Nhạc Hoàng Vân - cầu nối Việt kiều với quê hương

Thứ năm - 24/07/2025 03:14 17 0
Nhiều người Việt tại Pháp, đặc biệt là các thành viên Hợp ca Quê hương, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp những tình cảm sâu sắc và niềm tự hào của họ về vị nhạc sỹ tài hoa của dân tộc.
Một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)
Một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN).

Năm 2025 đánh dấu nhiều mốc lịch sử quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sỹ Hoàng Vân.

Ngày 24/7 là dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông. Sự kiện càng có ý nghĩa khi trước đó vài tháng, UNESCO đã quyết định đưa "Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân" vào Danh mục Ký ức Thế giới.

Nhân dịp này, nhiều người Việt tại Pháp, đặc biệt là các thành viên Hợp ca Quê hương, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp những tình cảm sâu sắc và niềm tự hào của họ về vị nhạc sỹ tài hoa của dân tộc.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Ngân Hà, người phụ trách Hợp ca Quê hương, không giấu được sự xúc động khi nhắc lại câu chuyện của mình với âm nhạc Hoàng Vân.

Bà rời Việt Nam theo bố mẹ sang Pháp khi mới 12 tuổi. Lúc đó bố bà là lãnh đạo phong trào Việt Kiều yêu nước và cũng là nhạc trưởng của dàn hợp xướng Việt kiều.

ttxvn-hoang-van-hop-xuong-1.jpg
Dàn hợp xướng kiều bào trình bày tác phẩm của nhạc sỹ Hoàng Vân trong những năm 1960. (Ảnh: TTXVN phát).

Bà tâm sự : "Tình cờ vào năm tôi 12 tuổi, khi đó là vào dịp Tết, hội Việt kiều dựng hợp xướng "Tổ quốc ta" gồm 5 chương và tôi đã hát bè thiếu nhi. Lúc đó tôi chỉ hát vậy thôi. Nhưng đến lúc thành lập Hợp ca Quê hương, tôi mới biết là "Hồi tưởng" của bác Hoàng Vân nằm trong 5 chương đó."

Và điều kỳ diệu là gần 50 năm sau, bà lại có cơ hội dựng lại chính bài "Hồi tưởng" ấy với Hợp ca Quê hương, tạo nên một vòng tròn hoàn chỉnh trong cuộc đời âm nhạc của mình.

Trong việc gìn giữ và lan tỏa âm nhạc Hoàng Vân tại cộng đồng người Việt ở Pháp, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của dàn Hợp ca Quê hương.

Ra đời từ tháng 4/2009, dàn hợp ca là nơi tập hợp những người yêu nhạc cách mạng, trở thành cầu nối văn hóa quý báu, giúp các thế hệ người Việt tại Pháp được hòa mình vào những giai điệu bất hủ của quê hương.

Cho đến nay, đã có 4 thế hệ Việt kiều, từ thiếu nhi đến người lớn, hát bài "Hồi tưởng." Nhưng thành tích đáng tự hào nhất chính là việc thể hiện tác phẩm này cùng với Dàn nhạc Giao hưởng của Nhạc viện Rouen.

Khi những nốt nhạc đầu tiên của bài hợp xướng "Hồi tưởng" vang lên trong không gian trang nghiêm của Nhạc viện Rouen năm 2016, không ai có thể ngờ rằng đó sẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử của cộng đồng người Việt tại Pháp.

ttxvn-hoang-van-hop-xuong-3.jpg
Hợp ca Quê Hương và thiếu nhi kiều bào trình bày tác phẩm "Hồi tưởng" của nhạc sỹ Hoàng Vân cùng Dàn hợp xướng Rouen năm 2016. (Ảnh: TTXVN phát).

90 người thuộc nhiều thế hệ khác nhau - từ các em thiếu nhi đến những bác lớn tuổi, từ Việt kiều lâu năm đến các sinh viên trong nước sang học - cùng hòa mình với Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Rouen của Pháp để tái hiện một trong những kiệt tác của nhạc sỹ Hoàng Vân.

Và giờ đây, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông, cùng với tin vui UNESCO ghi danh bộ sưu tập của nhạc sỹ vào Danh mục Ký ức Thế giới, những kỷ niệm ấy lại ùa về trong ký ức của những người Việt tại Pháp.

"Không có thể tưởng tượng là ở nước Pháp mà chúng tôi có thể dựng lại được một bài hợp xướng lớn, "Hồi tưởng" của nhạc sỹ Hoàng Vân, mà lại kết hợp Việt kiều, thiếu nhi, người lớn, cả sinh viên trong nước sang học, hát với Giàn nhạc giao hưởng của Nhạc Viện Rouen với tổng số 90 người tham dự," bà Ngân Hà nhớ lại với niềm xúc động.

Đối với bà Ngân Hà, bài "Hồi tưởng" không chỉ là một tác phẩm âm nhạc mà còn là cả kỷ niệm thời thơ ấu và niềm tự hào dân tộc.

"Bài hát dài chưa đến 12 phút, nhưng vừa mạnh mẽ, vừa sâu lắng, khiến tôi cảm thấy yêu quê hương của mình hơn, hiểu lịch sử và sự hy sinh của dân tộc hơn. Điều đặc biệt nhất đó là bài 'Hồi tưởng' bao hàm cả một ký ức, được truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác, và là cây cầu kết nối, giữa Việt kiều với quê hương."

Nhiều bà con kiều bào hát nhạc Hoàng Vân từ khi còn nhỏ, và đến giờ, khi đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy," họ vẫn yêu nhạc Hoàng Vân.

ttxvn-hoang-van-hop-xuong-2.jpg
Một buổi tập luyện của Dàn hợp ca Quê hương với các tác phẩm của nhạc sỹ Hoàng Vân. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN).

Bà Phạm Thị Luận, một Việt kiều hơn 70 tuổi, thành viên Hợp ca Quê hương, cho biết từ bé đã hát những bài hát thiếu nhi của nhạc sỹ Hoàng Vân và đến nay vẫn dành tình cảm đặc biệt cho các tác phẩm âm nhạc của ông, đặc biệt là những bài hát về các địa phương, các ngành nghề như "Quảng Bình quê ta ơi," "Tôi là Người thợ lò"...

Đối với bà Luận, chính tình yêu đất nước hun đúc trong con người ông đã giúp ông tạo nên những tác phẩm bất hủ đó, và nhạc sỹ Hoàng Vân là một trong những cây đại thụ của dòng nhạc Cách mạng, cùng với Đỗ Nhuận, Huy Du, Trần Hoàn và rất nhiều nhạc sỹ, những người đã cống hiến rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam.

Tình cảm đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Pháp đối với nhạc sỹ Hoàng Vân không chỉ thể hiện qua những người đã có tuổi mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến thế hệ trẻ.

Anh Trần Đức Tuân chia sẻ về góc nhìn của giới trẻ : "Với những người trẻ như chúng em thì nhạc sỹ Hoàng Vân là một nhạc sỹ có những tác phẩm rất đặc biệt trong kho tàng âm nhạc của Việt Nam. Từ lúc còn nhỏ thì tuổi thơ chúng em đã gắn với những tác phẩm như là "Em yêu trường em," "Bài ca người giáo viên nhân dân," những bài hát luôn gợi cho chúng em kỷ niệm về thầy cô, bạn bè, và mái trường. Và sau này lớn lên thì chúng em còn có điều kiện được tiếp xúc với nhiều những tác phẩm khác của nhạc sỹ Hoàng Vân, những bài hát ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, của những ngành nghề khác nhau, và cả những bài hát nói lên tình yêu của người Việt Nam đối với đất nước, với quê hương."

Với anh Trần Ngọc Tiến, cụ Hoàng Vân là một nhạc sỹ rất là gạo cội, đã trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam, từ thời kỳ chống Pháp, đến thời kỳ chống Mỹ và đến cả thời kỳ hiện tại.

Điểm lại những ca khúc kinh điển như "Chiến Thắng Điện Biên," "Hò Kéo Pháo" từ thời kỳ chống Pháp, hay "Người chiến sỹ ấy" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với những tác phẩm cổ động sản xuất như "Tôi là người thợ lò" và "Bài ca xây dựng," anh Ngọc Tiến cho rằng "Hoàng Vân là một trang lịch sử xuyên suốt nền cách mạng Việt Nam."

"Đối với thế hệ trẻ, chưa trực tiếp trải qua những biến cố lịch sử, việc hát nhạc Hoàng Vân trở thành một cách để hòa mình vào những điều đó và cảm nhận hơn về những sự mất mát, hy sinh của các cô, chú trong quá khứ, để giờ đây, chúng ta được sống trong độc lập tự do," anh Ngọc Tiến chia sẻ.

Chị Mai Vũ Hải Anh, một thành viên của Hợp ca Quê hương, bày tỏ : "Nhạc sỹ Hoàng Vân với tôi là một nhạc sỹ lớn của âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc của ông không chỉ đa dạng, phong phú mà còn là những câu chuyện kể về lịch sử Việt Nam rất sâu sắc. Cảm nhận của tôi khi được hát những bài hát của nhạc sỹ Hoàng Vân là một cảm giác hào sảng, tự hào về đất nước và gợi nhớ đến lịch sử của quê hương, cội nguồn của dân tộc."

Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc được sáng tác từ năm 1951-2010, phản ánh sâu sắc những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

ttxvn-le-y-linh.jpg
Tiến sỹ âm nhạc Le Y Linh, con gái nhạc sỹ Hoàng Vân, giới thiệu về các tác phẩm của cha mình. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN).

Ghi nhận những cống hiến của ông, ngày 10/4 tại thủ đô Paris, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh "Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân" vào Danh mục Ký ức Thế giới, đánh dấu lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.

Tin vui này không chỉ là vinh dự to lớn đối với gia đình nhạc sỹ mà còn là niềm tự hào của toàn thể dân tộc, đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc đối với những người con Việt Nam đang sinh sống xa quê hương.

Bà Ngân Hà bày tỏ niềm tự hào: "Không thể tưởng tượng là cả một cuộc đời của bác Hoàng Vân, soạn nhạc và sáng tác, bao nhiêu bài, kể lại lịch sử, sự hy sinh của đất nước, tạo thành bộ sưu tập được Unesco công nhận... Đây là niềm tự hào và vinh dự lớn cho Việt Nam."

Bà Phạm Thị Luận cũng xúc động chia sẻ: "Bộ sưu tập của Nhạc sỹ Hoàng Vân được vào UNESCO cho thấy trí tuệ và tầm vóc của người Việt Nam đã vươn thế giới. Thật tự hào!"

Những chia sẻ chân thành từ cộng đồng người Việt tại Pháp, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhạc sỹ Hoàng Vân, không chỉ thể hiện tình cảm sâu sắc đối với vị nhạc sỹ tài hoa mà còn cho thấy vai trò quan trọng của âm nhạc trong việc gìn giữ và truyền tải bản sắc văn hóa dân tộc.

Âm nhạc Hoàng Vân đã trở thành cầu nối thiêng liêng giữa quê hương và những người con xa xứ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ với nhau. Và giờ đây, với sự công nhận của UNESCO, những giai điệu bất hủ ấy không chỉ vang vọng trong lòng người Việt mà còn được thế giới ghi nhận như một phần của kho tàng văn hóa nhân loại, góp phần làm giàu thêm di sản văn minh của toàn thể con người.

Là tác giả cuốn sách "Nhạc sỹ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau" viết về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình, tiến sỹ nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh cho rằng không phải ở đâu cũng sinh ra được một nền âm nhạc như vậy.

"Chúng ta có lòng yêu nước, chúng ta lo lắng về hòa bình, về chiến tranh, tất cả những cái đó đều dội vào tâm hồn của nhạc sỹ thì mới ra được những tác phẩm này."

Với hy vọng cộng đồng người Việt tại Pháp không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức âm nhạc Hoàng Vân mà còn có sứ mệnh lan tỏa những giá trị văn hóa này, con gái nhạc sỹ Hoàng Vân bày tỏ: "Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao để cho bà con Việt kiều, kiều bào ở Pháp, ở nước ngoài biết nhiều hơn nữa về các tác phẩm Hoàng Vân, biết nhiều hơn nữa về những tình ca, những tác phẩm cho khí nhạc, những tác phẩm lớn của ông để nuôi thêm niềm tự hào và sự đa dạng, sự may mắn của văn hóa Việt Nam".

(PV theo Vietnam+)
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây