Tinh thần cách mạng của Cần Thơ với Khởi Nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940)

Thứ ba - 22/11/2022 10:52 151 0
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939 - 1945), tại Việt Nam thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị, bóc lột ngày càng khốc liệt trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội, chúng thực hiện chính sách kinh tế thời chiến, ra sức vơ vét bóc lột của cải Nhân dân các nước thuộc địa nhằm mục đích phục vụ cho cuộc chiến tranh ở chính quốc. Từ khi chính quyền phản động ở Pháp lên cầm quyền ban hành hàng loạt các chính sách phản động: giải tán Đảng Cộng sản ở chính quốc kể cả các nước thuộc địa, đóng cửa các báo chí tiến bộ, giải tán các hội quần chúng và hoạt động của phong trào dân chủ... Ở Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành các cuộc khủng bố tàn bạo gây tổn thất nặng nề cho Đảng ta. Trước sự áp bức, bóc lột tàn khốc của thực dân Pháp, Nhân dân Việt Nam kiên quyết đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột, giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc.
22 11 namky
Tranh vẽ thể hiện cuộc đấu tranh của nhân dân Nam bộ trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Thời kỳ này, trong nước các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 diễn ra sôi nổi và rộng khắp, từng bước nâng cao vai trò và uy tín lãnh đạo của Đảng. Ở các tỉnh Nam Kỳ, không khí sôi sục cách mạng của quần chúng dâng cao, sẵn sàng bước vào cuộc khởi nghĩa. Xứ ủy nhận định tình thế đã chín muồi và quyết định khởi nghĩa ở tỉnh Nam Kỳ, thời điểm hành động là 0 giờ, đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940. Ở Cần Thơ, nhận được lệnh khởi nghĩa vào lúc 12 giờ trưa ngày 22/11/1940, Tỉnh ủy nhất trí chọn ra 02 trọng điểm:

Một là, chọn tỉnh lỵ Cần Thơ làm cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Mục tiêu phải đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, Tòa hành chính, Sở Bưu điện, Nhà đèn, Bến Bắc Cần Thơ. Lực lượng cách mạng chủ yếu dựa vào các chi bộ, quần chúng cốt cán trong Mặt trận phản đế phối hợp với binh lính trong trại nổi dậy và nghĩa quân của các làng chung quanh tỉnh lỵ.

Sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, ngay tại thị xã Cần Thơ, Ban Chỉ huy khởi nghĩa chủ trương huy động lực lượng du kích của làng Thới Bình và Long Tuyền hợp lực với quần chúng nội thành tiến công các mục tiêu đã định. Du kích làng Thới Bình phải bằng mọi cách chờ sẵn tại “Chòm Mả Tây”(1) để tiếp nhận vũ khí do binh lính khởi nghĩa giao và cùng lực lượng thanh niên học sinh, công nhân Sở Vệ sinh để đánh chiếm các mục tiêu. Mặt khác, du kích làng Long Tuyền đến phục sẵn tại xóm lao động nghèo cuối đường Huê Viên (2) sau khi nhận được vũ khí, họ sẽ cùng công nhân Trại mộc, Trại cưa phối hợp đánh chiếm Khám Lớn, giải thoát tù chính trị lớn và chiếm bến Bắc Cần Thơ. Hai đồng chí Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở thị xã.

Thực dân Pháp tại Cần Thơ được lệnh phải ngăn chặn cuộc khởi nghĩa. Vào lúc 5 giờ chiều ngày 22/11/1940, chúng ra lệnh giới nghiêm. Binh lính người Việt ở trại lính tập, lính mã tà và Nhà lao bị cấm trại và gom hết vũ khí vào kho. Lính Pháp và lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra, canh gác. Đến 7 giờ tối, hơn 200 lính Pháp và lính lê dương được điều động từ các nơi về tăng cường tuần tra, canh gác. Tình thế vô cùng khó khăn. Trong lúc đó, các lực lượng khởi nghĩa vẫn bí mật mai phục ở các địa điểm đã định, nhưng chờ mãi đến 2 giờ sáng ngày 23/11/1940 vẫn không thấy anh em binh lính trong trại lính tập hành động. Ban lãnh đạo nhận định chắc chắn có sự cố xảy ra nên ra lệnh cho rút lui. Trước khi rút đi, lực lượng du kích ở hai làng Thới Bình và Long Tuyền đã đốn cây, hạ cột dây thép, phá giao thông, treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu.

Hai là, quận Cầu Kè với mục tiêu là chiếm Dinh quận, do đồng chí Đoàn Bá Lợi, Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.

Ban lãnh đạo khởi nghĩa ở đây nhận được lệnh vào lúc 10 giờ sáng ngày 23/11/1940. Theo kế hoạch dự kiến, Ban khởi nghĩa tiến đánh Vĩnh Xuân vì là làng có chi bộ Đảng và lực lượng du kích mạnh, lại có cơ sở nội tuyến nên Ban lãnh đạo khởi nghĩa giao nhiệm vụ cho chi bộ Đảng lãnh đạo, giành chính quyền tại làng, sau đó đưa lực lượng hỗ trợ các làng khác. Lực lượng các làng An Phú Tân, Tam Ngãi, Hòa Tân, Hựu Thành có nhiệm vụ chiếm quận lỵ Cầu Kè. Ngoài ra, Ban lãnh đạo khởi nghĩa còn phân công đồng chí Trần Vĩnh Miêng huy động lực lượng du kích làng Trà Côn đến hỗ trợ. Tại Vĩnh Xuân, việc chuẩn bị khởi nghĩa bị bại lộ. Vào lúc 3 giờ chiều ngày 23/11/1940, trong khi Ban lãnh đạo khởi nghĩa của làng do đồng chí Thiệt chủ trì đang họp bàn triển khai kế hoạch thì bọn mật thám và lính quận đến vây bắt. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Xuân không tiến hành được. Trong khi đó, kế hoạch tiến công quận lỵ vẫn được triển khai vào 7 giờ tối cùng ngày, lực lượng khởi nghĩa của các làng Tam Ngãi, An Phú Tân, Hựu Thạnh, Hòa Tân với vũ trang gậy gộc, giáo mác, dao búa, băng rôn, cờ, khẩu hiệu kéo đến điểm tập trung. Lực lượng tham gia đánh chiếm quận có gần 800 người chia thành hai cánh do đồng chí Biện và đồng chí Bụng chỉ huy, lực lượng khởi nghĩa đã vượt qua nhiều cánh đồng lầy, đến 9 giờ đêm hai cánh quân đã tiếp cận Dinh quận và tiến công thẳng vào cổng chính. Trước khí thế tiến công quyết liệt và tiếng thét vang dội của lực lượng khởi nghĩa, bọn lính ở bên ngoài tháo chạy tán loạn, bọn lính ở bên trong Dinh quận hốt hoảng rút vào Dinh, đóng chặt cửa, điên cuồng nổ súng vào lực lượng của khởi nghĩa. Một số tên lính không kịp tháo chạy bị lực lượng khởi nghĩa diệt tại chỗ. Bọn địch điên cuồng chống trả, nhiều người trong lực lượng khởi nghĩa bị thương vong. Trước tình hình đó, đồng chí Đoàn Bá Lợi lập tức ra lệnh cho lực lượng khởi nghĩa rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tại Quận Châu Thành, các Chi bộ Thường Phước và Tân Phú Thạnh có nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng phá cầu Cái Răng, nhưng do địch canh phòng nghiêm ngặt nên không thực hiện được kế hoạch.
 
Ở quận Phụng Hiệp, đúng 5 giờ sáng ngày 25/11/1940 lực lượng khởi nghĩa đến đồn Cái Cui. Trong đêm, bọn cai đội và lính làng hay tin cộng sản nổi dậy đã rút chạy. Lực lượng khởi nghĩa với khí thế cách mạng kéo đến chiếm Nhà việc làng ở vàm Mái Dầm (Phú Hữu). Sau khi đốt toàn bộ sổ sách, giấy tờ của địch, lực lượng khởi nghĩa đánh trống mõ thị uy và kêu gọi nhân dân thàm gia mít tinh, biểu tình. Quần chúng kéo đến Nhà việc mỗi lúc một đông và trở thành cuộc mít tinh lớn. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo khởi nghĩa đứng lên diễn thuyết, kêu gọi Nhân dân vùng lên cướp chính quyền, giành độc lập, tự do. Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo thực dân Pháp”.
 
Quận Ô Môn và quận Trà Ôn, cơ sở cách mạng chỉ treo cờ, băng, khẩu hiệu để hưởng ứng khởi nghĩa. Riêng Chi bộ làng Thới Lai có sự chuẩn bị sẵn sàng, chờ cấp trên đưa súng về sẽ đánh chiếm đồn Cờ Đỏ. Chi bộ làng Thới Thạnh tập hợp 300 quần chúng tại cây Gáo Dù, chờ đến 2 giờ sáng vẫn chưa có súng nên giải tán.
 
Khởi nghĩa ở Cần Thơ vào tháng 11/1940 nằm trong cuộc khởi nghĩa của Nam Kỳ nổ ra mạnh mẽ tuy chưa giành thắng lợi nhưng nó có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong Nhân dân. Tinh thần anh hùng cách mạng của các chiến sĩ trong khởi nghĩa Nam Kỳ luôn sáng mãi cho đến ngày nay, để lại cho Đảng bộ và Nhân dân Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung những bài học kinh nghiệm xương máu về cách thức chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang, về thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
                                                         Phòng LLCT & LSĐ
-------------------------
1 Nay là công viên Lưu Hữu Phước.
2 Nay ở cuối đường Đề Thám thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
----------------------
Tài liệu tham khảo
1- Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006.
2- Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ, tập I (1929 - 1945), xuất bản 2020.
3- Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, xuất bản 2001

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây