Đồng chí Huỳnh Phan Hộ - Người Khu Bộ trưởng miền Tây đức độ, tài giỏi vang dội cả nước với chiến thắng Tầm Vu 3

Chủ nhật - 04/05/2025 05:39 8 0
Khắc ghi lời Bác dạy: “… Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, để xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, đồng chí Huỳnh Phan Hộ - Người Khu Bộ trưởng miền Tây đức độ, tài giỏi, đã cống hiến hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với chiến thắng vang lừng Tầm Vu 3, đã thể hiện sự chỉ huy tài tình của đồng chí và làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía. Đồng chí không chỉ là tấm gương mẫu mực, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống chiến đấu vì lý tưởng cao cả, vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Tổ quốc, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ hiểu hơn về sự hy sinh máu thịt, đầy gian khổ của bậc cha anh đi trước để đổi lấy độc lập, tự do, hạnh phúc cho quê hương, đất nước hôm nay.
4 5 bacho
Đồng chí Huỳnh Phan Hộ (1911-1947).

“Hùng thay! Tầm Vu! Vang danh oai Huỳnh tướng quân...”(1), chính là lời ca âm vang hùng tráng nói về đồng chí Huỳnh Phan Hộ trong chiến thắng Tầm Vu 3. Đồng chí tên thật là Phan Trọng Hộ, sinh năm 1911, thân phụ là ông Phan Trọng Hượt và bà Huỳnh Thị Huệ. Thuở nhỏ, Phan Trọng Hộ học rất giỏi và ham mê luyện tập võ nghệ; học xong trường làng, anh được cha mẹ cho vào học Trường Collège de Can Tho. Tại ngôi trường này, đồng chí Ung Văn Khiêm thấy Phan Trọng Hộ là thanh niên có khuynh hướng tiến bộ nên đã tìm hiểu, giúp đỡ, trao những tài liệu bí mật và thường thông tin cho anh biết về phong trào cách mạng ở nước ngoài cũng như trong nước.

Ngày 24/3/1926, nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đột ngột qua đời. Để tưởng nhớ và noi theo tấm gương yêu nước của cụ, cuối tháng 3/1926, tại Trường Collège de Can Tho, học sinh và giáo viên tổ chức cuộc mít tinh lớn truy điệu, để tang cụ Phan Châu Trinh. Phan Trọng Hộ là một trong những thanh niên học sinh tích cực hưởng ứng, vận động cuộc bãi khóa và sau đó đã bị đuổi học, còn bị chính quyền thực dân truy bắt, Phan Trọng Hộ phải đổi họ, lấy họ mẹ ghép với họ cha thành tên Huỳnh Phan Hộ vào ẩn náu trong đồn điền Cờ Đỏ. Sau cuộc khủng bố trắng của địch năm 1932, phong trào cách mạng ở Cần Thơ dần dần được khôi phục lại. Đồng chí Trần Văn Hoài được phân công về đồn điền Cờ Đỏ, tìm liên lạc với đồng chí Huỳnh Phan Hộ qua lời giới thiệu các đồng chí đã học Trường Collège de Can Tho để gây dựng cơ sở nơi đây. Trong những lần qua lại Takeo, đồng chí Huỳnh Phan Hộ quen với cô gái Trần Thị Dậu, được cô giúp đỡ, nên sớm có tình cảm và đi đến cuộc hôn nhân.

Vào những năm 1936 - 1939, đấu tranh dân sinh, dân chủ diễn ra rất sôi nổi, thành một cao trào mạnh mẽ trong quần chúng ở Long Xuyên. Địch truy bắt đồng chí Ung Văn Khiêm, phải tạm lánh ở một số nơi, sau về đồn điền Cờ Đỏ. Một hôm tình cờ Huỳnh Phan Hộ ghé vào căn chòi nghỉ chân bất ngờ gặp đồng chí Ung Văn Khiêm, từ đó, đồng chí Huỳnh Phan Hộ được đồng chí Khiêm trao đổi, hướng dẫn con đường làm cách mạng. Để dễ dàng hoạt động cách mạng và che mắt địch, đồng chí Huỳnh Phan Hộ đã tìm mọi cách gây uy tín cho đồng chí Ung Văn Khiêm và giới thiệu đồng chí vào làm biện sân và cùng nhau bàn kế hoạch xây dựng cơ sở cách mạng nơi đây.

Đến tháng 9/1940, Tỉnh ủy Cần Thơ họp, nhất trí chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ của Xứ ủy và sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, đề ra mục tiêu, kế hoạch khởi nghĩa cụ thể ở từng địa phương. Ở Cờ Đỏ, đồng chí Hộ, đồng chí Khiêm và tổ chức tương tế, cứu tế cùng hai chi bộ trên tích cực chuẩn bị đánh đồn. Đồng chí Hộ đã về nhà vận động vợ gom góp tiền bạc giúp cho các đồng chí trong chi bộ để mua thuốc pháo về làm vũ khí, chất nổ chuẩn bị khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa chiếm đồn Cờ Đỏ bị thất bại cùng với cuộc khởi nghĩa tỉnh Cần Thơ và Nam Kỳ. Địch khủng bố ác liệt được quần chúng bảo vệ, nên các đồng chí Ung Văn Khiêm và Huỳnh Phan Hộ thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của địch. Đến năm 1944, đồng chí Huỳnh Phan Hộ đã vận động thành lập được Chi bộ Đảng và đoàn thể Thanh niên cứu quốc ở Cờ Đỏ.
Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, chủ điền Tây vô cùng hoảng sợ. Đồng chí Huỳnh Phan Hộ và đồng chí Ung Văn Khiêm đã tranh thủ được tên chủ điền Tây giao đồn điền lại cho hai đồng chí và nông dân nơi đây quản lý. Cuối tháng 7/1945, đồng chí Huỳnh Phan Hộ cùng với đồng chí Trần Văn Hoài trực tiếp tổ chức lực lượng vũ trang của các quận, phát triển lên đến 300 quân, trong đó một số được chọn về thị xã tổ chức thành Xung phong đội, tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh nhà, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Thực hiện lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của lãnh tụ và Chỉ thị khởi nghĩa của Xứ ủy, Liên Tỉnh ủy, ngày 17/8/1945 Tỉnh ủy Cần Thơ bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ. Ngày 19/8/1945, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ. Đồng chí Trần Ngọc Quế được cử làm Chủ tịch và 8 ủy viên; trong đó có đồng chí Huỳnh Phan Hộ là Ủy viên, đại diện Việt Minh. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở các nơi liên tiếp dội về, khí thế khởi nghĩa giành chính quyền ở Cần Thơ dâng cao chưa từng có.

Ngày 26/8/1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Cần Thơ; đồng chí Huỳnh Phan Hộ được phân công chỉ huy lực lượng xung phong đội, bí mật bao vây Sở Hiến binh Nhật, theo dõi thái độ của Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào và bảo vệ an toàn cho đoàn đại biểu của ta đến gặp tên Sato, chỉ huy Sở Hiến binh Nhật, đồng thời tổ chức điều hành cuộc mít tinh. Sáng sớm ngày 26/8/1945, trên 20.000 đồng bào ở thị xã và các quận trong tỉnh xếp thành từng đoàn, băng cờ khẩu hiệu giương cao kéo về tập hợp ở sân vận động Cần Thơ. Đúng 6 giờ, trên lễ đài Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh ra mắt Nhân dân, đồng chí Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ đọc lời hiệu triệu và kêu gọi đồng bào: “Thời cơ ngàn năm có một đã đến, hãy một lòng đoàn kết vùng lên xóa kiếp đời nô lệ, giành chính quyền về tay Nhân dân”, cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng hoan hô vang dậy. Sau đó, đồng chí Huỳnh Phan Hộ dẫn đầu, chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang xung phong, đội bảo vệ cho lực lượng quần chúng tuần hành khắp các ngả đường trong thị xã để biểu dương lực lượng. Cuối cùng đoàn biểu tình tập trung tại Dinh xã Tây­­(2) với áp lực mạnh mẽ của lực lượng quần chúng buộc Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào phải bàn giao chính quyền cho Nhân dân. Sau khi giành chính quyền trong toàn tỉnh thắng lợi, đồng chí Huỳnh Phan Hộ và đồng chí Hồ Bá Phúc đến các quận để gom hết tất cả vũ khí tịch thu của địch và địa chủ về để trang bị cho lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ.

Ngày 28/8/1945, Ủy ban hành chánh tỉnh Cần Thơ được thành lập, đồng chí Huỳnh Phan Hộ là Ủy viên quân sự, đại diện cho Mặt trận Việt Minh. Cuộc khởi nghĩa của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở Cần Thơ đã giành thắng lợi, quần chúng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo càng tin tưởng cách mạng. Trước tình hình khó khăn phức tạp của tỉnh, để thêm bạn bớt thù, đồng chí Huỳnh Phan Hộ can thiệp thả địa chủ Trương Hoàng Lâu, Ban biện Dần và một số sung biện. Sau khi được thả, địa chủ Trương Hoàng Lâu đã hiến 26 lạng vàng trong “tuần lễ vàng” và lấy huê lợi trên 1.000 công đất để nuôi thầy giáo và xây dựng trường học.

Sau khi chiến sự diễn ra ở Sài Gòn ngày 23/9/1945, Ủy ban kháng chiến Hậu Giang được thành lập, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến ở Cần Thơ, đồng chí Trần Văn Khéo làm Chủ tịch và đồng chí Huỳnh Phan Hộ làm Phó Chủ tịch. Ngày 30/10/1945, thực dân Pháp tiến chiếm Cần Thơ, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Phan Hộ và đồng chí Trần Văn Hoài, các công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến rất chu đáo, việc xây dựng công sự, làm phòng tuyến và bố trí lực lượng ba mặt trận ở Cần Thơ sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống địch. Ngày 01/11/1945, các mặt trận ở nội ô bị vỡ, lực lượng vũ trang của ta rút ra ngoại ô thị xã Cần Thơ, Ủy ban kháng chiến Hậu Giang thành lập ba mặt trận bao vây địch.
 
4 5 hainguoi
Đồng chí Huỳnh Phan Hộ (phải) và đồng chí Phan Trọng Tuệ (trái)

Ngày 06/11/1945, tại mặt trận Phong Điền, đồng chí Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban kháng chiến Hậu Giang giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Thủ và đồng chí Quản Trọng Linh chuyển phân đội Cộng hòa vệ binh của Đại đội Lý Hồng Thanh thành khung huấn luyện bổ túc quân sự, chính trị cho một số anh em và tân binh ở tại làng Trường Long, quận Ô Môn. Trong điều kiện thiếu thốn về vũ khí, đồng chí Huỳnh Phan Hộ lãnh đạo lực lượng vũ trang trong tỉnh kiên quyết đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, lấy vũ khí trang bị cho lực lượng ta còn non yếu, đó là tư tưởng chỉ đạo đúng đắn của đồng chí trong những ngày đầu kháng chiến.

Đến ngày 10/12/1945, Khu bộ Khu 9 thành lập, đồng chí Huỳnh Phan Hộ được cấp trên tín nhiệm đề bạt Khu bộ phó. Đầu tháng 02/1946, địch chiếm đóng tất cả các thị xã, thị trấn ở miền Tây Nam Bộ và các trục giao thông thủy bộ từ Sài Gòn đến Cà Mau. Đồng chí Huỳnh Phan Hộ cùng một vài đơn vị vũ trang của Cần Thơ bám lại chiến trường vùng Ông Vèo - Thác Lác. Đến trung tuần tháng 02/1946, Ban Chỉ huy Khu 8 và Khu 9 tổ chức hội nghị ở Ngang Dừa, Phước Long bàn việc “đi” hay “ở”. Đồng chí Huỳnh Phan Hộ thề nguyện “Bịn gốc cỏ ăn thua với địch”, cùng với các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Văn Viên, Lê Tấn Sĩ kiên quyết chỉ đạo các tỉnh thành lập các trung đội, tiểu đội du kích (trên 2.000 du kích) và trang bị 300 súng lửa, bám sát địch tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, lấy súng trang bị cho ta. Vào cuối tháng 02/1946, đồng chí Khu bộ phó Huỳnh Phan Hộ truyền lệnh bộ đội tập trung đổi tên thống nhất trong toàn quốc là Vệ quốc đoàn và sắp xếp lại bộ máy tổ chức quân đội.

Sau khi Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 được ký kết. Lúc này ở Nam Bộ, quân Pháp tập trung lực lượng đánh vào một số vùng giải phóng của Khu 9. Tại Vàm Xáng - Ngang Dừa, đồng chí Huỳnh Phan Hộ và đồng chí Nguyễn Văn Châu gặp tên chỉ huy Pháp trên tàu chiến bàn về việc thi hành Hiệp định, nhưng không đạt được kết quả. Tháng 4/1946, đồng chí Huỳnh Phan Hộ ra lệnh cho Trung đoàn 4 về đóng ở Cây Bàng, xã Vĩnh Hòa (U Minh Thượng) xây dựng căn cứ để làm bàn đạp tiến về Cần Thơ. Ngày 13/6/1946, địch tập trung 300 - 400 quân, dùng máy bay ném bom tấn công vào vùng kênh Cây Bàng, mục tiêu là đánh tiêu diệt các đơn vị và cơ quan đầu não của Khu 9. Để bảo vệ căn cứ, đồng chí Huỳnh Phan Hộ chỉ huy các đơn vị vũ trang đánh trả quyết liệt đẩy lùi nhiều đợt xung phong của địch. Trong trận Cây Bàng ta bẻ gãy cuộc tấn công quy mô của địch, gây cho chúng thiệt hại nặng, với chiến thắng Cây Bàng đã gây tiếng vang lớn càng tạo niềm tin trong Nhân dân và lực lượng vũ trang toàn Khu 9.

Đến tháng 7/1946, đồng chí Huỳnh Phan Hộ và các lực lượng vũ trang đã trở về hoạt động ở địa bàn Cần Thơ, đóng quân tại rạch Trà Ếch, xã Trường Long. Đầu tháng 12/1946, đồng chí Huỳnh Phan Hộ ra quyết định cho lực lượng vũ trang các tỉnh của Khu 9 thành lập các chi đội và ra quân đánh địch, diệt tề, trừ gian hỗ trợ cho Đảng, Mặt trận và đoàn thể xây dựng lại cơ sở, tạo ra thế và lực mới ở các tỉnh, nhất là địa bàn Cần Thơ nơi chỉ đạo của Khu 9.

Đầu năm 1947, đồng chí Huỳnh Phan Hộ được Bộ Tổng Tư lệnh quyết định cử làm Tư lệnh Khu 9, Phó Bí thư Quân khu ủy Khu 9. Hồi những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị Vệ quốc đoàn Khu 9 còn thiếu thốn đủ bề, từ trang bị vũ khí đến ăn mặc. Trong những năm này Bác Hồ đã gửi ra chiến trường một số áo “Mùa Đông chiến sĩ” để tặng bộ đội và đồng chí Huỳnh Phan Hộ cũng được Bác tặng chiếc áo “Mùa Đông chiến sĩ”. Từ đó, cứ mỗi lần ra trận đồng chí lấy ra mặc, để được truyền hơi ấm từ tấm áo của Bác, làm tăng sức mạnh chiến đấu, sáng suốt, trí tuệ lúc chỉ huy(3).

Sau ba tháng nghiên cứu chiến trường và nắm quy luật hành quân của địch, đồng chí Huỳnh Phan Hộ quyết định mở trận đánh giao thông trên lộ Tầm Vu. Vào 8 giờ sáng ngày 16/4/1947, bất ngờ có 3 tên Pháp dẫn một tiểu đội lính Miên vào rạch Láng Hầm đốn tre, tưởng bị lộ ta đánh diệt gọn bọn này và rút quân về Ba Se (Ô Môn). Sau đó, theo dõi nắm chắc tình hình thấy không bị lộ, 17 ngày sau (ngày 03/5/1947), đồng chí Huỳnh Phan Hộ cho lực lượng ta trở lại Láng Hầm, bí mật đưa quân sát lộ Tầm Vu. Đúng như dự đoán, vào lúc 4 giờ chiều ngày 03/5/1947, dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Phan Hộ, quân ta nổ súng tấn công tiêu diệt hoàn toàn 6 xe quân sự của địch, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 súng cối 80 ly và 60 ly, 4 trung liên, 37 súng trường và nhiều đạn dược.

Với chiến thắng Tầm Vu 3 vang dội cả nước, làm nức lòng quân dân tỉnh Cần Thơ. Để ca ngợi chiến công vẻ vang này, nhạc sĩ Đắc Nhẫn và Quốc Hương đã sáng tác bài hát “Tầm Vu”, còn vang mãi đến hôm nay. Trong các buổi hội họp văn nghệ của các cơ quan và trong Nhân dân hay trên đường hành quân của các đơn vị bộ đội lênh đênh trên sông nước các tỉnh miền Tây đều vang lên bài hát “Tầm Vu” bất hủ, thúc giục mọi người xông lên phía trước giết giặc lập công. Ngoài ra, trong bộ đội, cơ quan và Nhân dân cũng luôn vang lên bài thơ ca ngợi chiến công Tầm Vu và Tư lệnh chỉ huy làm nên chiến thắng oai hùng.

Sau trận Tầm Vu 3, chỉ 22 ngày sau, đồng chí Huỳnh Phan Hộ lại mặc chiếc áo “Mùa Đông chiến sĩ” của Bác tặng, chỉ huy, thúc giục chiến sĩ xung phong đánh đoàn xe của giặc Pháp trên đường Phụng Hiệp đi Sóc Trăng thuộc xã Hồ Đắc Kiện, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Trên đường rút lui, chẳng may bị một viên đạn nhọn của quân tiếp viện bắn trúng, trước lúc nhắm mắt, đồng chí để tay lên chiếc áo và nói với đồng chí cần vụ: “Em cứ để anh Năm mặc nguyên tấm áo này. Anh muốn giữ mãi tấm lòng Bác bên mình...”. Sự ra đi của đồng chí đã để lại bao niềm tiếc thương của các chiến sĩ vệ quốc và Nhân dân miền Tây, đồng chí Huỳnh Phan Hộ - người tướng trẻ của miền Tây vùng cuối trời của Tổ quốc đã hiên ngang giẫm lên xác quân thù, làm cho giặc Pháp kinh hồn bạt vía.

Tưởng nhớ về những chiến công vang dội của đồng chí Huỳnh Phan Hộ, nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng Nhất cho đồng chí Huỳnh Phan Hộ - Thiếu tướng, nguyên Khu bộ trưởng Khu 9. Và để nhớ mãi về công ơn của đồng chí, Trường Trung học kháng chiến của Nam Bộ đã chọn ngày hy sinh của đồng chí để khánh thành nhà trường mang tên Trường Trung học kháng chiến Huỳnh Phan Hộ. Bên cạnh đó, Nhân dân Cần Thơ luôn khắc ghi công ơn của người Khu Bộ trưởng tài giỏi năm xưa và UBND thành phố Cần Thơ quyết định chọn đặt một con đường mang tên Huỳnh Phan Hộ.
                                                                                                      Kỳ Nam
----------------------------
Tài liệu tham khảo:
1 Bài hát Tầm Vu. Nhạc: Đắc Nhẫn. Lời: Quốc Hương.
2 Nay là Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
3 Theo lời kể của đồng chí Đại tá Đặng Hồng Cai, nghỉ hưu ở lộ 19, phường An Hòa, thành phố Cần Thơ.
4 Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Những viên ngọc quý tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây