Kết quả nổi bật trong thời gian qua
Kế thừa truyền thống, kinh nghiệm coi “sức dân như sức nước”, “dân là gốc”(1) trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, với tư tưởng, quan điểm sâu sắc, toàn diện, như “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”(2), “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”(3), “sức mạnh của Đảng là sự gắn bó máu thịt với nhân dân”(4),...
Trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng và Nhà nước ta xác định: Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Đồng thời, khẳng định: Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, Bộ đội Biên phòng đã quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, có nhiều chủ trương, giải pháp chủ động, tích cực, sáng tạo trong triển khai phong trào, chương trình, mô hình giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; trực tiếp góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới với các kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tổ chức chương trình phối hợp, huy động sức mạnh cả nước cùng hướng về biên giới, hải đảo.
Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cả nước vào sự nghiệp bảo vệ biên giới, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương triển khai nhiều hoạt động hướng về biên giới, hải đảo, tiêu biểu, như Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, đến nay đã trao tặng hơn 7.900 căn nhà, hơn 450 công trình dân sinh, với tổng giá trị trên 362 tỷ đồng; phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội và các cơ quan Trung ương tổ chức Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, qua đó trao tặng gần 30.000 con bò giống cho người nghèo biên giới, với tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, huy động nguồn lực xã hội hơn 291 tỷ đồng hỗ trợ hơn 6,5 triệu con giống gia súc, gia cầm, 4,9 tỷ đồng vốn vay, 850 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, 872 căn nhà mái ấm tình thương, trao tặng trên 5.000 suất quà cho hội viên phụ nữ, 7.000 suất học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số tại 210 xã biên giới. Bên cạnh đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các Đề án “Bảo tồn bền vững và phát triển dân tộc La Hủ” ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; “Bảo tồn bền vững và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai” ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; “Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt” ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Các chương trình phối hợp đã huy động sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và xã hội hướng về biên giới, hải đảo; động viên, chia sẻ khó khăn với quân và dân nơi biên giới, cùng các địa phương từng bước ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, tạo “thế trận lòng dân” bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thứ hai, triển khai trong toàn lực lượng các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá cụ thể tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Trên cơ sở đó, tham mưu, tham gia, phối hợp với địa phương đề ra chủ trương, giải pháp và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu vực biên giới. Tích cực, chủ động trong tham gia, phối hợp thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội; chủ trì triển khai Dự án “Các bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Qua đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã giúp 105 xã ở khu vực biên giới từ yếu, kém lên trung bình, 198 xã từ trung bình lên khá về phát triển kinh tế - xã hội; trực tiếp nhận đỡ đầu, giúp đỡ 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 120 xã đang hoàn thiện các tiêu chí và hơn 9.500 hộ dân giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đồng thời, Bộ đội Biên phòng trực tiếp triển khai 22 phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tiêu biểu như:
Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng Dân bản”: Đã trao tặng 11,84 tỷ đồng, 133 công trình dân sinh, 583 căn nhà “Mái ấm biên cương”, 375 con bò giống, 162 tấn gạo, 160.999 chiếc bánh chưng, 213.633 suất quà Tết cho nhân dân, 13.164 suất học bổng cho học sinh; tổ chức 30 đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”: Từ năm 2016 đến nay, hằng năm duy trì nhận đỡ đầu, giúp đỡ gần 3.000 học sinh (trong đó, có gần 200 học sinh của các nước bạn Lào và Cam-pu-chia) với mức 500 nghìn đồng/tháng/học sinh; nhận nuôi gần 400 học sinh tại các đồn Biên phòng, tổng trị giá Chương trình khoảng 153 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chương trình, hằng năm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm mạnh, kết quả học tập của học sinh năm sau cao hơn năm trước; hơn 800 người tốt nghiệp trung học phổ thông, 383 người đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; gần 200 người đạt giải kỳ thi các cấp.
Chương trình “Thầy giáo quân hàm xanh”: Tính riêng từ năm 2010 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp mở 584 lớp học xóa mù chữ cho hơn 11.713 lượt người ở mọi lứa tuổi, thành phần; phối hợp với ngành giáo dục địa phương mở 349 lớp phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học tình thương cho hơn 8.043 trẻ em nghèo. Vận động hơn 114.583 trẻ em đến trường; phối hợp sửa chữa hàng nghìn phòng học; vận động trao tặng hàng chục nghìn suất học bổng, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường... trị giá hàng tỷ đồng.
Chương trình “Thầy thuốc quân hàm xanh”: Các đơn vị Bộ đội Biên phòng thường xuyên duy trì 150 trạm quân dân y kết hợp với hơn 400 y sĩ, bác sĩ vừa chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, vừa kết hợp khám, chữa bệnh cho nhân dân, cấp phát thuốc miễn phí trị giá hàng chục tỷ đồng cho nhân dân ở khu vực biên giới nước ta và cả nước bạn Lào, Cam-pu-chia...
Mô hình “Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”: Các đồn Biên phòng duy trì phân công hơn 10 nghìn lượt đảng viên phụ trách hơn 40 nghìn hộ gia đình để nắm tình hình, giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, đảng viên đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ hơn 4.500 hộ gia đình thoát nghèo; xây dựng hơn 12 nghìn gia đình văn hóa.
Qua triển khai các phong trào, chương trình, mô hình của Bộ đội Biên phòng đã góp phần từng bước giải quyết vấn đề khó khăn, cấp thiết trong nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là vấn đề kinh tế, giáo dục, y tế. Đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với nhân dân ở khu vực biên giới, củng cố tiềm lực về kinh tế, chính trị tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân bảo vệ biên giới.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa tham mưu, tham gia, phối hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội và cấp ủy, chính quyền các cấp; xây dựng “biên giới lòng dân” vững mạnh.
Trước thực trạng hệ thống chính trị ở cơ sở tại nhiều địa bàn khu vực biên giới còn khó khăn, Bộ đội Biên phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện từng bước củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền cấp xã biên giới. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã ký Quy chế phối hợp với 44 tỉnh ủy, thành ủy biên giới, chỉ đạo Đảng ủy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ký Quy chế phối hợp với cấp ủy cấp huyện biên giới, các đồn biên phòng quy chế phối hợp với cấp ủy cấp xã biên giới. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mô hình hiệu quả, như giới thiệu gần 700 lượt cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới nhiệm kỳ 2020 - 2025; thường xuyên tăng cường hơn 300 cán bộ cho các xã biên giới (từ năm 1999 đến nay), giới thiệu, duy trì gần 3.000 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản biên giới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đồn biên phòng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, cùng với cấp ủy các xã, phường, thị trấn biên giới đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Chỉ tính từ năm 2010 đến này, đã phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Đảng cho 31.168 quần chúng ưu tú (trong đó, có 9.189 đảng viên người dân tộc thiểu số), xóa tình trạng “trắng đảng viên và tổ chức đảng” ở 721 thôn, bản.
Qua đó, giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, là cầu nối quan trọng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và tổ chức thực hiện thắng lợi ở cơ sở. Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiềm lực chính trị, nêu cao tinh thần trong bảo vệ biên giới quốc gia.
Thứ tư, gắn việc thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội với các phong trào bảo vệ biên giới và các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ biên giới.
Nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh to lớn của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát động phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, xác định đây là một chủ trương vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong quản lý, bảo vệ biên giới. Ngày 9-1-2015, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg, “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Để tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi trong tham gia bảo vệ biên giới. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo và ở địa phương trong việc tập hợp, huy động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới. Tổ chức phát động và hướng dẫn quần chúng tích cực tham gia các phong trào, như “đoạn đường biên thanh niên tự quản”, “người phụ nữ vì biên cương Tổ quốc”, “họ đạo mẫu mực”; “Lũy tre biên thùy”, “Tiếng kẻng vùng biên”, “Tổ tự quản trật tự, an ninh thôn, bản”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “tuổi già gương sáng”,...
Qua đó, ý thức về quốc gia, quốc giới của công dân mà trực tiếp, thường xuyên là cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt; các gia đình, dòng họ, thôn, xóm, bản biên giới tích cực tham gia tổ chức ký cam kết chấp hành quy chế biên giới, quy định về an ninh, trật tự. Hiện nay, đã huy động được gần 46.000 hộ gia đình và 115.000 quần chúng nhân dân đăng ký tham gia tự quản hơn 90% hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới; thành lập hơn 3.000 tổ tàu thuyền an toàn, đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; 400 tổ bến bãi an toàn và 100% thôn, bản biên giới thành lập hàng vạn tổ tự quản an ninh, trật tự. Nhân dân đã cung cấp hàng nghìn tin có giá trị phục vụ nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với hành vi vi phạm quy chế biên giới, các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép... Từ đó, góp phần tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, tạo “vành đai nhân dân” tham gia bảo vệ biên giới, xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới.
Đồng thời, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân, của tuyến sau hướng về tuyến trước phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức thực hiện “Ngày Biên phòng”. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các địa phương tổ chức hiệu quả các hoạt động của Ngày hội Biên phòng toàn dân ở cơ sở, với nội dung bao gồm 2 phần (lễ và hội). Trong đó, phần lễ tập trung đánh giá kết quả và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phần hội, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống sôi nổi, gắn với phong tục, tập quán từng dân tộc, từng địa phương; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; tổ chức gian hàng “0” đồng…, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, trở thành ngày hội của không chỉ đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, mà còn là ngày hội của nhân dân cả nước; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và chiến sĩ lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân. Tham mưu địa phương tổ chức tốt Phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Như vậy, các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội đã thực sự mang lại kết quả, hiệu quả, là sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc nơi biên giới; chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh; xây dựng khu vực biên giới ngày càng ổn định, phát triển.
Một số giải pháp đột phá xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong những năm tới, tình hình trên các tuyến biên giới, biển, đảo dự báo vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo, về biên giới, biển, đảo để chống phá cách mạng nước ta; các vấn đề an ninh phi truyền thống tiềm ẩn nhiều thách thức, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh... Để tiếp tăng cường củng cố “thế trận lòng dân” vững mạnh ở khu vực biên giới, góp phần đưa đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ đội Biên phòng xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biên phòng. Trọng tâm là quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Luật Biên phòng Việt Nam, Đề án “Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới”, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.
Hai là, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các lực lượng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhằm giúp quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới để mỗi người dân nơi biên giới đều nêu cao trách nhiệm “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”.
Ba là, tích cực, chủ động tham mưu, tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, giới thiệu đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Duy trì, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cấp ủy Bộ đội Biên phòng với cấp ủy địa phương biên giới các cấp; nhất là thực hiện Kết luận số 68-KL/TW, của Ban Bí thư, “Về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, hải đảo nhiệm kỳ 2025 - 2030”.
Bốn là, tích cực tham mưu, tham gia xây dựng, triển khai các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tổ chức hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; duy trì, nhân rộng các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới đã được khẳng định, với phương châm “thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ đội Biên phòng.
Năm là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể địa phương quán triệt, thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới gắn với tổ chức các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” phong phú, thiết thực, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong nhân dân,… phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân trong quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngay từ cơ sở. Trọng tâm là tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg.
Tổ chức hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần tích cực cùng với các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ đội Biên phòng; huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền biên phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển ./...
NGUYỄN ANH TUẤN
Trung tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng
(Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/)
----------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 69
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, t. 12, tr. 672
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453
(4) Phạm Văn Thọ - Vũ Hùng: Mối quan hệ giữa Đảng và dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 6