Thiếu tướng Lê Thanh Sơn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, người chỉ huy cánh quân chủ yếu tiến vào giải phóng Cần Thơ năm 1975.
Lễ mừng thắng lợi 30/4/1975 tại thành phố Cần Thơ. Ảnh nguồn: “Đồng bằng sông Cửu Long Nơi chiến tranh đi qua - NXB TPHCM 2003”.
“Cần Thơ – nơi được xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn, nên Mỹ ngụy đã điều phần lớn lực lượng về trấn thủ quanh thành phố Cần Thơ. Trong thời điểm tháng 4/1975 quân số địch ở Cần Thơ có khoảng 20.000 tên, 400 đồn bót, 2 tiểu khu, 11 chi khu, 2 giang đoàn, Sư đoàn 21, Sư đoàn 7, Sư đoàn không quân số 4, Thiết đoàn số 8, Chi đoàn 296 ngụy; song song đó, chúng còn tiếp nhận thêm máy bay phản lực A37 và nhiều máy bay trực thăng ở Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Biên Hòa. Tất cả lực lượng này nhằm bảo vệ thành phố Cần Thơ, địch bố trí ở 3 tuyến phòng thủ từ tuyến lộ Vòng Cung, cửa ngõ đi vào sào huyệt của chúng:
Tuyến 1: Vòng ngoài gồm, tuyến phòng thủ ở Phụng Hiệp, Châu Thành A, Ô Môn do Trung đoàn chủ lực đảm nhiệm…
Tuyến 2: Lộ Vòng Cung gồm, Sư đoàn 21 (4 trung đoàn chủ lực), 1 Trung đoàn Bảo An.
Tuyến 3: Lộ Nguyễn Viết Thanh (nay là đường 3 tháng 2 TP Cần Thơ).
Đúng 17 giờ, ngày 26/4/1975, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9 (QK9), quân ta đã nổ súng tiến công ở Cần Thơ phối hợp chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 28/4/1975, nhân viên cấp cao tòa lãnh sự Mỹ ở TP. Cần Thơ hoang mang rút chạy, trong số này có Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp – Tỉnh trưởng Cần Thơ và một số tướng tá thuộc Quân đoàn 4 và Vùng IV chiến thuật, bọn ngụy tuy hoang mang, nhưng vẫn điều thêm lực lượng bảo vệ thành phố Cần Thơ.
11 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975 cùng với đại quân chiếm Dinh Độc Lập của ngụy ở Sài Gòn, Thành ủy Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã chọn. Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Cần Thơ chia làm 3 cánh quân tiến công áp sát thành phố Cần Thơ: Một cánh quân gồm, các đơn vị chủ lực QK9, Tiểu đoàn Tây Đô III tiến về Châu Thành A, lên lộ Vòng Cung qua Trà Niền, xã Nhơn Ái do đồng chí Phạm Hồng Thấy, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Tây Đô III chỉ huy; một cánh quân gồm, Tiểu đoàn Tây Đô II tỉnh Cần Thơ cùng với Tiểu đoàn 303 chủ lực QK9 từ Vĩnh Long vượt sông Hậu qua hướng Châu Thành B tiến thẳng về Xóm Chài (phường Hưng Phú) và Cái Răng do đồng chí Lê Hoàng Sương, Tỉnh đội phó chỉ huy; một cánh quân đánh hướng chủ yếu bao gồm, Tiểu đoàn Tây Đô I, Đội Biệt động thành phố Cần Thơ do tôi (Lê Thanh Sơn) lúc này là Tỉnh đội trưởng tỉnh Cần Thơ, trực tiếp chỉ huy tiến thẳng về Rạch Sung vượt sông Cần Thơ qua xã An Bình; mũi này có lãnh đạo Tỉnh ủy là đồng chí Trần Minh Sơn (7 Mạnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng đi. Khoảng gần 12 giờ ngày 30/4/1975, khi cánh quân của tôi tiến đến mé sông Cần Thơ (đoạn gần Rạch Sung), thì thấy bên kia sông (đoạn Mỹ Khánh) có rất đông lính ngụy nhốn nháo trong đó có cả xe tăng, thiết giáp chạy tới chạy lui theo lộ Vòng Cung, tôi kêu đồng chí thông tin dùng máy PRC25 liên lạc để tôi điện nói chuyện với tên chỉ huy địch. Khi hắn lên máy, tôi nói:
- Tôi là chỉ huy quân giải phóng đang áp sát các ông, ông có nghe chỉ huy của ông ra lệnh quân của ông ở đâu ở tại chỗ đó không?
Nói xong, tôi cho 1 tổ trinh sát đi 1 chiếc xuồng qua trước, đồng thời chúng tôi huy động Nhân dân thêm 2 chiếc xuồng to hơn nhanh chóng vượt sông chiếm bờ và triển khai đội hình. Quả là nơi chúng tôi vượt sông là ngay Trung đoàn 3 của Sư 21 ngụy án ngữ, nhưng với khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta nên dù có mấy trăm quân súng ống lình kình nhưng địch ở thế thua trận nên không dám chống trả chúng tôi, thặm chí còn dồn quân qua một bên nhường chỗ cho chúng tôi triển khai lực lượng. Với khí thế áp đảo quân địch, chúng tôi nhanh chóng tiến qua cầu Cái Răng để tiến về sở chỉ huy địch, đến cầu Đầu Sấu thì tôi ra lệnh cho đồng chí 5 Việt Anh cùng một bộ phận ở lại bảo vệ cầu còn đơn vị đi tiếp, cùng cơ sở nội tuyến (lực lượng Binh vận) trong đó có đồng chí Phong cán bộ Binh vận huy động được 7 chiếc xe tăng của địch, bắt lính của ngụy lái xe chở quân ta tiến về sở chỉ huy của chúng khoảng 5km theo đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30 tháng 4 TP. Cần Thơ). Để tiện linh hoạt chỉ huy, tôi kêu đồng chí Chính (là chiến sĩ đơn vị Tỉnh đội) chở tôi bằng chiếc xe mô tô chạy cùng mấy chiếc xe tăng, . Lúc này, khắp nơi trong thành phố Cần Thơ máy phóng thanh vang lên lời kêu gọi địch giao nộp vũ khí cho lực lượng cách mạng; viên trung tá chỉ huy trưởng trung tâm 4 nhập ngũ ở đường Mạc Tử Sanh cùng 2 nhân viên cấp dưới là cơ sở nội tuyến của ta mở cửa giải thoát cho hơn 4.000 thanh niên bị địch bắt đi lính và 1.000 lao công đào binh bị giam cầm ở đây. 12 giờ ta chiếm 2 trại giam: Khám lớn Cần Thơ và Khám Nha cảnh sát miền Tây (cầu Bắc), giải thoát hơn 6.000 tù chính trị và thường phạm bị địch bắt giam giữ. Số anh em này tình nguyện cùng lực lượng cách mạng truy bắt những tên tay sai của địch. Đến đài phát thanh tôi cử 1 tiểu đội ở đây để bảo vệ bộ phận chiếm đài phát thanh, 14 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, ta chiếm Đài phát thành Cần Thơ, 15 giờ bản tuyên bố đầu tiên của Ủy ban nhân dân cách mạng TP Cần Thơ do đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) đại diện Ủy ban khởi nghĩa thành phố Cần Thơ đọc được phát trên sóng của Đài phát thanh Cần Thơ.
Trong khi đó, lực lượng tự vệ và quần chúng Nhân dân phường Hưng Thạnh chiếm trụ sở phường, Tiểu đoàn 303 chủ lực QK9 chiếm chi cảnh sát, làm chủ khu vực Xóm Chài, phường Hưng phú. Taị Châu Thành, Tiểu đoàn Tây Đô II tiến công địch trên bờ nam sông Cái Răng làm chủ quận lỵ Châu Thành (thị trấn Cái Răng), tước súng phòng vệ làm chủ xã An Bình, Trung đoàn 20 chủ lực QK9 áp sát sân bay Trà Nóc, chốt giữ cầu Trà Nóc, rồi tiến vào sở chỉ huy làm chủ hoàn toàn sân bay Trà Nóc lúc 18 giờ 30 phút, Trung đoàn 10 chủ lực QK9 chiếm kho đạn Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ (phi trường 31), Trung đoàn 6 chủ lực QK9 tiến công tiêu diệt Chi khu Phong Điền rồi được quần chúng Nhân dân hướng dẫn tiến về thành phố Cần Thơ theo kế hoạch.
