Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chất liệu khác nhau vừa quen thuộc vừa là đặc trưng tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ.
Đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long khách tham quan sẽ được xem những tác phẩm về Bác Hồ với các chất liệu khác nhau vừa quen thuộc vừa là đặc trưng tiêu biểu của vùng đất miền Tây Nam Bộ như lá thốt nốt, lá chuối, mo cau, vỏ tràm, lá sen… được bàn tay của các nghệ nhân tài ba bằng sự đam mê và sáng tạo của mình đã thổi vào đó thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tấm lòng của những người con Đồng bằng sông Cửu Long đối với Bác Hồ kính yêu.
Bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu (Bến Tre - mất năm 2002) có chủ đề “Hồ Chủ tịch với 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam”, được vẽ trong ngày 02/9/1947 với dòng máu lấy từ cánh tay của mình trên tấm lụa. Một món quà ý nghĩa thể hiện tấm lòng của những người con Nam Bộ nói chung và của văn nghệ sĩ Nam bộ nói riêng đối với Bác trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực nho trên lá chuối, mo cau của nghệ nhân Đặng Mộng Tường (Nhạn Trắng). Ông là người đầu tiên nghiên cứu vẽ tranh trên nền lá chuối và mo cau với chủ đề chính là “Sen và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hơn 20 năm kể từ khi có ý tưởng vẽ tranh trên lá chuối, mo cau, nghệ nhân Nhạn Trắng đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm và được công chúng đón nhận.
Các nghệ nhân tài ba bằng sự đam mê và sáng tạo của mình đã thổi vào đó thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tấm lòng của những người con mãnh đất Nam Bộ đối với Bác Hồ kính yêu.
Tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền lá Thốt Nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng. Cây thốt nốt mọc phổ biến tại An Giang, gắn liền với các sản vật của đồng bào dân tộc Khmer. Nghệ nhân Võ Văn Tạng ở huyện Thoại Sơn - An Giang, với lòng đam mê môn nghệ thuật, ông quyết định dùng chất liệu lá Thốt Nốt làm nền cho tranh. Khi phác thảo tranh và vẽ lên nền lá Thốt Nốt ông phải dùng “bút lửa” (đó là que hàn bằng điện). Cho đến nay, nghệ nhân đã có hơn 20.000 tác phẩm trong đó chiếm phần lớn là chủ đề về Bác Hồ và Bác Tôn. Ông được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam với bức Di chúc Bác Hồ lớn nhất Việt Nam và kỷ lục là “Người làm tranh bằng lá Thốt Nốt nhiều nhất Việt Nam (năm 2010)”. Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền lá Thốt Nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng còn mang ý nghĩa là tấm lòng của người dân An Giang đối với Bác Hồ kính yêu.
Tranh gói vải (gói lụa) chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ nhân Hồ Văn Tai ở Châu Thành - Đồng Tháp thực hiện tháng 9 năm 2018. Nghệ nhân Hồ Văn Tai được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh hình nổi trên lụa hay còn gọi là tranh gói vải từng nổi danh một thời khắp vùng Nam Bộ những năm trước giải phóng. Trong cuộc đời sáng tác, nghệ nhân Hồ Văn Tai đã tạo ra hơn 3.000 bức tranh chân dung, trong đó có nhiều tranh chân dung danh nhân như: Bác Hồ, Bác Tôn, Nguyễn Trung Trực, Lênin...
Tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực nho trên lá chuối, mo cau của nghệ nhân Đặng Mộng Tường (Nhạn Trắng).
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng gạo. Để thể hiện tấm lòng kính yêu của Nhân dân tỉnh Tiền Giang đối với Bác, Nghệ nhân Ngô Văn Nhớ đã tìm tòi, nghiên cứu từ những sản vật trên mảnh đất quê hương Chợ Gạo như hạt gạo, đậu, mè... để làm ra tác phẩm chân dung của Người.
Với chất liệu rất phổ biến và mộc mạc của vùng Đồng Tháp là lá sen, vỏ tràm, qua bàn tay tài hoa nghệ nhân Bảy Nghĩa đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật sống động đầy ấn tượng mang dấu ấn quê hương. Nét độc đáo của tranh là không dùng sơn màu, mà chỉ dựa vào những họa tiết tự nhiên cùng những tông màu vốn có như: Nâu đen, nâu, vàng, vàng nhạt, ngà… để tạo ra một bức tranh hoàn thiện. Tác phẩm nào cũng ngời sáng lên hình ảnh Bác Hồ kính yêu, thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của những người con Nam Bộ đối với Người.
Tin, ảnh: Đỗ Trung