Những đôi bàn tay ân cần
“Toàn tàu chú ý, toàn tàu chú ý! Đã đến giờ cơm tối, kính mời các đại biểu di chuyển đến các phòng ăn để dùng bữa!...”
6 giờ chiều, tiếng nói cười của các đại biểu tại các phòng ăn trên tàu KN-290 ngày một rộn ràng. Sau một ngày hoạt động bận rộn, kiểm tra, thăm các điểm đảo từ sáng tới chiều, ai cũng muốn tranh thủ tắm giặt, nghỉ ngơi rồi ăn tối. Nhưng Đại úy QNCN Đinh Thị Thảo, Trường Sĩ quan Lục quân 1 cùng một số chị em đại biểu nữ lại lặng lẽ lên khu bếp từ rất sớm. Các chị thường tranh thủ phụ giúp nhân viên bếp ăn của tàu những phần việc đơn giản, như nhặt rau, sắp bát đũa, dọn bàn.
“Nhìn các nhân viên khu bếp toàn là nam, làm việc thì không ngơi tay từ 3 giờ sáng đến 23 giờ khuya, mình tự thấy bản thân phải tranh thủ lên giúp các anh em để vơi bớt vất vả. Huống gì chuyện bếp núc các chị em đã vốn làm rất quen ở nhà!”, chị Thảo cười nói.
Việc phụ giúp nhà bếp cứ thế trở thành một phong trào nhỏ của các thành viên nữ đoàn công tác. Mỗi ngày, chẳng cần ai cắt cử, gần đến giờ cơm trưa, cơm chiều, thì các chị lại cùng nhau góp mặt trên khu bếp, ngồi thành vòng tròn, giúp các “anh nuôi” nhặt rau, dọn mâm, rồi ân cần hỏi thăm, nói chuyện, thậm chí còn hát cho các nhân viên trên tàu nghe.
Nhà bếp của Tàu KN-290 lúc nào cũng nhộn nhịp, sôi nổi vì có các nữ đại biểu đến phụ giúp các "anh nuôi".
Không chỉ trên bếp, mà còn ở các phòng nghỉ, hay bên ngoài hành lang, chúng tôi thường bắt gặp nhiều nhóm nữ quân nhân đang ngồi cặm cụi, tay cầm giấy trắng, gấp vuốt rất cẩn thận, tỉ mỉ. Thì ra các chị em đang gấp hạc giấy, chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm các liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ bảo về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày tổ chức Lễ tưởng niệm, hơn 200 con hạc giấy – thành quả của các đại biểu phụ nữ quân đội được từng thành viên đoàn công tác nâng niu, thả xuống biển cùng hoa cúc vàng, để tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã vì Tổ quốc mà hy sinh, nằm lại nơi biển cả xa xôi. Trời lặng gió. Đàn hạc trắng bằng giấy trôi chầm chậm theo dòng nước, quanh quẩn nơi mép đảo, chân nhà giàn, như thể nhắc nhở chúng tôi phải ghi nhớ và biết ơn những người đã ngã xuống, để giữ vững từng mét đất, từng sải biển cho thế hệ hôm nay.
Tình thương gửi lại Trường Sa
Trong suốt hải trình, không ít lần các nữ đại biểu rơi nước mắt. Khi đoàn công tác đến thăm đảo Tiên Nữ, một đảo chìm bé nhỏ nằm giữa mênh mang là biển, tôi đã nhìn thấy Trung tá QNCN Nguyễn Thị Lan Hương, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đứng khuất một góc nơi sân đảo, đưa tay quệt vội hàng nước mắt. Tưởng rằng có điều gì khiến chị bận lòng, chúng tôi đến hỏi thăm. Nhưng chị chỉ lắc đầu: “Chị không sao, chỉ là nhìn thấy các em chiến sĩ trẻ mà thương quá! Các em ấy cũng trạc tuổi bằng con, bằng em mình ở nhà”. Giọng chị khẽ khàng, như không muốn cho chàng lính trẻ đang bồng súng canh gác gần đó nghe được.
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông tặng hoa bàng quả vuông cho các nữ đại biểu đoàn công tác. Ảnh: QUANG TIẾN
Tôi chợt hiểu rằng, khi đã đến Trường Sa, các chị không chỉ là đại biểu, mà đã như thể là mẹ, là chị, là bạn của lính đảo, thương lính đảo như thương chính người thân ruột thịt của mình. Bởi thế mà tại mỗi điểm đảo, nhà giàn, các chị luôn tranh thủ thời gian, đến chia sẻ, thăm hỏi, trò chuyện nhiều nhất có thể với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Đa phần tất cả đều muốn gửi lại một chút quà động viên cho đảo.
Có đại biểu tặng cho các chiến sĩ thẻ điện thoại, để tiện liên lạc cho gia đình vào ngày nghỉ, giờ nghỉ; có đại biểu thì tặng sách, báo cho các tủ sách, thư viện Trường Sa. Có đại biểu còn tỉ mỉ chuẩn bị cả kẹo, bánh, đồ chơi cho các em bé trên các đảo; còn các nữ nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 9 thì tặng cho lính đảo chiếc khăn rằn Nam Bộ – thứ quà mang đậm bản sắc quê hương mình. Nhưng trên tất cả, các chị đã trao gửi giá trị tinh thần thật quý giá, đó là sự thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm dịu dàng của người phụ nữ - điều mà nơi đảo xa lúc nào cũng thiếu.
Chiến sĩ đảo Song Tử Tây nhận quà của Trung tá Trần Nữ Quế Phương, Thư viện Quân đội.
Đại tá Phan Thị Thanh Thủy, Trưởng đoàn Văn công Quân khu 9 quàng khăn rằn cho chiến sĩ đảo Đá Nam. Ảnh: QUANG TIẾN
Đã là lính Trường Sa, lính nhà giàn, các cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua mọi khó khăn, bám biển, bám đảo, làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Hạnh phúc riêng tư, bởi vậy hiếm khi vẹn tròn. Chuyến công tác lần này càng khiến cho những đại biểu đang làm công tác phụ nữ trong quân đội có nhiều suy ngẫm.
Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội chia sẻ: “Mong các chị em – hậu phương của những người lính đảo gác nỗi lòng riêng, đảm đang, chu toàn hai bên nội ngoại, trở thành điểm tựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng với phụ nữ Quân đội, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động chính sách đối với hậu phương quân đội, chia sẻ với các gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa về cả vật chất và tinh thần, để các anh yên tâm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió!”.
Theo HUYỀN ANH / qdnd.vn