Việc nghiên cứu, biên soạn Địa chí sẽ giúp rà soát lại tất cả những tài liệu đã có, đã biết, đã viết về Cần Thơ. Mặt khác thông qua việc biên soạn Địa chí Cần Thơ giúp cho lãnh đạo và Nhân dân thành phố Cần Thơ hiểu biết sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về mảnh đất và con người Cần Thơ; đồng thời, từ các tư liệu, thông tin nội dung thu thập được sẽ là giải đáp có căn cứ khoa học hơn những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã, đang và sẽ đặt ra trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố.
Địa chí Cần Thơ, năm 2002
Mục tiêu đặt ra cho công tác biên soạn Địa chí Cần Thơ đó là: điều tra thu thập, ghi chép một cách có hệ thống những tri thức chủ yếu về thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa Cần Thơ; góp phần phổ biến khoa học kỹ thuật, giáo dục truyền thống, nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thành phố Cần Thơ; cung cấp cứ liệu khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước ở Cần Thơ; cung cấp những tư liệu đã được tổng kết, đánh giá về các lĩnh vực tự nhiên, dân cư, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người ở Cần Thơ phục vụ các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, nhà đầu tư, giới nghiên cứu, khách du lịch và đông đảo bạn đọc trong, ngoài nước, góp phần vào việc hoạch định chính sách xây dựng các dự án đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở thành phố Cần Thơ; giới thiệu về mảnh đất và con người Cần Thơ để các tỉnh bạn và người nước ngoài hiểu biết hơn về Cần Thơ, hợp tác với Cần Thơ trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa. Đây cũng là công trình có giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc cho các thế hệ mai sau.
Tình hình nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam, việc biên soạn và xuất bản sách địa chí có từ khá sớm. Các công trình biên soạn địa chí được ghi chép bằng tiếng Hán Nôm, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Có thể ghi nhận các tác phẩm qua các giai đoạn như sau:
- Về quốc chí, có các tác phẩm đáng chú ý như: An Nam chí lược (1339) của Lê Trắc; Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi; Kiền khôn nhất lãm (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) của Phạm Đình Hổ; Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1806) của Lê Quang Định; Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1833) của Phan Huy Chú; Đại Việt địa dư toàn biên (1882) của Nguyễn Văn Siêu; Đại Nam nhất thống chí (1882) của Quốc Sử quán triều Nguyễn; Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1888), gồm địa lý 25 tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận v.v…
- Về địa phương chí, có thể kể các sách như: Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An; Hải Đông chí lược (1772) của Ngô Thì Nhậm; Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn; Hưng Hóa xứ phong thổ lục (1778) của Hoàn Bình Chính; Cao Bằng lục (thế kỷ XVIII) của Phan Trọng Phiên; Gia Định thành thông chí (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) của Trịnh Hoài Đức; Cao Bằng thực lục (1810) của Nguyễn Hựu Cung; Nghệ An ký (đầu thứ kỷ XIX) của Bùi Dương Lịch; Bắc Thành địa dư chí lục (1845) của Lê Chất; Hưng Hóa ký lược (1856) của Phạm Thận Duật; Cao Bằng tạp chí (1920) của Bế Huỳnh, v.v…
Sự cần thiết biên soạn Địa chí văn hóa Cần Thơ
Có thể nói, ở Việt Nam, việc biên soạn và xuất bản sách địa chí có từ khá lâu. Trước năm 1975, các ấn phẩm địa chí thường có các dạng như sách, chuyên khảo; từ sau năm 1975 ấn phẩm về địa chí thường là sách Địa chí tổng hợp và Từ điển địa chí. Địa chí là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hóa... của một quốc gia (quốc chí) hay của một tỉnh, thành phố, huyện, làng, xã (địa phương chí).
Tính đến nay, đã có nhiều địa phương tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản địa chí. Việc biên soạn địa phương chí ở mỗi địa phương có bố cục khác nhau về địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, dân cư, kinh tế xã hội, văn hóa và chưa theo một quy chuẩn chung thống nhất. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng bộ địa chí thống nhất của tất cả các địa phương trong toàn quốc và cập nhật đến thời điểm hiện nay, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã biên soạn Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam nhằm thực hiện Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2079/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017. Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam là bộ quy chuẩn đầu tiên của Việt Nam quy định cụ thể, chi tiết phương pháp nghiên cứu, cách thức trình bày, quy mô, cấu trúc và các thể lệ biên soạn cụ thể địa chí cấp tỉnh trong nhiệm vụ xây dựng Địa chí quốc gia Việt Nam. Do vậy, việc biên soạn Địa chí Cần Thơ theo Quy chuẩn biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam là cần thiết.
Ở góc độ địa phương, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và phát triển Cần Thơ trong thời kỳ mới; đồng thời cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, năm 1995 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Địa chí tỉnh Cần Thơ và chỉ đạo phương hướng biên soạn địa chí nhằm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ giữa nhiệm kỳ (khóa VIII) về “yêu cầu xây dựng quyển Địa chí tỉnh Cần Thơ nhằm giúp cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà có cơ sở nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển các mặt địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Cần Thơ từ xưa đến nay”. Từ năm 1996, nhóm biên soạn bắt đầu tiến hành, cho đến cuối năm 2001 hoàn thành bản thảo. Đến tháng 8 năm 2002, sách Địa chí Cần Thơ do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ xuất bản được phát hành. Sách Địa chí Cần Thơ (2002) dày 918 trang, có 4 phần lớn với 21 chương và phần phụ lục, phần tổng luận. Địa chí Cần Thơ là công trình khoa học tầm cỡ của tỉnh Cần Thơ. Công trình này tập hợp những nhà nghiên cứu, nhà khoa học và hoạt động thực tiễn về khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn đã tập trung trí tuệ và công sức để hoàn thành công trình có giá trị hệ thống quá trình hình thành và phát triển, rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, vừa quảng bá hình ảnh, truyền thống của địa phương vừa là cơ sở hoạch định chiến lược phát triển tỉnh Cần Thơ.
Từ năm 2004, thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Cần Thơ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Những kết quả vượt bậc trên đã tạo thêm thế và lực của thành phố Cần Thơ lớn mạnh hơn nhiều so với giai đoạn trước đây; thành phố Cần Thơ từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu đến năm 2030: “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc”. Tầm nhìn đến năm 2045: “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á”. Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ và thời cơ vận hội mới, Đảng bộ, Chính quyền thành phố Cần Thơ phải có một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể để phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của thành phố trong thời hiện đại. Có nhiều lĩnh vực cần hoạch định cho sự phát triển trong tương lai, trong đó việc biên soạn Địa chí Cần Thơ theo Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam, nhằm cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp, giới thiệu về địa lý hành chính, tự nhiên, dân cư, lịch sử quá trình hình thành và phát triển; truyền thống; kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; văn hóa - nghệ thuật; dân tộc, tôn giáo; địa danh, thắng cảnh, nhân vật lịch sử tiêu biểu; phục vụ công tác nghiên cứu, công tác hoạch định chính sách xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao vào năm 2030. Đến năm 2045, Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á là rất cần thiết.
Địa chí Cần Thơ (2002) đã giúp cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Cần Thơ có cơ sở nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển các mặt địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Cần Thơ đến năm 2000, đến nay không còn tương thích với phạm vi thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương, chưa thể đáp ứng theo Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam (được cụ thể hóa qua Quy chế biên soạn Địa chí Cần Thơ). Do vậy, việc biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ trong tổng thể của Địa chí Cần Thơ là cần thiết và xuất phát từ những yêu cầu sau:
(1) Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Trong xu thế phát triển của xã hội ngày nay, nhiều vấn đề cần được soi rọi lại dưới góc nhìn tiệm cận, phù hợp hơn với những yêu cầu của thực tiễn phát triển thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương, giữ được bản sắc văn hóa trước thời cơ và thách thức của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ nằm trong tổng thể Địa chí Cần Thơ là nhiệm vụ rất cần thiết.
(2) Biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ trong tổng thể chung của Địa chí Cần Thơ trên cơ sở kế thừa các nội dung về văn hóa được ghi nhận trong các công trình có liên quan về văn hóa Cần Thơ, Địa chí Cần Thơ (2002) liên quan đến phạm vi thành phố Cần Thơ trong quá trình lịch sử, bổ sung thêm tư liệu giai đoạn từ 2004 đến năm 2024 và điều chỉnh cấu trúc nội dung (Chương, Mục), thể lệ biên soạn, quy chuẩn về tư liệu theo Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam, được cụ thể hóa qua Quy chế biên soạn Địa chí Cần Thơ.
(3) Biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ trong tổng thể của Địa chí Cần Thơ xuất phát từ yêu cầu cung cấp một tài liệu có tính khoa học và hệ thống từ góc nhìn văn hóa, xác hợp với vị trí, vai trò của thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương; góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí, vừa phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao vào năm 2030. Đến năm 2045, Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Ở góc độ khoa học:
Việc biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ trong tổng thể chung của Địa chí Cần Thơ là một công trình khoa học, thực hiện một cách tổng thể trên cơ sở kế thừa những nội dung về văn hóa của các công trình nghiên cứu đã xuất bản và Địa chí Cần Thơ (2002), rà soát, cập nhật tư liệu cho đến thời điểm hiện nay, khái quát được quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương và được thực hiện theo một quy chuẩn thống nhất trong tổng thể của Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam có tính khoa học và hiện đại.
Ở góc độ thực tiễn:
Quyển Văn hóa Cần Thơ trong tổng thể chung của Địa chí Cần Thơ được biên soạn về văn hóa vật chất - văn hóa tinh thần - văn hóa xã hội qua quá trình hình thành và phát triển thành phố Cần Thơ, bổ sung thêm giai đoạn 2004 - 2024 góp phần định vị những giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ xưa và ngày nay; là nguồn tư liệu chính thức, có tính khoa học và thực tiễn, xác hợp với vị trí, vai trò của thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương, làm cơ sở cho các cấp quản lý trong việc hoạch định chiến lược phát triển về văn hóa cũng như trong việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa; quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ - đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bài, ảnh: BCN Quyển Văn hóa Cần Thơ