Quan điểm về quyền con người trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ tư - 15/12/2021 07:41 919 0
Quyền con người là giá trị phổ quát mà tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm; quyền này được nêu trong hầu hết các điều ước quốc tế. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững, đảm bảo thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển các quan điểm của Đảng về quyền con người trong thời kỳ đổi mới, đã đề ra những chủ trương đúng đắn cho việc thực hiện quyền con người trong thời gian tới.
Bảo đảm Quyền con người được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh minh họa: Minh Lương.
Bảo đảm Quyền con người được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh minh họa: Minh Lương.
Ngày 10/12/1948, tại Thủ đô Pari của nước Cộng hòa Pháp, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức thông Tuyên ngôn thề giới về nhân quyền. 73 năm qua, Bản Tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững; các quyền của con người được phát huy và bảo đảm vững chắc bởi các thể chế Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

1. Quyền con người
Quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc: nhân quyền hay quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của Nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại. Con người thể hiện và khẳng định quyền của mình thông qua các mối quan hệ xã hội cụ thể. Vì thế, quyền con người, một mặt, là giá trị phổ biến của nhân loại, bao hàm những quyền và nguyên tắc được áp dụng phổ biến ở mọi nơi, mọi đối tượng. Mặt khác, quyền con người còn mang tính đặc thù của mỗi giai cấp, dân tộc và quốc gia theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hoá và truyền thống dân tộc. 

2. Quan điểm của Đảng về quyền con người
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc, toát lên những vấn đề rất căn bản, trong đó có vấn đề về nhân quyền, dân quyền. Các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là nhằm giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc gắn với quyền của người dân Việt Nam, cốt lõi là nhằm vào việc bảo vệ, bảo đảm quyền công dân, quyền “được sống sung sướng” và luôn gắn với quyền dân tộc. 
Trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở kế thừa thành tựu trong các thời kỳ cách mạng ở nước ta và vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, cũng như tiếp thu tinh hoa tư tưởng, pháp luật nhân quyền quốc tế, nhận thức và đường lối chỉ đạo của Đảng ta về quyền con người tiếp tục có nhiều bước phát triển mới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) khẳng định quan điểm xuyên suốt là: “Cùng với việc chăm lo đời sống Nhân dân, các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định” [1, tr 112] và “… bảo đảm quyền dân chủ thật sự của Nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân” [1, tr 117]. 
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) nêu rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân” [2, tr 76]. Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề quyền con người đã thể hiện sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng ta về vấn đề quyền con người. Việc thể chế hóa đường lối của Ðảng, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, thực thi quyền con người và ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã đưa nội dung quyền con người vào tất cả các văn kiện Đại hội, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục “thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013…” [3, tr 169].

3. Quan điểm về quyền con người trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thể hiện ở những nội dung cơ bản như sau:
Kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bổ sung mối quan hệ giữa lấy con người làm trung tâm - bảo đảm quyền con người - phát triển con người toàn diện gắn bó khăng khít với mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, pháp quyền nhằm giữ gìn pháp chế, kỷ cương xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Quyền con người gắn với sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển” [4, tr 46-47]. 
- Lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện. Điều này tiếp tục được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” [4, tr 27-28]. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Chủ động tạo điều kiện tốt nhất, nâng cao khả năng sáng tạo và phát triển của con người Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân. Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm Nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định, an sinh xã hội tốt nhất.
- Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xác định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội” [4, tr 71]. “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” [4, tr 175-176]. Đồng thời, để bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật về quyền của con người cũng đã được bổ sung, hoàn thiện như việc ban hành Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khẳng định: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” [4, tr 177].
- An ninh con người là vấn đề lần đầu tiên được Đảng ta đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân” [4, tr 156] và được minh chứng rất thuyết phục, hợp lý trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng đến việc đảm bảo sự an toàn của người dân. Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh và thiên tai, những chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đối với người dân là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Đảng ta luôn xác định, nhân tố con người, an ninh con người là trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước. Mục đích cuối cùng cũng là vì lợi ích của Nhân dân, tất cả vì sự phát triển tiến bộ của con người, vì hạnh phúc của Nhân dân. 
Với những quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng về quyền con người, luôn đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của con người trong chiến lược phát triển đất nước thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại sẽ tạo nguồn lực mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển đất nước. Việc quán triệt, thực hiện quan điểm về quyền con người trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và trong Nhân dân về bảo đảm thực thi quyền con người, nhất là phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ThS Ngô Hồng Phong 


-----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật, H. 1987.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2016.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây