Bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội theo tinh thần “7 dám”

Thứ ba - 11/07/2023 05:36 700 0
Bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, sĩ quan trẻ trong Quân đội nói riêng theo tinh thần “7 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung) là nội dung quan trọng, quyết định đến sự nghiệp xây dựng Quân đội hiện nay.

Phát biểu trong Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung". Theo đó, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám” là nội dung quan trọng, quyết định đến sự nghiệp xây dựng Quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Đội ngũ sĩ quan trẻ là một bộ phận sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là lực lượng kế cận, kế tiếp đội ngũ sĩ quan cấp chiến dịch, chiến lược trong xây dựng, phát triển Quân đội; có tuổi đời dưới 35, cấp bậc quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá; là lực lượng chính trong tổ chức, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực thi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Vai trò đó đòi hỏi đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội phải có trình độ, năng lực toàn diện, phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng. Đặc biệt hơn, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, văn hóa ngoại lai, các tệ nạn xã hội gia tăng rất dễ lôi kéo sĩ quan trẻ tham gia; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cũng đang có những tác động tiêu cực đến đội ngũ sĩ quan trẻ... Vì vậy, cần bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội theo tinh thần “7 dám”.

 
Cán bộ, sĩ quan trẻ Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vươn lên làm chủ khí tài hiện đại. Ảnh: Đặng Đồng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích và chỉ rõ: Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tôi yêu cầu trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra, bởi người cán bộ, chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị. Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đòi hỏi phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, đội ngũ sĩ quan trẻ nói riêng theo tinh thần “7 dám”.

Thực tế, thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều giải pháp quan tâm, động viên, đào tạo, bồi dưỡng, định hướng và phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ sĩ quan trẻ phấn đấu, trưởng thành. Đồng thời, tăng cường công tác huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, tập trung vào việc nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị, phát huy khả năng tác chiến, ứng phó với mọi tình huống, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mặc dù, đội ngũ sĩ quan trẻ thực hiện nhiệm vụ khó khăn, vất vả, tại các vùng biên giới, hải đảo, đối mặt với nguy hiểm nhưng đội ngũ sĩ quan trẻ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, trong khi đại đa số cán bộ Quân đội có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ thì hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhất là sĩ quan trẻ chưa có đủ “7 dám” như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặt khác, một số cán bộ, sĩ quan trẻ thiếu nhiệt huyết phấn đấu, muốn chuyển ngành. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng, của toàn quân nói chung. Bên cạnh đó, vẫn có cán bộ, sĩ quan trẻ không chỉ “thua” về bản lĩnh, lòng nhiệt tình cách mạng, ý chí phấn đấu so với thế hệ cha anh, mà còn hạn chế về sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, sức chịu đựng khó khăn, gian khổ, trình độ và năng lực hành động thực tiễn... Đối chiếu với tiêu chuẩn “7 dám” thì không ít cán bộ, sĩ quan trẻ chưa đạt được, nhất là việc dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung - những phẩm chất quan trọng hàng đầu của cán bộ Quân đội. Do vậy, cần có những biện pháp đột phá trong bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ theo tinh thần “7 dám”.


Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị và đại biểu trao đổi tại tọa đàm cán bộ, sĩ quan trẻ toàn quân khu vực phía Bắc. Ảnh: Nguyên Minh.


Trước hết, cấp uỷ, chỉ huy, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp trong Quân đội phải thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ sĩ quan trẻ, nhằm nâng cao trình độ năng lực, trước hết là năng lực tổ chức huấn luyện bộ đội và công tác tham mưu tác chiến. Đó cũng là cơ sở để từng sĩ quan trẻ nắm vững quan điểm nguyên tắc huấn luyện của Đảng, trước hết là phương châm huấn luyện “Cơ bản - thiết thực - vững chắc” đồng bộ và chuyên sâu với yêu cầu “giỏi cấp mình, biết cấp trên và thành thạo cấp dưới”. Tăng cường các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất người sĩ quan Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý điều hành của Nhà nước, có niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của đội ngũ sĩ quan trẻ trong đơn vị, đánh giá đúng về phẩm chất, năng lực, trình độ, động cơ phấn đấu, ý thức trách nhiệm của sĩ quan trẻ để có hướng bồi dưỡng, sử dụng phù hợp, phát huy tốt những ưu điểm của sĩ quan trẻ; mạnh dạn trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, sĩ quan trẻ, tạo điều kiện, giao nhiệm vụ, thử thách để sĩ quan trẻ trưởng thành. Lãnh đạo, chỉ huy phải thường xuyên gần gũi, động viên, giúp đỡ kịp thời những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho đội ngũ sĩ quan trẻ yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, để đội ngũ sĩ quan trẻ có đủ tài, đức đáp ứng ứng tốt tinh thần “7 dám”, công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ phải gắn chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, tư duy độc lập sáng tạo, tinh thần ham học học hỏi, cầu tiến bộ; luôn trau dồi phẩm chất của người quân nhân cách mạng, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện hoạt động khó khăn, vất vả.

Đồng thời, cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý, lãnh đạo, chỉ huy bộ đội, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ sĩ quan trẻ trong đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Từng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công tác cho sĩ quan trẻ noi theo. Đặc biệt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, có đời sống văn hóa, tinh thần trong sạch lành mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động. Thường xuyên quan tâm đến quyền lợi chính trị, những nhu cầu chính đáng, đảm bảo tốt đời sống vật chất và tinh thần, quan tâm giải quyết tốt chính sách hậu phương Quân đội./.

 
Ths. Phạm Hồng Hải
(Theo https://dangcongsan.vn/)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây