Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay vào công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc

Chủ nhật - 03/03/2024 10:51 16.209 0
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin là nguyên tắt thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Nguyên tắc này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vận dụng nguyên tắc này sẽ góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc.
NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

* Phạm trù thực tiễn

Thực tiễn, theo quan niệm của Triết học Mác - Lênin, là hoạt động vật chất - cảm tính, mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn biểu hiện rất đa dạng với nhiều hình thức. Trong đó, có ba hình thức cơ bản là: hoạt động sản xuất vật chất (ví dụ về hoạt động sản xuất vật chất ta có thể thấy ở khắp mọi nơi trong cuộc sống như: trồng lúa, trồng khoai, dệt vải, sản xuất giày dép, ô tô, xe máy…), hoạt động chính trị - xã hội (ví dụ về hoạt động chính trị – xã hội là: đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thanh niên tham gia tình nguyện giúp đồng bào vùng sâu vùng xa…) và hoạt động thực nghiệm khoa học (dạng hoạt động này ra đời cùng với sự xuất hiện của các ngành khoa học. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay (cách mạng 4.0), hoạt động thực nghiệm khoa học ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Khoa học là một hình thức đặc biệt của thực tiễn, được tiến hành trong những điều kiện do con người tạo ra, gần giống, giống hoặc lặp lại những trạng thái của tự nhiên và xã hội nhằm xác định những quy luật biến đổi, phát triển của đối tượng nghiên cứu. Dạng hoạt động này có vai trò trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại).

Thực tiễn không phải là toàn bộ hoạt động của con người mà chỉ là những hoạt động vật chất - cảm tính, là những hoạt động mang tính lịch sử - xã hội của con người, là hoạt động có tính mục đích nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội phục vụ nhân loại tiến bộ.

Ý nghĩa thực tiễn thể hiện ở chỗ, nếu thực tiễn của con người càng phong phú, đa dạng, sâu sắc và hoàn thiện thì con người càng có khả năng phát hiện, vạch rõ mối liên hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng, do đó càng có khả năng thiết lập những khái niệm, phạm trù mới có ngoại diên rộng hơn, nội hàm sâu hơn so với những khái niệm, phạm trù mà con người đã có trước đó. 

* Phạm trù lý luận

Trong Diễn văn Khai mạc Lớp học lý luận khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) ngày 07/9/1957, Hồ Chí Minh quan niệm “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”. Theo quan niệm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, mọi lý luận chân chính đều bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn. Lý luận khoa học là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2021).

Lý luận có tính hệ thống, tính khái quát cao, tính lôgíc chặt chẽ. Cơ sở của lý luận là những tri thức kinh nghiệm thực tiễn và lý luận có thể phản ánh được bản chất sự vật, hiện tượng.

Ý nghĩa lý luận thể hiện ở chỗ, các phạm trù là chỗ dựa, là công cụ và phương tiện để nhận thức. Nhờ có chúng mà con người có thể tiếp cận và nhận thức thế giới một cách gián tiếp, bao quát được các sự vật, hiện tượng trong thế giới một cách thống nhất, nắm được bản chất của đối tượng trong sự vận động, biến đổi không ngừng.

Lý luận đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Lý luận khoa học góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng. Lý luận đóng vai trò định hướng, dự báo cho hoạt động thực tiễn, giúp hoạt động thực tiễn chủ động, tự giác, bớt mò mẫm, vòng vo.

* Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.

Lý luận xa rời thực tiễn, không vận dụng vào thực tiễn là lý luận sách vở, giáo điều. Thực tiễn là cơ sở, động lực của lý luận, là mục đích của lý luận và là tiêu chuẩn đánh giá sự đúng, sai của lý luận (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2021).

Thực tiễn không được soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo bởi lý luận khoa học là thực tiễn mù quáng. Lý luận khoa học đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn, góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng; lý luận, nếu phản ánh đúng quy luật vận động, phát triển của sự vật, của thực tiễn sẽ góp phần dự báo, định hướng đúng đắn cho thực tiễn; giúp cho thực tiễn bớt mò mẫm, đỡ vòng vo; chủ động, tự giác hơn. lý luận khoa học cung cấp cho con người những tri thức khoa học về tự nhiên, xã hội và về bản thân con người. Trên cơ sở những tri thức khoa học đó, con người có thể thông qua hoạt động thực tiễn làm biến đổi tự nhiên, xã hội và bản thân phục vụ cho mục đích của mình. Lý luận có tính độc lập tương đối so với thực tiễn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2021).

VẬN DỤNG NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN NAY

Trong mọi giai đoạn cách mạng, việc học tập lý luận chính trị có vai trò và ý nghĩa quan trọng, nhất là trong giai đoan hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Kiên định nền tảng lý luận của Đảng. Lịch sử Đảng 94 năm xây dựng và trưởng thành đã chứng minh, trong mọi hoàn cảnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn toàn tâm, toàn ý: “Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, xây dựng nền tảng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng phong phú, sinh động, giúp cho Đảng ta luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, tổ chức và tác phong công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”, “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào Việt Nam. Người có công truyền bá, đào tạo và gieo hạt giống đầu tiên của hệ tư tưởng cách mạng và khoa học ấy vào Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Hồ Chí Minh là người vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa vào nước ta phù hợp điều kiện tình hình nước ta “cách mạng thuộc địa có thể giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc”. Người đã lãnh đạo thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố chủ quan hoàn thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên được Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 thông qua đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”.

Trong diễn văn Khai mạc Lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc (07/9/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc vận dụng lý luận vào thực tiễn Việt Nam trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Phải nắm vững điều kiện đặc biệt của nước ta “là một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu”.

Đại hội VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện dựa trên phân tích thấu đáo điều kiện, hoàn cảnh đất nước và nhận thức rõ hơn những vấn đề của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những luận điểm của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh. Đại hội VI đã tổng kết những bài học lớn có giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn, trong đó nhấn mạnh bài học: “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.

Hiện nay, mô hình tổng quát về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có những đặc trưng tiêu biểu, đó là: “Một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới” (Nguyễn Phú Trọng, 2022).

CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Các thế lực thù địch dùng mưu sâu kế hiểm để bôi nhọ, phủ định sạch Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc, hạ thấp vai trò của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Trải qua những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước đã được hoàn toàn độc lập, thống nhất. Những năm 1930–1954, chủ nghĩa xã hội mới chỉ là định hướng phát triển. Từ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội được thực hiện trên phạm vi miền Bắc. Tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 – 1975) và trên cả nước (1975 - 1986) và công cuộc đổi mới hiện nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, tỏ rõ tính ưu việt và sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam với những thành tựu to lớn: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, liên tục; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Nguyễn Phú Trọng, 2022).

Có thể khẳng định rằng, Đảng ta lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn khách quan, khoa học, trên cơ sở “ý Đảng” - “lòng dân”, phù hợp với thực tế đất nước và xu thế của thời đại. Mặc dù đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, song, chủ nghĩa xã hội vẫn là khát vọng, lý tưởng, mục tiêu tốt đẹp mà loài người đang hướng tới.
TS. Huỳnh Văn Tánh
Học viện Chính trị khu vực IV
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận, 2005. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2021. Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị). Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
3. Nguyễn Phú Trọng, 2022. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật
Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay18,947
  • Tháng hiện tại590,113
  • Tổng lượt truy cập5,619,257
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây