Đối ngoại quốc phòng nhằm mục tiêu vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Thứ ba - 08/08/2023 23:45 231 0
Giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ bản chất, mục đích của công tác đối ngoại quốc phòng, nhất là trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, là cách để chúng ta phản bác lại các quan điểm sai lệch hoặc cố tình "bóp méo" đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam.


Đại tướng Phan Văn Giang tiếp Thượng tướng Sengnouane Xayalath, Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh Lào ngày 11-5-2023. Ảnh: PHƯƠNG LINH


Trước hết, Việt Nam có quan điểm, chủ trương hết sức rõ ràng đối với chính sách đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng. Trong đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những nguyên tắc nền tảng của công tác đối ngoại thời kỳ đổi mới là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Đối với các vấn đề quốc tế và trong triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm và dựa vào các nguyên tắc này.

Nhân nói về chính sách quốc phòng, gần đây, một số tổ chức, cá nhân phản động, bất mãn đã lợi dụng các sự kiện nóng của quốc tế và phản ứng của Việt Nam, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quân đội để xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam. Chẳng hạn, họ nói một cách ẩn ý rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Nga thực chất là đi với nước này chống nước kia.

Về vấn đề này, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã chỉ rõ chính sách quốc phòng “4 không”, đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Gần đây nhất, phát biểu khi chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế diễn ra ngày 2-8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” nói trên.

Trước đó, chia sẻ khi đến thăm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington vào tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ rằng: Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.

Qua đó để thấy, việc lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm hoặc tham dự các diễn đàn, sự kiện tại Nga hay bất cứ quốc gia nào khác là nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đồng thời đóng góp và kiến tạo hòa bình. Đây là điều hết sức bình thường, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, cũng như xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các nội dung hợp tác dồn lại nhiều nên hoạt động thăm viếng, tiếp xúc, trao đổi và hợp tác thậm chí sẽ còn được đẩy mạnh và diễn ra sôi động hơn.

Xuyên tạc, cổ xúy cho tư tưởng Việt Nam “tham gia liên minh” hay quy chụp Việt Nam “đi với nước này chống nước kia” thực chất chỉ là quan điểm mang tính chống phá, cố tình hiểu sai bản chất vấn đề của một số cá nhân, tổ chức nhằm mục đích hạ thấp uy tín, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Thực tế cũng chứng minh đối ngoại quốc phòng đã góp phần to lớn vào thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh và xung đột. Thông qua đẩy mạnh, mở rộng quan hệ về quân sự, quốc phòng, chúng ta có thêm điều kiện để giữ vững an ninh trên bộ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tăng cường tiềm lực quốc phòng để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng các quốc gia và đối tác quốc tế giải quyết các thách thức an ninh chung.

Một trong những ví dụ điển hình cho những lợi ích mà đối ngoại quốc phòng mang lại đó là bảo vệ an ninh, thúc đẩy hợp tác hữu nghị ở biên giới trên bộ giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào tháng 3-2014, đến nay, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã trải qua 7 kỳ giao lưu với nội dung ngày càng thiết thực và có chiều sâu hơn. Song song với các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo quân đội hai nước ở khu vực biên giới là các hoạt động tặng quà, xây trường học, xây nhà văn hóa, khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân hai bên... Cùng với đó, sau mỗi lần giao lưu, công tác quản lý và bảo vệ biên giới, hợp tác cửa khẩu, kinh tế-thương mại biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuần tra chung... cũng được đẩy mạnh.

Đó không phải là những cuộc giao lưu mang tính phô trương, hình thức hay “làm màu” như một số đối tượng rêu rao, mà đã đem lại những hiệu quả to lớn, giúp khu vực biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì ổn định, an ninh trật tự được bảo đảm, hệ thống mốc quốc giới được giữ vững; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa nhân dân khu vực giáp biên cũng như lực lượng bảo vệ biên giới hai nước. Chẳng thế mà sau thành công của các chương trình giao lưu biên giới với Trung Quốc, vài năm trở lại đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với các nước bạn nhân rộng mô hình này thông qua việc lần lượt tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Lào và Campuchia. Ngay trong năm nay sẽ diễn ra Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất và Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8.

Rõ ràng, đối ngoại quốc phòng đã giúp biên giới không chỉ đơn thuần đóng vai trò xác định ranh giới lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước mà trở thành không gian để hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới. Hơn thế nữa, ở từng thời điểm khác nhau, các hoạt động hợp tác, đối ngoại quốc phòng những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thu hẹp khác biệt, giải quyết bất đồng, “tăng nốt thăng, giảm nốt trầm” trong quan hệ ngoại giao với một số nước. Dĩ nhiên, việc phát triển các mối quan hệ quân sự, quốc phòng tới tầm mức nào còn phụ thuộc vào khả năng, nhu cầu của Việt Nam và từng quốc gia, tùy thuộc vào tình hình cụ thể.

Bất luận ai cố tình phán sai, nói lệch thế nào, các hoạt động đối ngoại quốc phòng mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang triển khai vẫn là tấm gương phản chiếu chính sách quốc phòng vì hòa bình, tự vệ, hợp tác và phát triển./.

Theo qdnd.vn

Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay22,910
  • Tháng hiện tại620,891
  • Tổng lượt truy cập5,650,035
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây