Nổi dậy giải phóng Côn Đảo
Ngày 01/5/1975, sau khi thành phố Vũng Tàu được giải phóng, Tiểu đoàn 445, bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 12 của Sư đoàn Sao Vàng anh hùng được lệnh tập kết về cảng Rạch Dừa, chuẩn bị xuống tàu giải phóng Côn Đảo.
Nhà tù Côn Đảo lúc này có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị bị cấm cố trong 8 trại giam. Ngày 29/4/1974, khi các mặt trận đồng loạt nổ súng tiến vào giải phóng Sài Gòn thì ở Côn Đảo, các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng cố vấn Mỹ bí mật rút chạy ngay trong đêm.
Sáng 30/4/1975, Đại úy Phạm Huỳnh Trung, Chỉ huy phó Đặc khu Côn Sơn nắm quyền chỉ huy ra lệnh khóa chặt cửa các trại giam, tổ chức di tản và chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Tình thế đảo ngược khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tại cầu Tàu, tranh cướp ghe ra tàu Mỹ di tản.
Ở Trại VII, sau khi kiểm tra nguồn tin bằng ra-di-ô và trực tiếp quan sát tình hình, những người có trách nhiệm quyết định chớp thời cơ tự giải phóng. 03 giờ sáng ngày 01/5/1975, cả 8 khu của Trại VII được giải phóng, Đảo ủy lâm thời (gồm 7 đồng chí) được thành lập. Theo sự chỉ đạo của Đảo ủy, tù chính trị tổ chức lực lượng vũ trang, chia thành nhiều mũi, chiếm các vị trí xung yếu của đảo và mở cửa giải phóng cho các trại. 10 giờ sáng cùng ngày, Đài phát thanh Côn Đảo phát tin tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng.
Rạng sáng ngày 04/5/1975, chuyến tàu chở lực lượng vũ trang ra giải phóng Côn Đảo cập bến cũng là lúc tình hình trên đảo đi vào ổn định. Ngày 05/5/1975, con tàu đầu tiên chở 550 chiến sĩ tù nhân Côn Đảo về đến Vũng Tàu. Ủy ban quân quản Vũng Tàu tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về.
Xây dựng và phát triển Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (1979 - 1991)
Xuất phát từ yêu cầu của công cuộc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam, ngày 30/5/1979, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 5, khóa VI đã ra Nghị quyết thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo. Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trở thành đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương và là đơn vị hành chính thứ 40 trong cả nước.
Ngay từ những ngày đầu thành lập cũng như trong quá trình phát triển, Đảng bộ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; công cuộc tìm kiếm, thăm dò và chuẩn bị khai thác dầu - khí là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu để phát triển kinh tế song song với chú trọng phát triển tiềm năng của địa phương.
Đi liền với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và ổn định đời sống vật chất của Nhân dân, sự nghiệp văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, góp phần rất lớn trong việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới và góp phần thực hiện công cuộc đổi mới. Bình quân, mỗi năm ở Đặc khu có gần 300 nhà ở mới được xây. Nguồn điện, nước phục vụ sinh hoạt của Nhân dân được tăng cường. Các phương tiện giao thông đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các trung tâm dịch vụ lao động, dạy nghề giáo dục lao động đã góp phần tạo điều kiện cho hàng trăm thanh niên có việc làm và nguồn thu nhập chính đáng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng trong quần chúng Nhân dân. Sự nghiệp giáo dục được đặc biệt quan tâm và đã từng bước đi vào ổn định. Đến năm 1990, cứ 4 người dân có 1 người đi học, 12/13 quận, phường, xã đã được công nhận phổ cập giáo dục cấp I và xóa mù chữ. Công tác chăm sóc sức khỏe được thực hiện tốt, hoàn thành các chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt tỷ lệ 85% số trẻ em trong độ tuổi, năm 1990 đạt 90,12%. Hệ thống bệnh viện, phòng, trạm y tế và nhiều cơ sở cung ứng thuốc chữa bệnh được củng cố tương đối hoàn chỉnh từ cấp Đặc khu đến phường, xã.
Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng được quan tâm và chú trọng, tăng cường phong trào an ninh nhân dân và lực lượng quốc phòng toàn dân, thực hiện tương đối tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Công tác xây dựng đảng được xác định là sức mạnh của Đảng bộ. Chính vì vậy, Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng cơ quan chính quyền và các đoàn thể quần chúng thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đoàn kết nội bộ, chủ động sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Tạo điều kiện đào tạo và đào tạo lại cán bộ nâng cao năng lực cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ. Chú trọng công tác phát triển đảng viên mới. Thường xuyên củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Côn Đảo ngày nay không chỉ là vùng đất mang dấu tích lịch sử mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng yêu nước bất diệt. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Côn Đảo là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, tri ân những cống hiến to lớn và hướng tới một tương lai phát triển bền vững, tiếp nối tinh thần quật khởi của lớp lớp cha anh đi trước.