Biểu tượng Trường Sa trên khắp 3 miền

Thứ năm - 06/07/2023 04:44 463 0
Ba miền đất nước nơi đâu cũng có những mô hình cột mốc Trường Sa thiêng liêng, thể hiện tình cảm tha thiết mà người dân dành cho biển đảo.

Ở quần đảo Trường Sa thân yêu, có lẽ không biểu tượng nào thiêng liêng bằng cột mốc chủ quyền. Không chỉ là các công trình minh chứng cho độc lập chủ quyền, hình ảnh những cột mốc này còn khắc sâu trong ký ức, tâm thức bao người Việt Nam, nhắc nhớ chúng ta về lòng tự tôn dân tộc.

Biểu thị lòng yêu nước

Nhiều người mong ước ngày nào đó có cơ hội vượt trùng khơi ra tận Trường Sa để thăm các chiến sĩ hải quân, ngắm nhà giàn DK1 và đặc biệt là được một lần khẽ chạm vào cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Song, vì khoảng cách địa lý mà ước mơ đó vẫn chưa thực hiện được với nhiều người.

Với tấm lòng luôn hướng về biển đảo, nhiều người đã dày công, tâm huyết tạo ra những mô hình cột mốc Trường Sa ở đất liền. Bất kỳ ai đến xem những mô hình ấy cũng cảm nhận rằng dẫu dấu chân mình chưa được đặt lên Trường Sa nhưng lòng mình như đã ở đó rồi.

"Mảnh đất thép" xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - nơi 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc - đã khởi công xây dựng công trình ý nghĩa này vào tháng 8-2016. Công trình hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6.12.1989 - 6.12.2016) theo nguyện vọng của những cựu chiến binh một thời vào ra lửa đạn, công tác, chiến đấu ở Trường Sa và tất cả người dân tại xã ven biển này.

Công trình được xây dựng theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, có chiều cao 6 m tính từ chân đế đến đỉnh cột, rộng 1,7 m, đúc bê-tông cốt thép vô cùng chắc chắn. Công trình có ý nghĩa như một sự kết nối giữa truyền thống hào hùng của vùng đất Bình Dương với tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của thế hệ hôm nay.

Trong khi đó, ở Đà Nẵng, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2016 đã trao bằng xác lập kỷ lục "Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất" cho ông Trần Văn Xuất.

 

Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông của ông Trần Văn Xuất được công nhận kỷ lục Việt Nam.

Người cựu lính đảo này luôn đau đáu niềm thương nhớ Trường Sa nên ông đã nảy ra sáng kiến đặc biệt. Cột mốc được ông ghép từ nhiều miếng đá màu đen, đánh bóng và điêu khắc tỉ mỉ, công phu, hoàn thành sau 4 tháng. Mô hình cao 6 m, rộng 1,5 m, bốn mặt đều khắc dòng chữ lớn: Đảo Trường Sa Đông, vĩ độ 08 độ 55 phút, kinh độ 112 độ 21 phút. Cạnh đó, ông Xuất trồng thêm 2 cây bàng vuông tỏa bóng xanh mát. Công trình không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân và du khách mà còn là nơi để đồng đội ông tìm đến hội ngộ sau bao năm xa cách.

Rời miền Trung, chúng tôi lên huyện Cẩm Khê ở vùng đất Tổ Phú Thọ và ghi nhận 25 cột mốc Trường Sa giống như thật xuất hiện ở 25 trường học. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, huyện Cẩm Khê đã hiện thực hóa ước mơ được thấy cột mốc Trường Sa của các em học sinh chỉ trong 2 tháng 3 và 4-2021.

Nhằm tăng thêm tình yêu biển đảo cho học sinh, Quận Đoàn Thốt Nốt, TP Cần Thơ cũng đã dựng cột mốc Trường Sa ngay trong sân một số trường học trên địa bàn. Những thông tin cần thiết được ghi đầy đủ trên các cột mốc này.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sinh - ở thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - lại ấp ủ ý tưởng tạo mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng đất sét nung dù chưa lần nào đặt chân đến quần đảo thiêng liêng này. Năm 2013, sau một lần được ngắm mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trên đỉnh Hòn Me ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, anh liền bắt tay đúc thử nghiệm mô hình này từ nguyên liệu đất sét.

Sản phẩm anh Sinh tạo ra đạt độ chuẩn xác cao và đẹp mắt, không khác gì phiên bản chính. Cứ thế, sản phẩm của anh được nhiều người yêu thích, mua về làm kỷ niệm.

 

Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa đặt tại Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM.

Chúng ta là những người của thế hệ kế thừa di sản độc lập, tự do quý giá mà cha ông phải đổ biết bao xương máu mới có được. Vậy nên, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta - nòng cốt là giới trẻ tràn đầy nhiệt huyết - phải có ý thức giữ gìn, đoàn kết sức mạnh, cùng nhau làm nên những cột mốc sống bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng, vì sự trường tồn của non sông, gấm vóc và vị thế một nước Việt Nam phát triển bền vững, độc lập, tự cường, thịnh vượng.

Mỗi người trẻ hãy là một cột mốc sống

Cách đây chưa lâu, ngày 23-12-2021, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM tổ chức lễ khánh thành mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo.

Mô hình cao 3 m, đế rộng 2 m, đặt trong khuôn viên của ủy ban; do ông Lê Hồng Quân - kiều bào Angola - chuyển từ Hà Nội vào để trao tặng nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Điều này cho thấy kiều bào ta dù ở nơi đâu trên thế giới cũng luôn dành tình cảm đặc biệt với biển đảo quê nhà.

Ba miền đất nước nơi đâu cũng có những mô hình cột mốc Trường Sa thiêng liêng, thể hiện tình cảm tha thiết mà người dân dành cho biển đảo của Tổ quốc.

Các cột mốc dù ở trên đảo hay đất liền đều mang thông điệp nhất quán, trước sau như một: Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa. Đó chính là biểu tượng tinh thần vô giá, góp phần xác quyết chủ quyền, khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Với riêng thế hệ trẻ hôm nay, nhiều em nghe nói nhiều về biểu tượng cột mốc chủ quyền Trường Sa nhưng chưa ra đảo lần nào. Vậy nên, những mô hình này phần nào giúp rút ngắn khoảng cách đất liền và hải đảo, tiệm cận với những hiểu biết về Trường Sa thân yêu.

Các em có cơ hội chạm, ôm cột mốc, nghe thầy cô giải thích về kinh độ, tọa độ để xác định vị trí của đảo trên bản đồ; nghe kể chuyện về Trường Sa cũng như cuộc sống còn khó khăn của những chiến sĩ hải quân. Hình ảnh sinh động hiện hữu ở học đường là tư liệu quý giá, giáo dục các em về lòng yêu nước. Ý thức hình thành cho các em vững chắc lập trường rằng Trường Sa muôn đời là quần đảo của Việt Nam.

Chỉ khi học và biết rõ như thế, các em sẽ càng thêm yêu Trường Sa, thêm quý những chú bộ đội, chiến sĩ hải quân bồng chắc tay súng trong tay canh giữ đất trời ngày đêm. Mỗi chiến sĩ đã là biểu trưng cho cột mốc chủ quyền nơi hải đảo, biên cương.

Mong rằng trong thời gian tới, các mô hình giàu tính sáng tạo tiếp tục lan tỏa sâu rộng, để mỗi người dân luôn thấy biển đảo ở rất gần bên mình trong từng nhịp đập, hơi thở cuộc sống; để nhắc nhở thế hệ trẻ ra sức học tập, cống hiến, góp sức xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Và, mỗi người trẻ hãy là một cột mốc sống như thế! 

Bài và ảnh: Hạnh Phúc

(Theo Báo Người Lao động)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây