Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long

Chủ nhật - 17/11/2024 11:25 86 0
Chiều 14/11, tại thành phố Cần Thơ, Sở Công Thương thành Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Khoa học và hợp tác NetZero Việt Nam – Asia (Vanza) và Huawei tổ chức Hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long". Sự kiện thu hút hơn 400 đại biểu là doanh nghiệp, đại diện các sở Công Thương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.
17 11 hoithao
Hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long".

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long, với nguồn tài nguyên phong phú về điện gió, mặt trời và sinh khối có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ cũng đã mở ra nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời, thể hiện một nguồn lực kỹ thuật lớn cho việc phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai.

Hiện nay, nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 15% trong 10 năm qua và theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12 % trong thập kỷ tới. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu thế mà còn là một phần trong chiến lược phát triển bền vững.

Chia sẻ tại hội thảo về điện mặt trời mái nhà, tự sản xuất, tự tiêu, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, điện mặt trời mái nhà là một giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh. Việc tự sản xuất điện không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn góp phần giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nguồn bức xạ mặt trời dồi dào, mô hình điện mặt trời mái nhà giúp tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất bền vững. Ông Dũng cũng cho biết Công ty Tư vấn Điện 3 sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân triển khai mô hình này, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi xanh để duy trì sản xuất và phát triển kinh tế bền vững đã là nhu cầu cấp bách.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp như Vinamilk, Huawei phân tích chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về giải pháp kỹ thuật, áp dụng và triển khai các hoạt động, sáng kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm, những dạng năng lượng mới ứng dụng vào sản xuất, hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh và quản lý tối ưu hóa năng lượng. Đồng thời tăng cường kêu gọi sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn tín dụng xanh.

Là một tổ chức hướng tới phát triển xanh và bền vững, Chủ tịch Vanza Hồ Quang Minh cho biết hội thảo là dịp để cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ và trao đổi thông tin, quan điểm, hướng tới phát triển bền vững.
Theo ông Minh, việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và các công nghệ tiên tiến không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng và hợp tác quốc tế. Những kiến thức và kinh nghiệm tại hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp và các tổ chức có thêm cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo phù hợp, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Tại hội thảo cũng diễn ra tọa đàm về chủ đề “Năng lượng xanh - Động lực phát triển bền vững cho Đồng bằng Sông Cửu Long", đề cập vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, và mô hình hợp tác công - tư để hỗ trợ chuyển đổi xanh. Tọa đàm cũng cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh, và chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án năng lượng thành công, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương, và tạo tiền đề cho một nền kinh tế xanh và bền vững cho Đồng bằng Sông Cửu Long.

Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) và Công ty Cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ cũng ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác với nội dung hợp tác sâu rộng về nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, lắp đặt và thi công hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy của Công ty Cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ, góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Tin, ảnh: Liêm Thanh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây