NỖ LỰC GÌN GIỮ, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ
Ngày 18/2/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận 88 - KL/TW về “Tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu”. Ngay sau khi Kết luận ra đời, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai kịp thời các hoạt động kỷ niệm, nhất là đối với các hoạt động trọng tâm; lãnh đạo, chỉ đạo, cho chủ trương tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước theo định kỳ hằng năm, trong đó có tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khác có liên quan; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương thực hiện và đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 88-KL/TW đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc; về quá trình tham gia cách mạng và những cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tiền bối đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, tạo động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Có thể khái quát những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Kết luận số 88-KL/TW như sau:
Thứ nhất, việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu cơ bản bảo đảm quy mô, tầm mức, tần suất theo đúng quy định của Kết luận 88 với 9 lễ kỷ niệm cấp quốc gia, hơn 30 lễ kỷ niệm cấp tỉnh, thành phố bảo đảm trang trọng, tuyệt đối an toàn.
Nhiều hoạt động lớn khác như tổ chức các hội thảo khoa học, chương trình nghệ thuật đặc biệt, chương trình truyền hình trực tiếp... được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thiết thực, đổi mới, sáng tạo, có ý nghĩa tri ân sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của các đồng chí lãnh đạo. Trong đó, Chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật là điểm mới trong chủ trương tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Hoạt động trưng bày, triển lãm mỹ thuật, sách, hình ảnh tư liệu - hiện vật về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm được các địa phương, bộ, ngành nơi các đồng chí lãnh đạo từng sinh sống, công tác tổ chức sinh động, chất lượng, nội dung, ý nghĩa sâu sắc.
Thứ hai, việc nghiên cứu, xác minh tư liệu, rà soát thân thế, sự nghiệp cách mạng của các đồng chí lãnh đạo được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, nhất là đối với một số đồng chí hoạt động trước năm 1945. Từ đó, cung cấp cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị xem xét, công nhận 8 đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, việc xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Kết luận 88-KL/TW có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, tri ân. Các địa phương, đơn vị đã chú trọng xây dựng, trùng tu, tôn tạo các khu lưu niệm, nhà lưu niệm lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; thường xuyên rà soát, lập hồ sơ khu lưu niệm, nhà lưu niệm trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích và bổ sung tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày, phục vụ các hoạt động kỷ niệm và nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của các tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, hoạt động xây dựng và công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời lượng cũng như chất lượng phim. Việc giới thiệu, phát sóng phim được thực hiện đa dạng, phong phú trên các kênh truyền hình, các nền tảng truyền thông, rạp chiếu phim, chiếu trong hội nghị, hội thảo và giảng dạy ở các trường chính trị... Một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện nhiều phim tài liệu góp phần tôn vinh các nhân vật lịch sử, lan tỏa trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai Kết luận 88-KL/TW vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Kết luận 88-KL/TW có lúc, có nơi chưa được quan tâm; một số tiêu chí về lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu để tổ chức kỷ niệm chưa rõ. Việc tổ chức kỷ niệm có thời điểm, sự kiện, cơ quan chủ trì chưa thật sự chủ động thực hiện nhiệm vụ. Kỷ niệm ngày sinh lãnh đạo tiền bối tiêu biểu từ lần thứ hai không tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa nên hạn chế sự lan tỏa ý nghĩa sự kiện. Một số khu lưu niệm, nhà lưu niệm chưa được đầu tư xây dựng do vướng về địa điểm; việc khai thác, phát huy giá trị một số khu lưu niệm, nhà lưu niệm còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu gặp khó khăn do tư liệu lưu trữ còn lại rất ít; hầu hết các nhân chứng lịch sử đã không còn. Chưa có kế hoạch dài hạn và đầu tư nguồn lực phù hợp sản xuất phim tài liệu, phim truyền hình, dẫn đến thiếu phim về đề tài này để tuyên truyền...
CỦNG CỐ NIỀM TIN VÀO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG MÀ ĐẢNG, BÁC HỒ VÀ THẾ HỆ CÁCH MẠNG TIỀN BỐI ĐÃ CHỌN
Trong thời gian tới, để tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước nói chung, ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu nói riêng, cần thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 88-KL/TW và văn bản chỉ đạo mới của Bộ Chính trị; gắn kết chặt chẽ với việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao”; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”... với công tác tuyên truyền kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu. Qua đó, xây dựng nền tảng chính trị tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân noi gương các thế hệ tiền bối cách mạng, ra sức thi đua học tập, lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức kỷ niệm và triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần Kết luận 88-KL/TW; xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương thức tiến hành trong mỗi dịp kỷ niệm; sớm xây dựng Đề án tổng thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm, các kế hoạch riêng cho từng hoạt động và huy động nhân lực, nguồn lực trong xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động kỷ niệm, tri ân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.
Chủ động tham mưu tổ chức trang trọng, ý nghĩa các hoạt động kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo bảo đảm đúng quy mô, tần suất, tầm mức; kịp thời phát động, lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với chủ đề ngày kỷ niệm, đúng định hướng chính trị, tư tưởng. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa hoạt động của Ban tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương theo hướng thống nhất, tích cực, chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả cao hơn.
Ba là, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc, tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu. Theo đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động đổi mới, sáng tạo công tác tuyên truyền cho phù hợp, hiệu quả và đúng với định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đẩy mạnh tuyên truyền trên lĩnh vực báo chí - xuất bản, sáng tác văn học nghệ thuật; chú trọng khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông công nghệ cao, mạng xã hội. Nghiên cứu lồng ghép tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong chương trình giáo dục phổ thông, các chương trình giáo dục sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, các chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, lãnh đạo cấp vụ và tương đương, các lớp bồi dưỡng cán bộ chiến lược… Xây dựng các tài liệu tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài phổ thông (như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc…) nhằm giới thiệu rộng rãi về các đồng chí lãnh đạo đến với kiều bào và bạn bè quốc tế.
Bốn là, tích cực nghiên cứu, thu thập thông tin tư liệu, hoàn thiện hồ sơ về các đồng chí lãnh đạo, kịp thời đề xuất, đề nghị xem xét, công nhận các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu vào danh sách được tổ chức kỷ niệm, coi đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là tình cảm, đồng thời là trách nhiệm của thế hệ ngày nay đối với các bậc tiền bối cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để lại những tấm gương cao đẹp cho lịch sử Đảng và dân tộc.
Năm là, quan tâm phân bổ kinh phí và đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để phục vụ công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm; xây dựng các khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu, phim truyền hình, sưu tầm tài liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.
Sáu là, chủ động và thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng các tầng lớp Nhân dân, dư luận xã hội về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, cũng như việc thực hiện các nội dung trong Kết luận 88-KL/TW kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tự tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng, công lao và những đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đối với đất nước, dân tộc.
Bảy là, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức kỷ niệm 100, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng công bố phim tư liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu và định hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm. Kịp thời tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi dịp kỷ niệm; biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo và thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tám là, nghiên cứu ban hành văn bản mới thay thế cho Kết luận 88-KL/TW về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, trong đó kế thừa các nội dung hợp lý, sửa chữa, bổ sung những vấn đề còn bất cập, tính toán đến tính dài hơi trong công tác triển khai thực hiện./.
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Ban Tuyên giáo Trung ương
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)