Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô Hà Nội, mùng 1 Tết Quý Mão (1963). Ảnh tư liệu.
Công an nhân dân Việt Nam ra đời, đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng các công cụ bạo lực cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô viêt công nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô viết. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3/1935) đã thông qua Nghị quyết về Đội tự vệ. Khi Cuộc vận động Mặt trận Dân chủ phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Trung ương Đảng chỉ thị: Mỗi âp phải tổ chức ra Đội tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và để đối phó với các lực lượng phản động. Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập "Ban công tác đội" làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cán bộ khi bị địch bắt. "Ban công tác đội" được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huân luyện về kỹ chiến thuật chiến đấu. Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập "Đội danh dự trừ gian"do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.
Ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập Khu giải phóng (Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái); đồng thời, công bố Mười chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức "Đội trinh sát", "Đội hộ lương diệt ác" lần lượt ra đời cùng với "Đội tự vệ đỏ", "Ban công tác đội" và "Đội danh dự trừ gian" làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện Mười chính sách lớn của Việt Minh. Đây là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội; đồng thời với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân được thành lập: Bắc Bộ lập Sở Liêm phóng, Trung bộ lập Sở Trinh sát, Nam bộ lập Quốc gia Tự vệ Cuộc. Các tổ chức đều có chung nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ngày 02/9/1945, lực lượng Liêm phóng đã tổ chức hộ tống, dẫn đường cho đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách, vận mệnh dân tộc như "Ngàn cân treo sợi tóc". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã đẩy mạnh các phong trào "Ba không", "Ngũ gia liên bảo", phối hợp với các lực lượng vũ trang đấu tranh chống hoạt động do thám, gián điệp và bọn phản động tay sai; bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, bảo vệ hậu phương và khu căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, ngày 12/7/1946, Nha Công an Trung ương đã khám phá vụ án phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội; phối hợp với các lực lượng vũ trang và Nhân dân đồng loạt tấn công, bóc gỡ 40 trụ sở Quốc dân Đảng, bắt trên 100 tên phàn động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động. Đây là thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống phản động của lực lượng Công an nhân dân, không chỉ đập tan âm mưu câu kết với đế quốc cướp chính quyền ở Hà Nội bằng một cuộc đảo chính của các phần tử phản động, mà còn góp phần làm rõ bộ mặt phản quốc của tay sai, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chính phủ, sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.
Công an nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (12/1946 - 5/1954)
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã cùng với quân và dân cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng Công an xung phong Hà Nội và Công an các địa phương đã tham gia tiến công, tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể, bảo vệ vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản quốc dân và tản cư Nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự.
Trong vùng địch tạm chiếm, Công an nhân dân đã xây dựng cơ sở nắm tình hình, tham gia diệt ác, phá tề, trừ gian, trấn áp bọn mật thám, phản động nguy hiểm, tổ chức nhiều trận đánh ngay trong lòng địch. Tổ Điệp báo A13 của Ty Điệp báo, Nha Công an Trung ương đã đưa người vào hàng ngũ địch, nắm được nhiều tin tức có ý nghĩa chiến lược phục vụ công tác đánh địch. Ngày 27/9/1950, tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, Tổ Điệp báo A13 đã sử dụng một khối lượng lớn thuốc nổ đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin (Thông báo hạm lớn nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ) diệt hơn 200 sỹ quan, thuỷ thủ và binh lính Pháp. Chiến công vang dội đó đánh dấu bước trưởng thành của Công an nhân dân và sự thất bại của các cơ quan tình báo, phản gián Pháp, đập tan âm mưu đánh chiếm vùng tự do Khu IV.
Trong vùng tự do và hậu phương căn cứ cách mạng, thực hiện chủ trương biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch lập tề của địch, lực lượng Công an nhân dân dựa vào Nhân dân, đẩy mạnh các phong trào "Ba không", "Phòng gian bảo mật" góp phần đấu tranh chống hoạt động do thám, gián điệp và bọn phản động tay sai; phối hợp với các lực lượng vũ trang bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, bảo vệ hậu phương và khu căn cứ kháng chiến.
Trên khắp các chiến trường, nhất là trong các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, lực lượng Công an nhân dân đã thành lập "Ban Công an tiền phương" bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ kho tàng, lực lượng vũ trang. Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, lực lượng Công an nhân dân luôn chủ động nắm tình hình, bảo vệ các lực lượng ở tiền tuyến, trung tuyến, bảo vệ bí mật các kế hoạch quân sự, vận chuyển; tổ chức phá tề, trừ gian, bắt gọn hầu hết toán gián điệp, biệt kích. Đặc biệt, lực lượng Công an nhân dân đã phát hiện và lập chuyên án (bí số T25) đấu tranh thắng lợi với toán gián điệp Pháp ở Thái Nguyên nhằm bảo đảm an toàn kế hoạch chiến dịch Điện Biên Phủ. Những thắng lợi trên trận tuyến đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân đã góp phần quan trọng vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Cùng với quá trình chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, phát triển lớn mạnh không ngừng. Ngày 19/01/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 14-NV vê tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Công an làm nhiệm vụ phụ trách công việc trị an. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23-SL "Hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ". Ngày 18/4/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Nghị định số 121-NV/NĐ quy định tổ chức, nhiệm vụ của Việt Nam Công an vụ. Việc hợp nhât các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Quốc gia Tự vệ Cuộc và xây dựng tổ chức bộ máy là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy Công an trong cả nước, là cơ sở quan trọng để lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự, trị an. Tại kỳ họp từ ngày 27 đến ngày 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam.
Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân; đấu tranh bài trừ lưu manh, trộm cướp, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của Nhân dân.
Công an nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (5/1954 - 4/1975)
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 8/4/2025.
Cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.
Ở miền Bắc, sau ngày hòa bình lập lại, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết tuyển chọn, huấn luyện, sử dụng bọn tình báo, gián điệp cài cắm vào những địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự và vùng mới giải phóng; chúng tung hàng trăm toán gián điệp, biệt kích móc nối với tàn quân phỉ và bọn phản động trong nước hòng gây chia rẽ, bạo loạn, lật đổ chính quyên cách mạng; sử dụng bọn tình báo, gián điệp, đặc vụ tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, lực lượng Công an nhân dân đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động, tiến hành đấu tranh dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gây bạo loạn của bọn phản cách mạng. Từ tháng 11 đến tháng 12/1959, lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt, bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại. Từ năm 1961 đên năm 1970, lực lượng Công an nhân dân đã đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại của Pháp, bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ và bè lũ tay sai tung ra phá hoại miền Bắc, triệt phá 78 toán gián điệp, biệt kích, thu nhieu tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình vãn hoá - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Tổ chức cho Nhân dân đi sơ tán khỏi vùng có chiến sự ác liệt. Đấu tranh trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm. Kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng Công an nhân dân đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các kế hoạch, địa điểm chuyển quân, chuyển hàng, kho tàng, bến bãi và các cuộc hành quân của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc đã tuyển chọn, huấn luyện, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an cùng hàng trăm tấn vũ khí, tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc chi viện cho An ninh miền Nam; sát cánh cùng với lực lượng An ninh miền Nam tiến hành công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và khu căn cứ cách mạng, tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt của chúng, trấn áp bọn phản động, trừng trị bọn ác ôn; phá tan nhiều kế hoạch tình báo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tiêu biểu như: Năm 1973, lực lượng Công an đập tan kế hoạch “Hải Yến 1”, “Hải Yến 2” của CIA và Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy, bắt toàn bộ các toán gián điệp chuẩn bị tung ra miền Bắc; bắt và vô hiệu hóa toàn bộ bọn gián điệp cài lại ở miền Nam theo con đường trao trả tù binh. Lực lượng Công an nhân dân đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, bờ biển, biên giới, hải đảo, góp phần đánh thắng các kế hoạch xâm nhập, gián điệp, biệt kích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lực lượng An ninh miền Nam đã phát động sâu rộng phong trào “Bảo mật phòng gian”; phối hợp với các lực lượng vũ trang trên khắp các chiến trường, đồng loạt mở nhiều chiến dịch, bẻ gãy các cuộc tấn công, lấn chiếm, đưa kẻ địch vào tình thế bị động, bất ngờ, hoang mang, rối loạn và tan rã; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não, chỉ huy chiến dịch, bảo vệ các cuộc hành quân, vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực ra chiến trường; bảo vệ bí mật các kế hoạch và các mũi tấn công chiến lược. Lực lượng điệp báo, tình báo Công an nhân dân đã tiến sâu vào hang ổ của địch, thu thập, cung cấp nhiều tin tức tình báo có giá trị chiến lược, chiến thuật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ này được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, củng cố, phát triến. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có nhiều nghị quyết quan trọng chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trở thành công cụ chuyên chính sắc bén, tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, là lực lượng chiến đấu vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo nghiệp vụ, có trình độ khoa học - kỹ thuật, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Ở miền Nam, nãm 1961 - 1962, Thường vụ Trung ương Cục quyết định thành lập Ban bảo vệ An ninh Trung ương Cục; Ban bảo vệ An ninh Khu và các trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, với biên chế hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh Quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân.
Những thành tích, chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi tiếp vào truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân những trang sử vàng oanh liệt; hàng trăm tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Công an nhân dân Việt Nam trong những năm đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (5/1975 -12/1986)
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chổng Mỹ, cứu nước đã đưa cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới - cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất, cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.
Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Tại phiên họp thứ nhất (từ ngày 03 đến ngày 06/6/1975), Quốc hội khóa V đã Quyết nghị hợp nhất Bộ Công an và Bộ Nội vụ, lấy tên là Bộ Nội vụ. Ngày 12/6/1981, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 250/CP, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch. Đến tháng 7/1975, lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức cho 1.036.181 đối tượng đăng ký trình diện, tập trung giáo dục dài hạn, ngắn hạn; đấu tranh làm tan rã các tổ chức FULRO, bắt hàng nghìn tên, bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm của địch, thu 2.712 súng các loại; chủ động đấu tranh bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp, tình báo của đế quốc Mỹ và tay sai cài lại theo kế hoạch hậu chiến; bắt gọn hàng trăm toán gián điệp, biệt kích của các thế lực thù địch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; đập tan âm mưu và hoạt động của bọn phản động lưu vong xâm nhập móc nối với bọn phản động trong nước âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Trong hai năm 1976 - 1977, lực lượng Công an nhân dân đã đấu tranh, khám phá tổ chức phản động “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam”, bắt 1.395 tên, trong đó có nhiều thủ lĩnh tự phong, gồm “Quốc trưởng”, “Thủ tướng”, 57 tên chỉ huy cấp quân khu, sư đoàn, 519 tên chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn, thu giữ 147 tấn vũ khí, 16 bộ điện đài, 2 tàu xâm nhập và khám phá 7 tổ chức phản động trong nước. Đặc biệt, trong bốn năm 1981 - 1984, lực lượng Công an nhân dân đã đấu tranh với tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, bắt 146 tên, thu 143 tấn vũ khí, thu 300 triệu đồng tiền Việt Nam in giả, 16 điện đài, 2 tàu xâm nhập.
Công an nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước (từ năm 1986 đến nay)
Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng nước ta; trên tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, tiếp tục phát triển đi lên.
Chủ tịch nước Lương Cường trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Bộ Công an, ngày 7/7/2025.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong thời kỳ này, lực lượng Công an nhân dân đã đổi mới mạnh mẽ về tư duy, biện pháp công tác nghiệp vụ và xây dựng lực lượng; chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược về bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; góp phần hình thành, phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới, bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia, mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực hiện tốt vai trò đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Quán triệt quan điểm chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa, lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, lực lượng An ninh nhân dân chủ động lam tốt công tác nắm tình hình từ cơ sở, từ sớm, từ xa, từ ngoài lãnh thổ quốc gia; triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu và hoạt động của các loại tình báo, gián điệp, các tổ chức phản động ở trong và ngoài nước và số đối tượng cơ hội chính trị; vô hiệu hóa các kế hoạch đưa người, phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước hoạt động khủng bố, bạo loạn, phá hoại, phát triển lực lượng, tạo dựng "ngọn cờ", công khai các tổ chức chính trị đối lập; lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để hoạt động chổng phá Đảng, Nhà nước,... Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nghiệp vụ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội trọng đại của đất nước. Chủ động phòng ngừa và liên tục mở nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức. Điều tra, khám phá hàng vạn vụ án ma túy lớn, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước thiết lập lại trật tự an toàn giao thông; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn. Tổ chức đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đánh đúng, đánh trúng nhiều tổ chức và cá nhân phạm tội tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo sức cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm trên không gian mạng. Tiên phong triển khai thực hiện song hành Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Lực lượng Công an nhân dân đã chủ động phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tố quốc; kết hợp an ninh, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại; chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác, thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, đối sách, vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, giữ vững ổn định chính trị, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành tố chức chính trị đối lập trong nội địa; xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để lan rộng, kéo dài; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; kiềm chế gia tăng tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, duy trì các hoạt động bình thường của xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tố quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh vì nền độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sông bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Ghi nhận những thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng lực lượng Công an nhân dân Huân chương Sao Vàng (năm 2000, năm 2015); Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2020); hàng nghìn tập thể, cá nhân được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.