Quán triệt tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ sáu - 16/06/2023 04:33 138 0
Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, diệt giặc ngoại xâm, v.v.

Trong Lời kêu gọi, Người chỉ rõ mục đích, lực lượng, cách làm thi đua và trách nhiệm của mỗi người dân: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Mỗi người dân Việt Nam. Bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Người tin tưởng rằng: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và Quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.


Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở.

Ngay khi ra đời, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc đã làm dấy lên làn sóng tinh thần thi đua sôi nổi, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, trở thành động lực to lớn trong suốt tiến trình của cách mạng Việt Nam, đặc biệt ở những giai đoạn khó khăn, thời khắc quan trọng của lịch sử; đã cổ vũ triệu triệu người Việt Nam chung sức, đồng lòng, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên những kỳ tích lịch sử, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các phong trào Thi đua yêu nước sôi nổi diễn ra trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành. Các phong trào như diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, diệt “giặc ngoại xâm”“Sóng Duyên hải”“Gió Đại Phong”“Cờ Ba nhất”“Trống Bắc Lý”“Thanh niên ba sẵn sàng”“Phụ nữ ba đảm đang”“Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,… đã thu hút mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi thi đua, tạo ra sức mạnh của toàn dân tộc đưa các cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, các phong trào Thi đua yêu nước tiếp tục diễn ra sôi nổi, phong phú, đã bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, tiêu biểu là các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”“Dạy tốt, học tốt”“Dân vận khéo”“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”“Đền ơn đáp nghĩa”“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”“Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”“Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, v.v. Đặc biệt, phong trào thi đua: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” đã góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả. Trong Quân đội nhân dân có các phong trào: “Luyện quân lập công”“Giết giặc lập công” (trong kháng chiến chống Pháp); phong trào: “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”“Năm xung phong”, thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước); phong trào “Thi đua Quyết thắng” gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới trong những năm gần đây được đẩy mạnh, thực sự là động lực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Trong Công an nhân dân, phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”“Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”,… được duy trì và thực hiện có hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích trong bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.


Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc (1-6/5/1952). Ảnh: TTXVN.

Cùng với các phong trào trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể,… triển khai sâu rộng nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, lứa tuổi, của cả hệ thống chính trị, tạo nên xung lực mới, khí thế mới trên mọi lĩnh vực, đời sống xã hội.

Qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc; nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng. Qua đó, làm lan tỏa rộng khắp, nhân lên trong toàn xã hội những giá trị cao đẹp về đạo đức, lối sống sự hy sinh, cống hiến của con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu đã, đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, nặng nề hơn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD, phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh các phong trào thi đua, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho mọi người dân.

Để phong trào Thi đua yêu nước thực sự là động lực cách mạng trong tình hình mới, các cấp, ngành cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp; tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng

Các cấp, ngành tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Trọng tâm là: Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Luật Thi đua, khen thưởng, v.v. Quá trình tuyên truyền, giáo dục phải vận dụng phong phú các hình thức, đổi mới nội dung, phương pháp phù hợp với đối tượng, điều kiện, tính chất của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, kiên quyết đấu tranh khắc phục những nhận thức lệch lạc, thiếu trách nhiệm, “bệnh thành tích”; luận điệu xuyên tạc, chống phá công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của đội ngũ cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực sự là động lực thực hiện thắng lợi đường lối, nghị quyết của Đảng.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt 133 điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trong hệ thống Công đoàn, ngày 13/5/2023. Ảnh: Báo Người lao động.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị

Các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chủ đề thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, với các hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề. Đối tượng thi đua cần rộng rãi; bảo đảm hài hoà lợi ích của cá nhân và tập thể. Các phong trào thi đua cần có kế hoạch, nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân. Đồng thời, gắn phong trào Thi đua yêu nước với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động, các phong trào của các ngành, các tổ chức.

Các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của mình để tổ chức phát động phong trào thi đua phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, các vùng miền, tầng lớp nhân dân. Trong lĩnh vực kinh tế, thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế,… khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, thi đua xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những giá trị cốt lõi là “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho nhân dân. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục phát động các phong trào thi đua xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đổi mới các phong trào, hoạt động, phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân và đoàn viên, hội viên, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh.

Ba là, thực hiện tốt việc xây dựng, nhân rộng mô hình, cách làm hay, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn” (1). Các ban, bộ, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong từng năm và cả giai đoạn, được thực hiện từ cơ sở và phải thực hiện tốt, đồng bộ cả 4 khâu: phát hiện – bồi dưỡng – tổng kết – nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời, quán triệt thực hiện tốt Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (2). Trong đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: việc phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp,… nhằm tạo sức lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực, động viên khuyến khích, cổ vũ các tập thể, cá nhân học tập điển hình tiên tiến, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cơ quan truyền thông từ Trung ương tới cơ sở phải xác định việc tuyên truyền, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, các phong trào Thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền. Chủ động, tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp để tuyên truyền; mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng để giới thiệu, tuyên truyền, cổ vũ phong trào Thi đua yêu nước, các điển hình mới, nhân tố mới. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức tuyên truyền, như: tổ chức đại hội, hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến; giao lưu, tọa đàm, thi viết, sơ kết, tổng kết; sử dụng và kết hợp hài hòa các hình thức báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua các kênh, mạng xã hội, nền tảng số,… để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thực hiện tốt mục tiêu “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác”.


Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 (năm 2022 – 2023). Ảnh: tuyengiao.vn

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm thực chất, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục, nêu gương

Công tác khen thưởng cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định quản lý nhà nước về khen thưởng; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng; chú trọng rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Quán triệt, thực hiện tốt các nguyên tắc: chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được. Chú trọng khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quan tâm giải quyết tốt khen thưởng tồn đọng trong các cuộc kháng chiến, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kiên quyết khắc phục hiện tượng tiêu cực, hình thức trong khen thưởng.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải căn cứ vào chỉ thị, kế hoạch thi đua của trên và đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của ban, bộ, ngành, địa phương để định ra chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo phong trào thi đua phù hợp. Coi trọng lãnh đạo giáo dục động cơ, quyết tâm thi đua; xây dựng, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, tạo sự nhất trí cao về nhận thức, tư tưởng, thống nhất hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng trong thực hiện. Đội ngũ cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cấp phải xác định đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước là nhiệm vụ, chức trách của mình; phải có nhận thức đúng vai trò quan trọng của thi đua, từ đó phát huy năng lực, đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Bản thân phải gương mẫu, thực sự là đầu tàu để cổ vũ, động viên, dẫn dắt quần chúng tham gia phong trào thi đua.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua; bố trí, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức, kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua. Đồng thời, tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy ổn định, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thống nhất từ Trung ương đến địa phương là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng công tác tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, nhằm đánh giá đúng hiệu quả của phong trào, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Thi đua yêu nước.

Trải qua 75 năm, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng Thi đua ái quốc của Người vẫn là ngọn cờ dẫn dắt phong trào Thi đua yêu nước lên tầm cao mới, tạo động lực to lớn, góp phần quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(K.D Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 665.

2 - Quyết định số 1562/QĐ-TTg, ngày 09/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định Phê duyệt Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây