Thông qua các phong trào hành động cách mạng, góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Đường Hoàng Vững – Sinh viên ngành Luật học, tự hào khi được Chi bộ Sinh viên, Đảng bộ Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ kết nạp đảng viên. Ảnh minh họa: Tú Anh.
Nhận diện và nguyên nhân một bộ phận thanh niên “lệch chuẩn” đạo đức
Một trong những nội dung cốt lõi của giáo dục đạo đức là giáo dục tình cảm đạo đức. Những giá trị đạo đức, những tri thức đạo đức thu nhận được bằng lý trí dù có tốt đẹp đến đâu, nếu không có được một tình cảm đạo đức trong sáng và sâu sắc thôi thúc thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận thông tin, chúng không có cơ sở để biến thành hành vi đạo đức.
Trong bối cảnh hiện nay khi môi trường văn hóa bị lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm, dịch vụ độc hại đã làm suy thoái đạo đức, nhất là trong thanh niên hiện nay. Bên cạnh đa số thanh niên Việt Nam sống có lý tưởng, có ước mơ, có hoài bão lớn, tình nguyện vì cuộc sống của cộng đồng, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, rèn luyện để làm giàu, làm chủ tri thức của mình, trở thành những công dân có ích, đóng góp một phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì vẫn còn một số ít thanh niên còn thờ ơ về chính trị, chạy theo những trào lưu, đu trend hay xu hướng lệch lạc, mắc vào các tệ nạn xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật... Đâu đó đã xảy ra những hiện tượng phóng xe vượt ẩu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, mất trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là truyền thống tôn sư trọng đạo đang có nguy cơ bị xói mòn trong một bộ phận thanh thiếu niên. Nạn xì ke, ma túy, rượu chè, cờ bạc, cá độ, trộm cắp, bói toán đang có nguy cơ xâm lấn học đường. Trong tình yêu, tình bạn có xu hướng sống thực dụng, phóng túng và thiếu trách nhiệm với nhau. Không ít thanh niên chưa xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn dẫn đến thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, kỹ năng mềm chưa tốt, ảnh hưởng đến năng lực làm việc khi ra trường... Những hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả học tập, mà còn đang bào mòn nhân cách của họ. Vậy, nguyên nhân của sự xuống cấp về mặt đạo đức ở một bộ phận thanh niên những năm gần đây có thể có nhiều, trong đó, nổi lên một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
Một là, phần lớn số thanh niên vi phạm kỷ luật, suy thoái đạo đức là do không chịu khó rèn luyện, thiếu quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, không chịu học tập, lười lao động, thiếu nghiêm khắc với bản thân, có sai lệch trong nhận thức, trong quan niệm sống, đua đòi, lai căng, thực dụng.
Hai là, sự tác động của kinh tế thị trường. Bên cạnh những mặt tích cực, bản thân kinh tế thị trường không phải là liều thuốc vạn năng mà nó có mặt trái của nó, nhất là về lối sống - một lối sống thực dụng cực đoan, tôn thờ đồng tiền, chà đạp lên đạo lý, làm hoen ố những giá trị đạo đức truyền thống ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Phải chăng, đây là lúc uy lực của đồng tiền tăng lên trong đời sống kinh tế; đồng thời cũng dẫn đến những đảo lộn trong đời sống đạo đức của một bộ phận dân cư nói chung, của thanh niên nói riêng. Sự thật ấy không ai phủ nhận, nhưng sẽ là không công bằng khi chúng ta cứ đổ hoàn toàn cho những lý do kinh tế mà không đi tìm nguyên nhân đạo đức của nó.
Để thanh niên nhận thức đúng và sống có trách nhiệm
Trước những vấn đề nêu trên, vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng “lệch chuẩn” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh niên hiện nay. Làm thế nào để có được những thế hệ thanh niên phát triển toàn diện về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Với tinh thần này, thiết nghĩ cần tập trung giáo dục cho thanh niên - thế hệ trẻ một số nội dung đạo đức cơ bản như sau:
Thứ nhất, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc
Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, từ lâu đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta, nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay, đó là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của Nhân dân, của dân tộc Việt Nam, là bản chất của người Việt Nam đã được cha ông ta dày công vun xới suốt hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước và được nâng lên thành triết lý sống, thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Do đó, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho thanh niên là giúp cho thanh niên nhận thức được chủ nghĩa yêu nước là bậc thang cao nhất trong giá trị đạo đức Việt Nam, là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong nhân cách con người Việt Nam. Không thể có một nhân cách phát triển toàn diện mà ở đó lại vắng bóng hay thiếu sự hiện diện của chủ nghĩa yêu nước.
