Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023): Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan báo chí

Chủ nhật - 18/06/2023 21:38 112 0
Ở nước ta, báo chí chịu trách nhiệm trước Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng - đó là nguyên tắc hàng đầu. Hệ thống báo chí cách mạng của chúng ta do Đảng ta và Bác Hồ sáng lập, tạo dựng, rèn luyện, định hướng phát triển. Báo chí cách mạng vì vậy là công cụ quan trọng hàng đầu của Đảng trong việc tuyên truyền, đưa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, nêu những vấn đề của cuộc sống đặt ra làm luận cứ để Đảng và Nhà nước đề ra được những nghị quyết, chủ trương, chính sách kịp thời và đúng đắn. Do đó, Đảng lãnh đạo báo chí không chỉ bằng đường lối mang tính định hướng mà còn thường xuyên chỉ ra cho báo chí những phương hướng cụ thể trong từng thời kỳ, mang tính gợi mở.
7

Báo chí cách mạng Việt Nam - Cội nguồn, đặc trưng, trọng trách. Ảnh minh họa: PV.

Đường lối đổi mới toàn diện của Đảng được mở ra từ Đại hội VI (tháng 12/1986) là cơ sở lý luận của sự nghiệp đổi mới, đó cũng là mốc lịch sử về sự kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Tại Hội nghị lần thứ 5 (từ ngày 05 đến ngày 14/7/2007, Ban Bí thư (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thảo luận và ra Nghị quyết “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”. Đây là lần đầu tiên, công tác báo chí, hoạt động báo chí được Trung ương đề cập một cách toàn diện, đầy đủ, sâu sắc trong một nghị quyết hết sức quan trọng. Nghị quyết ban hành đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặt biệt là đối với cơ quan báo chí. Theo đó, Nghị quyết khẳng định rõ báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn tin cậy của Nhân dân. Diễn đàn này phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nghĩa là tự do báo chí, nhưng phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, không một cơ quan báo chí hay phóng viên, nhà báo nào được phép bước ra ngoài khuôn khổ của pháp luật khi hoạt động báo chí. Đồng thời, nghị quyết cũng đề cao tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng mà tác phẩm báo chí cần đảm bảo.

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị xã hội. Vì vậy, ngay từ Luật Báo chí đầu tiên được ban hành, Đảng, Nhà nước ta đã xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí. Mới nhất, trong Luật Báo chí nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2016, Điều 4 khẳng định, báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn như: Thông tin trung thực về các vấn đề; tuyên truyền, phổ biến, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội những vấn đề dư luận quan tâm, thắc mắc; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Như vậy, báo chí là cơ quan truyền thông đại chúng quan trọng, thiết yếu của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện chức năng thông tin, phản ánh nhanh chóng, kịp thời các sự kiện, hiện tượng, vấn đề mới nảy sinh của đời sống xã hội, vừa thực hiện chức năng định hướng dư luận, quản lý, giám sát các tiến trình vận động của đời sống xã hội. Cơ quan báo chí là diễn đàn ngôn luận dân chủ của quần chúng Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thực hiện đúng các nhiệm vụ và quyền hạn đó, tức là báo chí đã thể hiện được vai trò to lớn đối với xã hội. Một sản phẩm báo chí khi thông tin về bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải đảm bảo độ chính xác và có chất lượng. Chính xác có nghĩa là thông tin đăng tải phải đúng, đầy đủ, không bị sai lệch về nội dung.

Hoạt động báo chí rất đa dạng, phức tạp. Do đó, cần đòi hỏi các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải có những phương thức quản lý linh hoạt, khoa học và phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Trong quản lý không nên quá cứng nhắc, khuôn khổ, phải có sự linh hoạt, hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, cũng không nên quá lỏng lẻo, buông lơi, mềm dẻo quá sẽ tạo ra những tiền lệ rất khó giải quyết dứt điểm. Quản lý bằng những quy định của pháp luật và thông qua các quy định của địa phương, quy chế của cơ quan báo chí. Đó là Luật Báo chí 2006, các văn bản dưới Luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thông tư, quy chế phối hợp… nhằm lãnh đạo, quản lý, giám sát, điều chỉnh các hoạt động của nhà báo, của cơ quan báo chí, đi vào nề nếp, nâng chất lượng hiệu quả hoạt động.

Hoạt động báo chí là điều kiện quan trọng của nhiều cơ quan báo chí, giúp cho quá trình tồn tại và phát triển của một tờ báo ngày càng khẳng định uy tín, thu hút nhiều độc giả hơn. Để hoạt động báo chí nâng cao hiệu quả, chất lượng, đúng định hướng, là cánh tay tuyên truyền đắc lực cho Đảng ta thì đòi hỏi cần phải thực hiện tốt ở một số nhiệm vụ trọng yếu sau:

Thứ nhất, Đảng bồi dưỡng thật tốt đội ngũ cốt cán, trước hết là tổng biên tập, cấp ủy để có thể thực hiện tốt sự lãnh đạo của mình, chứ không đi vào những việc cụ thể, đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ. Hướng dẫn, định hướng thông tin cho báo chí khi tình hình trong nước và trên thế giới có những chuyển biến quan trọng, khi Đảng và Nhà nước chuẩn bị ban hành những chủ trương, chính sách mới.

Thứ hai, cấp ủy đảng dành thời gian định kỳ làm việc với những người phụ trách cơ quan báo chí, biểu dương mặt tốt, dân chủ thảo luận để rút kinh nghiệm những mặt làm được và chưa làm được; thường xuyên tổ chức những buổi tiếp xúc, đối thoại để thông báo tình hình, lắng nghe ý kiến của phóng viên để kịp thời nắm bắt, thu thập thông tin từ thực tiễn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, khả năng kết quả làm việc của các phóng viên, đồng thời bồi dưỡng cho những nhà báo cốt cán về quan điểm của Đảng, về những chủ trương lãnh đạo của cấp ủy trong từng thời kỳ.

Thứ ba, chú trọng đến công tác phát triển Đảng trong các cơ quan báo chí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng còn được thể hiện qua công tác phát triển đảng viên trong các cơ quan báo chí, đặc biệt chú ý đến đội ngũ phóng viên. Các chi bộ đảng ở các cơ quan báo chí cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Phóng viên là đảng viên thì ý thức chính trị và trách nhiệm chính trị của họ đối với công việc, đối với xã hội được nâng lên gấp bội. Xây dựng được một đội ngũ đông đảo các phóng viên là đảng viên thí báo chí càng trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực của Đảng, thật sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân.

Thứ tư, chú trọng hơn nữa việc xây dựng đội ngũ các nhà quản lý báo chí. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng giúp Đảng và Nhà nước nắm chắc tình hình hoạt động báo chí cũng như tình hình nội bộ của đội ngũ những người làm báo. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua việc lãnh đạo Nhà nước làm tốt chức năng quản lý báo chí và thông qua việc chỉ đạo các cơ quan chức năng của Đảng. Để làm tốt vai trò đặc biệt quan trọng đó, cần lựa chọn những người có đủ trình độ năng lực, đủ kiến thức, tinh thông nghiệp vụ, sao cho mỗi cán bộ ở những cơ quan báo chí, trước hết phải là nhà báo trung thực, đồng thời là nhà tham mưu đáng tin cậy cho Đảng.
Hoa Đăng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây