Nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới ở nước ta, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi hết sức cấp thiết, có vai trò quan trọng hàng đầu để khẳng định uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Từ nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu sai trái nhằm công kích Đảng với những hình thức chủ yếu: thông qua các tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài; khai thác tối đa các phương tiện truyền thông (sách, báo, tạp chí, mạng xã hội, internet,….); ra sức lôi kéo những người bất mãn, cơ hội chính trị để tạo ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta. Chúng thường xuyên đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau: Một là, các thế lực thù địch đưa ra nhiều luận điệu nhằm hạ thấp, phủ nhận thành quả mà đất nước ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Chúng khuyên chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa hiện tại, nên lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa để phát triển đất nước. Hai là, chúng ra sức kêu gọi giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp năm 2013, thậm chí chúng trắng trợn cho rằng:“Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”1. Ba là, các thế lực thù địch cho rằng, trong công cuộc đổi mới của Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, vẫn giữ nguyên bộ máy lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền của Đảng Cộng sản. Chúng cho rằng các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, nhưng trên thực tế các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn bị phân biệt đối xử trong cạnh tranh và tiếp cận các nguồn lực. Nói là xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng thực tế pháp luật không được tôn trọng, nhiều vụ việc thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng, “đảng cử dân bầu”, “quân xanh quân đỏ”2.
Đến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Một là, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới. Suốt 91 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách; đất nước ta đã tạo nên những kỳ tích mới, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Từ một nước có xuất phát điểm rất thấp, qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu mang tầm vóc và dấu ấn quan trọng. Quy mô nền kinh tế năm 2020, GDP đạt 271,2 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD3. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết, có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 20204. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, vị thế Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế. Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta khẳng định:“Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”5.
Hai là, khi tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, Đảng ta lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, làm cơ sở quan trọng để đổi mới các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có chính trị. Đảng ta đã từng bước giải quyết sáng tạo, hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới đất nước. Về đổi mới kinh tế, nước ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của thị trường, phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đổi mới kinh tế đã có nhiều thay đổi sâu rộng về cơ cấu thành phần kinh tế, chế độ và hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, hình thức tổ chức, cơ chế quản lý kinh tế. Đặc biệt, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần (kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể được củng cố, phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển) nhưng các thành phần kinh tế đều hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật, vẫn bảo đảm nhất nguyên về chính trị, giữ vững sự lãnh đạo duy nhất của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện nước ta. Về đổi mới chính trị, hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đường lối đổi mới ở Việt Nam ngày càng sáng rõ hơn, tiếp tục được bổ sung và phát triển. Sự lãnh đạo của Đảng không ngừng được đổi mới, thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội được xác định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, đảng viên và các tổ chức của Đảng phải tuân thủ và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng đã ban hành và triển khai nhiều quy định về phát huy vai trò, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhân dân, mọi đường lối, chủ trương, nghị quyết, tất cả quyết định của Đảng đều đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện, là Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả hơn. Vai trò của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được đề cao. Phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được thực hiện đồng bộ hơn, đảm bảo quyền lực Nhà nước thống nhất ở Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Tóm lại, với “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”6 đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng khát vọng của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”7.
ThS. Triệu Thanh Sơn
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ
---------------------
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,tr.51
2. PGS.TS Phạm Văn Linh (2021), Phê phán các luận điệu xuyên tạc về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam, 08/01/2021, (https://www.tuyengiao.vn).
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,
4. GS.TS. Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,16/5/2021, (https:/www.moha.gov.vn).
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,
7 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,