Báo chí với công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Thứ hai - 20/06/2022 05:55 571 0
“Sách, báo là công cụ rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”1, đây chính là sự khẳng định vai trò quan trọng của báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, với sứ mệnh cao cả ấy, báo chí đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng và Nhà nước, đưa “tiếng nói của Đảng” đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, vừa trở thành vũ khí sắc bén làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của sáng suốt Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
20 6 baochi

Phóng viên Đài PT-TH TP Cần Thơ tác nghiệp trong chuyến công tác tại Trường Sa. Ảnh: Quang Phong.

Trong những năm qua, báo chí nước ta không ngừng được nâng cao chất lượng về cả nội dung và hình thức, thể hiện rõ vai trò vừa là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, vừa là công cụ thông tin nhanh nhất và là phương tiện thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh việc cung cấp những thông tin về các vấn đề nổi cộm trong xã hội được mọi người quan tâm; việc thông tin, tuyên truyền về chủ quyền quốc gia nói chung hay chủ quyền biển, đảo nói riêng luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của báo chí nhà nước. Có thể nói, nhờ thông qua báo chí không chỉ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân kịp thời nắm bắt, hiểu và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác tuyên truyền và được thực hiện qua các cơ quan báo chí chính thống, tiêu niểu như: Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh, thành phố; Cổng Thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy; các tạp chí lý luận chính trị như: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí lý luận chính trị, Tạp chí Giáo dục lý luận, Tạp chí Khoa học chính trị, Tạp chí Sinh hoạt lý luận chính trị, Tạp chí Thông tin khoa học chính trị, Tạp chí lý luận chính trị và Truyền thông.
 
Các tạp chí, báo, đài phát thanh và truyền hình đã bám sát các quan điểm, chủ trương tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Ban Tuyên giáo Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy được nêu lên trong các hội nghị. Từ đó, tập trung chỉ đạo tuyên truyền về “Luật biển quốc tế về chủ quyền, quyền tài phán và những thông tin về vừng biển, thềm lục địa Việt Nam, chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế, tiềm năng phát triển kinh tế biển;… quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về Biển Đông”2; các báo đài còn mở chuyên mục “Biên giới - Biển đảo” trên báo điện tử giới thiệu các luật, các hoạt động, chuyên mục pháp luật về biên giới biển, đảo…
20 6 ct
Đoàn cán bộ lãnh đạo TP Cần Thơ thăm và làm việc tại Trường Sa. Ảnh: Quang Phong.

Ngoài ra, để thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển đảo một cách hiệu quả và sâu rộng, các tạp chí lý luận chính trị thường xuyên cập nhật và đăng tải nhiều bài viết với nội dung tôn trọng công pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Nhiều bài viết điển hình, chất lượng cao như: “Định hướng xây dựng chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo thời kỳ hội nhập quốc tế”3, “Tăng cường hợp tác quốc tế bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, đảo”4, “Tăng cường công tác đối thoại, hợp tác quốc tế để phát triển và bảo vệ bền vững chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay”5, “Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”6, … Với mục đích thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong việc tuyên truyền, các bài viết không chỉ phổ biến các quan điểm của Đảng và Nhà nước mà còn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Có thể nói, chính nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo chí, đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng dư luận kịp thời, giải tỏa mọi thắc mắc, nghi vấn của các tầng lớp Nhân dân về những vấn đề “nóng”, “nổi cộm”, “nhạy cảm và phức tạp”; đồng thời, tránh được sự lợi dụng luận điệu xuyên tạc, kích động của các phần tử cơ hội, của các thế lực thù địch hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Mặt khác, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế về vấn đề biển, đảo của Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước trong tình hình mới của mỗi người Việt Nam.
20 6 nhagian
Báo chí góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ảnh: Quang Phong.

Bên cạnh việc nỗ lực tuyên truyền thông qua nhiều hình thức của báo chí tuy nhiên chất lượng một số chuyên đề, chuyên mục còn nghiên về phản ánh, chưa có luận giải thấu tình, đạt lý; nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa ngắn gọn, súc tích, làm cho người đọc dễ quên; nhất là, các bài viết đấu tranh phản bác lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo còn khiêm tốn; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, cơ sở vật chất phục vụ việc lấy tin và truyền tin còn thiếu; một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ báo chí. Vì vậy, để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo kịp thời và phù hợp với tình hình mới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần xác định rõ tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí và phải bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương; thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản báo chí; đồng thời xây dựng cơ chế để nâng cao tính chủ động, tự chủ của cơ quan báo chí.

Thứ hai, cần mở rộng quan hệ hợp tác và giao lưu học thuật quốc tế; chú trọng phát triển công tác nghiên cứu, trao đổi, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ báo chí; chia sẻ kinh nghiệm và thông tin có liên quan đến nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí nên thường xuyên tổ chức, thiết lập và duy trì các chuyên mục, chuyên san để tuyên truyền đậm nét về chủ quyền biển, đảo; đồng thời phối hợp với các cơ quan, hiệp hội tổ chức hội thảo nhằm tôn vinh các cá nhân và các tác phẩm báo chí điển hình viết về chủ quyền biển, đảo.

Thứ tư, những người làm báo cần có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chính xác các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền, giải quyết việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và có những bình luận, đánh giá, đưa tin kịp thời để cho mọi người thấy được sự chính nghĩa của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Thứ năm, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và ý thức công dân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí, đội ngũ phóng viên và biên tập viên.

Thứ sáu, Đảng và Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò quan trọng của ngư dân ven biển trong việc phát triển kinh tế gắn với đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ bảy, không ngừng cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của báo chí trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc ta trong 97 năm qua, cho thấy báo chí cách mạng luôn giữ vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, nhằm chống lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Thông qua báo chí nhận thức và ý thức trách nhiệm của quần chúng Nhân dân đối với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương được nâng lên.
H.O
--------------
1 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TS Trần Văn Thạch (chủ biên), Báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, Nxb Lý luận chính trị, 2020, tr26.
2 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TS Trần Văn Thạch (chủ biên), Báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, Nxb Lý luận chính trị, 2020, tr85.
3 Tác giả Trần Nam Chuân, Tạp chí Lý luận chính trị, 2011.
4 Tác giả Nguyễn Huy Hiệu, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4, 2014.
5 Tác giả Nguyễn Văn Lan, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 5, 2018.
6 Tác giả Lê Thị Hòa, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 4, 2017.

 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây