Giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới

Thứ năm - 24/07/2025 03:27 17 0
Vùng Tây Nguyên là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với sự khác biệt về truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán,… Nghiên cứu bản chất và xu hướng biến đổi mối quan hệ giữa các dân tộc là yếu tố quan trọng, góp phần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững vùng.
24 7lehoicongchieng
Lễ hội cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu.

Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội, mối quan hệ giữa các dân tộc và tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên 

Vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 54,5 nghìn km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước), là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Tổ quốc; dân số hơn 6 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước(1)). Hiện nay, vùng Tây Nguyên có khoảng 2,2 triệu người đồng bào dân tộc thiểu số (tỷ lệ 37,7% dân số toàn vùng); nhiều đồng bào dân tộc thiểu số từ các địa phương phía Bắc đến định cư nơi đây trong thời gian dài (chiếm khoảng 10%)(2), như các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Dao,... Tây Nguyên cũng là vùng đất cư trú lâu đời của 12 dân tộc thiểu số tại chỗ (chiếm 27% dân số toàn vùng), trong đó có 8 dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á (nhóm Môn - Khmer)(3) và 4 dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo (nhóm Malayo Polynesian)(4)Bên cạnh đó, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trên tổng dân số từng địa phương có sự khác biệt tương đối, cụ thể: tỉnh Kon Tum là 54,93%; tỉnh Gia Lai là khoảng 46,22%; tỉnh Đắk Lắk là 35,70%; tỉnh Đắk Nông là 31,51%; tỉnh Lâm Đồng là 25,72%(5).

Trước năm 1975, đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung thành nhiều khu vực tương đối độc lập, như vùng Đông Nam Kon Tum đến Đông Bắc cao nguyên Pleiku và phía Tây Bình Định là nơi sinh sống của người Ba-na; khu vực Đông Nam cao nguyên Pleiku đến chân núi Chư Dliêya (tỉnh Đắk Lắk) là nơi cư trú của người Gia-rai; vùng cao nguyên Đắk Nông và một phần cao nguyên Di Linh là địa bàn của người Mơ-nông(6)… Khi đất nước được thống nhất, từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc gia cũng như tác động của quá trình di cư tự do khiến tình trạng thành phần dân cư trong vùng bị thay đổi lớn; các buôn, làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có sự xen kẽ lẫn nhau và xen kẽ với người Kinh hay các dân tộc mới đến, nên còn khá ít khu vực chỉ dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có 722 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 598 xã, 77 phường, 47 thị trấn) với 7.768 điểm dân cư, trong đó còn khoảng 2.764 thôn (buôn, làng, bon) của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; khoảng 5 nghìn thôn (buôn, làng, bon) đang trong trạng thái nhiều đồng bào cùng sống xen kẽ(7).

Sự phong phú, đa dạng về thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên đã tác động mạnh mẽ tới quá trình biến đổi cơ cấu xã hội toàn vùng, tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa, tín ngưỡng, sự kết nối, hòa hợp, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Cùng với quá trình phát triển, quan hệ giữa các dân tộc ngày càng được mở rộng, nổi bật là các mối quan hệ trong nội bộ tộc người; giữa các tộc người thiểu số tại chỗ và các tộc người mới đến hoặc với người Kinh (chiếm đa số); giữa tộc người liên biên giới và xuyên quốc gia (với đồng tộc và tộc người khác); giữa các tộc người cùng đất nước thông qua sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Các mối quan hệ trên hiện hữu ở hầu hết lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, địa bàn cư trú, quản lý và sử dụng tài nguyên đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội(8),... Để hướng tới sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, một số vấn đề sau về kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng cần được lưu ý, cụ thể:

Thứ nhất, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thời gian qua nền kinh tế vùng Tây Nguyên không ngừng phát triển, đặc biệt là hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế; thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống đại bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, kinh tế vùng phát triển nhanh, nhưng chưa bền vững, sản xuất nông nghiệp chưa gắn với nhu cầu thị trường; sự phát triển hiện diện chủ yếu ở khu đô thị, ven trục giao thông chính, trong khi vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển; lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trình độ sản xuất còn lạc hậu, chưa thoát ra khỏi tập quán canh tác thụ động, trông chờ, dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên,...

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm tuy có giảm, nhưng tốc độ khá chậm; nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 85% - 90%; bộ phận cận nghèo, tái nghèo còn khá lớn bởi thiếu đất, không có nghề nghiệp và việc làm ổn định, thiếu phương thức làm ăn phù hợp(9). Ở nhiều nơi, người dân chưa được thụ hưởng đầy đủ chính sách bảo hiểm y tế, vay vốn, hỗ trợ sản xuất; tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, sang nhượng đất đai, khai thác lâm sản trái phép diễn ra phổ biến; nạn tảo hôn, trẻ em thất học chưa được xử lý dứt điểm,...

Thứ hai, quá trình di cư tự do dẫn đến dân số vùng Tây Nguyên tăng cao, đông nhất là người Kinh (khoảng 62,3%); tiếp đó, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc (như Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông...) lần lượt xuất hiện, mang theo một số hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng mới; đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ năm 1945 chiếm tỷ lệ rất cao, đến năm 2019 chỉ còn hơn 27%. Đến nay, hoạt động di cư tự do từ nhiều địa phương khác đến vùng Tây Nguyên vẫn còn tiếp diễn, tiềm ẩn yếu tố gây mâu thuẫn, xung đột, hình thành “điểm nóng” kéo dài; hiện nay, hơn 11,2 nghìn hộ dân di cư tự do tự sắp xếp, xen ghép trong các khu, điểm dân cư và còn gần 19 nghìn hộ dân di cư tự do cư trú phân tán ngoài quy hoạch, chưa được bố trí ổn định vào dự án quy hoạch dân cư(10).

Thứ ba, trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực của vùng  thấp hơn bình quân cả nước, cụ thể là trong khoảng 3,5 triệu người lao động, tỷ lệ người lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 6,1%(11), trong khi tỷ lệ người lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 17%(12). Mặt khác, đến nay số lượng cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo, quản lý tại các địa phương vùng Tây Nguyên còn thấp, ví dụ tại tỉnh Gia Lai, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ hơn 50% số dân, nhưng chỉ có 5.830 cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số 34.900 cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (khoảng 16,7%); tỷ lệ đó ở tỉnh Kon Tum là 15,86% (2.985 người trong tổng số 18.814 cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh)(13)

Thứ tư, trong quá khứ, chủ nghĩa đế quốc cũng như các thế lực thù địch thường lợi dụng các vấn đề tôn giáo hòng gây chia rẽ nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại nền hòa bình và cuộc sống ổn định, phát triển của nhân dân. Hiện nay, vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo với tổng số tín đồ đông đảo (khoảng 2,3 triệu người); gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự đang hoạt động. Trong đó, Công giáo là tôn giáo đông nhất trong vùng và Tây Nguyên cũng là nơi tập trung đông nhất tín đồ người dân tộc thiểu số của Công giáo ở Việt Nam, chiếm 81% tín đồ người dân tộc thiểu số trong Giáo hội Công giáo Việt Nam); cùng với đó là Phật giáo, tín đồ đa số là người Kinh (hiện nay, có trên 670 nghìn tín đồ, khoảng 1.900 chức sắc, trên 2.800 chức việc và hơn 570 cơ sở thờ tự), ngoài ra còn có các tôn giáo lớn khác như Tin Lành, Cao Đài(14).

Thứ năm, vùng Tây Nguyên có vị trí địa - chính trị rất quan trọng đối với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển của đất nước nói chung; do đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”. Các tổ chức phản động ráo riết hỗ trợ, chỉ đạo lực lượng Phun-rô định cư ở nước ngoài thành lập cái gọi là nhà nước “Đề-ga tự trị” nhằm kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nơi đây thông qua các dạng thức biến tướng mới mang màu sắc tôn giáo hoặc “từ thiện xã hội”, điển hình như “Hội những người miền núi” (MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP)...

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa các dân tộc gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các đồng bào vùng Tây Nguyên gắn bó mật thiết, “đồng cam, cộng khổ” với nhân dân cả nước như anh em ruột thịt, từ đó hình thành sự cố kết cộng đồng bền vững; kiến tạo sức sống mãnh liệt, trường tồn và trở thành truyền thống hào hùng, tinh thần bất khuất của nhân dân nơi đây. Cách đây hơn 100 năm, Lãnh tụ vĩ đại V. I. Lê-nin đã yêu cầu chính quyền dân chủ cần bảo đảm: “một sự bình đẳng tuyệt đối về mặt quyền lợi cho tất cả các dân tộc trong quốc gia và sự bảo vệ vô điều kiện các quyền lợi của mọi dân tộc ít người”(15). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa các dân tộc nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(16) và nhấn mạnh: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(17). Theo đó, Người cho rằng, tôn trọng và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau là một lẽ tự nhiên và đã trở thành truyền thống lịch sử của các dân tộc trên mảnh đất Việt Nam, bởi “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”(18); do đó, từ nay về sau “các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới. Khi khó nhọc chúng ta cùng gắng sức, lúc thái bình chúng ta cùng hưởng chung”(19). Mới nhất, Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh  đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” xác định lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 là điểm tương đồng để động viên, cổ vũ toàn thể nhân dân, đồng bào các dân tộc cùng đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, cùng “khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(20).

Từ sau khi đất nước được thống nhất, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nguồn lực tự nhiên, con người phục vụ công cuộc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách chưa thực sự hiệu quả; mối quan hệ giữa nhân dân các dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước hay giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với dân tộc đa số, dân tộc mới di cư đến có nơi, có lúc còn chưa tốt. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách và giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của vùng Tây Nguyên, chủ trương khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế gắn với kết hợp đồng bộ các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh,... đến xây dựng hệ thống chính trị để vùng phát triển nhanh, bền vững; tiếp tục triển khai giải pháp phát triển phải phù hợp với đặc thù của vùng về địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội, phù hợp với đặc điểm của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đặc biệt, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đánh giá thời cơ và thách thức để xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hiện nay thông qua các mục tiêu chiến lược, trong đó đề ra chỉ tiêu cụ thể cần đạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045(21). Nghị quyết số 23-NQ/TW chỉ rõ, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước; xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

24 7cogaitaynguyen

Đồng bào thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên_Nguồn: phunuvietnam.vn.

Giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả, toàn diện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước(22) trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự ổn định, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, chú trọng giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa người Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng; đoàn kết giữa người dân các đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với người di cư từ nơi khác đến,… xem đây là truyền thống quý báu, sức mạnh nội sinh không thể thay thế, tạo cơ sở cho các địa phương trong vùng phát triển bền vững.

Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức về mối quan hệ dân tộc/tộc người, ý thức về tinh thần dân tộc/quốc gia; bồi dưỡng tình cảm trong sáng, lành mạnh trong quan hệ giữa đồng bào các dân tộc thiểu số. Chủ động đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng quan hệ giữa các dân tộc trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về vùng Tây Nguyên trên nhiều khía cạnh, như lịch sử, dân tộc, văn hóa, tâm lý, xã hội,...; coi trọng nghiên cứu khoa học lý luận, tổng kết thực tiễn để nắm bắt xu hướng vận động trong quan hệ dân tộc, nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, tập trung xây dựng mối quan hệ giữa các dân tộc trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số. Mặt khác, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số; có sự cân đối, hài hòa, hợp lý về lợi ích giữa các địa phương trong vùng và cận vùng; ứng dụng các hình thức sản xuất, kinh doanh và giải quyết vấn đề đất đai, đất rừng phù hợp với tập quán, văn hóa, truyền thống đồng bào. Tổ chức đời sống tiến bộ, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, từng dân tộc nhằm bảo đảm quyền được thụ hưởng; xây dựng chính sách ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng nâng cao dân trí, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, người có uy tín, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, tôn trọng bản sắc và có chính sách giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc phù hợp thông qua xây dựng đề án khai thác, phát triển giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc; ra sức bảo tồn, phát huy, tiếp thu tinh hoa văn hóa giữa các dân tộc, vừa góp phần kiến thiết một nền văn hóa chung, vừa bảo đảm hài hòa, đoàn kết, thống nhất. Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; bảo đảm quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong hoạt động tố tụng; xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với văn hóa tôn giáo.

Thứ năm, tập trung xây dựng mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo trên cơ sở tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, duy trì và phát triển tôn giáo theo tinh thần: các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Coi trọng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trên từng địa bàn; phát huy tinh thần chủ động của các cấp, các ngành trong việc đấu tranh, xử lý phần tử lợi dụng tôn giáo, dân tộc, các chức sắc, tín đồ âm mưu gây chia rẽ, xung đột, bạo loạn. Chú trọng nâng cao nhận thức đối với tầng lớp tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo,... Bên cạnh đó, đấu tranh phòng, chống, loại bỏ tư tưởng hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc; từng bước giải quyết hiệu quả mầm mống mâu thuẫn, xung đột, ly khai dân tộc, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng Tây Nguyên, tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
Học viện Chính trị khu vực III
PV theo https://www.tapchicongsan.org.vn

------------------

(1) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2021, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 90
(2) Xem: Báo cáo  số 576/BC- HĐDT14, ngày 18-5-2018, của Hội đồng Dân tộc, “Về việc báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách ổn định đời sống sản xuất đối với đồng bào di cư tự phát tới các tỉnh Tây Nguyên”
(3) bao gồm các dân tộc: Ba-na, Cơ-ho, Xơ-đăng, Mơ-nông, Gié-triêng, Mạ, Rơ-măm, Bờ-râu
(4) bao gồm các dân tộcÊ-đê, Gia-rai, Chu-ru, Ra-glai
(5) Xem: Tổng cục Thống kê: Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, Biểu - Table 2, tr. 152 - 161
(6) Xem: Nguyễn Thị Hoài Phương: “Một số lưu ý trong vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay”, Cổng Thông tin điện tử thành phần Tạp chí Dân tộc, ngày 21-6-2013, http://tapchidantoc.ubdt.gov.vn/2013-06-21/e4ae75004011b41c93c0bb3da27dd78c-cema.htm
(7) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: “Một số vấn đề liên quan đến quan hệ dân tộc, xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc và tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên”, Đắk Lắk, 2017
(8) Xem: Nguyễn Văn Minh: “Một số vấn đề về quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay”, Tạp chí Dân tộc học, số tháng 2-2019, tr. 23
(9) Xem: Phạm Thị Hoàng Hà - Nguyễn Thị Thu Huyền: “Chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Cộng sản, số 1.003 (tháng 12-2022), tr.  95
(10) Xem: Triệu Văn Bình: “Tác động của dân di cư tự do đến kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 23-9-2020, https://tuyengiao.vn/tac-dong-cua-dan-di-cu-tu-do-den-kinh-te-xa-hoi-cac-tinh-tay-nguyen-135005
(11) Xem: Trần Thị Minh Trâm - Lê Văn Phục: “Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-3-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/827162/phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc%2C-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-o-cac-tinh-mien-trung-va-tay-nguyen-hien-nay.aspx
(12) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2021, Sđd, tr. 159
(13) Xem: Phạm Thị Hoàng Hà - Nguyễn Thị Thu Huyền: “Chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Thực trạng và giải pháp”, Sđd, tr. 96
(14) Xem: Trần Sơn: “Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 7-10-2023, https://dangcongsan.vn/bao-dam-quyen-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so/tin-tuc/dam-bao-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-tay-nguyen-645610.html
(15) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 23, tr. 266
(16), (17), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249, 250, 249, 155
(20) Nguyễn Phú Trọng: Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 17
(21) Xem: Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(22) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác dân tộc”; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-01-2011, của Chính phủ, “Về công tác dân tộc”; Quyết định số 132/QĐ-TTg, ngày 8-10-2002, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên”,...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây