“Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

Thứ năm - 17/08/2023 05:48 300 0
Chiều 15/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và GS. TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Khối các cơ quan Đảng Trung ương kết nối trực tuyến đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tham dự tại đầu cầu Trung ương có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; đại biểu làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, khuyến học... 

0816d1

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: https://tuyengiao.vn.

0816d2

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy và đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu trực tuyến Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: PV.

Tại điểm cầu Thành ủy Cần Thơ, tham dự có đồng chí Trần Hồng Thắm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; đồng chí Phạm Thế Vinh Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Hội Khuyến học thành phố; Thường trực các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tuyên giáo (Tuyên huấn) các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các phòng chuyên môn Ban Tuyên giáo Thành ủy;...

0816d3

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: https://tuyengiao.vn.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 72 bài tham luận của các nhà khoa học, dòng họ, gia đình, Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội khuyến học các tỉnh, thành và Hội Khuyến học Việt Nam. Đồng thời, nêu lên quan điểm cần đánh giá đúng vai trò của gia đình học tập, dòng họ học tập; làm rõ mục đích, nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Hiện nay, nhiều dòng họ, gia đình quan tâm đến việc xây dựng văn hóa, tiếp nối truyền thống giáo dục định hướng một số nội dung trọng tâm. Tuy nhiên, chưa có nhiều đề tài nghiên cứu về giáo dục và văn hoá. Do đó, Hội thảo là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch xây dựng bộ tiêu chí trong bình xét gia đình văn hóa...

Trên cơ sở chủ đề Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thị Doan đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ 4 vấn đề trọng tâm: 1) Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập thông qua công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. 2) Mối quan hệ giữa “Gia đình học tập” với “Gia đình văn hóa”, “Tổ văn hóa” với “Cộng đồng học tập” trong bình xét các danh hiệu thi đua hiện nay. 3) Mối quan hệ giữa phát triển Văn hóa giáo dục với phát triển Văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. 4) Đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo các cấp về việc quan tâm đến văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, văn hóa giáo dục... trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc.

72 tham luận gửi tới Ban tổ chức cùng với các ý kiến trao đổi tâm huyết trực tiếp tại Hội thảo đã khái quát khá toàn diện những kết quả, thành tích, kinh nghiệm cũng như những vấn đề đặt ra trong phong trào xây dựng các mô hình học tập, đặc biệt là gia đình học tập, dòng họ học tập và mối quan hệ khăng khít giữa các mô hình này với xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. 

0816d4

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Ảnh: https://tuyengiao.vn.

Cũng tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo, trong đó yêu cầu: Thứ nhất, phải nhận thức sâu sắc hơn vai trò của gia đình trong duy trì nòi giống, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa và đặc biệt là giáo dục. Thứ hai, cần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, dòng họ học tập, học tập suốt đời; làm cho mọi người dân đều được hưởng thụ văn hóa và giáo dục, tạo khát vọng vươn lên học tập của người dân. Thứ ba, phát huy giá trị văn hóa gia đình, dòng họ trong nêu cao tinh thần học tập và học tập suốt đời. Thứ tư, cần quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng gia đình, hình thành văn hóa giáo dục; đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của dòng họ, gia đình học tập trong xây dựng văn hoá…

Kết luận Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thị Doan khái quát, các tham luận và ý kiến phát biểu đều thể hiện sự thống nhất cao với những vấn đề mấu chốt trên cơ sở chủ đề Hội thảo, đó là: Thứ nhất, việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư luôn hướng đến phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng văn hóa và môi trường lành mạnh. Thứ hai, văn hóa gia đình thể hiện ở văn hóa học tập suốt đời, hình thành nhờ vào việc học không bao giờ cùng; văn hóa học tập sẽ phát huy truyền thống của từng gia đình như truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng, truyền thống lao động - nghề nghiệp, truyền thống kinh doanh, từ đó xây dựng lòng biết ơn tổ tiên, hướng về cội nguồn, gắn bó với quê cha đất tổ, lòng tự hào dân tộc. Thứ ba, văn hóa của các dòng họ tạo nên những giá trị như đoàn kết, đồng thuận, tương thân tương ái, lòng vị tha... Thứ tư, mọi giá trị văn hóa đều được sinh thành từ tri thức, mà tri thức có được do học tập qua các hình thức học tập chính quy, không chính quy; văn hóa là sản phẩm của học tập, và đến lượt mình, văn hóa lại tạo ra nền giáo dục ngày càng hiện đại.  Thứ năm, quá trình xây dựng xã hội học tập rất coi trọng mối liên hệ hữu cơ giữa học tập và văn hóa, giữa sự giàu có về tri thức với sự phong phú các phẩm giá nhân cách, giữa thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài với sự phát triển nguồn nhân lực và nhân lực tại chỗ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức trong quá trình chuyển đổi số. Thứ sáu, cần phải củng cố, phát triển văn hóa dân tộc từ phát triển văn hóa gia đình và văn hóa dòng họ; cần xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc trong mối quan hệ với văn hóa giáo dục, phát triển văn hóa giáo dục để thực hiện có chất lượng và hiệu quả giáo dục văn hóa…

Ngọc Quy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây