phát triển về chất lượng. Đội ngũ trí thức cần được tăng lên trong hầu hết các ngành, lĩnh vực; phát triển mạnh trí thức có trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức
(18-5-1963 - 18-5-2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26-3-1983 – 26-3-2023) _Ảnh: TTXVN


NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Hiện nay, đội ngũ trí thức Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng, trình độ được nâng lên; số lượng trí thức có trình độ cao, có năng lực ngang tầm với trình độ của trí thức các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Đội ngũ trí thức năng động, sáng tạo, làm việc trong nhiều ngành, lĩnh vực, thuộc nhiều khu vực, tổ chức . Đến năm 2021, có khoảng 6,2 triệu người; góp mặt hầu hết ở các ngành, lĩnh vực.

Đội ngũ trí thức đóng góp quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trước hết là lý luận đối với đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khoa học và công nghệ đã thu được những thành quả to lớn, đóng góp quan trọng cho tốc độ phát triển và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, nâng cao vị thế của quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo đảm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cụ thể là:

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lý luận chính trị, đội ngũ trí thức đã kịp thời cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước như: Xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đóng góp kịp thời và hiệu quả cho việc tổng kết Đại hội X, XI, XII; hoàn thiện môi trường thể chế, các luật góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hoá Việt Nam.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đội ngũ trí thức đã tạo tiền đề thành lập một số ngành khoa học hiện đại, xây dựng cơ sở thành lập một số lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ đa ngành mới trong trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nano; là cơ sở để Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều dự án sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, khoa học tiên tiến được đầu tư phát triển có hiệu quả, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trên toàn cầu làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được trang thiết bị mạng 5G và điện thoại di động 5G; khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương.

Đối với lĩnh vực y tế, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm lo và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại, đưa trình độ khoa học lĩnh vực này ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới; làm chủ các kỹ thuật mới, tiên tiến để chữa trị bệnh hiểm nghèo, cứu sống nhiều bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong. Đã thiết kế, sản xuất thành công phần lớn loại vaccine cho công tác tiêm phòng bệnh, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu và loại trừ bệnh dịch hiểm nghèo. Nhiều sản phẩm vaccine, sinh phẩm đã được đầu tư phát triển và được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành.

Trong phát triển kinh tế, đội ngũ trí thức đã đóng góp cho việc làm giảm bớt tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thiên nhiên, xuất khẩu thô, sử dụng lao động chất lượng thấp và thâm dụng lao động, từng bước chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế tập trung vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng ngày càng cao, nhất là khi ngành khai khoáng có chiều hướng giảm. Công nghệ cao đóng góp tích cực vào cơ cấu phát triển của ngành kinh tế, dịch vụ. Phát triển chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất rau an toàn, hữu cơ được quan tâm, từng bước chuyển thành cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và dần thể hiện vai trò là trụ đỡ của tăng trưởng kinh tế. Các ngành kinh tế có tiềm năng, ưu thế, có trình độ khoa học, công nghệ cao như điện tử, tin học, logistics và vận chuyển, tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin, thương mại điện tử... được chú trọng phát triển.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB & GĐXH) được đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các tổ chức hội viên triển khai có hiệu quả, quy tụ được nhiều nhà khoa học, trí thức thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau tham gia thảo luận, góp ý kiến nhiều vấn đề lớn liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình nghiên cứu quan trọng của đất nước có tác động to lớn đối với xã hội. Mỗi năm, các hội khoa học và công nghệ chuyên ngành Trung ương cùng Liên hiệp hội đã triển khai khoảng 500 đề tài TVPB & GĐXH. Trong đó, một số đề tài nghiên cứu của nhiều hội chuyên ngành đã đóng góp vào ngân sách nước hàng ngàn tỷ đồng, như Hội Giống Cây trồng Việt Nam, Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam, Hội Cầu đường Việt Nam. Một số hội đã tham gia vào cung cấp giấy phép hành nghề hoặc đào tạo, bồi dưỡng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề như Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đội ngũ trí thức đã và đang giữ nhiệm vụ to lớn đối với việc bảo vệ và phát triển những giá trị di sản văn hoá truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức,… ứng xử, giữ gìn văn hoá truyền thống gia đình. Thông qua những hoạt động thực tiễn của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, đa dạng lĩnh vực, loại hình, hoạt động văn hoá phát triển ngày càng phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trưng bày triển lãm, tuyên truyền cổ động được tiến hành sôi nổi, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và các hoạt động chính trị, văn hoá, thể thao và du lịch quan trọng của đất nước, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hoá có nhiều khởi sắc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Văn nghệ sĩ, trí thức đã tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng các văn kiện của Trung ương và địa phương; thể hiện tài năng qua nhiều công trình, sáng tạo, đề tài, các tác phẩm khoa học được xuất bản trong nước và quốc tế. Thường xuyên tham gia, chủ trì, thực hiện các hoạt động nghệ thuật tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới được công chúng đón nhận, đánh giá cao; đào tạo, bồi dưỡng nhiều nghệ sĩ tài năng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề đang đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. - Nguồn: dangcongsan.vn

Trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề đang đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. - Nguồn: dangcongsan.vn

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và bắt kịp trình độ các nước tiên tiến trên thế giới trong một số lĩnh vực; trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.

Trong khoa học và nghệ thuật quân sự, đội ngũ trí thức đã tập trung nghiên cứu dự báo những vấn đề khoa học mới phát sinh từ thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học về chủ trương, đường lối, chính sách về chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược biên giới quốc gia.

Trong khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đã tập trung nghiên cứu, phát triển mới, cải tạo nâng cấp các hệ thống trang bị, vũ khí, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chiến đấu, thích nghi với từng điều kiện và nhiệm vụ chiến đấu đặc thù.

Trong y học quân sự, đã nghiên cứu và phát triển các trang thiết bị đảm bảo phục vụ sẵn sàng tác chiến, máy bơm thuốc tự chính, phòng hộ toàn thân, xe cứu thương cho bộ đội Trường Sa. Lĩnh vực cấp cứu chữa bệnh đã ứng dụng tiên tiến, ngang với trình độ những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển trong khu vực.

Đội ngũ trí thức công an cũng đã tập trung nghiên cứu các vấn đề khó và mới mà thực tiễn đề ra gồm: An ninh phi truyền thống, chiến tranh mạng, tội phạm phi truyền thống, tội phạm xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao. Các sản phẩm nghiên cứu giúp phòng đấu tranh chống có hiệu quả âm mưu và hoạt động tội phạm, tiêu biểu là: các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng trong giám định gen xác minh tính pháp lý đối với từng vụ án; trang thiết bị kĩ thuật định vị phá sóng vô tuyến tại chỗ cũng như trên phạm vi toàn cầu để ngăn chặn những hoạt động chống phá, kích nổ mìn dùng sóng radio. Một số lĩnh vực khoa học khác gồm: giám định gen, giám định ADN đã đạt trình độ quốc tế.

TẬP TRUNG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN VỀ CHẤT LƯỢNG

Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác trí thức trong thời kỳ mới. Tiếp tục đổi mới nhận thức, thống nhất và nâng cao trách nhiệm của từng cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị cùng toàn thể xã hội đối với bản chất, sứ mệnh, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức trên địa bàn, lĩnh vực được giao. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác trí thức.

Diễn đàn khoa học “Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước” . (Ảnh: Bích Liên)

Diễn đàn khoa học “Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước” . (Ảnh: Bích Liên)

Thứ hai, hoàn thiện toàn diện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức. Tăng cường công tác quản lý về trí thức và cụ thể hoá nghị quyết, chỉ thị của Đảng đối với trí thức bằng cơ chế, chính sách thống nhất, đồng bộ, phù hợp, hiệu quả với các nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhất là trí thức nước ngoài có chuyên môn cao vào làm việc cơ quan nhà nước; tận dụng thành tựu, lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, tiếp thu và truyền bá tri thức. Đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các công trình khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức; tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức nâng cao hiệu quả, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng cường sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học đối với công tác tuyển dụng nhân sự quản lý và các chức danh khoa học theo quy định của pháp luật; nghiên cứu ban hành khung tuổi làm việc của trí thức một cách hợp lý.

Thứ ba, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Tạo đột phá nhằm đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nguồn trí thức chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học gắn kết với nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng một số đại học trọng điểm ngang tầm những nước phát triển trong khu vực và quốc tế. Chú trọng phát huy người tài trong nước và ngoài nước, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ tài năng tại một số ngành nghề, lĩnh vực trọng yếu, trí thức tài năng, trí thức là những người đã có đóng góp đối với hoạt động xã hội, trí thức người dân tộc và trí thức trẻ.

Thứ tư, tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức. Tập trung ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, điều kiện lao động, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặt hàng, chuyển giao kết quả nghiên cứu chương trình, đề tài trọng điểm nhà nước, hình thành các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh liên kết với những nước có tiềm lực khoa học và công nghệ tiên tiến. Chủ động gia nhập mạng lưới đổi mới sáng tạo thế giới. Tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ của doanh nghiệp trong nước với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ năm, tăng cường nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công tác hội của trí thức. Tăng cường công tác tuyên truyền với đội ngũ trí thức, người có uy tín, văn nghệ sĩ để khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm đam mê, khát vọng phát triển Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc. Nâng cao trách nhiệm, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ cấp uỷ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Đổi mới toàn diện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của các tổ chức hội trí thức theo hướng gọn nhẹ, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”. (Trích Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

PGS. TS. Nguyễn Quốc Trung 
TS. Ngô Đình Sáng
TS. Nguyễn Việt Hoà

Ban Tuyên giáo Trung ương
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây