Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Thứ sáu - 03/05/2024 21:33 286 0
Bằng những luận cứ khoa học sắc bén và tinh thần không khoan nhượng, V.I.Lênin đã đấu tranh chống lại các loại cơ hội, thù địch để bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác, đưa phong trào cộng sản và công nhân phát triển trong thực tiễn. Lênin đã để lại cho giai cấp công nhân và những người cộng sản thế giới hệ thống tư tưởng và phong cách, phương pháp luận chiến phong phú, mẫu mực.

TƯ TƯỞNG LÊNIN VỀ ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LOẠI CƠ HỘI, THÙ ĐỊCH

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân - chủ nghĩa Mác - Lênin, đã luôn bị các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội ra sức chống phá quyết liệt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chính đảng cũng như phong trào công nhân trên thế giới, đến việc hiện thực hóa khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người của giới cần lao.

Sau khi C.Mác và Ph.Ăngghen qua đời, Quốc tế II đứng trước những mối nguy lớn khi chủ nghĩa cơ hội hoành hành, đe dọa vai trò lãnh đạo, tập hợp và thống nhất các đảng. Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ, đã có những người rời bỏ hàng ngũ cộng sản của mình để nhân nhượng, thỏa hiệp và thậm chí phản bội lại sứ mệnh của giai cấp công nhân. Những người này đã “khoác áo Mác để chống Mác”, mặc dù bên ngoài không công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác nhưng thực chất lại đang quay lưng với những nguyên lý cách mạng và linh hồn sống của chủ nghĩa Mác.

Khi chủ nghĩa cơ hội đã được hình thành và phát triển với những tư tưởng, quan điểm có tính hệ thống, thậm chí trở thành một học thuyết chính trị - xã hội thì ảnh hưởng rất tiêu cực đến phong trào công nhân, làm lung lay niềm tin, “làm hư hỏng phong trào công nhân”(1), “biến nhiệm vụ giành chính quyền từ quan trọng thành không quan trọng; biến hình thức đấu tranh nghị trường là thứ yếu sang hình thức đấu tranh chủ yếu; biến đấu tranh kinh tế từ thứ yếu thành chủ yếu dẫn tới quá coi trọng và đề cao đấu tranh kinh tế, hạ thấp vai trò đấu tranh chính trị”(2). Họ dễ dàng thỏa hiệp với giai cấp tư sản, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phủ nhận cách mạng vô sản và cố gắng đưa phong trào công nhân nằm trong “giới hạn có thể chấp nhận được” đối với giai cấp tư sản, khiến cho phong trào công nhân chỉ như “giậm chân tại chỗ”. Điều này đã tạo nên tâm lý hoài nghi về thắng lợi của phong trào công nhân cũng như “làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các Đảng Cộng sản, kéo lùi phong trào công nhân ở các nước”(3).

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức họp báo phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 _Ảnh: TTXVN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức họp báo phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 _Ảnh: TTXVN

Đến những năm 1914 - 1915, chủ nghĩa cơ hội biến thành chủ nghĩa cơ hội sôvanh phản động khi công khai ủng hộ giai cấp tư sản gây chiến tranh đế quốc để phân chia lại thị trường và thuộc địa, tiếp tay cho việc đàn áp các phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản. Những tác hại mà chủ nghĩa cơ hội cũng như các trào lưu tư tưởng cực đoan đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là rất lớn.

V.I.Lênin đã kiên quyết phê phán các luận điểm của chủ nghĩa cơ hội với các đại biểu như E. Bécxtanh, C. Cauxky, chủ nghĩa dân túy với những đại biểu tiêu biểu như Mikhailốpxki, Crivencô, Giacốp; quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái kinh tế với các gương mặt như Cuxcôva, A. Máctưnốp, X.N. Prôcôpôvích; quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái Mensêvích do Máctốp đứng đầu, hay đấu tranh chống bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản đem đến nguy cơ làm chệch hướng phong trào giải phóng của giai cấp vô sản.

Với thái độ kiên quyết, dứt khoát, triệt để, V.I.Lênin đã không chỉ công khai đấu tranh trên lĩnh vực lý luận mà còn thẳng thừng loại bỏ những đối tượng này ra khỏi hàng ngũ của Đảng và xem đó như việc “tẩy rửa chất mủ” trong chính “cơ thể” của phong trào cộng sản, mặc dù có chịu đau đớn nhưng “Điều rất cần thiết hiện nay, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”(4). Đồng thời, V.I.Lênin còn luôn chú trọng việc giữ vững tính đảng, không nhân nhượng về mặt lý luận trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội và các loại hình thù địch. Muốn vậy, lý luận phải thật sự sắc bén, thật sự am tường và không còn cách nào khác là phải nâng cao trình độ, tăng cường hệ tư tưởng XHCN cho giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Người cũng đã chỉ ra cần xác định những nội dung, phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp, có hiệu quả.

Trải qua cuộc đấu tranh gay gắt, phức tạp, với lý luận sắc bén, V.I.Lênin đã trực diện, đập tan các luận điệu của chủ nghĩa cơ hội, góp phần bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác. Đồng có vai trò bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác bằng việc tổng kết thực tiễn cách mạng của nước Nga xôviết, góp phần to lớn vào sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

THỰC TIỄN VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG LÊNIN TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LOẠI CƠ HỘI, THÙ ĐỊCH Ở NƯỚC TA

Mặc dù ở Việt Nam chưa có thời kỳ nào xuất hiện chủ nghĩa cơ hội với tư cách là một lực lượng hay một phong trào có khả năng ảnh hưởng đến cách mạng, nhưng vẫn còn tồn tại những tư tưởng hay những biểu hiện hữu khuynh và tả khuynh dưới những mức độ khác nhau. Ngoài ra, việc các thế lực thù địch phản động câu kết gia tăng sự chống phá đã khiến chúng ta phải thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các loại cơ hội, các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, từ sau khi CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhiều luận điệu xảo trá đã được tung hô với những thủ đoạn, hình thức khác nhau nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trước tình thế đó, việc đấu tranh trực diện, không khoan nhượng, thật sự kiên quyết được đặt ra cấp bách nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ và những thành quả của công cuộc đổi mới.

Một dấu mốc quan trọng trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch là ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đưa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ hơn với nhiều kết quả khả quan. Từ đó, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; làm thất bại các hoạt động lợi dụng đổi mới để gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng.

Công tác tổng kết, nghiên cứu lý luận được chú trọng, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN và nhà nước pháp quyền XHCN; công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức, phát huy tốt vai trò định hướng dư luận, nhất là trên mạng xã hội. Qua đó, kịp thời tuyên truyền, khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thông tin tích cực, thuyết phục, có sức lan tỏa, giáo dục, đẩy lùi các thông tin xấu, độc; góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch vẫn diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, thâm độc hơn; hệ thống internet, mạng xã hội phát triển đã trở thành công cụ hữu hiệu để chúng lợi dụng triệt để xuyên tạc, phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; gây nên sự hoài nghi trong xã hội...

Mặt khác, thực tiễn đổi mới, hội nhập đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần nghiên cứu, giải đáp thấu đáo về lý luận. Công tác “đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”(5); việc lôi cuốn sự tham gia đông đảo của cán bộ, nhân dân chưa nhiều; đội ngũ làm công tác đấu tranh còn chưa đủ về số lượng và mạnh về chất lượng; tính chiến đấu, tính khoa học, tính sắc bén trong lập luận chưa cao nên tính thuyết phục còn hạn chế; công tác quản lý thông tin trên mạng chưa theo kịp tình hình... Đó là những khoảng trống cần sự bù đắp kịp thời để phát huy tốt hơn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.

TIẾP TỤC VẬN DỤNG SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG LÊNIN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, V.I. Lê-nin luôn kiên quyết đấu tranh chống những trào lưu tư tưởng phi mác-xít chống phá phong trào cách mạng _Tranh: Tư liệu
Trong quá trình hoạt động cách mạng, V.I. Lê-nin luôn kiên quyết đấu tranh chống những trào lưu tư tưởng phi mác-xít chống phá phong trào cách mạng _Tranh: Tư liệu

Thứ nhất, cần tiếp tục nhận diện và đấu tranh trực diện, kiên quyết, không khoan nhượng với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch.

Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” xác định: Công tác nghiên cứu lý luận có nhiệm vụ “kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi màu sắc”. Trong các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Đảng ta đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”(6).

Thứ hai, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; phân biệt rõ quan điểm khác, quan điểm lệch lạc với quan điểm sai trái, thù địch…

Trước đây, sự hình thành chủ nghĩa cơ hội tả khuynh một phần cũng chính từ sự non kém về lý luận và thiếu bản lĩnh về chính trị, khiến cho một số đảng viên là lãnh đạo rơi vào chủ quan, duy ý chí, không nắm vững quy luật khách quan... Do vậy, trang bị và nắm vững lý luận chính trị là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay để không bị hoang mang, dao động. Việc không ngừng bổ sung, phát triển lý luận cần gắn liền với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bởi lẽ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì “vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt”(7) từ các nhà tư tưởng. Và hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng chủ nghĩa Mác - Lênin mà các nhà kinh điển đã xây dựng “chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(8). Vậy nên cần “nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, đảm bảo cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9).

Với những quan điểm lệch lạc do chưa nhận thức đầy đủ thì cần có biện pháp thuyết phục, trao đổi, chỉ ra những lỗ hổng, thiếu tính khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn trong lập luận của họ, tránh áp đặt ý muốn chủ quan và cũng không nên “đao to búa lớn”. Với những những quan điểm sai trái do cố tình “không hiểu” hay là “đánh tráo khái niệm” thì cần kiên quyết bác bỏ, lên án và đấu tranh không khoan nhượng bằng cơ sở, căn cứ vững chắc về lý luận, thực tiễn và chính trị, pháp lý. Đặc biệt, trong quần chúng nhân dân hay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đôi khi cũng có những quan điểm khác, nhận thức khác với quan điểm của Đảng và Nhà nước - điều này cũng không phải khó hiểu bởi vì nhận thức là một quá trình, cần “đối thoại thẳng thắn... trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau”(10).

Thứ ba, phòng chống suy thoái về chính trị tư tưởng, nghiêm khắc xử lý với những sai phạm trong nội bộ.

Nếu như trước đây, nguồn gốc của sự suy thoái, cơ hội diễn ra trong đội ngũ những người cộng sản được V.I. Lênin chỉ ra là “các lãnh tụ  tầng lớp trên của giai cấp công nhân bị hủ hóa, bị mua chuộc, chạy theo giai cấp tư sản”(11) và sự “thỏa mãn với tình thế nhất thời, ánh sáng chói lọi” của CNTB thì hiện nay, dù cách diễn đạt có khác nhưng chung quy vẫn như 27 biểu hiện mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Bởi vậy, các thế lực thù địch luôn lợi dụng tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng”(12) cùng với đó là những “hạn chế, khuyết điểm mà Đảng ta đã tự đánh giá” nhằm gây sự hoài nghi, bất bình trong nhân dân, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Từ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có thể xác định những phần tử cơ hội thuộc các “nhóm” sau: Thứ nhất, là những kẻ ra mặt chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, dễ nhận biết và phát hiện; Thứ hai, là những kẻ không ra mặt chống đối nhưng lại có ý đồ rất xa, rất dài, mưu đồ “chui sâu, leo cao” để thực hiện tham vọng; Thứ ba, là những cán bộ, đảng viên thiếu hiểu biết về lý luận chính trị, phai nhạt lý tưởng, dễ ngả nghiêng, dao động, thiếu niềm tin. Theo đó, cần nhận diện đúng các “cấp độ” của biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên để có biện pháp thuyết phục, đấu tranh phù hợp, hiệu quả, tránh “vơ đũa cả nắm”; chú trọng kết hợp “xây” và “chống”.

Trong đấu tranh, có những trường hợp và thời điểm phải kiên quyết thực hiện giải pháp như V.I. Lênin đã từng nhấn mạnh là đuổi bọn thoái hóa, biến chất, cơ hội, thù địch, tham ô, không trung thực, xu nịnh... ra khỏi hàng ngũ của Đảng để làm cho uy tín của Đảng được tăng lên, chấp nhận “thà ít mà tốt”. Dù đau xót nhưng phải kiên quyết “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”, “xử một số người để cứu muôn người”, dù người đó là ai, giữ chức vụ gì, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc “đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống hàng ngày” như cách nói của Lênin, “đưa chính trị vào giữa dân gian” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong tình hình mới, mọi đường lối, chính sách của chúng ta đều nhằm thực hiện 8 phương hướng để hiện thực hóa 8 đặc trưng mà mục tiêu cao nhất và toàn diện là Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo đó, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn và những nhu cầu chính đáng, hợp pháp, thiết thực của nhân dân. Giá trị đích thực của CNXH ở Việt Nam, mục tiêu tối thượng mà Đảng và Nhà nước ta hướng đến là đời sống của nhân dân, để nhân dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển và đây cũng là bản chất ưu việt của chế độ XHCN.

Được thụ hưởng, được thỏa mãn lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đây là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải kiên quyết phê phán, đấu tranh.

Thứ năm, thường xuyên củng cố, xây dựng đội ngũ chuyên gia sâu sắc về lý luận, am tường thực tiễn; không ngừng nâng cao nhận thức của quần chúng.

Cần có cơ chế để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới là “lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm hài hòa giữa trước mắt với lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng”. Xây dựng “đội ngũ cán bộ đầu đàn và các lớp cán bộ kế tiếp, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài” và “có chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích đáng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của các nhà khoa học” theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động lý luận. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, để nhân dân biết rõ các hành vi, hình thức chống phá của các thế lực thù địch; có bản lĩnh vững vàng để không bị lôi kéo vào những hoạt động chống phá, đồng thời có trách nhiệm hơn khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Với sức đề kháng của hàng triệu quần chúng thì mọi sự lừa mị, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch đều trở nên vô nghĩa, lạc lõng.

*           *

Trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội và những trào lưu phản cách mạng, sai trái là một hoạt động cần thiết và vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự tồn tại của chế độ XHCN. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, V.I.Lênin đã không chỉ tiếp nối sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen mà còn liên tục đấu tranh với những phần tử, trào lưu cơ hội, dân túy, thù địch để bảo vệ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng và những quan điểm đó vẫn luôn chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong bối cảnh hiện nay./.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, V.I.Lênin đã không chỉ tiếp nối sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen mà còn liên tục đấu tranh với những phần tử, trào lưu cơ hội, dân túy, thù địch để bảo vệ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng và những quan điểm đó vẫn luôn chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong bối cảnh hiện nay

 

TS. NGUYỄN ANH TUẤN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Giảng viên PHẠM THỊ NHƯ QUỲNH
Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)

_________________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.30, tr.215.
(2) (3) Phạm Văn Phong: Cuộc đấu tranh của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lê nin chống chủ nghĩa cơ hội và ý nghĩa đối với xây dựng Đảng hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019, tr.29, 14.
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, sđd, t.26, tr.327.
(5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.91, 183.
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.18.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.4, tr.232.
(9) (10) Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.
(11) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.39, tr.218-219.
(12) Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây