Không có "khoảng trống quyền lực" và ăn may

Thứ tư - 21/08/2024 03:35 187 0
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chứ không phải là do “ăn may” như những phần tử phản động rêu rao trên mạng xã hội.
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

CHIÊU TRÒ CŨ, THỦ ĐOẠN MỚI

Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng. Từ ngày 14 đến 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, một bộ phận miền Trung và miền Nam. Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Tiếp đó là giành thắng lợi ở Huế, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu, Sài Gòn-Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre...

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi là một sự kiện lịch sử không chỉ có ý nghĩa trọng đại với dân tộc Việt Nam mà còn có tác động to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, nô dịch khắp châu Á, châu Phi, Mỹ Latin... Thế nhưng, với các thế lực thù địch và phản động, bán nước thì Cách mạng Tháng Tám lại là nỗi nhục và thất bại của chúng, vì thế, từ lâu, mỗi khi chúng ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, chào mừng Ngày Quốc khánh (2/9) - Ngày Tết Độc lập, thì chúng lại tung ra các chiêu trò chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả đấu tranh của toàn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; bôi nhọ lãnh tụ dân tộc; hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Mục đích của những tổ chức, cá nhân này là tạo ra những góc nhìn phiến diện, sai lệch, mơ hồ, nghi hoặc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và thế giới; làm phai nhạt niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; kích động, làm sâu sắc hơn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xa hơn là lái con thuyền cách mạng nước ta đi “chệch” định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm nay, chúng vẫn dùng chiêu trò cũ, nhưng lại bằng những thủ đoạn mới thâm độc, nham hiểm hơn những năm trước bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin để cắt, ghép thông tin (theo kiểu “nhét chữ vào miệng”), hình ảnh, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đánh tráo khái niệm-“lập lờ đánh lận con đen”... Những thủ đoạn kiểu mới này đã được thực hiện một cách tinh vi, bài bản, có quy trình, được đầu tư về thời gian, kỹ thuật và tài chính... Dẫn đến hậu quả, khi tiếp cận thông tin, không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có trình độ, nhận thức sâu rộng cũng có thể hiểu sai bản chất vấn đề hoặc hoài nghi tính đúng đắn của vấn đề.

Đặc biệt, một số tổ chức phản động đã “đổi mới” phương thức tuyên truyền, bịa đặt có vẻ như “khoa học” hơn thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, luận đàm lịch sử... để phát trên mạng xã hội và một số cơ quan báo chí, truyền thông ở nước ngoài. Chúng cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thành công nhanh chóng chẳng qua là một “sự ăn may” do khách quan mang lại, nhờ vào cái gọi là “khoảng trống quyền lực” khi “quân đội Nhật Bản đã đầu hàng quân Đồng minh”...

Điều đáng nói là trong số những người tự xưng là “nhà khoa học”, “nhà nghiên cứu” đó, có người do chưa hiểu thấu đáo, nhưng cũng có người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, chứng kiến sự đổi thay và được thừa hưởng thành quả do Cách mạng Tháng Tám mang lại nhưng vong ơn bội nghĩa, tỏ ra “cố tình không hiểu” nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc cách mạng vĩ đại này.

KẾT QUẢ CHUẨN BỊ LÂU DÀI VÀ BÀI HỌC CHỚP THỜI CƠ

Thực tế lịch sử đã chứng minh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài, trải qua 3 cuộc vận động và cao trào cách mạng lớn, chuẩn bị lực lượng để khi tình thế trực tiếp xuất hiện, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

Chỉ nói riêng về việc chuẩn bị lực lượng tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, ngay từ năm 1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị: Đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và bán vũ trang, tạo ra lực lượng to lớn, có sức mạnh tổng hợp cao. Từ năm 1941 đến 1945, nhiều đội du kích đã được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn, Đội du kích Pác Bó, Đội Cứu quốc quân, Đội du kích Ba Tơ, du kích Nam Bộ...

Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức thành lập với 3 tiểu đội, gồm 34 chiến sĩ. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15/5/1945, tại Thái Nguyên lễ hợp nhất hai đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân với tên gọi mới là Việt Nam Giải phóng quân đã được tổ chức. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam Giải phóng quân có vai trò rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đến tháng 5/1945, trước diễn biến tình hình thế giới và trong nước ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Lịch sử đã chứng minh rằng, trong khoảng thời gian từ khi quân Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp (ngày 9/3/1945) đến ngày Hà Nội tổng khởi nghĩa thành công (ngày 19/8/1945), ở Việt Nam không hề tồn tại một “khoảng trống quyền lực” nào cả. Ngay sau cuộc đảo chính lật đổ quân Pháp, Tập đoàn quân 38 của Nhật đã nhanh chóng thiết lập bộ máy thống trị giành quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương. Các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng... đều đặt dưới sự kiểm soát của quân Nhật. “Chính phủ Trần Trọng Kim” là một bộ máy chính quyền do quân Nhật dựng lên, tuy không nắm thực quyền nhưng vẫn có đầy đủ các bộ và “cơ quan thuộc chính phủ”. Trên thực tế, chính phủ này cho đến ngày 17/8/1945 vẫn còn cử người liên lạc, “mặc cả” với Việt Minh đòi chia sẻ quyền lực.

Trước đó, ngày 14/8/1945, một ngày sau khi Ủy ban Khởi nghĩa của chúng ta phát đi bản Quân lệnh số 1, Chính phủ Trần Trọng Kim còn ra tuyên bố “nhất quyết không chịu lùi một bước trước một khó khăn nào để làm tròn sứ mệnh...” và họ cam đoan “vẫn hợp tác chặt chẽ với nhà đương cục Nhật”. Ngay trong ngày 19/8/1945, tại Hà Nội vẫn còn diễn ra một cuộc “dàn xếp thỏa hiệp” giữa “Chính phủ Trần Trọng Kim” với chỉ huy Tập đoàn quân 38 của Nhật. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp đó bất thành.

Sự thật là chúng ta đã chớp được thời cơ. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra 3 nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Có thể nói, sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945 là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về chủ trương, đường lối, xây dựng thực lực cách mạng và tinh thần đấu tranh anh dũng, khát vọng độc lập dân tộc, tự do của đồng bào ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi đánh dấu sự thành công của nghệ thuật sử dụng đồng thời cả tiến công của lực lượng quân sự với nổi dậy của lực lượng quần chúng, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và từng địa phương. Trong đó, sự nổi dậy của lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên truyền thanh thế của cách mạng, thị uy biểu dương lực lượng. Lực lượng quân sự làm hậu thuẫn cho nổi dậy của quần chúng và sử dụng khi cần thiết để diệt ác, trừng trị kẻ ngoan cố. Đó hoàn toàn không phải là sự “ăn may” và cũng không có “khoảng trống quyền lực” nào, khi chúng ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công./.

ĐỖ PHÚ THỌ (qdnd,vn)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây