Rau màu được tận dụng trồng trên đê bao bảo vệ sản xuất lúa ở huyện Vĩnh Thạnh.
Đến ấp Bờ Bao, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chuồng nuôi dê của bà con nông dân nơi đây. Theo nhiều người dân địa phương, phong trào nuôi dê được bắt đầu từ năm 2010, do ông Phan Văn Chiến (xã Thạnh Tiến) là người nuôi đầu tiên. Ban đầu ông chỉ nuôi có 2 con dê sinh sản, khi dê sinh sản ông không bán mà tiếp tục nuôi để phát triển đàn. Hiện nay, những lúc dê sinh sản nhiều trong đàn có khoảng 100 con, còn lúc ít cũng hơn 50 con. Nhờ nuôi dê mà cuộc sống gia đình ông phát triển. Ông Phan Văn Chiến cho biết: "Nuôi dê có nhiều thuận lợi, thức ăn sẵn có, kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản. Nhất là dê ít bị bệnh và nguồn thức ăn nhiều nên giảm được chi phí chăn nuôi".
Theo ông Phan Văn Chiến, nguồn thức ăn của dê chủ yếu là cỏ, rau muống, rau lang và thức ăn viên. Với giá dê thịt hiện nay 110.000 đồng/kg thì sau 5 tháng nuôi, trừ chi phí còn lời trên dưới 2 triệu đồng/con. Còn nếu nuôi dê sinh sản thì lời hơn bởi không phải tốn chi phí mua con giống. Thấy gia đình ông nuôi dê hiệu quả nên dần dà nhiều nông hộ nơi đây bắt đầu làm quen với một hướng đi mới là chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, toàn xã Thạnh Tiến có 16 hộ nuôi dê, với tổng đàn 520 con. Hội Nông dân xã thành lập tổ hợp tác nuôi dê để đưa nông dân vào làm ăn hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi…
Ông Phạm Thành Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Tiến, cho biết: "Nuôi dê là một hướng đi hiệu quả, nhiều hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm, trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và thành phố. Hội nông dân địa phương có kế hoạch xây dựng và phát triển tổ hợp tác nuôi dê thành hợp tác xã nuôi dê, nhằm xây dựng và đưa thương hiệu dê ở địa phương ngày càng phát triển".
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm 427.515 con. Trong đó, đàn heo 32.183 con, bò 490 con, dê 1.466 con, trâu 6 con, gà 105.428 con, vịt 281.185 con... Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định và không có dịch bệnh xảy ra. Công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường, tiêm phòng gia súc, tiêm phòng cúm gia cầm và các bệnh khác trên đàn heo, dê, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được quan tâm thực hiện. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vận chuyển sản phẩm động vật được thực hiện nghiêm túc và kịp thời xử lý những sai phạm…
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất lúa trên địa bàn huyện cũng ổn định. Sản lượng và lợi nhuận trên cây lúa đạt mức cao. Trong đó, tổng diện tích xuống giống 3 vụ lúa trong năm (vụ đông xuân, hè thu, thu đông) là 72.475,65ha, đạt 106,58% kế hoạch (tăng 484,8ha so cùng kỳ năm 2023). Huyện đã thu hoạch dứt điểm 3 vụ lúa, năng suất lúa tươi trung bình 7,28 tấn/ha, sản lượng đạt 360.318,43 tấn, lợi nhuận 56,21 triệu đồng/ha; so cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận sản xuất lúa tăng 4,16 triệu đồng/ha… Sản xuất rau màu cũng đạt được hiệu quả cao. Chỉ riêng trong tháng 10-2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh xuống giống màu chuẩn bị tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được 66,4ha, lũy kế đầu năm đến nay 1.395,3ha (trong đó canh tác trên nền đất lúa 646,4ha, trồng bờ bao là 748,9ha); diện tích thu hoạch từ đầu năm đến nay là 1.158,9ha, đem lại lợi nhuận khá cao cho nông dân. Cây ăn trái đến nay được 470,13ha (trong đó trồng vườn 242,34ha và trồng phân tán 227,79ha). Nhiều sản phẩm cây ăn trái như nhãn, cam, mãng cầu, xoài... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi thủy sản thả nuôi được 463,315ha, với các sản phẩm cá tra, cá lóc, lươn, ếch... Đến nay đã thu hoạch 196,722ha, với sản lượng 37.008,55 tấn…
Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2024, huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch sản xuất của năm. Trong đó quan tâm xuống giống, chăm sóc lúa đông xuân 2024-2025, phát triển rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản, triển khai có hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và tăng cường phòng, chống thiên tai… Đặc biệt, huyện Vĩnh Thạnh tập trung nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị thông qua việc liên kết, phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các địa phương về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng thu hoạch và tình hình xuất khẩu để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản minh bạch, công khai, có lợi cho người nông dân và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh…