Đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố trả lời chất vấn.
* “Xương sống” kinh tế - xã hội không suy thoái
Đại biểu Nguyễn Văn Dũng chất vấn, hằng năm và giai đoạn 5 năm thành phố đều đề ra Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), hoạch định đường hướng phát triển KT-XH. Đại biểu Dũng ví von rằng, kế hoạch là “xương sống” và giải pháp là “mạch máu” của việc phát triển KT-XH thành phố. Đề nghị cho biết, nhiều năm qua “xương sống” có bị thoái hóa, “mạch máu” có bị tắc nghẽn không mà KT-XH phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng vị trí vùng ĐBSCL?.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định việc phát triển KT-XH của thành phố chưa thấy “thoái hóa”. Theo ông Tâm, trong 5 năm qua, về khách quan là có nhiều việc không lường trước như chiến tranh ở một số nước trên thế giới, đại dịch COVID-19 bùng phát, có thời điểm khan hiếm năng lượng… đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển KT-XH của thành phố. Về chủ quan là triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH chưa sát thực tiễn, chưa kịp thời phát hiện, điều chỉnh kịp thời, hiệu quả; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn có vai trò dẫn dắt, khai thác đúng mức tiềm năng thế mạnh của thành phố. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch chưa có khả năng dự báo tốt tình hình, chưa đưa ra kế hoạch ứng phó những cái bất ngờ.
Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp tham mưu UBND thành phố các giải pháp đồng bộ phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung hoàn thành cao nhất kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; tích cực, chủ động trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hút được các nhà đầu tư; tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; nâng cao năng lực dự báo để trong quá trình lập kế hoạch cũng như tham mưu các giải pháp về phát triển KT-XH.
Đại biểu Đoàn Trung Kiên chất vấn.
* Làm gì để con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”?
Đây là chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Dũng đối với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Minh Tuấn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn đã nêu lại các tiêu chí về xây dựng người Cần Thơ: “Trí tuệ” là người có nhận thức sâu sắc, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên, xã hội có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và đời sống; “Năng động” là người có tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có khả năng phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; “Nhân ái” là người biết yêu thương, tôn trọng con người, có lòng vị tha, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn, biết bảo vệ chân lý; “Hào hiệp” là người có tinh thần dũng cảm vì việc nghĩa, hết lòng vì người khác, không toan tính thiệt hơn; “Thanh lịch” là người có cuộc sống trong sáng, lịch thiệp, ứng xử thân thiện, văn minh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, với quy ước của cộng đồng.
Ông Tuấn cho biết, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp xây dựng các bộ tiêu chí giới thiệu người Cần Thơ như nêu trên với người dân và cơ quan, đơn vị; xây dựng bộ tiêu chí về hành vi ứng xử văn hóa nơi công cộng và bộ tiêu chí hành vi, ứng xử trong gia đình. Những bộ tiêu chí này được xây dựng theo hình thức tờ rơi, ấn phẩm, chuyên trang trên truyền hình, trên báo để tuyên truyền, đồng thời tăng cường bản tin đời sống văn hóa và các chuyên mục trên bản tin để tuyên truyền, giới thiệu đến người dân…
* “Mổ xẻ”, làm rõ 12 công trình, dự án gây lãng phí
Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND đã đề nghị trả lời, làm rõ tình trạng 12 công trình, dự án gây lãng phí và những giải pháp chống lãng phí.
Về đường đi bộ quanh kè hồ Búng Xáng không đi được từ khi xây dựng cho đến nay, đại diện nhà đầu tư là Ban ODA thành phố cho biết, hiện nay Ban đang duy tu, bảo dưỡng, bàn giao cho quận Ninh Kiều quản lý và khai thác. Về Kè sông Cần Thơ xây dựng chưa “liền mí”, hệ thống giao thông không đồng bộ, đại diện nhà đầu tư, Ban ODA thành phố trả lời cho rằng, do việc giải quyết tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu và do giải phóng mặt bằng đối với một vài doanh nghiệp và hộ dân khó khăn. Về dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ do Sở Y tế làm chủ đầu tư xây dựng trên 8 năm nay chưa xong đã dừng lại, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế, cho biết trước đây, Bệnh viện Ung bướu xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Hungary. Do hợp đồng xây dựng cũng như Hiệp định vay vốn hết hiệu lực nên việc xây dựng đã ngừng lại từ năm 2022. UBND thành phố đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn của Việt Nam. Hiện nay, UBND TP Cần Thơ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2027 sẽ xong; điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án từ ODA sang nguồn vốn trong nước; điều chỉnh các danh mục liên quan tới trang thiết bị y tế và vật liệu xây dựng… Về công trình tòa nhà cơ quan LĐLĐ TP Cần Thơ (số 71 Hùng Vương) xây dựng xong nhưng hơn 13 năm không được sử dụng do vừa xây dựng xong thì xuống cấp nghiêm trọng, đại diện lãnh đạo LĐLĐ thành phố cho biết đã xin và được Tổng LĐLĐ cho chủ trương đầu tư xây dựng lại trụ sở này.
Các vấn đề khác như 3 khu đất bãi công trường số 4, 5, 6; Khu chuyên gia cầu Cần Thơ (phường Cái Khế); trụ sở tòa án cũ trước chợ cổ Cần Thơ; Khu đất công viên nước; Khu Cồn Ấu; Khu tái định cư Thới Nhựt; Kè sông Cái Sơn… đại biểu HĐND chất vấn về sự lãng phí đều được thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố và các nhà đầu tư trả lời rõ ràng, nêu giải pháp giải quyết thời gian tới.