Chỉ dừng lại ở việc nhận thức thôi thì vẫn chưa đủ, quan trọng hơn là phải giúp cho thanh niên “nội tâm hóa” giá trị, phẩm chất đạo đức ấy thành những phẩm chất, những giá trị nhân cách bền vững trong họ, giúp họ biến tri thức đạo đức thành thực tiễn đạo đức. Nghĩa là, mỗi một thanh niên phải biến chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, về truyền thống anh dũng chống thiên tai, địch họa, về phong tục tập quán, về bản sắc văn hóa Việt Nam, về vẻ đẹp của quê hương đất nước, cùng với lòng kính trọng đối với Nhân dân, với Tổ quốc thành tình cảm đạo đức, thành niềm tin, thành sức mạnh, vốn là những giá trị, những phẩm chất nhân cách không thể thiếu được trong con người yêu nước Việt Nam, trong nhân cách thanh niên Việt Nam, ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trường tồn.
Thứ hai, giáo dục cho thanh niên biết sống có lý tưởng, ước mơ và hoài bão
Một trong những vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong việc giáo dục đạo đức để hình thành nhân cách cho thanh niên là giáo dục cho thanh niên biết sống có lý tưởng, ước mơ và hoài bão lớn lao. Đây là một trong những yếu tố hết sức cơ bản của cấu trúc nhân cách và có ý nghĩa chỉ đạo, điều khiển hoạt động, hành vi hằng ngày của thanh niên, hướng hoạt động của họ vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ.
Cuộc sống chỉ cao quý khi con người sống có lý tưởng. Sống có lý tưởng, ước mơ hoài bão lớn lao, con người sẽ nhân đôi cuộc sống có ý nghĩa của mình lên. Không có lý tưởng và niềm tin, không có ước mơ và hoài bão thì làm sao có đức hy sinh và lòng dũng cảm; sự cao thượng và lòng vị tha; dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận khó khăn nguy hiểm.
Lý tưởng chưa phải là cái hiện thực, lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất, là hình mẫu mà người ta phấn đấu đạt đến. Lý tưởng càng không phải là ảo tưởng, không phải là điều xa vời mà phải bắt nguồn từ chính cuộc sống. Lý tưởng đó được xây dựng trên cơ sở thế giới quan khoa học, là sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng, giữa lý trí và tình cảm, giữa khát vọng và niềm tin. Để hình thành lý tưởng sống cho mình, mỗi thanh niên cần phải biết phân tích, đánh giá, lựa chọn, khái quát hóa hiện thực để xây dựng cho mình một hình ảnh mẫu mực cần vươn tới. Tất nhiên, hình ảnh đó phải là sự thăng hoa của cuộc sống hiện thực, của thời đại, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Lý tưởng của thanh niên ngày nay phải là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp, vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước. Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì sự phồn vinh và hạnh phúc; vì một kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển của dân tộc. Đây là một lý tưởng vừa hiện thực, vừa cao cả. Vì vậy, phải coi việc giáo dục lý tưởng đó là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản của giáo dục đạo đức; là cơ sở, nền tảng để phát triển con người, phát triển nhân cách.
Thứ ba, giáo dục đạo đức mới trong học tập
Hoạt động học bao gồm các thành tố: nhiệm vụ học tập, các hành động học tập, động cơ, mục đích, nhu cầu học tập… Đối với tuổi trẻ, học tập không chỉ là đòi hỏi, là yêu cầu của xã hội đối với họ, đó còn là nghĩa vụ đạo đức, là nhu cầu “tự thân” của lớp trẻ nhằm hướng vào bản thân mình để thay đổi chính mình. Giáo dục đạo đức mới trong học tập cho thanh niên là hướng hoạt động học của họ theo đúng mục tiêu giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đó là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ Nhân dân.
Học tập là một công việc suốt đời, chúng ta phải giáo dục cho thanh niên ý thức không ngừng phấn đấu, vươn lên trong học tập, để nâng cao trình độ nhận thức, tích lũy tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt trong nền văn minh trí tuệ hôm nay và ngày mai, khi mà nhân loại coi tri thức là vốn liếng quý báu của các dân tộc, trí tuệ là nguồn tài nguyên của các quốc gia, khi mà cuộc chạy đua để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” trên bình diện chất xám ngày càng trở nên quyết liệt, thì nhiệm vụ học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề đối với mỗi thanh niên, hình thành yếu tố tài năng trong nhân cách của họ càng trở nên nặng nề và cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, một trong những công việc trước mắt là phải làm cho thanh niên thấm nhuần một cách sâu sắc tư tưởng học tập suốt đời của V.I.Lênin: phải học tập, phải học tập nữa, phải học tập mãi, để giúp thanh niên có khả năng làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình đối với Tổ quốc, mới xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà.
Thứ tư, giáo dục chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cho thanh niên
Giáo dục chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cho thanh niên là một trong những nội dung cơ bản, là nguyên tắc đạo đức quan trọng thể hiện bản chất đạo đức mácxít - một trong những yếu tố, giá trị nền tảng của nhân cách con người.
Về thực chất, giáo dục chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cho thanh niên là giúp cho họ nhận thức được rằng: chủ nghĩa nhân đạo cộng sản là thái độ tốt và tình yêu thương đối với con người, là đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân loại, mà trước hết là tự do và hạnh phúc của những người lao động, là giải phóng con người khỏi mọi sự “tha hóa”. Không có thái độ tốt và tình thương yêu đối với con người, thì không có gì để nói về chủ nghĩa nhân đạo vì đó chính là ngọn nguồn của mọi hạnh phúc, là điều kiện cao nhất của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.
Hiện nay, trong xã hội, bên cạnh sự phát triển chiếm ưu thế của chủ nghĩa nhân đạo chân chính, vẫn còn tồn tại rất nhiều những hiện tượng, hành vi phi đạo đức, vô nhân đạo: đối xử tàn nhẫn với con người (đánh đập, ức hiếp, giết người một cách dã man, tàn bạo, thờ ơ, vô ơn…); làm giàu bất chính (sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả, gian lận thương mại, tham nhũng…); trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đó là sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp… tất cả những hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm hủy hoại nhân cách con người, vi phạm nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa Việt Nam (lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý) vốn được vun đắp nên trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do đó, giáo dục chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cho thanh niên, trước hết là giáo dục tình yêu thương con người, đó là yêu thương cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy cô. Bởi lẽ, không có con người và tình yêu thương con người thì không có cái gì là có giá trị cả. Mọi cái phải bắt đầu từ con người và vì con người, nếu vì một mục đích thấp hèn khác thì sớm muộn con người cũng phải trả giá cho điểm xuất phát sai lầm, cho sự lựa chọn của mình. Đồng thời, chúng ta cần phải nhanh chóng loại bỏ những hiện tượng tiêu cực này ra khỏi đời sống xã hội để tạo ra một môi trường lành mạnh cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con người Việt Nam nói chung, thanh niên Việt Nam nói riêng.
Ngoài những phẩm chất đạo đức được nêu ở trên, còn một số phẩm chất đạo đức khác cần tập trung giáo dục cho thanh niên hiện nay đó là: ý thức trách nhiệm công dân; có bản lĩnh nhân cách vững vàng; lối sống văn minh, hiện đại; đồng cảm, chia sẻ với mọi người; sống tiết kiệm, giản dị; trung thực, tôn trọng lẽ phải…
Trong những phẩm chất này, giáo dục một lối sống đẹp, văn minh, hiện đại cho thanh niên có một ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn. Một lối sống đẹp, mang tính nhân bản và nhân văn sâu sắc, tính khoa học và thẩm mỹ cao, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ góp phần to lớn trong việc khắc phục lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, chà đạp lên phẩm giá con người.
Bên cạnh đó, để có thể phát huy tác dụng và hiệu quả của việc giáo dục các phẩm chất đạo đức cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải biết kết hợp các giải pháp đạo đức với các giải pháp “ngoài đạo đức” - tức là các giải pháp kinh tế - xã hội, vì đây là cơ sở kinh tế - xã hội cho sự phát triển nhân cách, không có cơ sở này, nhân cách con người không thể phát triển toàn diện.