Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới

Thứ tư - 13/11/2024 07:32 40 0
Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, từ đó khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ phụ nữ ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. (Ảnh: TTXVN)

PHỤ NỮ VIỆT NAM KHÔNG NGỪNG NỖ LỰC, ĐÓNG GÓP TOÀN DIỆN VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Chiếm hơn 50% dân số và 46,8% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt và chủ động tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, ở mọi vùng, miền của Tổ quốc. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác; đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ đã tăng từ 18% (giai đoạn 1986 - 1991) lên 30,26% (giai đoạn 2021 - 2025), vượt chỉ tiêu đặt ra và cao hơn mức trung bình của thế giới. Ở cấp địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 29%, cấp huyện là 29,2% và cấp xã là 28,98%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại ủy ban nhân dân các cấp cũng tăng: từ 32,14% lên 37,7% ở cấp tỉnh và từ 21,95% lên 24,94% ở cấp xã so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ đạt 46,67% vào năm 2023. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 96 trong 146 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.

Phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, tham gia các cuộc tham vấn chính sách, hăng hái tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Sự tham gia này không chỉ nâng cao vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị, mà còn góp phần xây dựng, hoàn thiện pháp luật và chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ cũng chủ động đề xuất và thực hiện nhiều chính sách quan trọng, như xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc y tế và giáo dục ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời, thúc đẩy chương trình khởi nghiệp và sáng tạo, khẳng định vai trò quan trọng trong việc hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới, khi chiếm hơn 46,7% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Trong nhiều ngành, như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tỷ lệ này còn cao hơn.

Trong gần 40 năm qua, lao động nữ có mặt ở nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ và đang mở rộng sang các lĩnh vực mới, như công nghệ thông tin và tài chính. Họ tham gia tích cực vào nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Trong đó, điển hình là đóng góp quan trọng của phụ nữ vào phong trào “Quốc gia khởi nghiệp” và phát triển bền vững với tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp lên tới 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ này là tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, như Thụy Điển (20%), Indonesia (21%), Pháp (24%),...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay phụ nữ đang sở hữu và điều hành khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2020, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã tăng gần gấp đôi, từ 21% lên 40%. Tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí quản lý, lãnh đạo tại doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, nhất là những năm gần đây. Năm 2010, tỷ lệ này chỉ chiếm 20%, đến năm 2023 đã tăng lên 28%. Việt Nam đạt được tỷ lệ khá cao so với nhiều quốc gia khác về nữ giới giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp, hiện nay là 33%. Trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, phụ nữ chiếm 15% vị trí lãnh đạo, một con số khá ấn tượng so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 9%. Điều này không chỉ khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh doanh, mà còn cho thấy tiềm năng lớn của họ trong việc thúc đẩy kinh tế quốc gia. Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 6 toàn cầu về tỷ lệ nữ doanh nhân và là đại diện châu Á duy nhất trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo cao nhất. Nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh doanh toàn cầu.

Các mô hình kinh doanh do phụ nữ lãnh đạo đã tạo việc làm cho hàng triệu người, đóng góp đáng kể vào GDP và quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2023, nhiều hoạt động thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp do Hội khởi xướng đã giúp hơn 200.000 phụ nữ có cơ hội kinh doanh, cải thiện thu nhập và điều kiện sống của gia đình, thành lập gần 12.000 mô hình kinh tế tập thể và gần 800 hợp tác xã, huy động gần 164 nghìn tỷ đồng cho 73 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh.

Phụ nữ là lực lượng chính trong các ngành xuất khẩu chủ lực, như dệt may, thủy sản. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, ngành dệt may với phụ nữ chiếm hơn 75% lao động đã mang về hơn 40 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Trong ngành công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, điện tử, phụ nữ không ngừng nâng cao kỹ năng, thích ứng với công nghệ mới, góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao và du lịch, phụ nữ đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn phong tục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian và giáo dục thế hệ trẻ về bản sắc dân tộc. Họ cũng tích cực phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là gắn với di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa, di sản hàng đầu châu Á và thế giới. Phong trào văn hóa, thể thao thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, như phong trào dân vũ, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và nâng cao sức khỏe thể chất. Các vận động viên nữ Việt Nam đạt nhiều thành tích cao ở cả cấp quốc gia và quốc tế, như Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã giành liên tiếp hai Huy chương Vàng tại SEA Games. Phụ nữ cũng chiếm tỷ lệ cao trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, múa và văn học, với nhiều tác phẩm được giải thưởng trong nước và quốc tế.

Trong giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ, phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ công cộng, nghiên cứu khoa học. Trong y tế, phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng lao động, bao gồm bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác. Giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhiều phụ nữ đi đầu trong hoạt động phòng, chống dịch, chăm sóc bệnh nhân và hỗ trợ cộng đồng, nêu gương sáng về tinh thần kiên cường, tận tụy, hết mình trên tuyến đầu chống dịch. Với phương châm “sáng y đức, giỏi chuyên môn”, phụ nữ chủ động nghiên cứu, tích cực tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị và phục vụ bệnh nhân. Trong tiến bộ của y học nước nhà cùng với chất lượng cuộc sống được nâng lên, sức khỏe của phụ nữ được cải thiện đáng kể. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của phụ nữ đạt 77,2 tuổi.

Trong giáo dục, phụ nữ chiếm đa số (hơn 76%) lực lượng giáo viên. Dù ở cương vị nào, phụ nữ đều không ngừng rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, đóng góp tích cực trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Nhiều nhà khoa học nữ đạt được thành tựu lớn với các công trình khoa học giá trị. Cán bộ nữ phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt, tiên phong trong truyền thông nâng cao nhận thức của phụ nữ và xã hội về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Theo báo cáo năm 2023 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thông qua việc đẩy mạnh công tác giáo dục, xóa mù chữ, cung cấp học bổng, nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng khó khăn, hơn 25 triệu hội viên phụ nữ đã được trang bị kiến thức về pháp luật và các vấn đề xã hội.

Thành tựu này minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển văn hóa, xã hội của đất nước. Phụ nữ không chỉ là lực lượng nòng cốt, mà còn tiên phong trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, xã hội Việt Nam.

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng và đối ngoại, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân vững chắc và là hậu phương tin cậy cho những người đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Ở vùng biên giới, phụ nữ chủ động tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc và hợp tác với phụ nữ nước bạn xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Trong lực lượng vũ trang, phụ nữ thể hiện ý chí kiên cường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm nguy hiểm. Đặc biệt, nữ quân nhân Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc chiếm 16% lực lượng, cao hơn mức trung bình toàn cầu (10%), để lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, thúc đẩy hòa bình, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Kết quả này chứng minh thành công và hiệu quả của công cuộc đổi mới tại Việt Nam cũng như đóng góp to lớn của phụ nữ trong suốt gần 40 năm qua, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong thành công này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò chủ đạo, là đầu tàu thúc đẩy và góp phần phát huy nỗ lực của phụ nữ Việt Nam vào sự phát triển của đất nước, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thời gian qua, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, quan trọng, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như: 1) Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động, phụ nữ vẫn gặp khó khăn về thu nhập và cơ hội thăng tiến. Tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao và tại doanh nghiệp lớn còn thấp so với số lượng và tiềm năng của lực lượng lao động nữ cũng như yêu cầu phát triển của đất nước. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều. Chỉ khoảng 25% phụ nữ có cơ hội thăng tiến so với 45% ở nam giới và chỉ 25% phụ nữ làm việc trong ngành có thu nhập cao so với 40% ở nam giới. Trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tỷ lệ phụ nữ còn thấp, hạn chế tiềm năng của phụ nữ trong phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Chỉ 15% phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp lớn và tổ chức chính phủ. 2) Mặc dù phụ nữ tham gia tích cực vào hoạt động chính trị, tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan lãnh đạo chính trị vẫn chưa đạt mức cân bằng giới, phần nào làm hạn chế tiếng nói của phụ nữ trong quyết định chính sách. 3) Phụ nữ dường như vẫn gặp khó khăn khi tham gia các lĩnh vực văn hóa, thể thao và nghệ thuật, đặc biệt là ở nông thôn, nơi họ bị giới hạn trong các vai trò truyền thống và ít có cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo chuyên môn cao.

Thách thức đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới có thể phân tích từ nhiều góc độ:

Một là, từ chính sách và cơ chế: 1) Chính sách hỗ trợ phụ nữ chưa đủ mạnh và thiếu cơ chế thực thi hiệu quả. Một số chính sách chưa đáp ứng đủ yêu cầu về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ; 2) Thiếu cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả các chương trình và chính sách hỗ trợ phụ nữ, dẫn đến việc triển khai còn hạn chế và thiếu đồng bộ, kém bền vững.

Hai là, từ xã hội và văn hóa: Định kiến giới vẫn còn hiện hữu, phần nào cản trở phụ nữ tiếp cận cơ hội giáo dục, việc làm và thăng tiến. Điều này cũng phần nào dẫn đến sự thiếu ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là trong các lĩnh vực dường như chưa có nhiều sự tham gia của phụ nữ, như công nghệ và lãnh đạo chính trị. Ngoài ra, thách thức từ môi trường xã hội và kinh tế, như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và thay đổi chính sách cũng làm tăng áp lực lên phụ nữ, gây khó khăn trong việc duy trì và phát triển sự nghiệp; 3- Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực tới phụ nữ, như nghèo đói, biến đổi chức năng gia đình, vấn đề an ninh trật tự, đạo đức xã hội liên quan đến an toàn của phụ nữ, trẻ em...

Ba là, từ bản thân phụ nữ: 1) Thiếu tự tin và kỹ năng lãnh đạo, với 40% phụ nữ cảm thấy thiếu kỹ năng quản lý và kỹ năng mềm, do định kiến xã hội; 2) Gánh nặng gia đình hạn chế thời gian và cơ hội phát triển sự nghiệp, khi phụ nữ trung bình dành thời gian mỗi tuần cho công việc gia đình cao hơn so với nam giới; 3) Thiếu tiếp cận giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các nhóm dân tộc thiểu số, làm hạn chế khả năng cạnh tranh và cơ hội thăng tiến.

Các nguyên nhân này đòi hỏi có sự can thiệp đồng bộ từ chính sách, xã hội và từ bản thân phụ nữ để khắc phục và tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống.


Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng của mình và bảo đảm cho phụ nữ đều có cơ hội đóng góp và thụ hưởng công bằng từ sự phát triển chung. (Nguồn: nhieepanhdoisong.vn)

TIẾP TỤC THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào việc xây dựng và phát triển đất nước, cần thiết kế và triển khai một loạt giải pháp toàn diện, đồng bộ và hiệu quả với sự cam kết từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, xã hội và bản thân phụ nữ. Các giải pháp này không chỉ nhằm khắc phục hạn chế đã được xác định, mà còn mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng của mình và bảo đảm cho phụ nữ đều có cơ hội đóng góp và thụ hưởng công bằng từ sự phát triển chung.

Một là, tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác phụ nữ, hoàn thiện chính sách bình đẳng giới theo hướng thống nhất với các văn bản của Đảng, Nhà nước, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển nhanh, bền vững đất nước; bổ sung các cấu phần còn khuyết thiếu hoặc còn yếu trong việc thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, như xây dựng văn hóa khởi nghiệp, tạo các nhân tố điển hình tiên tiến, đề xuất chính sách, đào tạo nguồn lao động nữ có trình độ, tay nghề phù hợp với thị hiếu thị trường,... Tăng cường nguồn lực và hợp tác quốc tế, cung cấp chính sách làm việc linh hoạt, thúc đẩy bình đẳng giới để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.

Hai là, hoàn thiện và thực thi hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ quốc gia và các cấp, nâng cao hiệu quả và chất lượng của Ban để tăng cường về thực chất sự bình đẳng cho phụ nữ trên các phương diện. Đây là vấn đề cốt lõi tạo nền tảng cho việc phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của người phụ nữ Việt Nam.

Ba là, khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ, tiếp cận Chính phủ số và công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao năng lực phụ nữ trong hợp tác quốc tế, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tiếp tục chú trọng công tác cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghiên cứu thiết lập chỉ tiêu về giới và giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị, bảo đảm tiếng nói và quyền của phụ nữ trong các quyết định quan trọng. Quan tâm việc đào tạo, phát triển kỹ năng lãnh đạo, đàm phán và xây dựng chính sách để tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong cơ quan dân cử, tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị, cơ quan lập pháp. Tạo cơ chế khuyến khích phụ nữ tham gia bầu cử và ứng cử vào vị trí lãnh đạo. Xây dựng mạng lưới kết nối phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, giúp họ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Tạo cơ hội cho phụ nữ kết nối với tổ chức quốc tế và mạng lưới chuyên môn để mở rộng ảnh hưởng và cơ hội thăng tiến của họ.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, trong đó quan tâm đẩy mạnh và phát huy vai trò của tổ chức hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách cho phụ nữ. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ hội chuyên nghiệp, hiệu quả, đủ khả năng hội nhập quốc tế. Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để phụ nữ được bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, trở thành nhân tố quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc và gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Phụ nữ Việt Nam không chỉ khẳng định vai trò của mình trong nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các phong trào và chính sách nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không chỉ là tổ chức tiên phong trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, mà còn là cầu nối quan trọng giữa phụ nữ và cơ quan, tổ chức. Với tầm nhìn chiến lược, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Sự nỗ lực không ngừng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ là động lực mạnh mẽ, hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa các mục tiêu cá nhân và xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia - dân tộc và đất nước./.

TÔN NGỌC HẠNH
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

 (Nguồn: tapchicongsan.org.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây