Phát huy hào khí của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, gần 50 năm qua, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta lại vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đảng đã đề ra phương châm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Trong gần 50 năm qua, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đặc biệt, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã nhấn mạnh vai trò của văn học, nghệ thuật là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”. Về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Nghị quyết cũng ghi nhận có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật của chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật... Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo. Song, về hạn chế của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng nêu rõ: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó”. Còn “hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm; văn hóa phê bình bị hạ thấp...”.
Trên cơ sở những đánh giá trong các nghị quyết của Đảng và từ thực tiễn, có thể thấy, dù đã đồng hành với sự phát triển của văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước nhưng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước việc thiếu nền tảng khoa học vững chắc, thiếu tính hệ thống, thiếu một chuẩn mực dẫn tới thiếu các khuynh hướng, trường phái phê bình đúng nghĩa, thiếu tính chiến đấu, thiếu tri ân, tri kỷ giữa sáng tác và phê bình... Do vậy, để góp phần phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, quán triệt các nghị quyết của Đảng, cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” để từ đó hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới.
Hai là, để sáng tạo được nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cần xác định lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình văn học, nghệ thuật của một dân tộc đang có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, các bộ, ngành chức năng, các trường đại học đa năng cần tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo những bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trước mắt, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở các trường đai học đa năng. Phát triển mạng lưới các trường chuyên năng khiếu văn học, nghệ thuật, nhất là các trường chuyên năng khiếu nghệ thuật ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại. Có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với các sinh viên học ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khi ra trường để bổ sung về những cơ quan làm công tác văn học, nghệ thuật hiện đang còn “mỏng manh” hoặc “trống vắng” về lĩnh vực rất quan trọng này.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Lý luận, phê bình của các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương và các tỉnh, thành phố trên tinh thần đổi mới về phương thức phối hợp cho thực sự có hiệu quả.
Năm là, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm công tác văn học, nghệ thuật, trong đó có những người làm công tác lý luận, phê bình trong thời kỳ mới phải có tài năng và dám dấn thân, luôn bám sát hơi thở đời sống xã hội, đi sâu phản ánh, phân tích, lý giải những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đang đặt ra cho xã hội, trong đó có những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Các cơ quan chức năng cần tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế để có điều kiện trải nghiệm thực tế lớn lao, thấm sâu những vấn đề đặt ra của đất nước, nên tổ chức đi thực tế kết hợp giữa những người làm công tác sáng tác và những người làm công tác lý luận, phê bình để phát huy tính tương hỗ, bởi vì mặc dù đi sau sáng tác nhưng lý luận, phê bình lại mang tính định hướng. Mặt khác, sáng tác là cơ sở để lý luận, phê bình tồn tại và phát triển.
Sáu là, các cơ quan chức năng có những biện pháp khả thi để khắc phục hiệu quả tình trạng: So với thực tiễn sáng tác rất sôi động hiện nay, phê bình văn học, nghệ thuật đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò, sứ mạng của mình. Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật, nhiều khi phê bình còn lúng túng, thiếu nhạy bén, chưa phản ánh kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải hoặc có hiện tượng lại khen hoặc chê theo kiểu “hội đồng”, “cánh hẩu”. Những biểu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiển hiện là thiếu tính khách quan, dẫn đến sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ.
Bảy là, cần có cơ chế, chính sách thực sự để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay. Vấn đề này đã được nêu ra tại nhiều diễn đàn, nhiều hội nghị, hội thảo nhưng trong một thời gian dài vẫn chưa hiện thực hóa được. Có lẽ, nguyên nhân chính vẫn là “sức ỳ” của cơ chế vì muốn thực hiện “cào bằng” cho tất cả các lĩnh vực của văn học, nghệ thuật. Nhưng nếu xác định công tác lý luận, phê bình có vai trò, tác động lớn đối với sáng tác, thậm chí nó là “đèn tín hiệu báo nguy” giúp tránh được những khiếm khuyết trong sáng tác thì cần có những biện pháp khả thi được triển khai quyết liệt, đồng bộ thì mới khắc phục được tình trạng thiếu hụt về đội ngũ hiện nay, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật, như: Âm nhạc, múa, điện ảnh, mĩ thuật, nhiếp ảnh...
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (10/9/2003- 10/9/2023). Trong ảnh: Các đại biểu bấm nút chính thức khai trương Tạp chí điện tử của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. |
Tám là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan văn học, nghệ thuật tại các báo, đài Trung ương và địa phương, như: Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; các tạp chí, như: Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Tạp chí Văn học, Tạp chí Văn nghệ quân đội và nhiều tạp chí ở các tỉnh, thành. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu những tinh hoa lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của nước ngoài.
Chín là, ngày 8/6/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về “Đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật”, đến nay đã được 34 năm. Trước tình hình công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật “còn chưa theo kịp thực tiễn sáng tác” như Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhận định, nên kính đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng Tờ trình Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét việc ban hành chỉ thị mới về đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Nếu được Ban Bí thư quan tâm ban hành Chỉ thị mới thì sẽ định hướng, tạo động lực lớn cho đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay có những đóng góp mới xứng đáng, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023: “Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức để thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay”.
TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)