Cánh quân của tôi tiến vào sở chỉ huy địch theo đường Mạc Tử Sanh trong khí thế như vũ bão đến Đại lộ Hòa Bình khá thuận lợi, đến đây tôi cho một bộ phận chiếm cơ quan tham mưu Vùng IV của chúng (nay là Bảo tàng QK9), do tên thiếu tướng Lê Văn Hưng chỉ huy; cử một lực lượng tiếp quản bến Ninh Kiều và 3 chiếc tàu của chúng, còn tôi và đại bộ phận tiền phương trong đó có 2 đồng chí Tham mưu phó Tỉnh đội là Út Long, 3 Bay tiến thẳng vào sở chỉ huy địch. Đến cổng sở chỉ huy không còn tên lính gác nào, chúng tôi xong thẳng vào sở chỉ huy, (Dinh tỉnh trưởng Phong Dinh ngụy, nay là trụ sở UBND TP. Cần Thơ) trong phòng họp sở chỉ huy có khoảng trên 40 tên sĩ quan ngụy đều ngồi co ro dưới ghế, còn 1 tên vẫn mang súng ngắn đứng chào chúng tôi nói rằng:
- Các ông ở đâu mà đến đây nhanh vậy? Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao ạ!
Tôi đoán biết chắc chắn tên này là Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 21 ngụy đã từng chạm trán với tôi không biết bao nhiêu trận trên chiến trường Cần Thơ, Hậu Giang, nay gặp đây thật là “sướng” vì nó từng tuyên bố: “Nếu nó (Sư đoàn 21) còn, thì đơn vị Tây Đô của tôi ở Cần Thơ phải bị tiêu diệt và ngược lại”, đúng là hôm nay đã ngược lại với ảo mộng của nó rồi. Đồng chí Tham mưu phó Tỉnh đội chỉ vào hắn và giới thiệu, tôi bảo, tôi biết hắn rồi, đứng trong tư thế của người chiến thắng, mặc dù đang mang trong thắc lưng khẩu súng K59 nhưng tôi vẫn không cầm tay và hắn cũng còn mang khẩu col trong người đứng đối diện với tôi, tôi nói dõng dạt với hắn: “Nơi nào có dân là có chúng tôi, nên dân đưa chúng tôi đến đây nhanh nhất”, đồng thời tôi nói ngay với hắn:
- Các ông không còn gì để bàn giao, vì các ông đã thua rồi.
Hắn liền hỏi tôi:
- Ông làm cấp bậc gì, đơn vị nào?
Tôi nhìn chằm chằm vào hắn và hiên ngang nói ngay: “Tôi là người chỉ huy cao nhất của quân giải phóng ở đây. Ngài hãy hạ vũ khí và ra lệnh cho thuộc cấp buôn súng đầu hàng quân giải phóng để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng”.
Hắn lấp bấp trả lời: “Tôi chỉ ra lệnh cho quân chủ lực Sư đoàn 21, còn Vùng IV và tỉnh Cần Thơ tôi không có quyền”.
Mặc dù tôi nghe thông tin tên tỉnh trưởng bỏ trốn rồi, nhưng tôi vẫn hỏi hắn: “Tên tỉnh trưởng đâu?”.
Hắn cúi đầu xuống trả lời: “Dạ nó bỏ trốn rồi ạ”.
Tôi mạnh dạng ra lệnh: “Vậy ngài ra lệnh cho toàn Vùng IV và Cần Thơ bỏ súng đầu hàng quân giải phóng”.
Với thế áp đảo của chúng tôi, tên Chuẩn tướng Mạch Văn Trường mở thắc lưng cởi khẩu súng xuống bàn, rồi cầm máy bộ đàm làm theo lệnh của tôi. Sau đó chúng tôi giao Mạch Văn Trường và số sĩ quan tùy tùng cho bộ phận đồng chí 7 Mạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy xử lý, còn tôi và bộ phận tiền phường tiếp tục hành tiến sang Sở chỉ huy Vùng IV theo kế hoạch”.
Như vậy, tại Dinh Tỉnh trưởng, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thành phố Cần Thơ trung tâm đầu não của địch ở đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng, đập tan toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền từ tỉnh đến cơ sở và bọn đầu não chỉ huy Mỹ - Ngụy ở Vùng IV chiến thuật lúc 18 giờ 30, ngày 30/4/1975, góp phần giải phóng đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Song song đó đồng chí Nguyễn Văn Thạnh, Ủy viên Ban binh vận Khu, chỉ huy một tổ vũ trang tiến thẳng vào bộ tư lệnh quân đoàn 4, buộc tên sĩ quan trực phát lệnh cho binh sĩ ngụy ngừng bắn tại chỗ chờ lực lượng cách mạng đến bàn giao (vì tướng Hưng hò hét “tự thủ” nhưng cuối cùng đã tự sát lúc 20 giờ ngày 30/4/1975).
Nhớ lại kỷ niệm 48 năm trước, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể thêm: “Về hào khí của người Cần Thơ thật là mãnh liệt, bởi họ đã nghe theo lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, ngày 30/4/1975 Nhân dân ta ở các phường trong nội ô thành phố Cần Thơ phối hợp với quân giải phóng nổi dậy cướp chính quyền, truy lùng bắt bọn ác ôn đầu sỏ, không để chúng manh động tiếp tục gây tội ác với Nhân dân, bảo vệ an toàn cho người dân. Khắp nơi vang lên tiếng reo hò của người dân mừng quân giải phóng vào giải phóng Cần Thơ; chỉ sau một thời gian ngắn bà con tập trung hàng ngàn người tổ chức mít tinh mừng chiến thắng; lực lượng tham gia gồm học sinh, sinh viên, trí thức yêu nước, người dân sinh sống tại các phường ở nội ô Cần Thơ, ngoài ra còn có rất đông bà con ở nông thôn như Phụng Hiệp, Châu Thành, Ô Môn, Cờ Đỏ cũng đón xe đò tập trung tại Đại lộ Hòa Bình biểu dương lực lượng cách mạng, hô vang các khẩu hiệu mừng chiến thắng; chỉ trong một thời gian không lâu mà người dân đã chuẩn bị được cờ giải phóng cầm tay đi diễu hành, nhiều nhà cũng có cờ vải treo trước cửa nhà; cuộc mít tinh diễn ra rất rầm rộ, nhanh chóng mà kết quả rất tốt và an toàn tuyệt đối…”.
Uống thêm một ngụm trà, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn nhớ lại về tấm lòng của người dân Cần Thơ đối với cách mạng, ông tươi cười kể lại: “Khi biết tin chiến thắng của quân giải phóng, biết chúng tôi chiếm các cơ sở của Mỹ ngụy, thì bà con ở các phường xung quanh thành phố Cần Thơ đã tự mang lại chỗ chúng tôi rất nhiều quà bánh quý lạo cho bộ đội, nhiều nhất là bánh mì, trong số thực phẩm đó, chúng tôi còn lấy một ít chia phần cho số tù binh của nhóm sĩ quan Mạch Văn Trường vừa bị bắt lúc tối…”.
Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng có thời gian suy ngẫm, thấu hiểu sâu sắc hơn về những giá trị và thành quả mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh mới giành được. Với Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại không thể nào quên. Đặc biệt là thắng lợi ở Cần Thơ rất trọn vẹn, trên cơ bản đã bảo vệ được đại đa số tính mạng và tài sản của Nhân dân; tuy nhiên Thiếu tướng Lê Thanh Sơn cũng ngậm ngùi xúc động nhớ lại nhiều đồng đội hy sinh ngay ngày 30/4/1975 trên đường tiến về thành phố Cần Thơ mà không được hưởng ngày chiến thắng hôm nay; vì thế, hơn ai hết, ông càng quý trọng những ngày tháng hôm nay. Hiện nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông luôn luôn gương mẫu giáo dục con cháu thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cho mình đầy đủ đặc trưng về tính cách của Người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”.
Đại tá Nguyễn Trần Hiếu
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lê Thanh Sơn -
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ,
người chỉ huy cánh quân chủ yếu tiến vào giải phóng Cần Thơ năm 1975)
----------------
(*) Thiếu tướng Lê Thanh Sơn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, người chỉ huy cánh quân chủ yếu tiến vào giải phóng Cần Thơ năm 1975.