ĐẢNG TA COI TRỌNG VIỆC NẮM BẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI
Ngay từ khi được thành lập, Đảng ta đã rất coi trọng việc nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Đây được xem là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng cũng như của mỗi đảng viên. Trong những năm qua, tầm quan trọng của công tác này đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng:
Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã nêu ra nhiệm vụ đối với công tác tư tưởng, đó là: “Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều tra dư luận xã hội”(1).
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII tiếp tục yêu cầu: “Tổ chức điều tra dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước. Xây dựng luật về trưng cầu dân ý”(2). Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, cũng nhấn mạnh: "Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng".
Để bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 29/9/2009, Ban Bí thư trung ương Đảng đã ra Thông báo Kết luận số 274-TB/TW về “Đề án tăng cường năng lực điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội” trong đó nhấn mạnh: “Điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội là nhiệm vụ quan trọng và rất cần thiết để các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, có căn cứ khoa học chuẩn bị cho việc ban hành chỉ thị, nghị quyết, cơ chế, chính sách và đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chỉ thị, nghị quyết, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 13/2/2012 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI tiếp tục nêu nhiệm vụ: “Đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra dư luận xã hội, tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân để tham khảo trước khi quyết định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW, Ban Bí thư đã giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra dư luận xã hội, tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân để tham khảo trước khi quyết định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Ngày 18/8/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 100-KL/TW về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Trong Kết luận này, Ban Bí thư nhấn mạnh: “Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội nhằm nâng cao tính xác thực, độ tin cậy, tính đại diện của thông tin dư luận xã hội; phát hiện, dự báo và đề xuất những kiến nghị, giải pháp có tính khả thi đối với việc ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết định quan trọng của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội.
Triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 167- HD/BTGTW ngày 26/12/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Hướng dẫn thực hiện Kết luận 100-KL/TW. Kể từ khi Ban Bí thư ban hành Kết luận số 100-KL/TW, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, tổ chức, bộ máy làm công tác dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, kiện toàn theo hướng tinh gọn, thiết thực; hoạt động công tác dư luận xã hội đã có bước chuyển biến mới về chất, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm hơn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống tuyên giáo cả nước đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả nắm bắt tình hình dư luận trong các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ngày càng coi trọng tính kịp thời, khách quan, toàn diện, trung thực; phân tích, làm rõ căn cứ của những luồng dư luận; đưa ra những dự báo, đề xuất các giải pháp thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành uỷ và một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương hằng tháng đã gửi báo cáo tình hình dư luận về Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định. Chất lượng các báo cáo tình hình dư luận về cơ bản đã bảo đảm khách quan và có nhiều đề xuất, kiến nghị để giúp Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp uỷ địa phương kịp thời chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý vụ việc phức tạp.
Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã nêu rõ: Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội. Những định hướng chỉ đạo trên đây, cùng với yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức công tác dư luận xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đòi hỏi phải nhanh chóng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của Viện Dư luận xã hội bảo đảm đáp ứng tình hình mới.
KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ, VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG LĨNH VỰC CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Có thể khẳng định, quá trình xây dựng, phát triển của công tác nghiên cứu dư luận xã hội trong ngành tuyên giáo có sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết với lịch sử xây dựng và phát triển của công tác tuyên giáo trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Mặc dù có những giai đoạn phát triển thăng trầm, với những tên gọi khác nhau, song công tác dư luận xã hội luôn gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong lĩnh vực công tác tư tưởng của Đảng. Qua gần 40 năm xây dựng, phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đến nay, công tác dư luận xã hội đã có bước trưởng thành, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong lĩnh vực công tác tư tưởng của Đảng.
Việc nắm bắt dư luận xã hội trong thời chống Pháp, chống Mỹ và một thời gian dài sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tiến hành thuần túy theo các phương pháp truyền thống. Đó là sự phân công cán bộ, đảng viên thâm nhập vào quần chúng, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, phản ánh với tổ chức đảng. Trên cơ sở đó, tổ chức đảng có các báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tâm trạng, tư tưởng của quần chúng, đề ra các nhiệm vụ, việc làm cụ thể nhằm hiện thực hóa những suy nghĩ, nguyện vọng chính đáng của quần chúng hoặc đề ra các giải pháp thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận quần chúng trong trường hợp dư luận quần chúng thiếu chuẩn xác. Trong hoàn cảnh đặc biệt khi đất nước có chiến tranh hoặc chưa thống nhất, cả xã hội ta, nhất là cán bộ, đảng viên, sẵn sàng hy sinh mọi lợi ích cá nhân, cục bộ vì lợi ích quốc gia, dân tộc nên tình hình tâm trạng, tư tưởng trong xã hội có sự thống nhất rất cao. Mặt khác, do trong Đảng chưa xuất hiện (hoặc có nhưng cá biệt) các căn bệnh như “bệnh thành tích”, “lợi ích nhóm”, “suy thoái đạo đức, lối sống”... nên việc nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, dư luận quần chúng theo phương pháp truyền thống nói trên hoàn toàn có hiệu quả, các báo cáo về tình hình tâm trạng, tư tưởng, dư luận quần chúng của các cấp ủy đảng về cơ bản là trung thực và đáng tin cậy.
Tuy nhiên, sau khi thống nhất đất nước, bước vào thời bình, thời xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi nền kinh tế nước ta phát triển theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN cùng với quá trình đẩy nhanh hội nhập khu vực và quốc tế, do nhiều nguyên nhân, ví dụ như xu hướng biến động ngày càng phong phú, đa dạng, phức tạp, khó nắm bắt của bức tranh tâm trạng, tư tưởng xã hội do tác động hai mặt của cơ chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế; sự phát triển" của “bệnh thành tích, bệnh quan liêu, bệnh ngại nói thẳng, nói thật”... cùng với đó là sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ nắm bắt tâm trạng, tư tưởng các tầng lớp nhân dân của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo…, việc nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, dư luận các tầng lớp Nhân dân theo phương pháp truyền thống của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, nhiều khi không chỉ thiếu nhanh nhạy, thiếu kịp thời mà còn thiếu khách quan, trung thực. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít quyết định của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã ban hành, nhưng không đi được vào thực tiễn cuộc sống.
Năm 1982, xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi phải đổi mới công tác nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, dư luận của các tầng lớp Nhân dân và qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước XHCN lúc bấy giờ, ngày 9/10/1982, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (gọi tắt là Viện Dư luận xã hội) trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Viện Dư luận xã hội có nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu dư luận Nhân dân đối với những vấn đề cơ bản của đất nước và những vấn đề quan trọng có tính thời sự theo quan điểm Mác-Lê nin; tổng hợp, phân tích dư luận xã hội để báo cáo với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên của Viện về lý luận, nghiệp vụ.
Năm 1997, Trung tâm nghiên cứu Dư luận xã hội nằm trong Vụ Tuyên truyền thuộc Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương được thành lập. Trung tâm nghiên cứu Dư luận xã hội ngoài nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu dư luận Nhân dân được bổ sung thêm một nhiệm vụ mới: giúp Ban hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp khía cạnh tư tưởng, chính trị của các cuộc điều tra dư luận xã hội do các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tiến hành.
Năm 1998, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội với tư cách là một đơn vị độc lập của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Từ khi được thành lập, Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí, ưu thế của mình trong việc nắm bắt, phản ánh tâm trạng, tư tưởng, ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác nghiên cứu dư luận xã hội, năm 2007, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội với các chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện là: Nghiên cứu khoa học về dư luận xã hội, là cơ quan tham mưu giúp Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nắm bắt, định hướng dư luận xã hội với 9 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chức năng này.
Kế thừa, phát huy những thành tích đã đạt được; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực công tác dư luận xã hội, nhất là Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”; bám sát định hướng chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Viện Dư luận xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy trong công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội của cả nước. Các sản phẩm báo cáo nhanh, báo cáo điều tra dư luận xã hội, báo cáo chuyên đề đã trở thành “thương hiệu” của Viện, không chỉ phục vụ nhiệm vụ tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương, phục vụ việc ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà còn cung cấp nguồn thông tin tham khảo quan trọng để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương nắm bắt được tâm tư, ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh các kết quả đạt được của đất nước qua 40 năm đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của các giai tầng xã hội được nâng lên rõ rệt; vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao, đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhất là căng thẳng trên Biển Đông, tiềm ẩn những yếu tố mới khó lường; kinh tế-xã hội tuy đã có bước phát triển nhưng chưa thực sự vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa phát huy đầy đủ giá trị lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc và con người Việt Nam; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn một số yếu kém, bất cập; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế; các thế lực thù địch không ngừng chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng. Những yếu tố đó đòi hỏi trong thời gian tới, hệ thống tuyên giáo cả nước phải chủ động hơn, nhạy bén hơn trong công tác nghiên cứu dư luận xã hội; dự báo xu hướng và đề xuất được các giải pháp hiệu quả góp phần định hướng dư luận xã hội tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII), Nxb. Sự thật, H, 1994, tr. 40-41.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII), Nxb. Sự thật, H, 1992, tr. 32.