Tấm bản đồ thiêng liêng

Chủ nhật - 02/07/2023 23:07 226 0
Kỷ vật quý giá và thiêng liêng của tôi chính là tấm bản đồ "hải trình thăm các đảo" mà tôi đặt chân đến. Nó cho tôi niềm tự hào về Trường Sa thân yêu.

Những ngày cuối mùa khô năm 2022 khi gió Tây Nam chưa thổi mạnh cũng là dịp những chuyến hải trình đưa các đại biểu đất liền ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên những hành trình ấy là cảm xúc, sự khâm phục ý chí của quân và dân ta đang sinh sống và chiến đấu ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Đoàn công tác số 6 của chúng tôi ngày ấy là những đại biểu xuất sắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... mang theo những niềm tin ở đất liền ra với Trường Sa thân yêu. Mỗi lần ghé thăm, các đại biểu đều ghi lại khoảnh khắc những kỷ niệm với các chiến sĩ, người dân trên đảo. Chúng tôi đem về những kỷ vật giản dị từ đảo như cây bàng vuông, vỏ ốc... Ai cũng gói ghém thật kỹ, nâng niu, trân trọng những món quà ấy.

 

Tấm bản đồ hải trình qua các đảo trong chuyến thăm Trường Sa năm 2022 của tác giả

Riêng tôi, kỷ vật quý giá và thiêng liêng nhất chính là tấm bản đồ "hải trình thăm các đảo" mà tôi đặt chân đến.

Gọi là "thiêng liêng" vì trên đó đã in dấu mộc đỏ những địa danh của huyện đảo xa xôi nhất Tổ quốc mà không phải ai cũng có cơ hội đến thăm. Đó là một xã đảo Song Tử Tây với bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, xã đảo Sinh Tồn nơi cây xanh phủ kín bóng mát, hay chỉ là các cụm đảo chìm: Đá Lát, Cô Lin, Đá Đông C, Tốc Tan... nằm giữa trùng khơi sóng vỗ.

Gọi là "thiêng liêng" vì ngoài dải đất Việt Nam hình hài chữ S, trên tấm bản đồ còn có những "dấu chấm đỏ" khắc ghi những hòn đảo của Tổ quốc, mà để bảo vệ những hòn đảo này, biết bao liệt sĩ đã đổi bằng máu. Để từ đó tôi tự nhủ lòng mình cần phải biết, hiểu và hành động hơn nhằm lên án khi thấy những tấm bản đồ bị sai lệch thông tin, không có 2 huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên không gian mạng, phim ảnh hay các sản phẩm trong và ngoài nước. Đó là tinh thần yêu nước với quan điểm "Chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm".

Điều đọng lại trong tôi qua chuyến hành trình là mỗi khi chia tay đảo, tôi vẫn khắc khoải lời nhắn gửi về đất liền từ những người lính: "Hậu phương hãy yên lòng, dù có hy sinh chúng tôi vẫn quyết tâm giữ đảo, bảo vệ toàn vẹn vùng lãnh hải của Tổ quốc". Tôi cảm nhận câu nói ấy hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về tình yêu Tổ quốc, về sự đồng lòng, chung sức bảo vệ không của riêng ai. Tôi cũng hiểu rằng để được đặt chân đến với Trường Sa là một hạnh phúc lớn lao và chính vì thế mà mỗi đại biểu ra thăm đảo hãy là "một sứ giả" của Trường Sa, của biển đảo quê hương. Tất cả cùng hành động, tuyên truyền đến với mọi người "có một Trường Sa gian khó mà bất khuất", như tri ân lời nhắn mà người lính gửi về đất liền.

Cây bàng vuông được tác giả tặng Trường THCS Trường Sa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Với mong mỏi đóng góp một phần nhỏ bé vì Trường Sa thân yêu, tôi quyết định tặng cây bàng vuông được người dân đảo Trường Sa trao trong chuyến hải trình năm ấy để trồng trong khuôn viên Trường THCS Trường Sa ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó là hàng chục bức ảnh được ghi lại về nhịp sống quân và dân huyện đảo triển lãm ngoại khóa cho học sinh của trường. Nhìn thấy cuộc sống "Trường Sa thu nhỏ", nhiều học sinh đã hiểu hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các em cùng nhau vẽ tranh, viết thư động viên để nhờ thầy cô giáo gửi ra cho các chú bộ đội Hải quân.

Không chỉ tôi, những người bạn của tôi trong hành trình năm ấy cũng đã thực hiện nhiều việc ý nghĩa hướng về biển đảo. Người thì thăm hỏi gia đình những chiến sĩ đã từng gặp ở đảo; người xây dựng các dự án hỗ trợ nhu yếu phẩm, giới thiệu các ứng dụng chuyển đổi số tìm việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Một vài nhiếp ảnh gia tổ chức triển lãm ảnh giới thiệu đời sống ngư dân, người lính hải quân... Tất cả chúng tôi đều có chung tình yêu, trách nhiệm với biển đảo nói riêng và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nói chung, nhằm vun đắp cầu nối tình yêu đảo xa cho mọi người.

Riêng tấm bản đồ hải trình theo con tàu Khánh Hòa 561 lướt qua bao vùng biển của Tổ quốc thân yêu, tôi đặt trang trọng trên bàn làm việc của mình. Nó cho tôi niềm tự hào về Trường Sa thân yêu. Nó nhắc nhớ tôi ngoài khơi kia, những chiếc thuyền ngư dân vẫn vươn khơi bám biển với lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, vượt qua bão giông để mỗi ngày vẫn hiện diện trên vùng biển chủ quyền mà cha ông ta đã xác lập, đánh dấu.

Và ở đó, các chiến sĩ vẫn chắc tay súng, can trường bảo vệ đường biên của Tổ quốc. 

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG

(Theo Báo Người Lao động)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây