Ảnh minh họa: MInh Lương
Một số kết quả tích cực
Một là, kết quả thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 47-CTr/TU ngày 27/12/2022 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, góp phần phát huy nguồn lực quan trọng từ đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện về đất đai trên địa bàn thành phố, cụ thể: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; có cơ chế, phương pháp xác định theo nguyên tắc thị trường; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử đất trên địa bàn thành phố, theo đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 đối với các khu đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố như: Kè và đường sau kè sông Cần Thơ; Âu thuyền Cái Khế; Khu tái định cư phường Long Hòa (khu 2); dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1); Khu đô thị tái định cư Cửu Long…
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, Thành ủy Cần Thơ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trên địa bàn thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bám sát Chương trình hành động để xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, sát với tình hình thực tế của từng lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn; cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, theo đó, ngành chuyên môn đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện Xây dựng Nền tảng quy hoạch không gian thành phố (SPP) thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Đến nay, đã hoàn thành hạng mục công việc chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền GIS 16 lớp dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường; đã xây dựng, hoàn thiện Cổng dữ liệu nền tảng quy hoạch không gian thành phố phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cổng thông tin SPP đang vận hành thử nghiệm tại địa chỉ https://gis.cantho.gov.vn với các chức năng tra cứu thông tin đất đai, thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tiếp tục vận hành Hệ thống quản lý đất đai VBDLIS tại 6/9 quận huyện. [2, tr.5]
Bốn là, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với 37 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó: 01 cuộc kiểm tra việc quản lý, sử dụng và cho thuê các khu đất công, đất bãi bồi thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ô Môn3; 36 cuộc thanh tra (theo kế hoạch và đột xuất) về việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với 86 tổ chức. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp, tổng số tiền phạt và nộp lại do thu lợi bất hợp pháp là 745.633.532 đồng, đã nộp ngân sách Nhà nước 665.633.532 đồng; đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt [2, tr.6].
Riêng đối với công tác xử lý đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan lĩnh vực đất đai, ngành chuyên môn đã tiếp nhận và xử lý 85 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi qua dịch vụ bưu chính. Xác minh, tham mưu giải quyết 34 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao (Trong đó: 16 vụ đã tổ chức đối thoại với người khiếu nại và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại; 16 vụ đã xác minh xong, hiện đang sắp lịch tổ chức đối thoại; 02 vụ đang xác minh). Đồng thời, tiếp nhận và xử lý 34 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của pháp luật và hồ sơ thu thập từ các đơn vị có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 01 đơn; chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 24 đơn; xếp lưu 09 đơn [2, tr.6].
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW
Bên cạnh những kết quả bước đầu về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trong thời gian qua, tại thành phố Cần Thơ vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường được quan tâm thực hiện nhưng chưa kịp thời, dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn chậm; công tác quản lý nhà nước tại địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, phải xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng đất đai do quy hoạch các ngành thường không thực hiện đồng bộ; công tác dự báo, nắm bắt tình hình, nhất là nhu cầu sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức, có mặt chưa sát thực tiễn; việc bố trí sử dụng đất có nhiều thay đổi so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, nên phải thường xuyên cập nhật điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện quy hoạch. Diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích nhưng chậm đưa vào sử dụng còn khá lớn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chưa cao do đó vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích và không hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng dự án. Một số văn bản quy định về giá đất, quy định về thu tiền sử dụng đất, đơn vị thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất còn một số nội dung chưa được xác định đầy đủ, rõ ràng, còn chồng chéo, dẫn đến công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố còn lúng túng, chưa kịp thời, phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương…
Để tiếp tục thực hiện việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Cần Thơ cần quan tâm thực hiện các nội dung sau:
Một là, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng.
Hai là, tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; tuân thủ các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Ba là, đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai trên địa bàn thành phố; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tăng cường công tác hòa giải tranh chấp đất đai, tập trung xử lý dứt điểm các tranh chấp đất đai phức tạp, không để tồn đọng, kéo dài, phát sinh điểm nóng.'
Bốn là, chú trọng giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất thông qua việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai, đặc biệt đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh; trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước; đất được sử dụng đa mục đích; những tồn tại, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại…
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất thông qua việc đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp; tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm khi thi hành và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai, nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả.